Trang 04 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 04

PHẨM PHẠM HẠNH THỨ HAI MƯƠI

(Hán bộ trọn quyển 14, 15, 16, 17 và phần đầu quyển thứ 18)

Trang 04

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Đệ nhất nghĩa đế cũng gọi là đạo, cũng gọi là bồ đề, cũng gọi là Niết Bàn. Nếu có Bồ Tát nói rằng có đắc đạo, có bồ đề, Niết Bàn thời là vô thường. Vì pháp nếu là thường thời chẳng thể đặng, dường như hư không, có ai được.

Thế Tôn! Như vật trong thế gian trước không nay có gọi đó là vô thường. Cũng vậy, nếu đạo là có thể được thời gọi là vô thường. Pháp nếu là thường thời không đặng, không sinh, dường như Phật tính không đặng, không sinh.

Thế Tôn! Luận về đạo: Chẳng phải sắc, chẳng phải chẳng sắc, chẳng dài, chẳng vắn, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, chẳng phải sinh, chẳng phải diệt, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải có, chẳng phải không, cớ sao đức Như Lai nói là có thể được. Bồ Đề cùng Niết Bàn cũng như vậy.

Phật nói: “Phải lắm! Phải lắm! Này Thiện nam tử ! Đạo có hai thứ : Một là thường, hai là vô thường. Tướng Bồ Đề cũng có hai thứ : Một là thường, hai là vô thường. Niết Bàn cũng vậy.

Đạo của ngoại đạo gọi là vô thường. Đạo của nội đạo gọi là thường, Bồ Đề của Thanh Văn Duyên Giác là vô thường. Bồ Đề của Bồ Tát và chư Phật gọi là thường. Ngoại giải thoát gọi là vô thường, Nội giải thoát gọi là thường.

Đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn đều gọi là thường. Tất cả chúng sinh vì bị vô lượng phiền não che đậy không huệ nhãn nên chẳng thể thấy được. Mà các chúng sinh vì muốn được thấy nên tu giới, định, huệ. Do tu hành nên thấy đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát chứng đặng đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn.

Tính tướng của đạo thật chẳng sinh, chẳng diệt. Do nghĩa này nên chẳng thể nắm lấy. Này Thiện nam tử! Đạo dầu không hình sắc thấy được, không thể cân lường biết. Nhưng thật có công dụng. Như tâm chúng sinh dầu chẳng phải sắc, chẳng phải dài, vắn, thô, tế, chẳng phải buộc chẳng phải mở. Chẳng phải là pháp có thể thấy nhưng cũng là có.

Do nghĩa này nên đức Phật vì ông Tu Đạt Đa nói rằng: Này trưởng Giả! Tâm là chúa trong thành. Trưởng Giả nếu chẳng giữ gìn tâm thời chẳng giữ gìn thân miệng. Nếu giữ gìn tâm thời giữ gìn thân miệng. Bởi chẳng khéo giữ gìn thân miệng nên làm cho chúng sinh sa đến ba ác thú. Giữ gìn thân miệng thời làm cho chúng sinh đặng báo trời người và Niết Bàn. Chứng đặng gọi là chân thật, còn chẳng chứng đặng gọi là chẳng chân thật. Đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn cũng như vậy: Cũng là có cũng là thường. Nếu như không có làm sao có thể dứt được tất cả phiền não. Vì có nên tất cả Bồ Tát thấy biết rõ ràng.

Này Thiện nam tử! Một là thấy tướng mạo, hai là thấy rõ ràng. Thế nào là thấy tướng mạo? Như thấy khói đàng xa gọi là thấy lửa, kỳ thật chẳng thấy lửa, dầu chẳng thấy lửa, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Thấy chim hạc bay trên không bèn nói là thấy nước. Dầu chẳng thấy nước nhưng chẳng phải là hư vọng. Như thấy lá cây bèn nói là thấy gốc cây, dầu chẳng phải thấy gốc cây nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như người thấy sừng trâu trong rào đằng xa bèn nói là thấy trâu, dầu chẳng thấy trâu nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy người nữ thai nghén bèn nói là thấy dục, dầu chẳng thấy dục, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy cây mọc lá bèn nói là thấy nước, dầu chẳng thấy nước nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy mây bèn nói là thấy mưa, dầu chẳng thấy mưa nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy thân nghiệp cùng khẩu nghiệp bèn nói là thấy tâm, dầu chẳng thấy tâm, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng, đây gọi là thấy tướng mạo.

Thế nào là thấy rõ ràng? Như mắt thấy sắc. Này Thiện nam tử! Như người có con mắt sáng tự xem trái A Ma Lặc trong bàn tay. Đại Bồ Tát thấy đạo Bồ Đề, Bồ Đề và Niết Bàn rõ ràng cũng như vậy, dầu thấy như vậy nhưng vẫn không có tướng thấy.

Này Thiện nam tử! Do nhân duyên này ngày trước ta bảo Xá Lợi Phất: Tất cả trong đời hoặc Sa Môn, Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người chỗ chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, chỉ có đức Như Lai đều biết thấy và hiểu, chư vị Đại Bồ Tát cũng như vậy. Còn nếu trong các thế gian chỗ biết thấy và hiểu, thời ta cùng Bồ Tát cũng biết thấy và hiểu. Chúng sinh trong thế gian chỗ chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, cũng chẳng tự biết là mình chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu. Chúng sinh trong thế gian chỗ biết thấy và hiểu bèn tự nói rằng tôi biết thấy và hiểu. Đức Như Lai tất cả đều biết thấy và hiểu, cũng chẳng tự nói rằng ta biết thấy và hiểu, tất cả Bồ Tát cũng như vậy, vì nếu giả sử đức Như Lai còn có tướng biết thấy và hiểu, phải biết đó là chẳng Phật Thế Tôn mà là phàm phu, Bồ Tát cũng vậy.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Như đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất: Thế gian biết ta cũng biết, thế gian chẳng biết ta cũng biết rõ. Ý nghĩa đó thế nào?

Này Thiện nam tử! Tất cả thế gian chẳng biết, chẳng thấy chẳng hiểu được Phật tính. Nếu có biết thấy và hiểu Phật tính thời chẳng gọi là thế gian mà là Bồ Tát. Người thế gian cũng lại chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, mười hai loại kinh, mười hai nhân duyên, bốn đảo, bốn đế ba mươi bảy phẩm, vô thượng Bồ Đề, Đại Niết Bàn, nếu biết, thấy và hiểu thời chẳng phải là thế gian nên gọi là Bồ Tát.

Này Thiện nam tử! Đây gọi là thế gian chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu.

Thế nào là chỗ biết thấy và hiểu của thế gian? Chính là Phạm Thiên, Tự Tại Thiên, Bát Tý Thiên, tính, thời, vi trần, pháp và phi pháp là chủ tạo hoá, chung thỉ của thế giới, hai kiến chấp đoạn thường, cho rằng sơ thiển đến trời phi phi tưởng Là Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Đây gọi là chỗ thấy, biết và hiểu của thế gian. Đại Bồ Tát đối với những việc như vậy cũng biết thấy và hiểu. Bồ Tát thấy biết và hiểu như vậy rồi, nếu nói rằng chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu thời là hư vọng. Hư vọng thời là tội. Do tội này phải đọa địa ngục.

Này Thiện nam tử! Hoặc nam nữ, hoặc Sa Môn hay Bà La Môn nói rằng không có đạo Bồ Đề Niết Bàn. Phải biết bọn này gọi là Nhất Xiển Đề, là quyến thuộc của Ma, gọi là hủy báng chính pháp. Hủy báng chính pháp như vậy chính là hủy báng chư Phật. Người như vậy chẳng gọi là thế gian cùng chẳng gọi là chẳng phải thế gian.

Lúc bấy giờ Ca Diếp Bồ Tát liền nói kệ tán thán Phật.

Đức đại từ thương chúng sinh, Nên nay tôi quy y Phật. Khéo nhổ những mũi tên độc, Nên hiệu là đại Y Vương. Y sĩ trong đời trị bệnh, Dầu lành nhưng sinh trở lại, Đức Như Lai trị lành hẳn, Rốt ráo chẳng còn phát sinh. Thuốc cam lộ của Thế Tôn, Đem ban cho các chúng sinh, Chúng sinh đã uống thuốc rồi, Thời chẳng chết cũng chẳng sinh. Đức Như Lai nay vì tôi, Diễn nói kinh Đại Niết Bàn, Chúng sinh nghe tạng bí mật. Liền đặng chẳng sinh chẳng diệt.

Nói kệ xong, Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật nói tất cả thế gian chẳng biết, thấy , hiểu, Bồ Tát đều có thể biết, thấy, hiểu. Giả sử Bồ Tát là thế gian thời chẳng đặng nói rằng thế gian chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu, mà Bồ Tát có thể biết thấy hiểu. Còn nếu Bồ Tát chẳng phải thế gian thời có tướng gì khác?

Này Thiện nam tử! Bồ Tát cũng là thế gian cũng chẳng phải thế gian. Chẳng biết, thấy, hiểu gọi là thế gian. Biết, thấy, hiểu chẳng gọi là thế gian. Ông hỏi có tướng gì khác nay ta sẽ nói.

Này Thiện nam tử! Hoặc nam nữ nếu có người mới nghe kinh Đại Niết Bàn này liền sinh lòng kính tin phát tâm vô thượng Bồ Đề, đây gọi là thế gian Bồ Tát. Tất cả thế gian chẳng biết, thấy, hiểu, Bồ Tát này cũng chẳng biết, thấy, hiểu đồng như thế gian. Bồ Tát nghe kinh Đại Niết Bàn này rồi biết có sự mà thế gian chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu là chỗ biết, thấy, hiểu của Bồ Tát. Biết như vậy rồi liền tự nghĩ rằng: Tôi phải tu tập thế nào để được biết thấy và hiểu? Lại tự nghĩ: Chỉ phải thâm tâm tu trì tịnh giới.

Này Thiện nam tử! Do nhân duyên đó Bồ Tát này ở đời vị lai sinh vào chốn nào giới đức vẫn thường thanh tịnh.

Này Thiện nam tử! Do giới thanh tịnh nên Đại Bồ Tát sinh vào chốn nào vẫn thường không kiêu mạn, tà kiến, nghi lầm. Không bao giờ cho rằng : Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát tu trì giới thanh tịnh.

Giới đã thanh tịnh kế đến tu thiền định. Do tu thiền định nên đời đời chẳng mất chính niệm: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, mười hai bộ kinh, chư Phật Thế Tôn thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả Bồ Tát an trụ nơi kinh Phương Đẳng Đại Niết Bàn đều thấy Phật tính, những việc như vậy đời đời nhớ chẳng quên. Do tu chính định, nên chứng đặng mười một pháp không. Đây gọi là Bồ tát tu thanh tịnh.

Giới định đã đủ kế tu huệ thanh tịnh. Do tu huệ nên chẳng chấp trước trong thân có ngã, trong ngã có thân, là thân là ngã, chẳng phải thân chẳng phải ngã. Đây gọi là Bồ Tát tu tập huệ thanh tịnh. Do tu huệ nên giới cấm đang thọ trì bền chắc chẳng lay động.

Như núi Tu Di chẳng bị bốn ngọn gió làm lay động. Cũng vậy, Đại Bồ Tát chẳng bị bốn thứ điên đảo làm lay động.

Bấy giờ Bồ Tát tự rõ biết rằng giới cấm của mình thọ trì không có lay động. Đây gọi là chỗ thấy biết của Bồ Tát, chẳng phải là thế gian.

Này Thiện nam tử! Bồ Tát thấy giới cấm của mình thọ trì bền chắc chẳng lay động thời tâm không hối hận. Vì không hối hận nên tâm vui mừng. Vì vui mừng nên tâm thỏa thích. Vì thỏa thích nên tâm an ổn. Vì an ổn nên đặng chính định vô động. Vì đặng chính định vô động nên đặng tri kiến chân thật. Vì đặng tri kiến chân thật nên nhàm lìa sinh tử. Vì nhàm lìa sinh tử bèn đặng giải thoát. Vì đặng giải thoát nên thấy rõ Phật tính. Đây gọi là chỗ thấy biết của Bồ Tát, chẳng phải là thế gian.

Này Thiện nam tử! Như trên đây gọi là thế gian chẳng biết chẳng thấy, mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế nào là Bồ Tát tu trì giới thanh tịnh tâm không hối hận nhẫn đến thấy rõ Phật tính?”.

Này Thiện nam tử! Giới cấm của thế gian chẳng gọi là thanh tịnh. Vì giới cấm của thế gian để cầu pháp có, vì tính bất định, vì chẳng rốt ráo, chẳng thể khắp vì tất cả chúng sinh. Do nghĩa này nên gọi là chẳng thanh tịnh. Vì chẳng thanh tịnh nên có tâm hối hận. Vì hối hận nên tâm không vui mừng. Vì không vui mừng thì không thỏa thích. Vì không thỏa thích thời tâm không an ổn. Vì không an ổn nên không có chính định bất động. Vì không chính định bất động nên không có tri kiến chân thật. Vì không tri kiến chân thật thì tâm không nhàm lìa. Vì không nhàm lìa thời không được giải thoát. Vì không giải thoát nên chẳng thấy Phật tính. Vì không thấy Phật tính nên trọn chẳng đặng Đại Niết Bàn. Đây gọi là giới cấm của thế gian chẳng thanh tịnh.

Này Thiện nam tử! Giới của Đại Bồ Tát thanh tịnh: Vì giới mà chẳng phải giới, vì chẳng phải là có, vì quyết định rốt ráo, vì lợi ích chúng sinh. Đây gọi là giới thanh tịnh của Bồ Tát.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát ở trong giới thanh tịnh, dầu chẳng muốn sinh lòng không hối hận, nhưng lòng không hối hận tự nhiên sinh. Như người cầm gương sáng chẳng trông mong thấy mặt mình mà ảnh của mặt mình tự nhiên hiện.

Như nhà nông đem giống gieo trong ruộng tốt, chẳng mong mõi mầm mộng mọc lên mà mầm mộng tự mọc. Lại cũng như thắp đèn chẳng muốn trừ tối mà tối tự mất.

Đại Bồ Tát bèn giữ giới thanh tịnh tâm không hối hận tự nhiên sinh cũng như vậy, do thanh tịnh nên tâm đặng vui mừng.

Như người xinh đẹp thấy diện mạo mình lòng sinh vui mừng, người trì tịnh giới cũng như vậy.

Này Thiện nam tử! Người phá giới thấy giới không thanh tịnh lòng không vui mừng, như người tàn tật xấu xa thấy diện mạo mình lòng buồn bã.

Như hai cô gái chăn bò: Một người cầm bình đựng chất lạc, một người cầm bình đựng chất nước trái ép, đồng vào thành để bán, giữa đường vấp chân té hai bình đều bể. Một thời vui mừng, một thời rầu rĩ. Trì giới và phá giới mừng rầu cũng như vậy. Người trì tịnh giới tâm vui mừng. Vì vui mừng bèn suy nghĩ.

Chư Phật ở trong Niết Bàn nói rằng: Người có thể trì tịnh giới thanh tịnh sẽ đặng Niết Bàn. Nay tôi tu tập tịnh giới như vậy cũng đáng được đó. Do cớ này nên tâm thỏa thích.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Vui mừng cùng thỏa thích có sai khác gì?

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lúc chẳng làm ác gọi là vui mừng, lúc trì tịnh giới gọi là thỏa thích. Đại Bồ Tát lúc quán sát sinh tử gọi là vui mừng, lúc thấy Đại Niết Bàn gọi là thỏa thích. Bậc hạ gọi là vui mừng, bậc thượng gọi là thỏa thích. Lìa pháp thế gian gọi là vui mừng, đặng pháp bất cộng gọi là thỏa thích. Do giới thanh tịnh nên thân thể dịu dàng, miệng không nói lời thô ác lỗi lầm. Lúc bấy gìơ Bồ Tát hoặc thấy hoặc nghe, hoặc ngửi, hoặc nếm, hoặc xúc chạm, hoặc biết, đều không có các sự ác. Vì không ác nên tâm đặng an ổn. Vì an ổn nên đặng chính định. Vì đặng chính định nên thấy biết chân thật. Vì thấy biết chân thật nên nhàm lìa sinh tử. Vì nhàm lìa sinh tử nên đặng giải thoát.Vì giải thoát nên thấy Phật tính. Vì thấy Phật tính nên đặng Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát trì tịnh giới, chẳng phải giới cấm thế gian. Vì Đại Bồ Tát thọ trì tịnh giới có năm pháp tá trợ: Một là tín, hai là tàm, ba là quí, bốn là thiện tri thức, năm là tôn kính giới, do đã lìa ngũ cái, chỗ thấy thanh tịnh vì đã lìa năm ác kiến. Tâm không nghi hoặc vì đã lìa năm thứ nghi: Một là nghi Phật, hai là nghi Pháp, ba là nghi Tăng, bốn là nghi giới, năm là nghi chẳng phóng dật. Bồ Tát bèn đặng ngũ căn: Tín niệm, tinh tấn, định và huệ. Vì đặng ngũ căn nên đặng năm thứ Niết Bàn: Sắc giải thoát nhẫn đến thức giải thoát. Đây gọi Bồ Tát trì tịnh giới thanh tịnh chẳng phải thế gian vậy.

Này Thiện nam tử! Đây là thế gian chẳng biết chẳng thấy mà là chỗ thấy biết của Bồ Tát.

Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng biên chép, diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn mà có phá giới. Bị người quở trách khinh tiện hủy nhục và nói rằng: “Nếu tạng bí mật của Phật, kinh Đại Niết Bàn có oai lực, sao lại làm cho người hủy phá giới cấm. Nếu người thọ trì kinh Niết Bàn này hủy phá giới cấm, nên biết kinh này là không có oai lực nếu không oai lực dầu có đọc tụng cũng không lợi ích”. Do vì khinh hủy kinh Đại Niết Bàn nên làm cho vô lượng chúng sinh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh này mà hủy phá giới cấm là ác tri thức của chúng sinh, là quyến thuộc của ma chẳng phải đệ tử của ta. Người như vậy ta cũng chẳng cho thọ trì kinh này. Thà khiến họ chẳng thọ chẳng trì, chẳng tu, chớ chẳng để họ hủy phá giới cấm mà tho ïtrì tu tập.

Này Thiện nam tử! Nếu đệ tử ta thọ trì đọc tụng thơ tả diễn thuyết kinh Niết Bàn phải chính thân tâm cẩn thận chớ cợt đùa, cử động khinh tháo thân không cợt đùa tâm không khinh động. Tâm cầu pháp có thời gọi là khinh động thân tạo các nghiệp gọi là cợt đùa. Nếu đệ tử ta cầu pháp có, tạo các nghiệp, thời không nên thọ trì kinh điển Đại thừa Đại Niết Bàn này. Nếu người như vậy mà thọ trì kinh này, sẽ làm cho nhiều người khinh chê mà nói rằng: Nếu kinh Đại Niết Bàn, tạng bí mật của Phật có oai lực, sao lại làm cho người cầu pháp có, gây tạo các nghiệp. Nếu người trì kinh này cầu pháp có, gây tạo các nghiệp do đó biết rằng kinh này không có oai lực không oai lực nên thọ trì cũng không lợi ích gì.

Do khinh hủy kinh Đại Niết Bàn lại làm cho vô lượng chúng sinh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh này nếu cầu pháp có, gây tạo các nghiệp, họ là ác tri thức của chúng sinh, là quyến thuộc của ma không phải đệ tử ta.

Này Thiện nam tử! Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng thơ tả diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn này, không nên: Thuyết pháp phi thời, thuyết pháp phi xứ, không thỉnh mà thuyết pháp, khinh tâm mà thuyết pháp, chỗ nào cũng thuyết pháp, tự khen mình mà thuyết pháp, khinh người khác mà thuyết pháp, diệt Phật mà thuyết pháp, hưng thịnh pháp thế gian mà thuyết pháp.

Nếu đệ tử của ta thọ trì kinh này mà thuyết pháp phi thời cho đến thuyết pháp để hưng thịnh pháp thế gian, mọi người sẽ khinh chê họ. Vì khinh chê kinh Đại Niết Bàn nên làm cho vô lượng chúng sinh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh này mà như vậy thời là ác tri thức của chúng sinh, là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử của ta.

Này Thiện nam tử! Nếu người thọ trì kinh này, muốn giảng thuyết Đại Niết Bàn, muốn giảng thuyết Phật tính, muốn giảng thuyết tạng bí mật của Như Lai, muốn giảng thuyết Đại Thừa, muốn giảng thuyết kinh Phương Đẳng, muốn giảng thuyết Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa, muốn giảng thuyết giải thoát, thấy Phật tính thời trước phải thanh tịnh thân của mình. Vì thân thanh tịnh thời người không quở trách. Vì không quở trách nên làm cho vô lượng chúng sinh có lòng tin thanh tịnh đối với kinh Đại Niết Bàn. Vì có lòng tin nên càng kính kinh này, nếu được nghe một kệ, một câu, một chữ và người thuyết pháp, thời phát đặng tâm vô thượng Bồ Đề. Nên biết người này thật là thiện tri thức của chúng sinh, là đệ tử của Phật. Đây gọi là Bồ Tát chẳng phải thế gian.

Này Thiện nam tử! Đây gọi là thế gian chẳng biết chẳng thấy mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát.

Này Thiện nam tử! Thế nào là tất cả thế gian chẳng thấy chẳng biết, mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát? Đây là nói sáu chính niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

Thế nào là niệm Phật? Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thường chẳng biến đổi, đầy đủ mười trí lực, bốn môn vô sở úy, đại Sư Tử Hống, gọi là đại Sa Môn, đại Bà La Môn, đại tịnh, rốt ráo đến nơi bờ kia, đấng Vô Năng Thắng, đấng Vô Kiến Đảnh, không có bố úy, chẳng kinh chẳng động, riêng một không bạn vô sư tự ngộ, trí mau lẹ, trí lớn, trí lanh lợi, trí sâu, trí giải thoát, trí bất cộng, trí rộng khắp, trí rốt ráo, trí bảo thành tựu, tượng vương trong loài người, Ngưu vương trong loài người, Long vương trong loài người, trượng phu trong loài người, Liên Hoa trong loài người, hoa Phân Đà Lợi, Điều Ngự Nhân Sư, là đại thí chủ bậc thầy đại pháp, hiệu đại pháp sư, vì biết pháp, vì biết nghĩa, vì biết thời, vì tri túc, vì tri ngã, vì biết đại chúng, vì biết chủng tính của chúng sinh, vì biết căn tính lợi độn, vì nói trung đạo, do những cớ này nên hiệu là đại pháp sư.

Thế nào gọi là Như Lai? Như chỗ thuyết pháp của chư Phật quá khứ chẳng biến đổi. Chư Phật quá khứ vì độ chúng sinh nên nói mười hai bộ kinh. Đức Như Lai cũng vậy nên hiệu là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn từ sáu môn Ba La Mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười một pháp không mà đến Đại Niết Bàn. Đức Như Lai cũng vậy, nên gọi Phật là Như Lai. Chư Phật Thế Tôn vì chúng sinh nên tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa, thọ mạng vô lượng không thể tính đếm. Đức Như Lai cũng vậy nên gọi Phật là Như Lai.

Thế nào là Ứng Cúng? Pháp thế gian đều gọi là oan gia, vì đức Như Lai ứng phá hoại pháp ấy nên gọi là ứng. Luận về tứ ma là oan gia của Bồ Tát, chư Phật Như Lai lúc làm Bồ Tát, có thể dùng trí huệ phá hoại bốn thứ ma nên gọi là Ứng. Lại Ứng gọi là viễn ly, lúc làm Bồ Tát nên phải xa lìa vô lượng phiền não nên gọi là Ứng. Lại Ứng gọi là lạc, chư Phật quá khứ lúc làm Bồ Tát dầu trong vô lượng vô số kiếp vì chúng sinh mà thọ những khổ não, nhưng trọn không khi nào là không vui, mà thường vui đó nên gọi là Ứng. Và lại tất cả nhân thiên nên đem các thứ hoa, hương, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc để cúng dường đó nên gọi là Ứng cúng.

Thế nào gọi là Chính Biến Tri? Chính là nói chẳng điên đảo. Biến tri là thông đạt tất cả bốn thứ điên đảo. Lại chính là nói khổ hạnh. Biến tri là biết nhân nơi khổ hạnh quyết định có quả khổ. Lại chính là nói trong thế gian. Biến tri là rốt ráo quyết định biết tu tập trung đạo thời đặng vô thượng Bồ Đề. Lại chính nói có thể đếm, có thể lường có thể cân. Biến tri là chẳng thể đếm, chẳng thể lường, chẳng thể cân vì thế nên gọi Phật là Chính Biến Tri.

Này Thiện nam tử! Thanh Văn Duyên Giác cũng có biến tri, cũng chẳng biến tri. Vì biến tri là nói ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới. Thanh Văn Duyên Giác cũng đặng biến tri, đây gọi là có biến tri. Giả sử hàng nhị thừa trong vô lượng kiếp quán sát một sắc ấm cũng chẳng thể biết được hết, do nghĩa này nên hàng Thanh Văn Duyên Giác không có biến tri.

Thế nào là Minh Hạnh Túc? “Minh” là nói đặng vô lượng quả lành. “Hạnh” là chân cẳng. Quả lành gọi là vô thượng Bồ Đề. Chân cẳng là nói giới huệ. Nương nơi chân giới huệ mà đặng vô thượng Bồ Đề, vì thế nên gọi là Minh Hạnh Túc. Lại minh gọi rằng “chú”, hạnh gọi rằng “kiết”, túc gọi rằng “quả”, đây là nghĩa thế gian. “Chú” là nói giải thoát, “Kiết’ là vô thượng Bồ Đề, “Quả” là nói Đại Niết Bàn, vì thế nên gọi là Minh Hạnh Túc. Lại “minh” là quang, “hạnh” là nghiệp, “túc” là quả, đây là nghĩa thế gian. “Quang” là nói chẳng phóng dật, “Nghiệp” là nói sáu môn Ba La Mật, “Quả” là nói vô thượng Bồ Đề. Và lại “Minh” là tam minh: Một là Bồ Tát minh, hai là chư Phật minh, ba là vô minh minh. Bồ Tát minh là Bát Nhã Ba La Mật. Chư Phật minh là Phật nhãn, vô minh minh là rốt ráo không. “Hạnh” là trong vô lượng kiếp vì chúng sinh nên tu tập các nghiệp lành. “Túc” là thấy rõ Phật tính. Do nghĩa này nên gọi là Minh Hạnh Túc.

Thế nào là Thiện Thệ? “Thiện” là cao, “Thệ’ là chẳng cao, đây là nghĩa thế gian. “Cao” gọi là vô thượng Bồ Đề. “Chẳng cao” chính là tâm Như Lai. Này Thiện nam tử! Tâm nếu cao thời chẳng gọi là Như Lai, vì thế nên Như Lai gọi là Thiện Thệ. Lại “Thiện” là thiện tri thức, “Thệ:” là quả thiện tri thức, đây là nghĩa thế gian. Thiện tri thức là sơ phát tâm, quả của thiện tri thức là Đại Niết Bàn. Như Lai chẳng bỏ sự phát tâm tối sơ nên đặng Đại Niết Bàn, vì thế nên Như Lai hiệu là Thiện Thệ. Và lại “thiện” gọi là tốt, “thệ” gọi là có, đây là nghĩa thế gian. “Tốt” là nói thấy Phật tính, “có” là nói Đại Niết Bàn thiệt chẳng phải có, chư Phật vì thế gian mà nói là có. Như người đời thiệt không có con mà nói là có con, thiệt không có đạo mà nói là có đạo. Nhân thuận theo thế gian mà nói là có Niết Bàn. Chư Phật Thế Tôn thành Đại Niết Bàn nên gọi là Thiện Thệ.

Thế nào là Thế Gian Giải? Thế gian là nói ngũ ấm, giải là rõ biết. Chư Phật khéo biết ngũ ấm nên hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là nói ngũ dục, giải là chẳng tham đắm. Chẳng tham đắm ngũ dục nên hiệu là Thế Gian Giải. Lại thập phương vô lượng vô số thế giới tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu, chư Phật đều biết đều thấy đều hiểu, vì thế nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là tất cả phàm phu, giải là biết nhân quả thiện ác của phàm phu, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, duy Phật có thể biết nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại thế gian là Liên Hoa, giải là nói chẳng ô nhiễm, đây là nghĩa thế gian. Liên Hoa là nói Như Lai, đức Như Lai chẳng bị tám pháp thế gian làm ô nhiễm, nên Phật hiệu là Thế Gian Giải. Lại chư Phật Bồ Tát thấy rõ thế gian nên hiệu là Thế Gian Giải. Như nhân ăn mà đặng sống nên gọi ăn là mạng sống. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát vì thấy rõ thế gian nên hiệu là Thế Gian Giải.

Thế nào là Vô Thượng Sĩ? Thượng Sĩ gọi là dứt, không chỗ dứt gọi là Vô Thượng Sĩ. Chư Phật Thế Tôn không có phiền não nên không chỗ dứt, vì thế Phật hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là nói tránh tụng, Vô Thượng Sĩ là không có tránh tụng. Như Lai không tránh tụng nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là lời nói có thể phá hoại, Vô Thượng Sĩ là lời nói chẳng thể phá hoại. Lời nói của Như Lai không ai phá được nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại Thượng Sĩ là nói bậc thượng tòa, Vô Thượng Sĩ là nói bậc vô thượng tòa. Chư Phật ba đời không có ai hơn nên hiệu là Vô Thượng Sĩ. Lại nữa “thượng” là mới, “sĩ” la cũ. Chư Phật Thế Tôn thể chứng Đại Niết Bàn không mới không cũ nên hiệu là Vô Thượng Sĩ.

Thế nào là Điều Ngự Trượng Phu? Tự mình đã là Trượng Phu, lại điều phục trượng phu khác.

Này Thiện nam tử! Như Lai thật chẳng phải trượng phu, cũng chẳng phải chẳng trượng phu, nhân điều phục trượng phu nên gọi Như Lai là trượng phu. Tất cả nam nữ nếu đủ bốn pháp thời gọi là trượng phu: Một là gần thiện tri thức, hai là có thể nghe pháp, ba là tư duy nghĩa, bốn là đúng như pháp tu hành. Nếu nam nữ nào không có bốn pháp này thời chẳng được gọi là trượng phu. Vì thân dầu là trượng phu mà hành vi đồng như súc sinh. Như Lai điều phục những nam nữ ấy nên Phật hiệu là Điều Ngự trượng Phu. Lại như điều khiển ngựa phàm có bốn cách: Một là chạm đến lông, hai là chạm đến da, ba là chạm đến thịt, bốn là chạm đến xương, tùy chỗ chạm đến vừa ý người điều khiển. Cũng vậy, Như Lai dùng bốn cách điều phục chúng sinh: Một là vì chúng sinh mà giảng thuyết về sinh khổ khiến lãnh thọ lời Phật, như cách chạm lông thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Hai là giảng thuyết sinh tử bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông da thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Ba là giảng nói sinh cùng lão bệnh bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông, da, thịt, thời ngựa tuân theo ý người điều khiển. Bốn là giảng nói sinh, lão, bệnh và tử bèn lãnh thọ lời Phật, như chạm đến lông, da, thịt, xương, thời ngựa tuân theo ý người điều khiển.

Này Thiện nam tử! Người điều khiển ngựa không có quyết định. Như Lai điều phục chúng sinh quyết định chẳng luống nên Phật hiệu là Điều Ngự Trượng Phu.

Thế nào là Thiên Nhân Sư? Sư có hai hạng: Một là dạy điều lành, hai là dạy điều ác. Chư Phật và Bồ Tát thường đem pháp lành dạy bảo chúng sinh. Pháp lành là nói thân, khẩu, ý đều lành. Chư Phật Bồ Tát dạy bảo chúng sinh: Các người nên xa nghiệp chẳng lành nơi thân, vì nghiệp ác nơi thân là thứ có thể xa lìa, để được giải thoát, nên ta đem pháp này dạy các ngươi. Nếu nghiệp ác chẳng thể xa lìa để được giải thoát, thời ta trọn chẳng dạy các ngươi. Các chúng sinh nếu lìa ác nghiệp rồi thời không bị đọa ba ác đạo. Do lìa ác nên thành Vô Thượng Bồ Đề đặng Đại Niết Bàn. Vì thế nên chư Phật và Bồ Tát thường đem pháp lành này giáo hoá chúng sinh. Khẩu và ý cũng như vậy. Vì thế Phật là Vô Thượng Sư. Lại xưa chưa đặng đạo nay đã đặng đạo đó, đem đạo đã đặng dạy cho chúng sinh. Từ trước tới nay chưa tu phạm hạnh nay đã tu xong, đem chỗ tu của mình dạy cho chúng sinh. Tự phá vô minh, lại phá vô minh cho chúng sinh. Tự đặng tịnh nhãn lại làm cho chúng sinh cũng đặng tịnh nhãn. Tự biết rõ hai đế lý lại vì chúng sinh mà giảng thuyết hai đế lý. Đã tự giải thoát lại vì chúng sinh nói pháp giải thoát. Tự qua khỏi sông lớn sinh tử không ngằn mé lại làm cho chúng sinh đều được qua khỏi.

Tự được vô úy lại dạy chúng sinh làm cho không còn sợ sệt. Tự đã được Niết Bàn lại vì chúng sinh nói Đại Niết Bàn. Vì thế nên Phật hiệu là Vô Thượng Sư.

“Thiên” là nói ban ngày. Trên trời ngày dài đêm ngắn nên gọi là thiên. Lại: “thiên” là nói không sầu não thường vui sướng nên gọi là thiên. Lại “thiên” là nói đèn sáng có thể phá đen tối thành sáng suốt nên gọi là thiên. Cũng bởi có thể phá nghiệp ác tối tăm đặng nghiệp lành sinh lên trời nên gọi là “thiên”. Lại vì kiết tường nên gọi là: “thiên”, lại vì có ánh sáng nên gọi là “thiên”.

Nhân là nói, là có thể nhiều suy nghĩ nghĩa lý. Lại nhân là thân khẩu dịu dàng. Lại nhân là nói kiêu mạn. Lại nhân là nói có thể phá kiêu mạn.

Này Thiện nam tử! Chư Phật dầu là đại sư vô thượng của tất cả chúng sinh, nhưng trong kinh nói là Thiên Nhân Sư, vì trong các loài chúng sinh chỉ có người cùng trời có thể phát tâm vô thượng Bồ Đề, có thể tu mười nghiệp đạo lành, có thể đặng quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, chứng đặng vô thượng Bồ Đề. Vì thế nên Phật hiệu là Thiên Nhân Sư.

Thế nào là Phật? Phật gọi là giác, đã tự giác ngộ lại có thể giác ngộ người khác. Như có người rõ biết kẻ giặc cướp, thời giặc cướp không hại được. Đại Bồ Tát có thể rõ biết tất cả vô lượng phiền não. Vì rõ biết nên các phiền não không làm não được. Do đây nên gọi là Phật. Do vì giác ngộ nên chúng sinh, chẳng lão, chẳng bệnh, chẳng tử, do đây gọi là Phật.

Phật hiệu là Bà Dà Bà, “Bà Dà” là phá, “Bà’ là phiền não. Có thể phá phiền não nên hiệu Bà Dà Bà. Lại có thể thành tựu các pháp lành, lại có thể hiểu rõ nghĩa của các pháp lại có công đức lớn không ai hơn, lại có tiếng đồn khắp mười phương, lại có thể bố thí tất cả, lại trong vô lượng a tăng kỳ kiếp lìa nữ căn.

Này Thiện nam tử! Hoặc nam hoặc nữ có thể niệm Phật như vậy, lúc đi đứng, lúc ngồi nằm, hoặc ban ngày, hoặc ban đêm, lúc tối, lúc sáng, thường đặng chẳng lìa thấy Phật Thế Tôn.

Này Thiện nam tử! Cớ sao gọi rằng Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri nhẫn đến Bà Dà Bà mà có vô lượng công đức cùng tiếng tăm lớn như vậy? Đại Bồ Tát trong vô lượng vô số kiếp trước, cung kính cha mẹ, hòa thượng sư trưởng, thượng tọa, trưởng lão. Trong vô lượng kiếp thường vì chúng sinh mà thật hành hạnh Bố Thí, trì Tịnh Giới, tập Nhẫn Nhục, siêng Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả, vì thế nên ngày nay đặng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân kim cương. Và lại Bồ Tát trong vô lượng vô số kiếp trước tu tập ngũ căn : Tín, niệm, Tấn, Định, Huệ, cung kính cúng dàng các bậc sư trưởng, thường vì pháp, chẳng vì ăn. Bồ Tát nếu trì mười hai loại kinh, hoặc đọc tụng, thường muốn cho chúng sinh đặng giải thoát an ổn vui sướng, trọn chẳng vì mình. Tại sao vậy? Vì Bồ tát thường tu tâm xuất thế và tâm xuất gia, lại thường tu tâm vô vi, tâm vô tránh, tâm vô cấu, tâm vô phược, tâm vô thủ, không tâm che đậy, không tâm vô ký, không tâm sinh tử, không tâm nghi, không tâm tham, không tâm sân, không tâm si, không tâm kiên mạn, không tâm uế trược, không tâm phiền não, không tâm khổ, tu tâm vô lượng, tâm quảng đại, tâm hư không, tâm không, không tâm không, không tâm chẳng điều phục, không tâm chẳng hộ trì, không tâm che giấu, không tâm thế gian, tâm thường định, tâm thường tu, tâm thường giải thoát, tâm không báo đền, tâm không nguyện cầu, tâm nguyện lành, tâm không nói năng, tâm nhu nhuyến, tâm chẳng trụ, tâm tự tại, tâm vô lậu, tâm đệ nhất nghĩa, tâm bất thối, tâm vô thượng, tâm chính trực, tâm không dua vạy, tâm không đa thiểu, tâm không ương ngạnh, tâm không phàm phu, không tâm Thanh Văn, không tâm Duyên Giác, tâm biết lành, tâm biết cõi, tâm biết sinh cõi nào, tâm biết ở cõi nào, tâm biết cõi tự tại. Vì ngày trước tu những tâm này nên nay đặng mười trí lực, bốn vô sở úy, đại từ bi, tam niệm xứ, thường, lạc, ngã, tịnh, do đây hiệu là Như Lai nhẫn đến Bà Dà Bà. Đây gọi là Đại Bồ Tát niệm Phật.

Thế nào là Đại Bồ Tát niệm Pháp? Đại Bồ Tát suy nghĩ giáo pháp của chư Phật nói ra rất vi diệu hơn tất cả. Do pháp này có thể làm cho chúng sinh đặng quả hiện tại, chỉ có chính pháp này không thuộc thời gian, pháp nhãn ngó thấy, nhục nhãn không thấy được. Chẳng thể dùng thí dụ để so sánh. Chính pháp này chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng trụ, chẳng diệt, không thỉ, không chung, vô vi, vô số, kẻ không nhà thời làm nhà cho họ, kẻ không chỗ về thời làm chỗ về, không ánh sáng thời làm ánh sáng , không đến bờ kia thời làm cho đến bờ kia, chỗ không mùi thơm thời làm mùi thơm vô ngại, kẻ không nhìn thấy thời làm cho nhìn thấy rõ ràng. Chính pháp này chẳng động, chẳng chuyển, chẳng dài, chẳng ngắn, dứt hẳn sự vui mà thường an vui, rốt ráo vi diệu, chẳng phải sắc đã dứt sắc thức mà cũng là thức, chẳng phải nghiệp đã dứt nghiệp, chẳng phải kiết sử, đã dứt kiết sử, chẳng phải vật đã dứt vật mà cũng là vật, chẳng phải giới đã dứt giới mà cũng là giới, chẳng phải hữu đã dứt hữu mà cũng là hữu, chẳng phải nhập đã dứt nhập mà cũng là nhập, chẳng phải nhân đã dứt nhân mà cũng là nhân, chẳng phải quả đã dứt quả mà cũng là quả, chẳng phải hư, chẳng phải thiệt dứt tất cả thiệt mà cũng là thiệt, chẳng phải sinh chẳng phải diệt dứt hẳn sinh diệt mà cũng là diệt, chẳng phải tướng chẳng phải phi tướng dứt tất cả tướng mà cũng là tướng, chẳng phải dạy dỗ, chẳng phải không dạy dỗ mà cũng là thầy dạy, chẳng phải sợ chẳng phải an dứt tất cả sợ mà cũng là an, chẳng phải nhẫn chẳng phải không nhẫn, dứt hẳn sự chẳng nhẫn mà cũng là nhẫn, chẳng phải dừng ở chẳng phải không dừng ở dứt tất cả dừng ở mà cũng là dừng ở trên đảnh tất cả pháp. Chính pháp này đều có thể dứt hẳn tất cả phiền não, thanh tịnh vô tướng, thoát hẳn các tướng, là chổ ở rốt ráo của vô lượng chúng sinh. Có thể diệt tất cả ngọn lửa sinh tử, là chỗ đi và ở của chư Phật, là thường còn chẳng biến đổi. Đây gọi là Bồ Tát niệm Pháp.

Thế nào là niệm Tăng?

Chư Phật Thánh Tăng đúng như Pháp mà trụ thọ trì chính pháp tùy thuận tu hành, chẳng thể nhìn thấy, chẳng thể cầm nắm, chẳng thể phá hoại, chẳng thể nhiễu hại, chẳng thể nghĩ bàn, là ruộng phước tốt của tất cả chúng sinh. Dầu là ruộng phước nhưng không thọ, không lấy, thanh tịnh, không nhơ, vô lậu, vô vi, rộng khắp vô biên, tâm điều nhu bình đẳng không hai, không có loạn trược thường chẳng biến đổi. Đây gọi là niệm Tăng.

Thế nào là niệm giới?

Bồ Tát suy nghĩ có giới, chẳng phá, chẳng lậu, chẳng hoại, chẳng tạp, dầu không hình sắc mà nên hộ trì, dầu không xúc đối nhưng khéo tu phương tiện có thể đặng đầy đủ không có lỗi lầm, là chỗ mà chư Phật Bồ tát ngợi khen là nhân của Đại Thừa Phương Đẳng Đại Niết Bàn. Như mặt đất, ghe thuyền, chuỗi ngọc, dòng họ tôn qúy, biển lớn, nước tro, nhà cửa, gươm đao, cầu kỳ, lương y, thuốc hay, thuốc A Dà Đà, như ý bảo châu, chân, mắt, cha mẹ, bóng mát, không ai trộm cướp được, không ai nhiễu hại được, lửa không cháy được, nước không trôi được, là thang bậc lên núi lớn, là tràng báu của chư Phật Bồ Tát, nếu trụ nơi giới này thời đặng quả Tu Đà Hoàn. Tôi cũng có phần này nhưng tôi chẳng cầu, vì nếu tôi đặng quả Tu Đà Hoàn thời không thể độ khắp tất cả chúng sinh. Nếu trụ nơi giới này đặng vô thượng Bồ Đề, thời tôi cũng có phần, đây là chỗ mong muốn của tôi: Vì nếu đặng vô thượng Bồ Đề, tôi sẽ vì chúng sinh giảng thuyết diệu pháp để cứu độ. Đây là Đại Bồ Tát niệm giới.

Thế nào là niệm thí?

Đại Bồ Tát quán sát kỹ hạnh Bố Thí là nhân của vô thượng Bồ Đề. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh Bố Thí như vậy, tôi cũng tu tập như vậy. Nếu chẳng Bố Thí thời không thể trang nghiêm bốn bộ chúng. Bố Thí dầu không thể rốt ráo dứt kiết sử, mà có từ phá hiện tại phiền não. Do vì Bố Thí nên thường được chúng sinh trong vô lượng thế giới ở mười phương khen ngợi Đại Bồ Tát Bố Thí vật thực cho chúng sinh thời là Bố Thí mạng sống cho chúng sinh. Do quả báo bố thí nên lúc thành Phật thường chẳng biến đổi. Do Bố Thí làm chúng sinh an vui nên lúc thành Phật đặng an vui. Lúc Bố Thí, Bồ Tát cầu của cải đúng pháp, chẳng lánh người kia để cho người này, vì thế nên lúc thành Phật đặng thanh tịnh Niết Bàn. Lúc Bố Thí, Bồ Tát làm cho chúng sinh chẳng cầu mà đặng, nên lúc thành Phật đặng ngã tự tại. Vì Bố Thí làm cho người khác đặng sức khỏe, nên lúc thành Phật chứng đặng mười trí lực. Vì Bố Thí làm cho người đặng nói năng, nên lúc thành Phật đặng bốn môn vô ngại. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh Bố Thí này làm nhân Niết Bàn, tôi cũng tu tập hạnh Bố Thí như vậy để làm nhân Niết Bàn.

Nói rộng hạnh Bố Thí như trong kinh Tạp Hoa.

Thế nào là niệm Thiên?

Có cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến cõi trời Phi Tưởng, Phi Phi tưởng. Nếu có tín tâm đặng sinh cõi trời Tứ Thiên Vương v.v… Tôi cũng có phần. Nếu giới, đa văn, bố thí, trí huệ đặng sinh cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến cõi trời phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, tôi cũng có phần nhưng chẳng phải chỗ mong muốn của tôi. Vì trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Phi Tưởng đều là vô thường. Vì vô thường nên có sinh già bệnh chết, do lẽ này nên chẳng phải là chỗ tôi mong muốn. Như ảo thuật biến hoá phỉnh gạt người ngu, người trí không bị lầm. Phàm phu ngu mê ham muốn cõi trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng. Tôi chẳng đồng với phàm phu. Tôi từng nghe có trời đệ nhất nghĩa, chính là chư Phật và Bồ tát thường chẳng biến đổi. Vì thường trụ nên chẳng có sinh, lão, bệnh, tử. Tôi vì chúng sinh mà cần cầu trời đệ nhất nghĩa vì trời đệ nhất nghĩa có thể làm cho chúng sinh dứt trừ phiền não, như cây như ý. Nếu tôi có tín, niệm, tấn, định và huệ thời có thể đặng trời đệ nhất nghĩa này. Tôi sẽ vì chúng sinh giảng thuyết phân biệt trời đệ nhất nghĩa. Đây gọi là Đại Bồ Tát niệm Thiên.

Này Thiện nam tử! Đây là thế gian chẳng biết chẳng thấy, mà là chỗ thấy biết của Bồ Tát.

Này Thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta cho rằng thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết mười hai bộ kinh cùng với thọ trì đọc tụng biên chép diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn đồng nhau, nói như vậy không đúng nghĩa. Vì Đại Niết Bàn là tạng bí mật rất sâu của tất cả chư Phật Thế Tôn, đây thời là hơn tất cả. Do nghĩa này nên kinh Đại Niết Bàn rất lạ, rất đặc biệt chẳng thể nghĩ bàn.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Tôi cũng biết kinh Đại Niết Bàn là rất lạ, rất đặc biệt chẳng thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng chẳng thể nghĩ bàn. Bồ Tát, Bồ Đề, Đại Bát Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn! Do nghĩa gì lại nói Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn?

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát không ai giáo hóa mà có thể tự phát tâm Bồ Đề, đã phát tâm rồi tinh tấn siêng tu. Giả sử lửa lớn đốt cháy thân thể, trọn chẳng vì cầu cứu mà bỏ tâm niệm Pháp. Vì Đại Bồ Tát thường tự suy nghĩ: Tôi trong vô lượng vô số kiếp hoặc ở địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, trong loài người, trên trời, bị các thứ lửa kiết sử đốt cháy, chưa từng đặng một pháp quyết định, pháp quyết định là vô thượng Bồ Đề. Nay tôi vì vô thượng Bồ Đề trọn chẳng tiếc thân mạng, dầu đến phải nát thân như vi trần, tôi trọn chẳng buông bỏ hạnh tinh tấn siêng tu. Vì tâm tinh tấn bèn là nhân vô thượng Bồ Đề.

Này Thiện nam tử! BồTát này lúc chưa thấy vô thượng Bồ Đề đã có thể chẳng tiếc thân mạng như vậy, huống là đã thấy. Do đây nên Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.

Lại Đại Bồ Tát thấy sinh tử có vô lượng tội khổ, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Dầu biết sinh tử có vô lượng tội khổ, nhưng vì chúng sinh ở trong đó chịu khổ mà chẳng sinh tâm nhàm lìa. Do đây nên gọi là Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Đại Bồ Tát vì chúng sinh nên dầu ở trong địa ngục chịu khổ nhưng vui như đệ tam thiền. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.

Ví như nhà Trưởng Giả phát hỏa, Trưởng Giả xem thấy liền bỏ nhà chạy ra. Các con của Trưởng Giả ở sau chưa thoát khỏi nạn lửa. Trưởng Giả vì các con nên trở vào nhà để cứu, chẳng đoái đến hoạn nạn nguy hiểm. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu biết sinh tử nhiều tội khổ, nhưng vì cứu chúng sinh nên ở trong sinh tử mà chẳng nhàm. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ Đề, thấy trong sinh tử nhiều tội khổ liền thối tâm Bồ Đề, hoặc làm Thanh Văn hoặc làm Duyên Giác. Nếu Bồ Tát được nghe kinh Đại Niết Bàn này thời trọn chẳng thối thất tâm Bồ Đề. Bồ Tát này dầu chưa đến bậc bất động địa, nhưng tâm bền chắc không thối thất. Do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Này Thiện nam tử! Như có người nói rằng tôi có thể tự lội qua khỏi biển lớn. Người nói như vậy có thể nghĩ bàn được chăng?

Bạch Thế Tôn! Lời nói như vậy hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc chẳng thể nghĩ bàn. Vì nếu là người lội qua khỏi biển lớn thời chẳng thể nghĩ bàn. Còn nếu A Tu La lội qua thời là có thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Ta chẳng nói A Tu La, chỉ nói người.

Bạch Thế Tôn! Trong loài người cũng có hai hạng: Một là Thánh Nhân, hai là phàm phu. Nếu phàm phu lội qua thời là chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Thánh nhân thời là có thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Ta nói phàm phu chẳng nói Thánh nhân.

Bạch Thế Tôn! Nếu là phàm phu tự nói lội qua biển lớn được thời thiệt là chẳng thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Phàm phu thiệt không thể lội qua biển lớn được. Bồ Tát đây thiệt có thể qua khỏi biển lớn sinh tử nên gọi là chẳng thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Nếu có người có thể dùng chỉ cọng sen treo núi Tu Di, thời có thể nghĩ bàn được chăng?

Bạch Thế Tôn! Không thể nghĩ bàn được.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trong khoảng một niệm đều có thể tính lường tất cả sinh tử, nên lại gọi chẳng thể nghĩ bàn.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777433
Số người trực tuyến: