Trang 01 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 01

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI HAI

Trang 01

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “Này Thiện nam tử! Nếu có Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn như vậy, thời đặng mười công đức mà hàng Thanh Văn Bích Chi Phật chẳng có. Công đức này chẳng thể nghĩ bàn, người nghe đến sẽ kinh sợ. Công đức này chẳng phải trong ngoài, chẳng phải khó dễ, chẳng phải tướng phi tướng, không có tướng mạo, chẳng phải là thế pháp, trong thế gian không có. Đây là mười công đức:

Công đức thứ nhất có năm điều: Một là chỗ chẳng nghe có thể đặng nghe, hai là nghe rồi có thể làm lợi ích, ba là có thể dứt tâm nghi hoặc, bốn là trí huệ chính trực, năm là có thể biết tạng bí mật của Như Lai.

Những gì là chỗ chẳng nghe có thể được nghe? Chính là nghĩa vi mật rất sâu: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Phật và Pháp cùng tăng không có sai khác, tính tướng của Tam Bảo là thường, lạc, ngã, tịnh, tất cả chư Phật không rốt ráo nhập Niết Bàn là thường trụ không biến đổi. Lại Niết Bàn của Như Lai chẳng phải có không, chẳng phải hữu vi vô vi, chẳng phải hữu lậu vô lậu, chẳng phải sắc phi sắc, chẳng phải danh phi danh, chẳng phải tướng phi tướng, chẳng phải hữu phi hữu, chẳng phải vật phi vật, chẳng phải nhân quả, chẳng phải đãi phi đãi, chẳng phải minh ám, chẳng phải xuất phi xuất, chẳng phải thường phi thường, chẳng phải đoạn phi đoạn, chẳng phải thỉ chung, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải ấm phi ấm, chẳng phải nhập phi nhập, chẳng phải giới phi giới, chẳng phải thập nhị nhân duyên, chẳng phải phi nhân duyên. Những pháp như vậy đều vi mật rất sâu, từ trước chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe. Lại có chỗ chẳng nghe, như là tất cả sách vỡ ngoại đạo: Tỳ Đà Luận, Tỳ Dà La Luận, Vệ Thế Sư Luận, Ca Tỳ La Luận, cùng tất cả kỹ nghệ, chú thuật, y dược, thiên văn, địa lý v.v…, nay ở nơi kinh này mà đặng biết tất cả. Lại có mười một bộ kinh trừ Tỳ Phật Lược, cũng không có những nghĩa rất sâu như vậy, nay do kinh này mà đặng biết rõ đó. Đây gọi là chỗ chẳng nghe mà có thể được nghe.

Nghe rồi có thể làm lợi ích, chính là nếu có thể nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn này, thời có thể biết rõ tất cả kinh điển Phương Đẳng Đại Thừa những nghĩa vị rất sâu. Ví như đối với tấm gương sáng sạch, người thấy rõ ràng sắc tượng của mình. Cũng vậy, Bồ Tát cầm gương Đại Niết Bàn thời đặng thấy rõ tất cả nghĩa rất sâu của kinh điển Đại Thừa. Cũng như có người ở trong nhà tối cầm ngọn đuốc lớn thời thấy rõ các đồ vật. Cũng vậy Bồ Tát cầm đuốc Đại Niết Bàn thời đặng thấy rõ nghĩa rất sâu của Đại Thừa. Cũng như mặt trời mọc có ngàn muôn ánh sáng soi rõ chỗ u ám của các núi, làm cho mọi người thấy những vật rất xa. Cũng vậy, huệ nhựt thanh tịnh Đại Niết Bàn này chiếu rõ chỗ rất sâu của Đại Thừa, làm cho hàng nhị thừa xa thấy Phật đạo, vì có thể nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn vi diệu này.

Này Thiện nam tử! Nếu có Đại Bồ Tát nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn này thời đặng biết danh tự của tất cả pháp. Nếu có thể biên chép đọc tụng thông thuộc vì người giảng thuyết, suy nghĩ ý nghĩa thời rõ biết nghĩa lý của tất cả pháp.

Này Thiện nam tử! Người nghe và lãnh thọ thời chỉ biết danh tự mà chẳng biết ý nghĩa. Nếu có thể biên chép thọ trì đọc tụng, vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể rõ biết được nghĩa.

Này Thiện nam tử! Người nghe kinh này, nghe có Phật tính nhưng chưa có thể thấy được. Nếu biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời thấy được Phật tính. Người nghe kinh này, nghe có danh từ bố thí nhưng chưa có thể thấy được Đàn Ba La Mật, nếu biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể thấy được Đàn Ba La Mật, nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật cũng vậy.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nếu có thể nghe kinh Đại Niết bàn này thời biết pháp biết nghĩa đủ cả hai đức vô ngại, đối hàng Sa Môn, Bà La Môn, hoặc chư thiên, Ma Vương, Phạm Vương, trong tất cả thế gian đều đặng vô sở úy, vì đại chúng khai thị phân biệt mười hai bộ kinh, diễn thuyết ý nghĩa không có sai lầm, có thể tự biết chẳng chờ học với người được gần vô thượng chính đẳng chính giác. Đây gọi là nghe rồi có thể làm lợi ích.

Này Thiện nam tử! Có thể dứt tâm nghi lầm. Nghi có hai thứ: Một là nghi nơi danh từ, hai là nghi ý nghĩa. Người nghe kinh này, dứt tâm nghi danh từ, người suy nghĩ ý nghĩa thời dứt tâm nghi ý nghĩa.

Nghi lại có năm thứ: Một là nghi Phật quyết định nhập Niết Bàn hay chăng? Hai là nghi Phật có phải thường trụ chăng? Ba là nghi Phật có phải chân lạc chăng? Bốn là nghi Phật có phải chân tịnh chăng? Năm là nghi Phật có phải chân ngã chăng? Người nghe kinh này thời dứt hẳn lòng nghi Phật nhập Niết Bàn. Biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời dứt hẳn bốn điều nghi, thường, lạc, ngã, tịnh.

Nghi lại có ba thứ: Một là nghi Thanh Văn là có hay là không? Hai là nghi Duyên Giác là có hay là không? Ba là nghi Phật thừa là có hay là không? Người nghe kinh này thời dứt hẳn ba điều nghi như vậy. Còn biên chép đọc tụng vì người giảng thuyết suy nghĩ ý nghĩa thời có thể rõ biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính.

Này Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh chẳng nghe kinh Đại Niết Bàn này, thời tâm họ nhiều sự nghi ngờ. Như nghi hoặc thường hay vô thường, hoặc lạc hay chẳng lạc, hoặc tịnh hay chẳng tịnh, hoặc ngã hay vô ngã, hoặc mạng hay phi mạng, hoặc chúng sinh hay phi chúng sinh, hoặc rốt ráo hay chẳng rốt ráo, hoặc đời khác, hoặc đời đã qua, hoặc có, hoặc không, hoặc khổ, hoặc chẳng phải khổ, hoặc tập, hoặc chẳng phải tập, hoặc đạo hoặc chẳng phải đạo, hoặc diệt hoặc chẳng phải diệt, hoặc pháp, hoặc phi pháp, hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc không hoặc chẳng phải không. Người nghe kinh này thời dứt hẳn các điều nghi như vậy.

Thiện nam tử! Nếu có người chẳng nghe kinh này thời lại có nhiều tâm nghi. Như nghi sắc uẩn là ngã ư? Thọ, tưởng, hành, thức, là ngã ư? Nhãn là năng kiến ư? Ngã là năng kiến ư? Thọ tưởng hành thức là năng kiến ư? Ngã là năng kiến ư? Sắc uẩn thọ báo ư? Ngã thọ báo ư? Thọ tưởng hành thức thọ báo ư? Ngã thọ báo ư? Sắc uẩn đến đời khác ư? Ngã đến đời khác ư? Thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Những pháp sinh tử là có thỉ có chung ư? Hay là vô thỉ vô chung ư? Người nghe kinh này cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy. Lại có người nghi nhất xiển đề phạm bốn tội nặng tạo tội ngũ nghịch, hủy báng kinh Đại Thừa Phương Đẳng, hạng người nghe kinh này cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy.

Lại có người nghi thế gian có ngằn mé hay không có ngằn mé? Có thập phương thế giới hay không thập phương thế giới. Người nghe kinh này cũng dứt hẳn được những điều nghi như vậy. Đây gọi là có thể dứt tâm nghi lầm, có trí huệ chính trực không tà vạy. Vì nếu tâm nghi thời chỗ nhận thấy chẳng chính. Tất cả phàm phu nếu chẳng đặng nghe kinh Đại Niết Bàn này thời chỗ nhận thấy tà vạy. Nhẫn đến Thanh Văn Duyên Giác chỗ thấy biết cũng vạy vò. Vì phàm phu ở trong hữu lậu mà thấy là thường, lạc, ngã, tịnh nơi Như Lai lại thấy là vô thường khổ, bất tịnh, vô ngã, thấy có chúng sinh có thọ mạng, có tri kiến, chấp trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng là Niết Bàn, thấy trời Tự Tại có tám thánh đạo, chấp có, chấp đoạn, các sự nhận thấy như vậy gọi là tà vạy. Đại Bồ Tát nếu đặng nghe kinh Đại Niết Bàn này tu hành thánh hạnh thời dứt trừ được những điều tà vạy như vậy.

