Phẩm 12: Bố thí thân thể, tài bảo không hối tiếc
Phẩm thứ mười hai
Bố thí thân thể, tài bảo không hối tiếc
Ai đó vì tham tự mình trộm,
Hoặc xúi người trộm cướp của ta.
Lòng vẫn xót thương ta hồi hướng,
Thân thể, tài sản cùng thiện nghiệp.
Mà ta đã tích lũy nhiều đời,
Nguyện tặng cho người không hối tiếc.
Như thế mới là hạnh Bồ đề.
Còn một cách thực hành đơn giản khác về hạnh bố thí: bạn có một thứ gì đó trong tay phải và khi đưa nó sang tay trái, tưởng tượng rằng bạn đang trao mọi của cải, sự giàu có và mọi sở hữu…, tất cả mọi thứ quý giá nhất của mình cho cha mẹ yêu kính, bạn bè hay bất kỳ một người nào khác. Thực tế, lúc này chẳng có gì cho đi và đây chỉ là một sự luyện tập. Ngay cả khi nó như một trò chơi trẻ con, nhưng đó là cách luyện tập bởi trên con đường thực hành chúng ta vẫn đang ở cấp độ mẫu giáo, thậm chí chưa được là mẫu giáo. Hạnh bố thí sẻ chia cần phải được bắt đầu cẩn trọng, nhẹ nhàng và dần dần chúng ta có thể thực hành những điều to lớn hơn, vĩ đại hơn. Qua sự thực hành này, chúng ta giảm bớt sự bám chấp vào bản ngã, vào của cải vật chất và những hạnh phúc của riêng mình cho đến khi chúng ta có thể chia sẻ và thực sự cho và nhận với tha nhân. Dần dần, bạn có thể thực hành sự bình đẳng. Hãy biết sẻ chia! Tại sao không! Đây là thứ tôi có: hạnh phúc, nguyên nhân của hạnh phúc. Bạn có thể có một nửa và tôi có thể có một nửa: 50/50. Đây là bước đầu tiên bạn tu tập về pháp này bởi vì hiện tại bạn chưa thể chia sẻ cho người khác được 50 phần trăm những gì bạn có. Chúng ta chỉ khư khư muốn giữ 100% mọi thứ cho bản thân và đây là thái độ điển hình của chúng sinh trong luân hồi. Chúng ta không thể đổ lỗi này cho bất kỳ ai bởi đó là đặc trưng của luân hồi. Cùng với sự thực hành, dần dần bạn sẽ biết sẻ chia phần nào những gì tốt đẹp mình đang có, chẳng hạn như: “Tôi cần hạnh phúc, bạn cũng cần hạnh phúc và tôi có hạnh phúc, tại sao tôi lại không chia sẻ?” Thái độ này là bước đầu thực tập. Bằng việc thực hành luyện tập liên tục pháp này, dần dần bạn có thể cho đi tất cả hạnh phúc và nguyên nhân hạnh phúc của bạn tới tha nhân một cách vô ngã, không hề nuối tiếc. Đó chính là phẩm hạnh của bậc đại Bồ tát. Khi đạt đến trạng thái này, bạn sẽ không bao giờ mong muốn gì cho bản thân. Hành động của các đại Bồ tát luôn là những công hạnh hướng đến lợi ích của tha nhân.
Động cơ của các đại Bồ tát rất mạnh mẽ. Người ta có thể hỏi: “Cho tôi đôi mắt?” và các ngài sẽ đáp lại: “Vâng! Xin sẵn sàng!” Không bao giờ các ngài đặt ra câu hỏi kiểu như: “Tại sao bạn muốn lấy đôi mắt tôi? Đó là mắt tôi chứ không phải mắt bạn?” Các ngài sẽ không tranh cãi gì hết trước yêu cầu: “Cho tôi đôi mắt của ngài?” mà sẽ luôn lập tức trả lời một cách vô điều kiện rằng: “Vâng, xin sẵn sàng.” Đây là phẩm hạnh của một đại Bồ tát. Người này cần đôi mắt vì vậy tôi sẽ tặng họ đôi mắt tôi, chỉ có vậy. Và không chỉ đôi mắt tôi mà cả sinh mạng của tôi. Nếu tôi là một đại Bồ tát và bạn muốn sinh mạng tôi, hãy lấy nó. Đó là tâm nguyện của tôi. Tôi dâng tặng nó vô điều kiện.
Bây giờ chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất lớn giữa những người còn mắc kẹt trong sinh tử như chúng ta và những vị Bồ tát hay các bậc đã ở ngôi Thập địa. Quan điểm của chúng ta rất ích kỷ còn các ngài thì vô ngã. Các ngài cũng không chút khổ đau. Chỉ đơn giản là cho đi đôi mắt. Mặc dù về thể chất có vẻ chẳng hay ho chút nào, nhưng về tinh thần khi làm điều này các ngài đã hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Ngay cả trả giá bằng việc hy sinh thân mình hay máu chảy thịt rơi, các ngài vẫn hoan hỉ thực hiện điều này bởi các ngài đã sẵn sàng tâm lý cho công hạnh lợi ích tha nhân đó.
Điều này khác xa với một người vẫn đang khổ đau cố ép bản thân bố thí thân thể, hoặc ai đó ép buộc họ phải bố thí. Trừ khi người đó đã được chuẩn bị tâm lý kỹ càng nếu không thì hành động bố thí mắt, ngón tay hay bất kỳ bộ phận nào tương tự theo giới luật của Bồ tát đều tuyệt đối bị cấm! Cả chủ trương và giáo lý về Bồ tát đạo đều coi đó là một tội ác to lớn. Người đó bắt buộc phải được chuẩn bị chân chính, xác thực qua rèn luyện tâm linh, trưởng dưỡng Bồ đề tâm trong nhiều đời hoặc ít nhất trong nhiều năm. Chẳng hạn, một trong những vị Thượng sư trong dòng Truyền thừa của tôi vào cuối thế kỷ 19 đã toàn tâm toàn ý thực hành Bồ đề tâm một cách tinh tiến cả ngày lẫn đêm trong suốt 13 năm và đã đạt đến trạng thái đại Bồ tát trong đời đó. Thực ra 13 năm không phải là nhiều, nhưng đối với chúng ta thời gian đó khá dài bởi chúng ta luôn mong ngóng con đường nhanh và dễ dàng nhất để đạt giải thoát!
Trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt giác ngộ, Ngài đã từng là một đại Bồ tát. Trong vô số kiếp Ngài đã bố thí sinh mạng và thân thể mình. Trong một kiếp của mình Ngài đã bố thí toàn bộ thân thể cho một con hổ và ngày nay chúng ta vẫn có thể chiêm bái thánh địa linh thiêng nơi xảy ra sự kiện này tại Nepal. Con hổ đói đang định ăn thịt chính con mình và do lòng từ bi, thấu hiểu điều sắp xảy ra, ngài quyết định bố thí thân thể. Thậm chí khi thấy con hổ quá yếu nên nó không thể ăn thịt, ngài đã cắt mạch máu cho hổ liếm máu của mình và cuối cùng để nó ăn thịt Ngài. Đức Long Thọ Bồ Tát cũng bố thí thân mình, rất nhiều bậc Bồ tát đã bố thí thân thể, mắt mũi, và những sở hữu của mình để lợi ích chúng sinh!
Một trong số đại đệ tử của Đức Long Thọ Bồ tát là một vị Hoàng đế. Ngài đã ban cho Đức vua sự gia trì trường thọ, và đương nhiên Ngài Long Thọ Bồ tát cũng sống rất trường thọ. Người con trai của Đức vua có một tư tưởng xấu ác, anh ta muốn đăng quang và chờ đợi ngày Phụ vương, hiện đã già, sớm quy tịch. Vị Hoàng hậu, mẫu thân nói với Hoàng tử rằng: “Cha con đã được Đức Long Thọ Bồ tát gia trì, do vậy Ngài sẽ không bao giờ chết, trừ khi Đức Long Thọ Bồ tát viên tịch. Nhưng Đức Long Thọ Bồ tát sẽ không bao giờ viên tịch, vì thế đây là một tin xấu với con.” Điều này khiến Hoàng tử rất buồn khổ. Trông thấy con trai tiều tụy, khổ đau, Hoàng hậu bèn nói tiếp với Hoàng tử rằng: “Đức Long Thọ là một đại Bồ tát, con chỉ cần đến và xin thủ cấp của Ngài, khi đến diện kiến Ngài, chỉ cần nói: “Nếu có thể xin, hãy cho tôi cái đầu của Ngài, chắc chắn Ngài sẽ tặng nó cho con. Điều này có nghĩa là Ngài sẽ tịch và Phụ thân con sẽ chết ngay tức khắc, đây là giải pháp duy nhất.” Vị Hoàng tử nghe lời và đó là cách Ngài Long Thọ viên tịch.
Có một liên hệ nghiệp trong câu chuyện này. Khi Hoàng tử đến xin thủ cấp, Bồ tát Long Thọ trả lời: “Tôi rất vui khi cho đi đầu của mình, hãy lấy nó.” Vị Hoàng tử có một con dao lớn và cố gắng chặt đầu Ngài nhưng hoàn toàn không thể. Hoàng Tử cố gắng thử nhiều lần, nhưng vẫn không thể khiến đầu Ngài lay chuyển. Thấy vậy, Bồ tát Long Thọ bèn nhập sâu trong thiền định rồi nói với Hoàng Tử rằng: “Hoàng tử không thể chặt đầu tôi bằng con dao đó, bởi con dao đó và những thứ khác không thể giết được tôi. Nếu Hoàng tử thật sự muốn cái đầu này thì có một cách. Cách đây vô số kiếp, tôi đã từng là một thiếu nữ du mục và phải cắt cỏ cho gia súc. Trong lúc đó, lá cỏ đã cắt đứt cổ một chú kiến nhỏ và đây là nghiệp duy nhất còn lại đến ngày nay. Do đó, nếu Hoàng tử thực sự muốn lấy đầu tôi, hãy lấy lá cỏ đó, nó sẽ cắt được đầu tôi.” Sau đó Hoàng tử lấy một lá cỏ, làm như Ngài Long Thọ dạy, thế là đầu của Ngài rơi xuống.
Câu chuyện không những chỉ kể cho chúng ta nghe cách thức các đại Bồ tát bố thí thân thể mình như thế nào cho chúng sinh, mà còn nhấn mạnh đến tiến trình vay trả của nghiệp. Tuy Bồ tát Long Thọ có nghiệp như thế, nhưng Ngài đã rất từ bi khi nói cho Hoàng tử biết cách để cắt đầu Ngài. Nếu là tôi, tôi sẽ giữ bí mật đó và nói rằng: “Ngươi không thể giết được ta”. Nhưng vì Bồ tát Long Thọ biết Hoàng tử rất muốn đầu của Ngài. Là một vị Bồ tát vĩ đại, Ngài đã nói thật cho Hoàng tử biết được bí mật để cắt đầu Ngài. Bạn có thể tưởng tượng được điều đó không, đó là sự khác biệt giữa Bồ tát Long Thọ và tôi. Có thể tôi sẽ nói: “Được rồi hãy cắt đi” nhưng khi anh ta không thể cắt được đầu tôi với con dao của anh ta, thì tôi sẽ rất vui mừng và giữ bí mật. Còn Bồ tát Long Thọ thì rất từ bi và bởi vì vẫn còn một cái nghiệp thú vị nên chỉ một lá cỏ mỏng manh có thể cắt được đầu Ngài chứ không phải là một con dao sắc bén
Bất cứ cái gì cũng có thể lấy tính mạng của bạn ngay hôm nay: một khẩu súng, một con dao hay thậm chí chỉ một cái kim. Bạn có thể mất mạng từ một cú đấm nhẹ hoặc bạn có thể đâm sầm vào một cánh cửa và chết, hoặc ngã từ một cái ghế thấp và cũng chết. Có rất nhiều nghiệp quả nặng đang chờ ta. Cuộc sống của bạn rất mong manh và đó là do nghiệp.
Thái độ của Đức Long Thọ Bồ Tát là kết quả của một động cơ vô ngã và không chấp thủ. Khi bạn đạt đến trạng thái đỉnh cao của sự không chấp thủ thì sự tu tập đã thành tựu, bạn sẽ không còn chấp trước vào của cải hay tiền bạc. Nhờ sự thực tập không chấp thủ, nếu có người đến cướp, bạn có thể cho họ đầu hay mắt của mình. Giả sử, có kẻ nào đó kiếm tìm ta trong tình trạng vô minh, với tham, sân, một khẩu súng, và nói rằng: “Tôi cần tiền, đồ trang sức hay thẻ tín dụng của ông.” Nếu là một đại Bồ tát, hay không phải là đại Bồ tát, mà chỉ là một Bồ tát chân chính sơ cơ thì tôi vẫn đáp rằng: “Được thôi, hãy lấy thứ gì ông muốn.” Tất nhiên là mọi người có thể đưa hết đồ đạc quý giá của mình cho kẻ cướp này vì sợ hãi hay vì lo lắng trước khẩu súng chĩa vào. Đối với bậc Bồ tát, các ngài sẽ đưa của cải tư trang cho kẻ này vì thấy người đó cần, các ngài sẽ cho đi vật dụng quý giá của mình trên cơ sở động cơ là tình thương yêu và tâm vô ngã. Đây là một trong những pháp tu cơ bản. Nhưng nếu ai đó lấy trộm một thứ mà phàm phu chúng ta bám chấp, cho dù đó có thể là món trang sức hay chiếc ví có hàng trăm hay hàng ngàn đô la, chúng ta lập tức sẽ nói: “Đồ đê tiện.” Khi sân giận, chắc ta sẽ nói câu gì đó rất tệ. Chúng ta không nên hành xử như vậy.
- 213
Viết bình luận