Hàng Thanh Văn Duyên Giác thấy Bồ Tát từ trời Đâu Suất hóa hiện ngự trên Bạch tượng giáng thần vào thai mẹ tại thành Ca Tỳ La, cha hiệu Tịnh Phạn, mẹ tên Ma Gia. Ở thai đủ mười tháng sinh ra. Lúc sinh ra chưa đến đất, Thiên Đế Thích đưa tay đỡ, Nan Đà Long Vương và Bạt Nan Đà Long Vương phun nước tắm.

Đại Thần Vương Ma Ni Bạt Đà cầm lọng báu đứng hầu phía sau. Địa thần hoá hoa sen đỡ dưới chân. Bồ Tát đi qua bốn phương đều đủ bảy bước. Lúc đến Thiên Miếu các thiên tượng đều đứng dậy tiếp nghinh. Tiên A Tư Đà hai tay bồng xem tướng, xem xong Tiên nhân buồn khổ thương phận mình sắp chết chẳng được thấy Bồ Tát thành Phật. Lớn lên đến thầy học sách, học toán số, cỡi ngựa, bắn cung, đồ sắm, các nghề nghiệp. Ở trong thâm cung cùng vui với sáu muôn thể nữ. Ra ngoài thành dạo chơi đến vườn Ca Tỳ La, dọc đường gặp người già, người bịnh, người chết, và gặp thầy Sa Môn mặc pháp phục đi trên đường, khi trở về cung, thấy các thể nữ hình mạo như xương khô, xem cung điện không khác gò mả. Nhàm chán, nửa đêm vượt thành xuất gia, đến chỗ các Đại Tiên nhân Uất Đà Dà, A La La v.v… nghe giảng nói về Thức Vô Biên Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Nghe rồi quan sát kỹ biết những xứ ấy là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, bèn bỏ đi đến núi Tuyết, dưới cội cây tu khổ hạnh trọn sáu năm. Sau đó biết khổ hạnh chẳng đặng thành vô thượng chính giác, bèn đến tắm rửa trong sông A Nậu Bạt Đề. Tắm xong nhận lấy cháo sữa của cô gái chăn bò dâng. Ăn xong lại đến ngồi dưới cây Bồ Đề, phá ma Ba Tuần đặng thành vô thượng chính giác. Đến thành Ba La Nại chuyển pháp luân lần đầu độ năm vị Tỳ Kheo, nhẫn đến ở rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na này nhập Niết Bàn. Các điều nhận thấy như vậy gọi là chỗ thấy biết vạy vò của Thanh Văn Duyên Giác.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nghe và lãnh thọ kinh Đại Niết Bàn này, thời dứt trừ đặng những điều thấy biết như vậy. Nếu có thể biên chép đọc tụng thông thuộc vì người diễn thuyết suy nghĩ ý nghĩa, thời đặng trí huệ chính trực không tà vạy.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, biết rõ Bồ Tát từ vô lượng kiếp nhẫn lại chẳng từ trời Đâu Suất giáng thần thai mẹ, nhẫn đến thành Câu ThiNa nhập Niết Bàn. Đây gọi là chỗ thấy biết chính trực của Đại Bồ Tát.

Có thể biết nghĩa thâm mật của Như Lai, tức là biết rõ Đại Niết Bàn, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, sám trừ bốn giới trọng, trừ tâm hủy báng chính pháp, hết tội ngũ nghịch, dứt nhất xiển đề, rồi sau đặng thành vô thượng chính giác.

Lại nghĩa thậm thâm là dầu biết chúng sinh thiệt không có ngã, nhưng nghiệp quả đời vị lai chẳng mất; dầu giết năm ấm hiện đây dứt hết, nhưng nghiệp thiện ác trọn chẳng hư mất; dầu có các hành nghiệp nhưng không có tác giả; dầu có chỗ đến nhưng không có người đi; dầu có trói buộc nhưng không người bị trói; dầu có Niết Bàn nhưng không có người diệt; đây gọi là nghĩa bí mật rất sâu.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa được nghe chỗ chưa từng nghe của Phật nói thời nghĩa này chẳng phải. Vì nếu pháp là có lẽ ra quyết định có, pháp nếu là không lẽ ra quyết định không. Nếu không thời lẽ ra chẳng sinh, nếu có thời lẽ ra chẳng diệt, như nghe thời là nghe, nếu chẳng nghe thời là chẳng nghe, sao lại nói rằng nghe chỗ chẳng nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe đây là chẳng nghe, còn nếu đã nghe thời lại chẳng nghe, vì đã đặng nghe. Sao lại nói rằng nghe lại chẳng nghe?".

Ví như người đi, nếu đã đến thời chẳng đi còn đi thời chẳng đến. Cũng như đã sinh thời chẳng sinh, còn chẳng sinh thời là chẳng sinh. Đã đặng thời chẳng đặng, còn chẳng đặng thời là chẳng đặng. Nghe rồi thời chẳng nghe, còn chẳng nghe thời là chẳng nghe. Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe mà nghe đó, thời tất cả chúng sinh chưa có Bồ Đề lẽ ra cũng có đó, người chưa đặng Niết Bàn lẽ ra cũng đặng đó, người chưa thấy Phật tính lẽ ra cũng thấy Phật tính, sao lại nói rằng bậc Thập Trụ Bồ Tát dầu thấy Phật tính nhưng chưa đặng rõ ràng.

Bạch Thế Tôn! Nếu chẳng nghe mà nghe, thời đức Như Lai thuở xưa từ ai mà đặng nghe. Nếu nói rằng đặng nghe, cớ sao trong kinh A Hàm đức Như Lai lại nói là không có thầy, nếu chẳng nghe thời là chẳng nghe mà đức Như Lai đặng thành vô thượng chính giác, thời tất cả chúng sinh chẳng nghe lẽ ra cũng đặng thành vô thượng chính giác. Nếu đức Như lai chẳng nghe kinh Đại Niết Bàn mà thấy Phật tính, thời tất cả chúng sinh chẳng nghe kinh này lẽ ra cũng được thấy Phật tính.

Bạch Thế Tôn! Phàm là sắc thời hoặc có thể thấy, hoặc chẳng thấy được, tiếng cũng như vậy, hoặc là có thể nghe, hoặc chẳng được nghe. Đại Niết Bàn này chẳng phải sắc chẳng phải tiếng, sao lại nói rằng có thể thấy nghe được.

Bạch Thế Tôn! Quá khứ đã diệt thời chẳng thể nghe, vị lai chưa đến cũng chẳng thể nghe, lúc hiện tại lóng nghe thời chẳng gọi là nghe, nghe rồi khiến dứt lại chẳng thể nghe. Kinh Đại Niết Bàn này cũng chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, nếu chẳng phải thời gian thời chẳng thể nói, nếu chẳng thể nói thời chẳng thể nghe, sao lại nói rằng Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn này được nghe chỗ chẳng nghe.

Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Nay ông khéo biết tất cả pháp như huyễn, như dương diệm, như thành Càn Thát Bà, như dấu vẽ trong nước, cũng như bóng nước, bọt nước, cây chuối rỗng không chẳng chắc thiệt, chẳng phải mạng, chẳng phải ngã, không có khổ vui, như chỗ thấy biết của Thập Trụ Bồ Tát”.

Lúc đó trong đại chúng thoạt có ánh sáng lớn chiếu đến, ánh sáng này chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, mà thấy là xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải sắc, chẳng phải sáng, mà thấy là sắc là sáng, chẳng phải thấy mà thấy.

Đại chúng gặp ánh sáng này thân tâm vui thích như Tỳ Kheo nhập Sư tử Vương Định

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn: Ai phóng ánh sáng này?”.

Đức Như Lai yên lặng chẳng đáp.

Ca Diếp Bồ Tát lại hỏi Văn Thù Sư Lợi: Nhân duyên gì mà có ánh sáng này chiếu đến đại chúng ?

Văn Thù Sư Lợi yên lặng chẳng đáp.

Vô Biên Thân Bồ Tát lại hỏi Ca Diếp Bồ Tát: “Ai phóng ánh sáng này?”.

Ca Diếp Bồ Tát yên lặng chẳng đáp.

Tịnh Trụ Vương Tử Bồ Tát lại hỏi Vô Biên Thân Bồ tát: “Duyên cớ gì trong đại chúng đây có ánh sáng này?”.

Vô Biên Thân Bồ Tát yên lặng không đáp.

Lần lượt đến năm trăm vị Bồ Tát xoay vần hỏi nhau, nhưng không ai giải đáp.

Đức Thế Tôn hỏi Văn Thù Sư Lợi: “Duyên Cớ gì trong đại chúng đây có ánh sáng này?”.

Văn Thù Sư Lợi đáp: “Bạch Thế Tôn! Ánh sáng này gọi là trí huệ. Trí huệ chính là thường trụ. Pháp thường trụ không có nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ gì có ánh sáng này”.

Ánh sáng này gọi là Đại Niết Bàn, Đại Niết Bàn thời gọi là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ gì có ánh sáng này.

Ánh sáng này chính là Như Lai, Như Lai chính là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.

Ánh sáng này gọi là Đại Từ Đại Bi, đại từ bi gọi là thường trụ, pháp thường trụ chẳng phải từ nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.

Ánh sáng này chính là niệm Phật, niệm Phật là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ.

Áng sáng này là đạo bất cộng với tất cả Thanh Văn Duyên Giác, đạo bất cộng là thường trụ, pháp thường trụ chẳng từ nhân duyên, sao đức Phật lại hỏi duyên cớ, Đức Thế Tôn cũng có nhân duyên: Nhân dứt vô minh chứng đặng vô thượng chính đẳng chính giác.

Phật nói: “Này Văn Thù Sư Lợi! Nay ông chớ nhập đệ nhất nghĩa đế, nên dùng thế đế để giải đáp”.

Văn Thù Sư Lợi nói: “Bạch Thế Tôn! Từ đây qua phương đông cách hai mươi hằng hà sa thế giới, có cỏi bất động, chổ Phật ngự rộng một muôn hai ngàn do diên. Cõi đó toàn thất bảo không có đất đá, bằng thẳng êm dịu không có hầm hố. Cây cối toàn bằng bốn chất vàng, bạc lưu ly và pha lê, trên cây thường có hoa trái. Nếu có chúng sinh nào được ngửi mùi thơm của hoa này thời thân tâm an vui nhập đệ tam thiền. Khắp nơi có hai ngàn sông lớn nước sông đủ tám vị công đức, nếu có chúng sinh nào tắm trong nước đó thời thân tâm vui vẻ như nhập đệ nhị thiền. Trong sông có nhiều thứ hoa đẹp: Những hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Hai bờ sông cũng có các thứ hoa thơm đẹp. Đáy sông toàn trải cát vàng. Có những thềm bậc bằng vàng, bạc, lưu ly cùng pha lê nhiều màu, nhiều giống chim đẹp bay đậu trên đó. Lại có vô lượng cọp, sói, sư tử v.v… Các cầm thú ấy xem nhau như con đẻ. Trong cỏi đó không có những tội ác cùng hạng nhất xiển đề. Khí hậu điều hòa không có lạnh nóng đói khát khổ sở, không có tham dục, sân hận phóng dật tật đố. Không mặt trời mặt trăng thời tiết như cõi trời Đao Lợi. Nhân dân cõi đó đồng có ánh sáng, không có tâm kiêu mạn. Tất cả đều là Bồ Tát Đại Sĩ đầy đủ thần thông, có công đức lớn, tôn trọng chính pháp, mến tu Đại Thừa, có đại từ bi thương xót tất cả chúng sinh.

Đức Phật ở cõi đó hiệu là Mãn Nguyệt Quang Minh Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Lúc đức Phật đó thuyết pháp, tòan thể chúng sinh trong cõi Bất Động đều được nghe. Đức Phật đó vì Lưu Ly Quang Bồ Tát mà giảng thuyết kinh Đại Niết Bàn đến đọan Bồ Tát tu hành kinh này thời đều đặng nghe chỗ chẳng đặng nghe. Lưu Ly Quang Bồ Tát gạn hỏi đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh, như tại đây Cao Quý Đức Vương Bồ Tát vừa hỏi đức Như Lai giống nhau không khác. Đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh bảo Lưu Ly Quang Bồ Tát rằng: Phương Tây của cõi Bất Động này cách hai mươi hằng hà sa Phật độ có cõi Ta Bà, cõi ấy đầy những đất đá gai chông hầm hố gò nỗng, thường có những khổ về đói khát lạnh nóng. Nhân dân cõi Ta Bà chẳng biết cung kính Sa Môn, Bà La Môn, cha mẹ Sư Trưởng, phần nhiều tham đắm phi pháp, tà pháp, chẳng tin chính pháp, thọ mạng của họ ngắn ngủi. Nhiều kẻ gian trá bị chính quyền trừng phạt. Dầu đã có nước để cai trị, nhưng vua quan chẳng biết vừa đủ sinh lòng tham kéo binh đánh chiếm nước khác làm cho những người vô tội bị chết oan. Các nhà lãnh đạo thật hành những điều phi pháp như vậy, nên Tứ Thiên Vương các Thiên thần không hoan hỷ, thường giáng tai họa; Hạn hán, bão lụt, mất mùa đói khát, nhân dân nhiều bệnh, vô lượng sự khổ não. Cõi Ta Bà đó có Phật hiệu Thích Ca Mưu Ni Như Lai mười hiệu đầy đủ, hiện ở thành Câu Thi Na trong rừng Ta La Song Thọ, vì đại chúng diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn, hiện có Bồ Tát tên Quang Minh Biến Chiếu CaoQuý Đức Vương đã đem việc này hỏi đức Thích Ca Mâu Ni, nay đức Phật đó đương giải đáp, ông nên mau qua cõi đó sẽ được nghe.

Bạch Thế Tôn! Lưu Ly Quang Bồ Tát vâng lời đức Phật Mãn Nguyệt Quang Minh cùng tám muôn bốn ngàn vị Đại Bồ Tát sắp đến đây. Do nhân duyên này nên hiện điềm phóng ánh sáng. Đây là có duyên cớ mà có ánh sáng này.

Lúc đó Lưu Ly Quang Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Đại Bồ Tát mang theo các thứ phan lọng, hương hoa, chuỗi ngọc nhiều thứ kỹ nhạc, đồng đến rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, đầu mặt lễ chưn Phật, đem đồ cúng dường dưng lên, cung kính đi nhiễu bên hữu ba vòng rồi ngồi qua một phía.

Đức Phật hỏi Lưu Ly Quang Bồ Tát: Ông vì đến mà lại, hay vì chẳng đến mà lại?

- Bạch Thế Tôn! Đến cũng chẳng lại, chẳng đến cũng chẳng lại. Tôi quán sát nghĩa này đều không có lại. Các hành pháp nếu là thường cũng chẳng lại, nếu là vô thường cũng không có lại. Nếu người thấy có chúng sinh tính thời có lại, chẳng lại. Nay tôi chẳng thấy chúng sinh có định tính, thời đâu có lại cùng chẳng lại. Người có kiêu mạn thời thấy có đi, có lại. Người không kiêu mạn thời không thấy có đi, có lại. Người có chấp lấy tạo tác thời thấy có đi có lại. Người không chấp lấy tạo tác thời không thấy có đi, có lại.

Nếu thấy Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn thời có đi, có lại. Người chẳng thấy Như Lai nhập Niết Bàn thời không đi, không lại.

Người chẳng nghe Phật tính thời có đi, có lại. Người nghe Phật tính thời không đi không lại.

Nếu thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời thấy có đi có lại. Người chẳng thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật có Niết Bàn thời không đi, không lại.

Nếu người thấy hàng Thanh Văn Bích Chi Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, thời có đi, có đến. Nếu người không thấy thời không đi, không đến.

Nếu thấy Như Lai không có thường, lạc, ngã, tịnh thời có đi có đến. Nếu thấy Như Lai là thường lạc, ngã, tịnh thời không đi không đến.

Bạch Thế Tôn! Xin để việc đó lại. Nay tôi có chỗ muốn hỏi mong đức Phật thương xót cho phép.

Phật nói: “Này Thiện nam tử! Giờ đây phải lúc tùy ý ông hỏi ta sẽ giải đáp cho ông. Vì chư Phật khó gặp như hoa Ưu Đàm, pháp cũng khó được nghe, trong mười hai bộ kinh, bộ Phương Đẳng Đại thừa lại khó hơn. Vì thế nên phải chuyên tâm lóng nghe và lãnh thọ.

Lưu Ly Quang Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát có thể tu hành kinh Đại Niết Bàn được nghe chỗ chẳng nghe.

Phật khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Nay ông muốn cùng tận biển Đại Thừa Đại Niết Bàn, lại gặp Phật có thể khéo giải thuyết. Phật là lương y có thể khéo nhổ mũi tên độc nghi ngờ của ông. Phật có đuốc huệ soi sáng Phật tính cho ông. Ông muốn qua khỏi sông lớn sinh tử Phật có thể làm thuyền sư cho ông, ông ở nơi Phật tưởng là cha mẹ, Phật cũng ở nơi ông tưởng là một. Lòng ông tham của báu chính pháp, gặp Phật có nhiều pháp lại hay bố thí. Ông nên lóng nghe khéo suy nghĩ đó.

Này Thiện nam tử! Khi nghe pháp rồi phải sinh lòng kính tin tôn trọng. Đối với chính pháp chớ tìm cầu chỗ lỗi, chớ nghĩ tham sân si. Chớ nhìn xem dòng họ tốt xấu của pháp sư. Sau khi nghe pháp chớ sinh lòng kiêu mạn, chớ gì cung kính, danh dự, lợi dưỡng, phải vì được lợi ích pháp vị cam lồ độ thế gian. Cũng chớ nghĩ rằng, tôi nghe pháp rồi trước tự độ mình sau sẽ độ người, trước sẽ tự giải thoát sau sẽ giải thoát cho người, trước tự an thân sau sẽ làm cho người được an, trước tự được Niết Bàn sau sẽ làm cho người được Niết Bàn. Nên có quan niệm bình đẳng đối với Phật, Pháp, Tăng. Trong sinh tử phải có quan niệm là khổ oan lớn. Đối với Đại Niết Bàn phải quan niệm là thường, lạc, ngã, tịnh. Trước vì người sau sẽ vì mình. Nên vì Đại Thừa chớ vì Nhị Thừa. Nên không trụ trước đối với tất cả pháp, cũng chớ chuyên chấp tất cả pháp tướng. Đối với các pháp chớ có lòng tham, thường có quan niệm biết pháp, thấy pháp.

Này Thiện nam tử! Ông có thể hết lòng nghe pháp như vậy, đây thời gọi là được nghe chỗ chẳng nghe.

Này Thiện nam tử! Có chẳng nghe mà nghe, có chẳng nghe mà chẳng nghe, có nghe mà chẳng nghe, có nghe mà nghe.

Này thiện nam tử! Như chẳng sinh mà sinh, chẳng sinh mà chẳng sinh, sinh mà chẳng sinh, sinh mà sinh.

Như chẳng đến mà đến, chẳng đến mà chẳng đến, đến mà chẳng đến, đến mà đến.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sinh mà sinh?

- Này Thiện nam tử! An trụ nơi thế đế, lúc mới xuất thai đây gọi là chẳng sinh mà sinh.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là chẳng sinh mà chẳng sinh?

Này Thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây không có tướng sinh, đây gọi là chẳng sinh mà chẳng sinh.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là sinh mà chẳng sinh?

Này Thiện nam tử! Cứ theo thế đế, lúc chết thời gọi là sinh mà chẳng sinh.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là sinh mà sinh?

Này Thiện nam tử! Tất cả phàm phu thời gọi là sinh mà sinh. Vì phàm phu sinh, sinh chẳng dứt, vì tất cả hữu lậu niệm niệm sinh luôn, đây gọi là sinh mà sinh. Bậc tứ trụ Bồ Tát thời gọi là sinh mà chẳng sinh, vì sinh mà tự tại.

Này Thiện nam tử! Trên đó là nói về nội pháp. Còn về ngoại pháp cũng có chưa sinh mà sinh, chưa sinh mà chưa sinh, sinh mà chưa sinh, sinh mà sinh. Như hột giống lúa chưa mọc mầm, được tứ đại hòa hiệp, công người săn sóc, rồi sau mới mọc lên đây gọi là chưa sinh mà sinh. Như hột giống hư và hột giống chưa gặp đủ duyên, thời gọi là chưa sinh mà chưa sinh. Như mầm đã mọc mà chẳng lớn thêm, thời gọi là sinh mà chưa sinh. Như mầm lớn thêm thời gọi là sinh mà sinh. Tất cả ngoại pháp hữu lậu sinh mà sinh như vậy.

- Bạch Thế Tôn! Pháp hữu lậu nếu có sinh, thời là thường hay vô thường?

Sinh nếu là thường, thời pháp hữu lậu không có sinh, sinh nếu là vô thường thời hữu lậu là thường.

- Bạch Thế Tôn! Nếu sinh có thể tự sinh, thời sinh không tự tính. Nếu có thể sinh cái khác duyên cớ gì chẳng sinh vô lậu.

- Bạch Thế Tôn! Nếu lúc chưa sinh mà có sinh, sao lại đến nay mới gọi là sinh. Nếu lúc chưa sinh là không sinh, cớ sao chẳng nói hư không là sinh?

Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Chẳng sinh mà sinh, không thể nói được, cho đến sinh mà sinh cũng không thể nói được, sinh cùng bất sinh đều không thể nói được. Vì có nhân duyên nên cũng có thể nói được.

Thế nào là chẳng sinh mà sinh chẳng thể nói được? Chẳng sinh lại gọi là sinh, làm sao có thể nói được, vì nó sinh.

Thế nào là sinh mà sinh, chẳng thể nói được? Vì sinh mà sinh nên là sinh, vì sinh mà sinh nên là chẳng sinh, cũng chẳng nói được.

Thế nào là sinh mà chẳng sinh, chẳng thể nói được? Sinh thời gọi là sinh, sinh chẳng tự sinh, nên chẳng thể nói được.

Thế nào là chẳng sinh mà chẳng sinh, chẳng thể nói được? Chẳng sinh gọi là Niết Bàn, vì Niết Bàn chẳng sinh nên chẳng thể nói được, vì Niết Bàn do tu mà chứng đặng.

Thế nào là sinh cũng chẳng thể nói được? Vì sinh vốn là không.

Thế nào là chẳng sinh không thể nói được? Vì có chứng đặng.

Thế nào là vì có nhân duyên cũng có thể nói được? Mười pháp nhân duyên làm sinh tác nhân do đây nên cũng có thể nói được.

Này Thiện nam tử! Nay ông chớ nhập thậm thâm không định, vì đại chúng căn trí chậm lụt.

Này Thiện nam tử! Pháp hữu vi sinh cũng là thường, do trụ vô thường, nên sinh cũng vô thường. Trụ cũng là thường do sinh mà sinh nên trụ cũng vô thường. Dị cũng là thường, do pháp vô thường nên dị cũng vô thường. Hoại cũng là thường, do trước không nay có nên hoại cũng vô thường.

Này Thiện nam tử! Vì cứ nơi tính, nên sinh trụ dị hoại đều là thường, vì niệm niệm diệt nên không thể nói là thường, vì Đại Niết Bàn này có thể dứt diệt được, nên lại gọi là vô thường.

Này Thiện nam tử! Pháp hữu lậu lúc chưa sinh, đã có tính sinh, vì thế nên sinh có thể sinh được. Pháp vô lậu vốn không tính sinh, vì thế nên sinh không thể sinh được. Như lửa có tính sẵn gặp duyên thời phát. Mắt có tính thấy đủ duyên thời thấy. Sinh pháp của chúng sinh cũng như vậy, do tính sẵn có, gặp nhân duyên của nghiệp, cha mẹ hòa hiệp thời bèn có sinh. Lưu Ly Quang Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Đại Bồ Tát nghe pháp này rồi, vọt thân lên hư không cao bảy cây Đa La, chắp tay cung kính bạch Phật: “Thế Tôn! Tôi nhờ đức Như Lai ân cần dạy bảo, do Đại Niết Bàn mới đặng tỏ ngộ ý nghĩa nghe chỗ chẳng nghe, cũng làm cho tám muôn bốn ngàn Bồ Tát này hiểu rõ những nghĩa chẳng sinh mà sinh v.v… của các pháp.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi đã tỏ ngộ dứt hết nghi ngờ, nhưng trong hội này có một Bồ Tát hiệu là Vô Úy lại muốn thưa hỏi mong đức Phật cho phép.

Phật bảo Vô Úy Bồ Tát: “Này Thiện nam tử! Tùy ý ông hỏi, ta sẽ vì ông giải nói”.

Vô Úy Bồ Tát cùng tám muôn bốn ngàn Bồ Tát đồng đứng dậy nghiêm chỉnh y phục, quỳ chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Chúng sinh cõi Ta Bà này phải thật hành hạnh nghiệp gì để được sinh về cõi Bất Động? Bồ Tát cõi đó thế nào mà đặng đầy đủ trí huệ, đầy đủ các công hạnh, có oai đức lớn, trí huệ lanh lẹ, nghe liền hiểu rõ?”.

Đức Phật liền nói kệ rằng:

Chẳng hại mạng chúng sinh.

Giữ gìn các cấm giới.

Bẩm thọ pháp của Phật.

Thời sinh cõi Bất Động.

Chẳng đoạt của người khác.

Thường ban cho tất cả.

Tạo chiêu đề tăng phường.

Thời sinh cõi Bất Động.

Chẳng phạm vợ con người,

Vợ nhà chẳng phi thời.

Thí trì giới ngọa cụ,

Thời sinh cõi Bất Động.

Chẳng vì mình hoặc người,

Cầu lợi và khủng bố.

Giữ lời chẳng vọng ngữ.

Thời sinh cõi Bất Động.

Chớ phá thiện tri thức,

Xa lìa quyến thuộc ác.

Thường nói lời hòa hiệp,

Thời sinh cõi Bất Động.

Như các bậc Bồ Tát,

Thường lìa lời ác khẩu.

Nói ra người thích nghe,

Thời sinh cõi Bất Động.

Nhẫn đến lúc giỡn cười,

Chẳng nói lời phi thời.

Giữ gìn lời chính pháp,

Thời sinh cõi Bất Động.

Thấy người đặng lợi dưỡng,

Thường sinh lòng vui mừng.

Chẳng sinh lòng tật đố,

Thời sinh cõi Bất Động.

Chẳng não hại chúng sinh,

Thường sinh lòng từ bi.

Chẳng làm phương tiện ác,

Thời sinh cõi Bất Động.

Tà kiến bác bố thí.

Không cha mẹ, khứ lai.

Chẳng có tà kiến ấy.

Thời sinh cõi Bất Động.

Đường xa làm giếng tốt.

Trồng rừng rậm cây trái.

Thường thí người khất thực.

Thời sinh cõi Bất Động.

Đối với Phật, Pháp, Tăng.

Cúng một đèn một hương.

Nhẫn đến dưng một hoa,

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu vì cớ sợ sệt.

Lợi dưỡng cùng phước đức.

Chép một kệ kinh này.

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu vì cầu phước lợi.

Được ở trong một ngày.

Đọc tụng kinh điển này.

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu vì đạo vô thượng,

Trong một ngày một đêm.

Thọ trì bát quan trai.

Thời sinh cõi bất động.

Chẳng cùng người phạm tội.

Người hủy báng Đại Thừa.

Đồng ở chung một chỗ.

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu thí cho người bịnh.

Nhẫn đến một trái cây.

Vui mừng mà săn sóc.

Thời sinh cõi Bất Động.

Chẳng lạm dùng của Tăng.

Khéo giữ vật của Phật.

Tô quét chỗ Phật Tăng.

Thời sinh cõi Bất Động.

Tạo tượng và tháp Phật.

Chừng bằng ngón tay cái.

Thường sinh lòng vui mừng.

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu vì kinh điển này.

Đem thân cùng của cải.

Cúng dường người thuyế pháp.

Thời sinh cõi Bất Động.

Nếu nghe và biên chép.

Thọ trì cùng đọc tụng.

Tạng bí mật của Phật.

Thời sinh cõi Bất Động.

Vô Úy Bồ Tát Bạch Phật: “Thế Tôn! Nay tôi đã biết những công hạnh đặng sinh về cõi nước Bất Động”.

Thế Tôn! Cao Quý Đức Vương Bồ Tát này vì khắp xót thương tất cả chúng sinh nên trước kia có chỗ thưa hỏi, nếu đức Như Lai giải thuyết thời có thể lợi ích an vui cho hàng trời, người, bát bộ.

Đức Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Ông nên hết lòng lóng nghe, tôi sẽ vì ông phân biệt giải thuyết”.

Vì có nhân duyên nên chưa đến chẳng đến. Vì có nhân duyên nên chẳng đến mà đến, vì có nhân duyên nên đến mà chẳng đến. Vì có nhân duyên nên đến mà đến.

Này Thiện nam tử! Xét về chẳng đến gọi là Đại Niết Bàn. Hàng phàm phu chưa đến bởi có tham dục sân khuể và ngu si. Vì hai nghiệp thân và khẩu chẳng thanh tịnh, cùng lãnh thọ tất cả vật bất tịnh, phạm bốn trọng tội, hủy báng Phương Đẳng Đại thừa là hạng nhất xiển đề tạo tội ngũ nghịch, do nghĩa này nên chưa đến chẳng đến.

Chẳng đến gọi là chẳng đến Đại Niết Bàn. Do nghĩa gì mà được đến? Vì dứt hẳn tham dục sân khuể ngu si và tội ác của thân khẩu, chẳng thọ tất cả vật bất tịnh, chẳng phạm bốn tội trọng, chẳng hủy báng Phương Đẳng Đại Thừa, chẳng làm hạng nhất xiển đề, chẳng tạo tội ngũ nghịch. Do nghĩa này nên gọi là chẳng đến mà đến.

Bậc Tu Đà Hoàn tám muôn kiếp thì đến, bậc Tu Đà Hàm sáu muôn kiếp thì đến, bậc A Na Hàm bốn muôn kiếp thì đến, bậc A La Hán hai muôn kiếp thì đến, Bích Chi Phật mười ngàn kiếp thì đến. Do nghĩa này nên gọi là chẳng đến mà đến.

Đến gọi là hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sinh đều bị vô lượng phiền não che đậy, qua lại chẳng ngừng dường như bánh xe lăn, đây gọi là đến Thanh Văn Duyên Giác và Bồ Tát vì đã đặng lìa hẳn nên gọi là chẳng đến, lại ba bậc này vì muốn hoá độ chúng sinh nên thị hiện ở trong đó, nên cũng gọi là đến.

Đến chính là hai mươi lăm cõi. Tất cả phàm phu, Tu Đà Hoàn nhẫn đến A Na Hàm, vì phiền não nên gọi là đến mà đến.

Này Thiện nam tử! Nghe chỗ chẳng nghe cũng như vậy. Có chẳng nghe mà nghe, chẳng nghe mà chẳng nghe, nghe mà chẳng nghe, nghe mà nghe.

Chẳng nghe là Đại Niết Bàn vì chẳng phải hữu vi, vì chẳng phải âm thanh, vì chẳng thể nói. Thế nào là cũng nghe?

Vì đặng nghe danh từ: Thường, lạc, ngã và tịnh. Do nghĩa này nên gọi là chẳng nghe mà nghe.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật nói Đại Niết Bàn là chẳng thể nghe được, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh mà có thể nghe được. Vì người đoạn phiền não gọi là đặng Niết Bàn, nếu chưa đoạn gọi là chẳng được. Do nghĩa này tính Niết Bàn trước không mà nay có. Nếu pháp thế gian trước không mà nay có thời gọi là vô thường. Ví như bình bồn v.v…Trước không mà nay có, đã có hoàn không, nên gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy, sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh.

Bạch Thế Tôn! Phàm do trang nghiêm mà được thành đều gọi là vô thường. Niết Bàn nếu như vậy lẽ ra là vô thường. Những gì trang nghiêm Niết Bàn? Chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba La Mật, bốn tâm vô lượng, quán tướng xương trắng, a na ba na, lục niệm xứ, phá tích sáu đại, do những pháp đó mà thành tựu Niết Bàn nên là vô thường.

Bạch Thế Tôn  Phàm là có, thời gọi là vô thường. Nếu Niết Bàn là có thời lẽ ra là vô thường. Như ngày trước trong kinh A Hàm Phật nói: Thanh Văn Duyên Giác, chư Phật đều có Niết Bàn, do nghĩa này nên gọi là vô thường.

Bạch Thế Tôn! Pháp có thể thấy thời gọi là vô thường. Như ngày trước Đức Phật nói: Người thấy Niết Bàn thời dứt trừ được tất cả phiền não. Ví như hư không chẳng có chướng ngại nên gọi là thường. Giả sử Niết Bàn là thường v.v… , cớ sao chúng sinh lại có người được, người chẳng được. Như vậy Niết Bàn đối với chúng sinh chẳng bình đẳng lẽ ra chẳng gọi là thường.

Ví như trăm người chung có một kẻ oán thù, nếu hại được kẻ này thời nhiều người được an lạc. Giả sử Niết Bàn là pháp bình đẳng, lúc một người được, lẽ ra nhiều người cũng được, một người dứt kiết sử lẽ ra nhiều người cũng dứt, nếu chẳng như vậy sao lại gọi là thường.

Như có người cung kính cúng dường tôn trọng tán thán quốc vương, vương tử, phụ mẫu, sư trưởng thời được lợi dưỡng, đây chẳng gọi là thường. Niết Bàn cũng vậy, như ngày trước trong kinh A Hàm đức Phật nói với ngài A Nan: Nếu có người cung kính Niết Bàn thời dứt được kiết sử hưởng thọ vô lượng an lạc do đây nên chẳng gọi là thường.

Bạch Thế Tôn! Nếu trong Niết Bàn có danh từ thường, lạc, ngã, tịnh thời chẳng gọi là thường, như không có, sao lại có thể nói?

Đức Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: “Thể Niết Bàn chẳng phải trước không nay có. Nếu thể Niết Bàn trước không nay có thời chẳng phải vô lậu. Pháp thường trụ, nay có Phật hay không Phật, tính tướng vẫn thường trụ. Bởi chúng sinh bị phiền não che đậy nên chẳng thấy Niết Bàn, bèn gọi là không. Đại Bồ Tát dùng giới định huệ siêng tu tâm mình, dứt xong phiền não bèn đặng thấy Niết Bàn. Phải biết Niết Bàn là pháp thường trụ chẳng phải trước không nay có nên gọi là thường.

Như dưới giếng trong nhà tối có các thứ châu báu, người cũng biết là có nhưng vì tối nên không thấy. Người có trí thắp đèn sáng lớn cầm soi đó thời thấy châu báu rõ ràng. Người trí này trọn chẳng nghĩ rằng: Nước giếng cùng châu báu, trước không mà nay có.

Cũng vậy, Niết Bàn trước vốn tự có, chẳng phải nay mới có, vì phiền não tối tăm nên chúng sinh chẳng thấy. Đức Như Lai đại trí thắp đèn trí huệ, làm cho Bồ Tát đặng thấy Niết Bàn, thường, lạc, ngã, tịnh. Do đây nên người trí chẳng nên nói rằng Niết Bàn trước không mà nay có.

Này Thiện nam tử! Như ông nói do trang nghiêm nên đặng thành Niết Bàn lẽ ra là vô thường, nghĩa này cũng không phải. Vì thể của Niết Bàn chẳng phải sinh, chẳng phải xuất, chẳng phải thiệt, chẳng phải hư, chẳng phải tạo tác mà có, chẳng phải là pháp hữu lậu hữu vi, chẳng phải nghe, chẳng phải thấy, chẳng phải đọa, chẳng phải chết, chẳng phải tướng biệt dị, cũng chẳng phải tướng đồng, chẳng phải qua, chẳng phải lại, chẳng phải quá khứ, vị lai , hiện tại, chẳng phải một và nhiều, chẳng phải dài và vắn, chẳng phải tròn và vuông, chẳng phải nhọn và méo, chẳng phải có tướng và không tướng, chẳng phải danh và sắc, chẳng phải nhân và quả, chẳng phải ngã và ngã sở. Do những nghĩa này nên Niết Bàn là thường không biến đổi. Phải tu tập pháp lành trong vô lượng kiếp để tự trang nghiêm rồi mới được thấy.

Ví như duới đất có mạch nước trong mát chúng sinh chẳng thấy được, người trí ra công đào đất, thời đặng nước. Niết Bàn cũng như vậy.

Ví như người mù chẳng thấy mặt trời mặt trăng lương y điều trị thời đặng thấy. Mặt trời mặt trăng chẳng phải là trước không mà nay có. Niết Bàn cũng như vậy từ trước đã tự có, chẳng phải mới có ngày nay.

Như người có tội bị trói nhốt trong khám, lâu ngày mãn tù mới được thả ra, trở về nhà đặng thấy cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc. Niết Bàn cũng như vậy.

Này Thiện nam tử! Ông nói vì nhân duyên nên pháp Niết Bàn lẽ ra vô thường, nghĩa này chẳng đúng.

Này Thiện nam tử! Xét về nhân có năm thứ: Một là sinh nhân, hai là hòa hiệp nhân, ba là trụ nhân, bốn là tăng trưởng nhân, năm là viễn nhân. Sinh nhân chính là nghiệp phiền não, cũng như hột giống của cây cỏ.

Hòa hiệp nhân, như pháp lành hòa hiệp với tâm lành, pháp chẳng lành hòa hiệp với tâm chẳng lành, pháp vô ký hòa hiệp cùng tâm vô ký.

Trụ nhân, như dưới có cột thời nóc nhà chẳng sập, núi, sông, cây cối, nhân mặt đất mà đặng đứng vững, cũng vậy, nhờ có tứ đại cùng vô lượng phiền não mà chúng sinh đặng an trụ. Tăng trưởng nhân, do uống ăn y phục v.v… làm cho chúng sinh Tăng trưởng. Ví như lửa chẳng đốt, chim chẳng ăn thời hột giống của cây cỏ được Tăng trưởng. Như hàng Sa Môn, Bà La Môn nhờ thầy lành bạn tốt mà được Tăng trưởng. Như nhờ cha mẹ mà con được Tăng trưởng.

Viễn nhân, như nhân thần chú mà quỉ chẳng hại được, độc chẳng trúng được, như nhờ quốc vương không có trộm cướp, như nương đất nước mà mầm mọc lên, như nước khuấy, công người là Viễn nhân của chất tô. Như ánh sáng màu sắc v.v…là Viễn nhân của nhãn thức, tinh huyết của cha mẹ là Viễn nhân của chúng sinh. Như thời tiết v.v… đều gọi là Viễn nhân.

- Này Thiện nam tử! Thể Niết Bàn chẳng phải do nhân như vậy làm thành, sao ông lại nói là vô thường?

- Lại có hai thứ nhân: Một là tác nhân, hai là liễu nhân. Như khí cụ của thợ gốm thời gọi là tác nhân, như đèn đuốc vân vân soi vật trong tối thời gọi là liễu nhân.

- Này Thiện nam tử! Đại Niết Bàn chẳng do tác nhân mà có, chỉ do liễu nhân. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sáu pháp Ba La Mật gọi là liễu nhân. Bố thí là nhân của Niết Bàn, chẳng phải là nhân của Đại Niết Bàn. Đàn Ba La Mật mới được gọi là nhân của Đại Niết Bàn. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là nhân của Niết Bàn, chẳng phải nhân của Đại Niết Bàn. Vô lượng vô số pháp trợ Bồ Đề mới được gọi là nhân của Đại Niết Bàn.

Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Tại sao bố thí chẳng được gọi là Đàn Ba La Mật? Bố thí thế nào mới được gọi là Đàn Ba La Mật, nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật? Thế nào gọi là Niết Bàn và Đại Niết Bàn?

Phật nói: “Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành Đại Thừa Phương Đẳng Đại Niết Bàn, chẳng nghe bố thí cũng chẳng thấy bố thí. Chẳng nghe Đàn Ba La Mật cũng như chẳng thấy nhẫn đến chẳng nghe Bát Nhã, chẳng thấy Bát Nhã, cũng chẳng nghe chẳng thấy Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng nghe chẳng thấy Niết Bàn và Đại Niết Bàn.

Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn, biết và thấy pháp giới, hiểu rõ thật tướng không có tất cả tướng: Không có tướng hòa hiệp giác tri. Đặng tướng vô lậu, tướng vô tác, tướng như huyễn hóa, tướng ánh nắng, tướng thành Càn Thát Bà, tướng trống không. Bồ Tát thấy được những tướng như vậy thời không tham, sân, si, chẳng nghe chẳng thấy. Đây gọi là Đại Bồ Tát an trụ thật tướng.

Đại Bồ Tát tự biết đây là bố thí, đây là Đàn Ba La Mật nhẫn đến đây là Bát Nhã, đây là Bát Nhã Ba La Mật, đây là Niết Bàn, đây là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Thế nào là bố thí mà chẳng phải Ba La mật? Thấy có người xin rồi sau mới cho, đây là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Nếu không người xin tâm tự thí xả, thời gọi là Đàn Ba La Mật. Nếu bố thí có thời gian thời gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Nếu thường thật hành bố thí thời gọi là Đàn Ba La Mật, nếu bố thí rồi trở lại sinh lòng hối hận đây gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật. Thí rồi chẳng ăn năn thời gọi là Đàn Ba La Mật.

Đại Bồ Tát đối với của cải có bốn quan niệm lo sợ: Một là vua quan tịch thâu, hai là trộm cướp, ba là nước lụt, bốn là lửa cháy, do đó nên vui vẻ đem bố thí, đây gọi là Đàn Ba La Mật nếu mong được báo đền mà bố thí thời chẳng phải Ba La Mật. Bố thí chẳng mong báo đền thời gọi là Đàn Ba La Mật.

Nếu vì kinh sợ, vì tiếng tăm lợi lộc, vì gia pháp tương truyền, vì cầu vui cõi trời, vì kiêu mạn, vì hơn người, vì quen thân, vì cầu báo đền thời như là buôn bán đổi chác. Như người trồng cây để được bóng mát, được bông trái, hoặc để được cây gỗ. Nếu người tu hành mà bố thí như vậy thời gọi là bố thí chẳng phải Ba La Mật.

Đại Bồ Tát tu hành Phương Đẳng Đại Niết Bàn, chẳng thấy người bố thí cũng như chẳng thấy kẻ lãnh thọ và của cải, chẳng thấy thời tiết, chẳng thấy phước điền hay chẳng phải phước điền, chẳng thấy nhân duyên, quả báo, chẳng thấy người làm kẻ thọ, chẳng thấy nhiều hay ít, tịnh hay bất tịnh, chẳng khinh người lãnh thọ cũng như chẳng khinh thân mình hay của cải, chẳng để ý người ngó thấy hay không ngó thấy, chẳng chấp mình cùng người chỉ vì pháp thường trụ Phương Đẳng Đại Niết Bàn mà thật hành bố thí chỉ vì lợi ích tất cả chúng sinh mà thật hành bố thí, vì dứt tất cả phiền não cho chúng sinh mà thật hành bố thí, chỉ vì chúng sinh nên chẳng thấy người thí kẻ thọ cùng của cải, mà thật hành bố thí.

Ví như người té xuống biển lớn, ôm lấy tử thi mà được thoát nạn., Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn lúc thật hành bố thí cũng như ôm lấy tử thi để được vào bờ.

Ví như có người bị nhốt trong ngục kín, cửa nẻo đều đóng chặt, chỉ có lỗ cầu xí, bèn do nơi đó chui ra mà được thong thả, Đại Bồ Tát tu hành Đại Niết Bàn lúc thật hành bố thí cũng như vậy.

Ví như người sinh quý phải nạn gấp kinh sợ không có chỗ dựa nương, bèn nương nhờ chiên đà la. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy

Ví như người bịnh nặng, vì muốn được lành mạnh nên uống chất thuốc dơ. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy.

Như Bà La Môn gặp lúc mất mùa đói khát vì mạng sống nên ăn thịt chó, Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thật hành bố thí cũng như vậy.

Này Thiện nam tử! Trong Đại Niết Bàn những việc như vậy, từ vô lượng kiếp đến nay chẳng nghe mà được nghe giới luật cùng Thi La Ba La Mật nhẫn đến Bát Nhã cùng Bát Nhã Ba La Mật, như trong kinh Tạp Hoa đức Phật đã giảng rộng.

Này Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn chẳng nghe mà được nghe ? Mười hai bộ kinh nghĩa lý thâm thúy từ trước chẳng nghe, nay nhân kinh này mà được nghe đầy đủ. Trước dầu được nghe nhưng chỉ nghe danh tự, nay ở kinh này mới đặng nghe nghĩa lý. Thanh Văn Duyên Giác chỉ nghe danh tự của mười hai bộ kinh mà chẳng nghe nghĩa lý, nay ở kinh này được nghe đầy đủ. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.

Trong tất cả kinh của Thanh Văn Duyên Giác chẳng nghe đức Phật có thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng rốt ráo nhập diệt, Tam Bảo và Phật tính không có tướng sai khác, người phạm bốn trọng tội, hủy báng kinh điển Đại Thừa, tạo tội ngũ ngịch và nhất xiển đề, tất cả đều có Phật tính. Nay ở kinh này mà đặng nghe đó. Đây gọi là chẳng nghe mà được nghe.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nhất xiển đề v.v… mà có Phật tính, tại sao bọn họ lại đọa địa ngục?

Bạch Thế Tôn! Giả sử bọn họ có Phật tính, sao lại nói là không có thường, lạc, ngã, tịnh?

Nếu dứt căn lành gọi là nhất xiển đề, lúc dứt căn lành tại sao Phật tính lại chẳng dứt? Phật tính nếu dứt sao lại nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh? Như Phật tính chẳng dứt sao lại gọi là nhất xiển đế?

Bạch Thế Tôn! Phạm bốn tội nặng gọi là bất định, hủy báng kinh Đại Thừa, tạo tội ngũ nghịch cùng nhất xiển đề đều gọi là bất định. Những hạng này nếu quyết định làm sao đặng thành Vô Thượng Bồ Đề, Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng gọi là bất định, vì nếu quyết định lẽ ra Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật đều chẳng được thành Vô Thượng Bồ Đề.

Bạch Thế Tôn! Nếu phạm bốn tội nặng là chẳng quyết định, thời Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật cũng là chẳng quyết địnyh, chư Phật Như Lai cũng lại chẳng quyết định như thế thể tính Niết Bàn cũng lại chẳng quyết định, tất cả pháp cũng chẳng quyết định. Tại sao chẳng quyết định gọi là nhất xiển đề. Trừ nhất xiển đề thời thành Phật đạo. Chư Phật Như Lai lẽ ra cũng như vậy, nhập Niết Bàn rồi đáng lẽ cũng lại trở ra chẳng nhập Niết Bàn. Nếu như vầy thời tính Niết Bàn cũng là chẳng nhất định. Vì chẳng nhất định nên biết chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh. Sao lại nói rằng: Nhất xiển đề v.v… sẽ đặng Niết Bàn?”.

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Ông vì muốn lợi ích an lạc chúng sinh, vì lòng từ bi xót thương thế gian, vì muốn sách tấn các Bồ Tát phát Bồ Đề tâm, nên hỏi Phật những điều như vậy.

Ông đã gần gũi vô lượng chư Phật quá khứ trồng những căn lành, từ lâu đã thành tựu công đức Bồ Đề hàng phục các loài ma, đã giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh đưa họ đến vô thượng chính giác, từ lâu đã thông đạt tạng thâm mật của Như Lai, đã từng đem những nghĩa thâm mật như trên thưa hỏi hằng hà sa chư Phật thuở quá khứ. Tất cả thế gian hoặc người hoặc trời hoặc Sa Môn hoặc Bà La Môn hoặc Ma Vương, Phạm Vương, ta đều không thấy ai có thể hỏi được như vậy. Ông nên thành tâm lóng nghe.

Này Thiện nam tử! Nhất xiển đề cũng chẳng nhất định. Vì nếu nhất định thời nhất xiển đề trọn không thể đặng thành vô thượng chính giác. Vì chẳng nhất định nên có thể đặng thành.

Như ông hỏi: Phật tính chẳng dứt, sao nhất xiển đề lại dứt căn lành?

Này Thiện nam tử! Căn lành có hai thứ: Trong và ngoài. Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, nên chẳng dứt.

Căn lành lại có hai thứ: Hữu lậu và vô lậu. Phật tính chẳng phải hữu lậu vô lậu nên chẳng dứt.

Lại có hai thứ căn lành: Thường và vô thường. Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường nên chẳng dứt.

Nếu là những thứ bị dứt, thời trở lại đặng. Nếu chẳng trở lại đặng thời gọi là chẳng dứt. Nếu dứt rồi trở lại đặng thời gọi là nhất xiển đề. Phạm bốn tội nặng, hủy báng đại thừa, tạo tội ngũ nghịch cũng chẳng nhất định như vậy. Vì nếu nhất định thời những hạng này trọn chẳng thể đặng vô thượng Bồ Đề.

Sắc cùng tướng của sắc, hương, vị, xúc, sinh đến vô minh, ấm, nhập, giới, hai mươi lăm cõi, bốn loài sinh, tất cả pháp cũng đều không có tướng nhất định.

Ví như nhà ảo thuật ở trong đại chúng biến hóa làm quân lính, chuỗi ngọc đồ trang sức, xóm làng, thành ấp, rừng cây, suối, ao, sông, giếng. Trong đại chúng có bọn trẻ thơ vì không đủ trí, nên lúc xem coi cho đó là thiệt. Người trí biết đó là hư dối, do sức ảo thuật làm lầm mắt người.

Tất cả phàm phu nhẫn đến Thanh Văn Bích Chi Phật, đối với tất cả pháp thấy có tướng nhất định. Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng thấy tướng nhất định.

Ví như mùa hạ thấy ánh sáng dợn, trẻ thơ cho là nước. Người trí trọn chẳng nhận là nước thiệt, chỉ là ánh nắng gợn làm lầm mắt người.

Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên Giác thấy tất cả pháp đều cho là thật. Chư Phật Bồ Tát chẳng thấy có tướng nhất định.

Ví như khe núi, do tiếng mà có vang. Trẻ thơ cho là thiệt tiếng. Người trí hiểu là không thật, chỉ có tướng tiếng phỉnh dối nơi nhĩ thức.

Tất cả phàm phu Thanh Văn Duyên Giác đối với tất cả pháp thấy có tướng nhất định. Chư Phật Bồ Tát hiểu rõ đều không tướng nhất định, thấy là tướng vô thường, tướng không tịch, tướng không sinh diệt. Do nghĩa này, Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp là tướng vô thường.

Này Thiện nam tử! Cũng có định tướng, chính là thường, lạc, ngã, tịnh nơi quả Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Quả Tu Đà Hoàn cũng chẳng quyết định, vì chẳng quyết định nên trãi qua tám muôn kiếp đặng vô thượng chính giác. Quả Tu Đà Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua sáu muôn kiếp đặng vô thượng chính giác Quả A Na Hàm cũng chẳng quyết định, vì trải qua bốn muôn kiếp đặng vô thượng chính giác. Quả A La Hán cũng chẳng quyết định, vì trải qua hai muôn kiếp đặng vô thượng chính giác.

Bích Chi Phật cũng chẳng quyết định, vì trải qua mười ngàn kiếp đặng vô thượng chính đẳng chính giác.

Này Thiện nam tử! Hôm nay Như lai ở trong rừng Ta La Song Thọ nơi thành Câu Thi Na, thị hiện nằm dựa trên giường sư tử sắp nhập Niết Bàn, làm cho chúng đệ tử chưa chứng quả A La Hán cùng các lực sĩ rất lo rầu, cũng làm cho trời, người, A Tu la, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già v.v… trần thiết đồ cúng dường. Muốn khiến mọi người dùng ngàn bức vải lông vấn thân Như Lai, bảy báu làm quan tài, đựng đầy dầu thơm, chất những gỗ thơm để thiêu đó. Chỉ trừ hai thứ chẳng thể cháy được: Một là y lót mình, hai là lớp vải vấn phía ngoài hết. Vì chúng sinh nên phân chia xá lợi làm tám phần.

Tất cả hàng Thanh Văn đệ tử đều cho rằng Đức Như Lai nhập Niết Bàn. Phải biết Đức Như Lai cũng chẳng quyết định rốt ráo nhập Niết Bàn, vì đức Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Do nghĩa này nên Đức Như Lai nhập Niết Bàn cũng chẳng nhất định.

Này Thiện nam tử! Nên biết Như Lai cũng chẳng quyết định. Như Lai chẳng phải Thiên. Có bốn hạng thiên: Một là thế gian thiên, hai là sinh thiên, ba là tịnh thiên, bốn là nghĩa thiên.

Thế gian thiên, lệ như các vị Quốc vương. Từ Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng gọi là Sinh Thiên. Từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật gọi là Tịnh Thiên. Thập trụ Bồ Tát v.v… gọi là Nghĩa Thiên, vì có thể hiểu rõ nghĩa của các pháp, chính là thấy nghĩa không của tất cả pháp.

Này Thiện nam tử! Như Lai chẳng phải Quốc Vương, chẳng phải Tứ Thiên Vương, nhẫn đến trời Phi Phi Tưởng, cũng chẳng phải Tu Đà Hoàn, Bích Chi Phật, Thập Trụ Bồ Tát. Do đây nên Như Lai chẳng phải Thiên. Mặc dù như vậy, nhưng chúng sinh cũng gọi Phật là Thiên Trung Thiên. Vì thế nên Như Lai chẳng phải là Thiên cũng chẳng phải là chẳng phải Thiên, chẳng phải là người cũng chẳng phải là chẳng phải người, chẳng phải là quỷ, cũng chẳng phải là chẳng phải quỷ, chẳng phải là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, chẳng phải là chúng sinh cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sinh, chẳng phải là pháp cũng chẳng phải là chẳng phải pháp, chẳng phải là sắc cũng chẳng phải là chẳng phải sắc, chẳng phải là dài, vắn cũng chẳng phải là chẳng phải dài, vắn. Chẳng phải là tướng cũng chẳng phải là chẳng phải tướng, chẳng phải là tâm cũng chẳng phải là chẳng phải tâm, chẳng phải là hữu lậu, chẳng phải là vô lậu, chẳng phải là hữu vi, chẳng phải là vô vi, chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường, chẳng phải là huyễn hóa cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa, chẳng phải là danh cũng chẳng phải là chẳng phải danh, chẳng phải là định cũng chẳng phải là chẳng phải định, chẳng phải có không cũng chẳng phải là chẳng phải có không, chẳng phải ngôn thuyết cũng chẳng phải là chẳng phải ngôn thuyết, chẳng phải Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải Như Lai. Do nghĩa này nên Như Lai chẳng quyết định.

Này Thiện nam tử! Cớ sao Như Lai chẳng gọi là thế gian Thiê ? Thế gian Thiên chính là của vị Quốc Vương. Đức Như Lai từ vô lượng kiếp đã bỏ ngôi Quốc Vương, cho nên Như Lai chẳng phải là Quốc Vương. Như Lai giáng sinh nơi nhà vua Tịnh Phạn tại thành Ca Tỳ La Vệ, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Quốc Vương.

Như Lai từ lâu đã lìa khỏi các cõi, nên chẳng phải là sinh thiên. Như Lai lên trời Đâu Suất xuống Diêm Phù Đề, nên chẳng phải là chẳng phải sinh Thiên.

Như Lai chẳng phải Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật, nên Như Lai chẳng phải là Tịnh Thiên.

Tám pháp trong đời chẳng ô nhiễm được, dường như Liên Hoa chẳng dính bụi, nước, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Tịnh Thiên.

Như Lai chẳng phải là Thập Trụ Bồ Tát, nên Như Lai chẳng phải là Nghĩa Thiên. Như Lai thường tu mười tám nghĩa không, nên Như Lai chẳng phải là chẳng phải Nghĩa Thiên.

Như Lai chẳng phải là người vì Như Lai từ vô lượng kiếp đã lìa quả báo người. Như Lai giáng sinh thành Ca Tỳ La nên chẳng phải là chẳng phải người.

Như Lai chẳng phải là quỷ vì chẳng hại tất cả chúng sinh. Như Lai cũng dùng thân quỷ để hóa độ chúng sinh nên chẳng phải là chẳng phải quỷ.

Như Lai chẳng phải là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ vì từ lâu đã lìa ác nghiệp, cũng hiện thọ thân trong ác đạo để giáo hóa chúng sinh, nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ,

Như Lai chẳng phải là chúng sinh vì từ lâu đã lìa tính chúng sinh.

Có lúc Như Lai diễn thuyết chúng sinh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải chúng sinh.

Các pháp mỗi mỗi đều có tướng sai khác. Như Lai chỉ có một tướng, nên chẳng phải là pháp. Như Lai là pháp giới nên cũng chẳng phải là chẳng phải pháp.

Như Lai chẳng nhiếp trong mười sắc pháp, nên chẳng phải là sắc.

Thân Như Lai có ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, nên chẳng phải là chẳng phải sắc.

Vì dứt tất cả sắc nên Như Lai chẳng phải là cao. Tất cả thế gian không ai thấy được đỉnh đầu của Như Lai, nên chẳng phải là chẳng phải cao.

Từ lâu, đã xa lìa kiêu mạn, nên Như Lai chẳng phải là thấp. Vì độ Trưởng Giả, Cù Sư La, Như Lai hiện thân ba thước, nên chẳng phải là chẳng phải thấp.

Từ lâu đã xa lìa các hình tướng, nên Như Lai chẳng phải là tướng. Như Lai biết rành tất cả tướng, nên chẳng phải là chẳng phải tướng.

Như Lai rỗng rang như hư không, nên chẳng phải là tâm. Vì Như Lai có mười tâm trí lực, cũng có thể rõ biết tâm của chúng sinh, nên cũng chẳng phải là chẳng phải tâm.

Vì Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh, nên chẳng phải là hữu vi. Như Lai thị hiện có đến, đi, ngồi, nằm cùng thị hiện Niết Bàn nên chẳng phải là vô vi.

Vì có thân phần đoạn nên Như Lai chẳng phải là thường. Lại vì có biết, vì có nói năng, vì có họ tên, vì có cha mẹ, vì có bốn oai nghi, vì có nơi chỗ, do đây nên Như Lai chẳng phải là thường. Phàm pháp có sinh gọi là vô thường. Như Lai là vô sinh nên chẳng phải là chẳng phải thường. Phàm pháp thường trụ thời khắp tất cả chỗ như hư không, không chỗ nào không có, Như Lai khắp tất cả chỗ cũng như vậy nên là thường. Những pháp vô thường thời chỗ này có, chỗ kia không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp vô thường thời có lúc có lúc không, Như Lai chẳng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ không danh, sắc, không nhân, không quả, Như Lai cũng như vậy nên là thường. Pháp thường trụ chẳng nhiếp trong thời gian ba đời, Như Lai cũng như vậy nên là thường.

Vì dứt tất cả tâm luống dối, nên Như Lai chẳng phải là huyễn hóa. Như Lai có lúc chia một thân làm vô lượng thân, vô lượng thân hiệp làm một thân, đi thẳng qua núi qua vách không bị chướng ngại, đi trên nước như đất, vào trong đất như nước, đi trên hư không như đất bằng, thân tuôn ra khói lửa, hực hở như đống lửa, hiện tiếng mây sấm chấn động, hoặc hiện làm thành ấp xóm làng nhà cửa núi sông cây cối, hoặc hiện thân to lớn, hoặc thân nhỏ, thân nam, thân nữ, thân đồng nam, thân đồng nữ, vì thế nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng phải huyễn hóa.

Trong rừng Ta La nơi thành Câu Thi Na, Như Lai thị hiện nhập Niết Bàn vì thế nên Như Lai chẳng phải quyết định. Do vì thường, lạc, ngã tịnh nên Như Lai cũng chẳng phải là chẳng quyết định.

Vì đã dứt ba thứ lậu: Một là dục lậu tức là tất cả phiền não ở dục giới trừ vô minh; hai là hữu lậu tức là tất cả phiền não sắc giới và vô sắc giới trừ vô minh; ba là vô minh lậu tức là vô minh trong tam giới.

Vì thế nên Như Lai chẳng phải hữu lậu.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777689
Số người trực tuyến: