Trang 02 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 02

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI HAI

Trang 02

Tất cả phàm phu đối với đời vị lai đều có tâm nghi: Trong đời vị lai sẽ có thân hay chẳng có thân? Trong đời qua khứ thân vốn có hay là vốn không? Trong đời hiện tại thân này có hay thân này không? Nếu có ngã, thời ngã ấy là sắc hay là chẳng phải sắc? Là tưởng hay chẳng phải tưởng? Thân này thuộc về cái khác hay chẳng thuộc? Là có mạng có thân hay có thân không mạng? Thân cùng mạng là thường hay vô thường? Thân cùng mạng do Tự Tại Thiên tạo ư? Thời tiết tạo ư? Vô nhân tạo ư? Thế tính tạo ư? Vi trần tạo ư ? Pháp cùng phi pháp tạo ư? Sĩ phu tạo ư? Phiền não tạo ư? Cha mẹ tạo ư? Ngã ở nơi tâm hay ở nơi nhãn? Ngã thắp đầy trong thân ư? Ngã từ đâu đến, đi đến chỗ nào? Ai sinh ai chết? Ngã thuở quá khứ là chủng tính nào? Đời vị lai sẽ thuộc chủng tính nào? Thuở quá khứ, thân này của ta là nam hay nữ? Nếu ta sát sinh sẽ phải tội hay không tội? Nhẫn đến uống rượu sẽ có tội hay không tội? Ta tự gây tạo hay vì người mà gây tạo? Ngã thọ báo hay thân thọ báo?

Vô lượng điều nghi chấp như vậy che đậy chúng sinh làm cho tâm phiền muộn. Do những điều nghi chấp này sinh ra sáu thứ quan niệm: Một là quyết định có ngã, hai là quyết định không ngã; ba là ngã thấy là ngã; bốn là ngã thấy là không ngã; năm không ngã thấy là ngã; sáu là ngã làm ngã thọ ngã biết. Những quan niệm trên đây gọi là tà kiến.

Như Lai đã dứt hẳn vô lượng cội gốc tà kiến, hữu lậu như vậy, nên Như Lai chẳng phải hữu lậu. Đại Bồ Tát tu thánh hạnh Đại Niết Bàn cũng dứt hẳn được những lậu như vậy. Chư Phật thường tu thánh hạnh nên là vô lậu.

Này Thiện nam tử! Phàm phu chẳng thể khéo nhiếp năm căn thời có ba thứ lậu, bị nghiệp ác kéo dắt đến nơi chỗ chẳng lành. Ví như ngựa dữ tính hung hăng, có thể làm cho người cỡi đến chỗ hiểm nạn. Người không khéo nhiếp năm căn cũng như vậy, có thể làm cho người đó xa lìa pháp lành đến những chỗ ác.

Ví như voi dữ chưa điều thuận, người cưỡi nó chẳng thể tùy ý, nó đưa người xa lìa thành ấp đến nơi rừng sâu. Chẳng khéo điều nhiếp năm căn nó sẽ dắt người xa lìa thành ấp Niết Bàn đến nơi rừng rậm sinh tử. Ví như tôi nịnh bảo vua làm ác, như đứa con hư chẳng tuân lời dạy của cha mẹ sư trưởng, chẳng khéo nhiếp ngũ căn nó sẽ khiến người làm ác chẳng thuận pháp lành.

Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn thường bị địa ngục súc sinh ngạ quỉ tàn hại, như giặc cướp hại người lành.

Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn chạy theo ngũ trần, như người chăn trâu chẳng khéo giữ gìn để trâu làm hại lúa mạ.

Phàm phu chẳng nhiếp ngũ căn nên thường ở trong ba cõi chịu nhiều sự khổ não. Đại Bồ Tát lúc tu Thánh hạnh Đại Niết Bàn, thường có thể khéo nhiếp ngũ căn, dứt trừ tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn , tật đố, để được thành tựu tất cả pháp lành.

Nếu người có thể khéo giữ gìn ngũ căn thời nhiếp được tâm, nếu nhiếp được tâm thời nhiếp ngũ căn. Ví như có người ủng hộ Quốc Vương thời là ủng hộ Quốc Gia, ủng hộ Quốc Gia thời là ủng hộ Quốc Vương.

Đại Bồ Tát nếu đặng nghe kinh Đại Niết Bàn này thời được trí huệ vì được trí huệ thời được chuyên niệm. Nếu ngũ căn tán loạn thời chính niệm có thể nhiếp dừng lại, vì là niệm huệ vậy. Như người chăn giỏi, giả sử trâu sút dây đi ăn lúa mạ của người thời liền bắt lại. Nhờ niệm huệ nên Đại Bồ Tát thâu nhiếp ngũ căn chẳng cho tán loạn. Nhờ có niệm huệ nên Đại Bồ Tát chẳng thấy ngã tướng, chẳng thấy tướng ngã sở, chẳng thấy chúng sinh cùng chỗ thọ dụng. Thấy tất cả pháp đồng là pháp tính, sinh ra tướng đất đá ngói sạn. Như nhà cửa do nhiều duyên hiệp lại thành không có tính nhất định. Thấy chúng sinh do tứ đại ngũ ấm hiệp thành không tính quyết định. Vì không tính quyết định nên Bồ Tát ở trong đó chẳng sinh tham đắm. Tất cả phàm phu vì thấy có chúng sinh nên khởi phiền não. Đại Bồ Tát tu Đại Niết Bàn vì có niệm huệ nên đối với chúng sinh chẳng sinh tham trước.

Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn chẳng chấp trước tướng chúng sinh mà hiện làm ra những pháp tướng. Như thợ vẽ dùng các thứ màu vẽ thành những hình tượng: Hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, hoặc ngựa. Phàm phu không trí huệ thấy đó thời cho rằng có tướng nam nữ v.v… thợ vẽ rõ biết không có nam nữ. Cũng vậy vì có niệm huệ nên Đại Bồ Tát đối với tướng sai khác của các pháp thấy là một tướng, trọn chẳng thấy tướng chúng sinh.

Đại Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn vì khéo quán sát pháp tướng nên lúc thấy nam nữ đoan chính trọn chẳng sinh lòng tham trước.

Đại Bồ Tát biết ngũ dục không có thiệt vui, chẳng tạm dừng, như chó ngậm xương khô, như người cầm lửa đi ngược gió, như rắn độc đựng trong trấp, như trong chiêm bao lượm được trái cây trên đường, như khối thịt bầy chim đuổi theo, như bóng nước, như dấu vẽ trong nước, như dệt hết đường canh chỉ, như người tù dắt ra chợ, như vật mượn tạm. Bồ Tát quan sát ngũ dục nhiều lỗi ác như vậy.

Đại Bồ Tát quán sát chúng sinh vì sắc hương vị xúc, nên từ vô lượng kiếp đến nay, chịu nhiều khổ não. Trong một kiếp, mỗi chúng sinh, xương nơi thân chất như thành Vương xá, như núi Tỳ Phú La. Uống sữa mẹ nhiều như nước trong bốn biển. Máu trong thân chảy ra nhiều hơn nước bốn biển. Nước mắt khóc người chết của cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, nhiều hơn nước bốn biển. Dùng tất cả cỏ cây trên mặt đất làm thẻ dài bốn tấc để đếm cha mẹ cũng không thể hết. Từ vô lượng kiếp, hoặc ở địa ngục súc sinh ngạ quỷ chẳng thể tính đếm. Vò quả đất này bằng trái táo còn có thể dễ hết, nhưng sinh tử rất khó hết.

Đại Bồ Tát quán sát tất cả chúng sinh vì ngũ dục mà chịu vô lượng sự khổ như vậy, do đây Bồ Tát chẳng mất niệm huệ.

Ví như trong đời có nhóm người đông đầy chật hai mươi lăm dặm. Vua truyền một quan chức cầm một chén dầu đầy đi qua giữa đám đông ấy không được làm đổ, nếu đổ rơi một giọt sẽ bị tội chết. Vua lại sai một người cầm gươm theo sau nếu thấy dầu đổ thời chém. Vì sợ chết nên quan chức ấy hết lòng gìn giữ chén dầu, đi qua khỏi đám đông chẳng làm đổ một giọt.

Cũng vậy, Đại Bồ Tát ở trong sinh tử chẳng mất niệm huệ, nên dầu thấy ngũ dục mà tâm không tham trước. Lúc bấy giờ ngũ căn của Bồ Tát thanh tịnh, vì ngũ căn thanh tịnh nên giữ gìn giới căn đầy đủ.

Tất cả phàm phu ngũ căn chẳng thanh tịnh chẳng khéo giữ gìn nên gọi là căn lậu. Bồ Tát đã dứt hẳn nên là vô lậu. Như Lai đã dứt hẳn cội gốc nên chẳng phải là lậu.

Này Thiện nam tử! Lại có ly lậu. Đại Bồ Tát vì muốn được quả Phật vô thượng cam lồ nên lìa các ác lậu. Nếu có thể tu hành kinh Đại Niết Bàn, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, đây gọi là xa lìa.

Này Thiện nam tử! Ta chẳng thấy trong mười hai bộ kinh có kinh nào lìa được các ác lậu như kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn này.

Ví như ông thầy giỏi dạy các đồ đệ, trong hàng đồ đệ người thuận theo lời thầy dạy thời chẳng gây tạo việc ác.

Cũng vậy Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thời tâm chẳng gây tạo nghiệp ác.

Ví như trong đời có người giỏi chú thuật, nếu ai một lần nghe được chú này trong bảy năm chẳng bị trúng độc, rắn độc chẳng cắn được, nếu có người tụng thuộc chú này thời trọn đời không có những sự họa hại. Cũng vậy, nếu có chúng sinh một lần nghe kinh Đại Niết Bàn này thời trọn bảy kiếp chẳng bị đọa ác đạo. Nếu có người biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa, thời quyết định thấy Phật tính đặng vô thượng Bồ Đề.

Kinh Đại Niết Bàn này có vô lượng công đức như vậy. Nếu người nào biên chép, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa của kinh này, thời thiệt là đệ tử Phật, khéo lãnh thọ giáo pháp của Phật, là người mà Phật thường thấy thường nhớ, là người biết rõ Phật chẳng nhập Niết Bàn. Người này ở tại chỗ nào thời Phật cũng ở trong đó, thường nhận sự cúng dường của người này, hoặc hiện làm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Bà La Môn, Phạm Chí, người nghèo khổ ăn xin. Người này hoặc ở trong chiêm bao thấy tượng Phật, hoặc thấy Trời, thấy Sa Môn, Thánh Vương, Quốc Vương, Sư Tử Vương, hoa sen, hoa Ưu Đàm, hoặc thấy núi cao, biển lớn, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy Bạch Tượng, bạch Mã, hoặc thấy cha mẹ, đặng bông, đặng trái, vàng bạc, lưu ly, pha lê những châu báu, thấy sữa, lạc, tô, đề hồ v.v…, nên biết chính là Như Lai nhận sự cúng dường. Người này sau khi tỉnh giấc vui mừng liền đặng những đồ vật cần dùng, tâm chẳng nghĩ điều ác, thích thật hành điều lành.

Này Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn có vô lượng vô số công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nay ông phải tin lấy lời của Phật.

Nếu người nào muốn thấy Phật, muốn cung kính Phật, muốn đồng pháp tính mà thấy Phật, muốn đặng không định, muốn thấy thiệt tướng, muốn tu tập Thủ Lăng Nghiêm định, Sư Tử Vương định, muốn phá tám ma: Phiền não, ngũ ấm, tử ma, thiên ma, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, muốn đặng hưởng vui trong loài người hay trên trời, thời phải qua gần gũi học hỏi cúng dường cung kính tôn trọng tán thán người thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn, rửa tay chưn cho người đó, trải giừơng chiếu cung cấp đầy đủ tất cả đồ cần dùng. Nếu người đó từ xa đến, phải ra rước ngoài mười do diên. Vì tôn trọng kinh Đại Niết Bàn nên đem tất cả vật nhu dụng dưng cúng cho người đó. Nếu không có, phải tự bán thân mình để mua sắm. Vì kinh này khó được gặp hơn hoa Ưu Đàm.

Này Thiện nam tử! Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng vô biên na do tha kiếp, thuở đó có cõi nước hiệu là Ta Bà, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni đầy đủ mười hiệu, vì hàng đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn. Thuở đó ta được nghe kinh này nơi các người bạn. Lòng ta vui mừng muốn sắm đồ cúng dường, nhưng vì quá nghèo thiếu nên không có một vật chi đáng giá. Ta tự đem thân đi bán, nhưng vì bạc phước nên chẳng ai chịu mua. Buồn tủi trở về nhà, giữa đường ta gặp một người, bèn đem tâm sự bày tỏ. Người ấy bảo ta: Nếu ông bằng lòng làm theo nhu cầu của người thời người sẽ mua với giá năm đồng tiền vàng. Người ấy có bệnh lạ y sĩ chế thuốc mỗi ngày cần có ba lượng thịt người. Ta vui mừng nhận lời yêu cầu. Người đó trả tiền trước, sau bảy ngày ta sẽ đến nhà người để theo đúng nhu cầu của người. Người ấy bằng lòng nhưng chỉ cho một ngày vì bệnh người phải gấp dùng thuốc.

Sau khi lãnh tiền ta liền đến chỗ Phật đỉnh lễ chân Phật, rồi đem tất cả năm đồng tiền vàng dưng lên Phật. Cúng dường xong, ta chí thành lóng nghe Phật giảng kinh Đại Niết Bàn. Lúc đó tâm trí ta quá tối, dầu đặng nghe kinh nhưng chỉ thọ trì được một bài kệ:

Như Lai chứng Niết Bàn.

Dứt hẳn nơi sinh tử.

Nếu người hết lòng nghe thường được vui vô lượng.

Sau khi thọ trì bài kệ trên đây rồi, ta liền đến nhà người bệnh. Nhờ ta niệm tưởng bài kệ, nên dầu mỗi ngày cắt lấy ba lượng thịt nơi thân, nhưng ta chẳng lấy làm đau khổ lắm. Trọn một tháng, mỗi ngày ta cắt lấy thịt cho người làm thuốc, do đó bệnh người được lành mà thân của ta cũng được bình phục, ta liền phát tâm vô thượng Bồ Đề, nguyện đời vị lai đặng thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.

Này Thiện nam tử! Do công đức của một bài kệ ấy làm cho ta ngày nay được thành Phật, ở trong đại chúng tuyên nói kinh Đại Niết Bàn này.

Này Thiện nam tử! Kinh Đại Niết Bàn thành tựu vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, đây là tạng bí mật rất sâu của chư Phật. Do nghĩa này nên người thọ trì dứt lìa được những ác lậu. Chính là voi ác, ngựa ác, trâu ác, chó ác, rắn độc, chỗ đất nhiều gai, gộp cao, bờ biển, nước xoáy chảy xiết, người ác, nước ác, thành ác, nhà ác, bạn ác v.v… Những nơi đó nếu là nhân ác lậu thời Bồ Tát liền xa lìa, nếu chẳng phải nhân ác lậu thời Bồ Tát chẳng xa lìa. Nếu thêm hữu lậu thời xa lìa, nếu chẳng thêm thời chẳng xa lìa. Nếu là pháp ác thời bèn xa lìa, nếu có thể làm lành thời chẳng xa lìa. Xa lìa như thế nào? Chẳng cầm dao gậy, thường dùng trí huệ phương tiện mà xa lìa đó, đây gọi là chính huệ viễn ly, vì muốn thêm lớn pháp lành thời phải xa lìa pháp ác.

ĐạiBồ Tát quán sát thân tướng của mình, xem như ghẻ, như nhọt như oán thù, như tên độc, là chỗ khổ, là cội gốc của tất cả thiện ác. Thân này dầu bất tịnh như vậy, Bồ Tát vẫn săn sóc nuôi dưỡng, chẳng phải vì tham thân, chính là vì pháp lành; chẳng phải vì sinh tử, chính là vì Niết Bàn ; vì thường, lạc, ngã, tịnh; vì đạo Bồ Đề; vì nhất thừa; vì ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, vì pháp vương. Đại Bồ Tát thường phải giữ gìn thân thể cho được an tòan để biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải thuyết, tư duy ý nghĩa kinh Đại Niết Bàn này. Vì thế nên Bồ Tát phải khéo giữ gìn thân thể. Do nghĩa này nên Bồ Tát đặng xa lìa tất cả ác lậu.

Như người muốn qua sông phải khéo giữ gìn thuyền bè. Người đi đường xa khéo giữ gìn ngựa hay. Như nhà trồng tỉa khéo giữ gìn phân tro. Như vì chữa độc nên khéo giữ gìn rắn độc. Như người vì của cải nên nuôi dưỡng Chiên Đà La. Như vì muốn phá giặc nên nuôi dưỡng dũng sĩ. Như người lạnh giữ gìn ngọn lửa. Như người bệnh hủi tìm cầu thuốc độc. Cũng vậy, Đại Bồ Tát dầu thấy thân này đầy vô lượng nhớp nhơ, nhưng vì muốn thọ trì kinh Đại Niết Bàn nên vẫn giữ gìn nuôi dưỡng.

Đại Bồ Tát xem voi ác cùng bạn ác đồng nhau không khác, vì đều làm hại thân. Đối với voi ác, Bồ Tát chẳng sợ bằng sợ bạn ác.Vì voi ác chỉ hại thân mà chẳng hại được tâm. Bạn ác thời hại cả hai thứ thân và tâm. Voi ác chỉ làm hại một thân. Bạn ác có thể làm hại vô lượng thân lành vô lượng tâm lành. Voi ác chỉ có thể phá hoại thân hôi nhơ. Bạn ác có thể phá hoại tịnh thân cùng tịnh tâm. Voi ác chỉ có thể làm hại nhục thân. Bạn ác làm hại đến pháp thân. Bị voi ác giết chẳng sa đến ba đường ác. Bị bạn ác giết tất sa đến ba đường ác. Voi ác chỉ là kẻ oán thù của thân. Bạn ác là kẻ oán thù của pháp lành. Do đây nên Bồ Tát thường phải xa lìa bạn ác.

Những ác lậu như vậy, phàm phu chẳng xa lìa nên sinh ác lậu, Bồ Tát xa lìa thời chẳng sinh ác lậu. Bồ Tát còn không có ác lậu như vậy huống là Như Lai.

Thế nào là gần gũi ác lậu? Tất cả phàm phu lãnh lấy y phục vật thực đồ nằm thuốc thang, họ vì sự đòi hỏi của thân tâm mà tìm cầu những vật như vậy, nên gây tạo nhiều tội ác, chẳng biết là lỗi lầm, phải luân hồi trong ba đường ác, do đây nên gọi là ác lậu. Đại Bồ Tát thấy những lỗi như vậy thời bèn xa lìa.

Lúc cầu y phục Bồ Tát bèn nhận lấy. Chẳng phải vì thân mục đích chỉ vì pháp lành; chẳng kiêu mạn, thường khiêm tốn, chẳng vì phục sức tốt đẹp, chỉ vì hổ thẹn, để che lạnh che nắng, che gió mưa ngăn muỗi mòng. Bồ Tát dầu lãnh thọ vật thực, nhưng lòng chẳng tham đắm chẳng vì thân chĩ vì chính pháp, chẳng vì da thịt chỉ vì chúng sinh, để trị bệnh đói, dầu đặng món ăn ngon cũng vẫn không tham đắm.

Bồ Tát lúc nhận lấy phòng nhà cũng như vậy, chẳng để quan niệm tham đắm ở nơi lòng, vì che mưa gió, vì Bồ Đề mà nhận lấy phòng nhà.

Lúc cầu thuốc thang lòng Bồ Tát không tham đắm, chẳng phải vì mạng sống chỉ vì chính pháp, vì pháp thân huệ mạng. Như người bị ung nhọt, dùng thuốc đắp lên lấy vải bó đó, như vậy là chỉ vì để rút máu mủ cho bệnh được lành. Vì tránh gió độc nên ở trong nhà kín. Cũng vậy, Đại Bồ Tát xem thân thể là ung nhọt nên lấy y phục che đậy, vì cửu khiếu máu mủ mà tìm cầu món ăn vật uống, vì mưa gió độc nên nhận lấy phòng nhà vì bốn độc phát bệnh nên tìm cầu thuốc thang. Vì đạo Bồ Đề mà Bồ Tát lãnh lấy bốn thứ cúng dường chẳng vì mạng sống. Bồ Tát suy nghĩ như vầy : Nếu tôi chẳng nhận lấy bốn thứ cúng dường này, thời thân thể phải chết mất, chẳng thể nhẫn thọ khổ nhọc; nếu không kham sự khổ nhọc thời không thể tu tập pháp lành; nếu kham sự khổ nhọc thời có thể tu tập vô lượng pháp lành; nếu tôi chẳng kham nhẫn các sự khổ, thời sẽ sinh lòng giận hờn đối với việc nghịch trái, và sẽ sinh lòng tham đắm đối với cảnh thuận vui; nếu tìm cầu sự vui mà chẳng đặng thời sinh lớn vô minh mê muội.

Do đây nên phàm phu sinh những ác lậu đối với bốn thứ cần dùng. Bồ Tát vì có thể quan sát như vậy nên chẳng sinh những ác lậu, do đây nên gọi là vô lậu. Bồ Tát còn vô lậu như vậy huống là Như Lai. Vì thế nên Như Lai chẳng gọi là hữu lậu.

Này Thiện nam tử! Tất cả phàm phu dù khéo giữ gìn thân tâm nhưng vẫn còn sinh ba thứ ác giác, do cớ này nên dầu phục trừ phiền não đặng sinh cõi trời phi phi tưởng, nhưng vẫn trở lại đọa trong ba đường dữ. Ví như có người đi qua biển lớn, sắp đến bờ mà bị chết đuối. Phàm phu trên đây cũng vậy, sắp ra khỏi ba cõi trở lại đọa nơi tam đồ. Đó là do vì không có thiện giác, chính là không có sáu chính niệm.

Phàm phu tâm lành kém yếu, tâm ác lại lẫy lừng. Vì tâm lành kém nên trí huệ cũng kém. Vì trí huệ kém nên thêm lớn những ác lậu.

Bồ Tát nhờ huệ nhãn thanh tịnh thấy lỗi của ba thứ giác quán, biết ba thứ giác quán này có những họa hoạn thường làm oán thù đối với ba thừa. Do ba thứ giác quán này làm cho vô lượng phàm phu chẳng thấy Phật tính, trong vô lượng kiếp điên đảo cho rằng Phật Thế Tôn không có thường, lạc, và ngã, chỉ có tịnh thôi; lại cho rằng Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Tất cả chúng sinh là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, mà điên đảo cho là có thường, lạc, ngã, tịnh. Thiệt không có tam thừa mà điên đảo cho là thật có tam thừa. Đạo nhất thừa chân thật mà điên đảo cho là không có nhất thừa.

Ba thứ giác quán này thường bị chư Phật và Bồ Tát quở trách. Ba thứ giác quán này thường hại nơi mình cũng hại đến kẻ khác. Có ba thứ giác quán này thời sinh ra tất cả điều ác. Ba thứ giác quán này chính là ba sợi dây trói liền chúng sinh trong sinh tử vô biên.

Bồ Tát thường quán sát ba thứ giác quán này. Hoặc có lúc vì nhân duyên đáng lẽ phải sinh dục giác Bồ Tát yên lặng chẳng lãnh thọ. Ví như người xinh đẹp sạch sẽ chẵng nhận lãnh tất cả phẩn nhơ, như hoàn sắt nóng không ai cầm lấy, như dòng Bà La Môn chẳng nhận thịt bò; như người no bụng chẳng nhận đồ ăn dở, như vua Chuyển Luân chẳng ngồi chung một giường với Chiên Đà La, Bồ Tát khinh ghét ba thứ ác giác chẳng nhận chẳng ham cũng như vậy. Bồ Tát thường suy nghĩ: Chúng sinh biết rằng ta là ruộng phước tốt, ta đâu nên nhận pháp ác ấy, nếu ta nhận pháp ác thời chẳng đáng là ruộng phước của chúng sinh. Dầu ta chẳng tự nói mình là ruộng phước tốt, nhưng chúng sinh thấy hình tướng bèn nói ta là ruộng phước. Nếu ta sinh ác giác như vậy thời là khi dối tất cả chúng sinh. Thuở quá khứ, vì khi dối nên trong vô lượng kiếp đọa ba đường ác trôi lăn trong sinh tử. Nếu ta có ác tâm nhận của người cúng thí, tất cả thiên nhân và ngũ thông tiên đều sẽ rõ biết, sẽ bị quở trách. Nếu ta có ác giác nhận sự cúng thí của người, sẽ làm cho thí chủ được phước đức kém ít, hoặc không phước đức, như thế ta là kẻ thù oán của thí chủ. Tất cả thí chủ thường mến kính ta, sao ta lại khi dối họ mà cho làm kẻ oán thù của họ, vì ta làm cho họ được ít phước đức, hoặc không phước đức.

Bồ Tát thường suy nghĩ: Ta thường tự xưng là người xuất gia. Luận về người xuất gia chẳng sinh ác giác, nếu sinh ác giác thời chẳng phải xuất gia. Người xuất gia thân cùng miệng phải tương ưng, nếu chẳng tương ưng thời chẳng phải xuất gia. Ta bỏ cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc bạn bè để xuất gia tu hành, chính là thời kỳ tu tập những thiện giác, chẳng phải là thời gian sinh ác giác. Ví như có người vào biển tìm châu báu, chẳng lấy chân châu mà lại lấy thủy tinh. Cũng như có người bỏ âm nhạc hay mà đi chơi giỡn trên đống phẩn nhơ. Như bỏ bảo nữ mà giao thông với tớ gái. Như bỏ bồn vàng mà dùng chậu sành. Như bỏ vị cam lộ mà uống thuốc độc. Như bỏ y sĩ thân thiện tài giỏi mà cầu thuốc với y sĩ oán thù dở. Cũng vậy, ta bỏ lìa pháp vị cam lồ của Đại Sư Như Lai Thế Tôn, mà nhận lấy các thứ ác giác của ma oán. Thân người khó đặng như hoa Ưu Đàm mà ta đã được. Như Lai khó gặp như hoa Ưu Đàm mà ta đã gặp. Pháp bửu thanh tịnh khó được thấy nghe mà ta được nghe. Như con rùa đui gặp được bộng cây nổi. Mạng người chẳng dừng qua mau hơn thác nước đổ, ngày nay dầu còn khó bảo đảm được ngày mai, sao lại buông lung ở nơi pháp ác? Thời tráng kiện chẳng dừng qua mau như ngựa chạy, sao lại tự thị sinh lòng kiêu mạn. Bốn ác ma rình rập tìm cầu lỗi lầm của ta, sao lại để cho ác giác sinh khởi! Ví như nhà hư mục sắp sập, mạng sống của ta cũng vậy, đâu nên sinh việc ác. Phàm Sa Môn gọi là tỏ ngộ nơi thiện giác, ta là Sa Môn sao lại sinh ác giác? Người xuất gia phải tu đạo lành, nay ta làm ác đâu đáng gọi là xuất gia. Bà La Môn gọi là người tu hạnh thanh tịnh, nay ta thật hành ác giác chẳng thanh tịnh đâu gọi là chân thật Bà La Môn. Nay ta cũng gọi là dòng Sát Đế Lợi. Luận về dòng Sát Đế Lợi thời hay trừ được kẻ oán địch, nay ta chẳng trừ được oán địch ác giác, đâu đáng gọi là dòng Sát Đế Lợi. Tỳ Kheo gọi là phá phiền não, nay ta chẳng phá được ác giác phiền não đâu đáng gọi là Tỳ Kheo.

Trong đời có sáu chỗ được gặp gỡ, nay ta đã được, đâu nên để ác giác ở nơi lòng. Những gì là sáu chỗ khó được? Một là Phật ra đời khó gặp, hai là chính pháp khó nghe, ba là tâm lo sợ khó sinh, bốn là khó được ở trung quốc, năm là khó được thân người, sáu là năm căn khó đầy đủ. Sáu việc như vậy khó được mà ta đã được, vì thế nên chẳng nên sinh ác giác.

Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn này thường siêng quán sát những ác giác như vậy.

Hàng phàm phu chẳng thấy lỗi họa của ác giác, nên lãnh thọ ba thứ ác giác, gọi đó là lãnh thọ ác lậu.

Bồ Tát thấy như thế nên chẳng lãnh chẳng ham, nương nơi tám thánh đạo để trừ bỏ đó, để chặt đứt đó. Do đây nên Bồ Tát không thọ ác lậu. Sao lại nói rằng Như Lai có ác lậu? Do nghĩa này nên Như Lai chẳng phải là hữu lậu.

Này Thiện nam tử! Phàm phu nếu gặp lúc thân tâm khổ não thời sinh các sự ác. Lúc bị thân bệnh hay tâm bệnh, khiến thân khẩu, ý tạo những nghiệp ác. Vì tạo nghiệp ác nên luân hồi trong ba đường dữ thọ những sự khổ. Tại sao vậy? Vì phàm phu không có niệm huệ.

Bồ Tát thường tự suy xét rằng: Ta từ vô số kiếp xưa đến nay, vì thân tâm này mà gây tạo những nghiệp ác, nên phải lưu chuyển trong sinh tử đọa nơi ác đạo chịu đủ sự khổ, làm cho ta xa lìa con đường chân chính ba thừa. Suy nghĩ như vậy rồi Bồ Tát rất sợ sệt đối với thân tâm của mình, lìa bỏ việc ác mà thẳng đến đạo lành.

Ví như có Quốc Vương đem bốn con rắn độc đựng chung trong một cái trấp, sai người nuôi dưỡng cho ăn, tắm rửa. Vua ra lệnh nếu để một con rắn giận dữ không vừa lòng, thời ta sẽ xử tử nhà ngươi.

Người đó nghe lịnh nghiêm khắc của Quốc Vương, sợ quá bỏ trấp rắn chạy trốn. Vua liền sai năm Chiên Đà La cầm dao rượt theo. Người ấy ngó ngoái lại thấy phía sau năm người rượt gấp bèn vội chạy đi. Năm người lập kế giấu dao, rồi bí mật sai một người giả dạng hiền lành đến khuyên bảo người ấy trở lại. Người ấy chẳng tin chạy thẳng đến một tụ lạc kia để ẩn trốn. Lúc đã vào trong tụ lạc, xem thấy những nhà cửa đều không có người cũng không có đồ vật, bèn ngồi trên đất. Thoạt nghe trên không có tiếng nói: Này nam tử! Tụ lạc này hoang vắng không có cư dân, đêm nay sẽ có sáu tên cướp đến. Nếu người gặp cướp thời khó bảo tồn tính mạng. Người ấy nghe tiếng trên hư không bảo như vậy sợ hãi quá bèn bỏ tụ lạc mà đi. Dọc đường gặp một con sông nước chảy gấp. Tìm không có thuyền bè, vì sợ nên lấy các thứ cỏ cây kết làm bè. Tự nghĩ rằng: Nếu ta dừng ở nơi đây tất sẽ bị rắn độc, năm Chiên Đà La, một người dối hiền lành và sáu tên cướp làm nguy hại. Còn nếu qua sông thời chiếc bè này không bảo đảm có thể sẽ phải chìm chết. Nhưng thà chết đuối, trọn chẳng để kẻ ác kia làm hại. Suy nghĩ xong, kéo bè cỏ xuống nước, thân nằm trên bè, tay ôm bè, chưn đạp nước vượt dòng nước chảy xiết mà qua sông.

Lúc đã được qua đến bờ bên kia an ổn không họa hoạn, hết kinh sợ trong lòng rất thơ thới vui vẻ.

Bồ Tát đặng nghe và thọ trì kinh Đại Niết Bàn, suy xét thân này như cái trấp, địa, thủy, hỏa, phong như bốn rắn độc: Kiến độc, Xúc độc, Khí độc, Nọc độc. Tất cả chúng sinh gặp bốn rắn độc này thời phải mất thân mạng. Tứ đại cũng như vậy: Hoặc kiến chấp làm độc, hoặc chạm xúc làm độc, hoặc hà khí làm độc, hoặc cắn nọc làm độc, do đây nên xa lìa những điều lành.

Bồ Tát suy xét bốn rắn độc có bốn dòng họ: Dòng Sát Đế Lợi, dòng Bà La Môn, dòng Tỳ Xá, dòng Thủ Đà. Tứ đại cũng có bốn chủng tính: Tính cứng, tính ướt, tính nóng, tính động. Vì thế nên Bồ Tát xem tứ đại đồng chủng tính với bốn rắn độc.

Bồ Tát lại suy xét bốn rắn độc này thường rình hại người: Lúc nào sẽ nhìn ngó, lúc nào sẽ chạm xúc, lúc nào sẽ hà hơi, lúc nào sẽ cắn. Tứ đại cũng như vậy thường rình chờ dịp để hại chúng sinh.

Nếu bị bốn rắn độc hại chết chẳng đến nỗi phải đọa trong ba đường ác. Nếu bị tứ đại giết hại tất sa vào ba đường ác. Bốn rắn độc này dầu săn sóc nuôi dưỡng nó nhưng nó cũng thường muốn giết người. Cũng vậy, dầu thường cung cấp, nhưng tứ đại cũng luôn kéo dắt người tạo những nghiệp ác. Bốn rắn độc ấy nếu một con sân giận thời sẽ giết người. Tính tứ đại nếu một đại phát lên cũng có thể hại người. Bốn rắn độc ấy dầu ở chung một chỗ, nhưng tâm tính của nó đều riêng khác. Tứ đại dầu đồng ở một thân mà tính của mỗi đại khác nhau. Bốn rắn độc ấy dầu có cung kính nó cũng khó có thể gần gũi nó, tứ đại cũng như vậy. Bốn rắn độc ấy nếu lúc hại người, có được phù chú thuốc men của Sa Môn hay Bà La Môn thời có thể chữa trị. Tứ đại giết người dầu có Sa Môn hay Bà La Môn dùng thần chú phép tắc cũng chẳng trị được. Như người trí nghe hơi tanh của rắn độc liền tránh xa. Chư Phật Bồ Tát nghe hơi hôi của tứ đại cũng liền tránh xa.

Bồ Tát lại suy nghĩ tứ đại như rắn độc, nên rất sợ sệt chạy đi lo tu tám thánh đạo.

Năm Chiên Đà La dùng lệ cho năm ấm. Bồ Tát quán sát năm ấm như Chiên Đà La.

Chiên Đà La thường hay làm cho người phải xa lìa ân ái mà hội họp với oán thù. Cũng vậy, năm ấm khiến người tham gần pháp ác mà xa lìa những pháp lành.

Như Chiên Đà La võ trang để tự vệ: Hoặc dao, gậy, cung tên hoặc thuẫn giáp, họ có thể hại người. Cũng vậy, năm ấm dùng các thứ phiền não để tự võ trang, hại những người ngu si làm cho sa vào trong ba cõi.

Như Chiên Đà La bắt được người có tội lỗi bèn giết hại. Cũng vậy, năm ấm có những kiết sữ thường hay hại người.

Do nghĩa này nên Bồ Tát quán sát năm ấm như Chiên Đà La.

Lại như Chiên Đà La không tâm từ mẫn họ hại cả người thân cũng như kẻ thù. Cũng vậy, năm ấm hại cả pháp lành, pháp ác, không lòng từ mẫn.

Như Chiên Đà La não hại tất cả mọi người, ngũ ấm dùng các thứ phiền não thường não hại tất cả chúng sinh trong dòng sinh tử.

Chiên Đà La luôn luôn có tâm niệm muốn giết hại, năm ấm cũng thường có những kiết sử não hại.

Như người cụt chân lại không dao gậy không người hộ vệ, phải biết người này ắt bị Chiên Đà La giết hại. Cũng vậy, chúng sinh không chân, không dao, không hộ vệ, thời bị giặc năm ấm làm hại. Chân lệ cho giới, dao lệ cho trí huệ, người hộ vệ lệ cho thiện tri thức. Nếu không ba điều này tất bị năm ấm làm hại. Do đây nên Bồ Tát xem năm ấm như Chiên Đà La.

Bồ Tát lại quán sát năm ấm còn hơn Chiên Đà La. Vì người bị Chiên Đà La giết hại chẳng đọa địa ngục, còn bị năm ấm giết hại thời đọa địa ngục. Do đây nên Bồ Tát lập thệ rằng: Tôi thà trọn đời gần Chiên Đà La, chớ chẳng gần năm ấm dầu chỉ tạm thời.

Chiên Đà La chỉ có thể hại nơi người ngu si ở cõi dục. Giặc ngũ ấm hại khắp tất cả phàm phu chúng sinh trong ba cõi.

Chiên Đà La chỉ có thể giết hại người có tội, năm ấm giết hại chúng sinh không luận có tội hay không tội.

Chiên Đà La chẳng giết hại người già cả, phụ nữ và trẻ thơ, năm ấm giết tất cả chúng sinh không luận già trẻ cùng phụ nữ.

Vì thế nên Bồ Tát quán sát năm ấm còn hơn Chiên Đà La, lập thệ trọn đời thà ở gần Chiên Đà La chớ chẳng gần gũi năm ấm dầu chỉ tạm thời.

Chiên Đà La chỉ hại người khác không bao giờ tự hại mình, giặc năm ấm hại mình hại người hơn Chiên Đà La.

Chiên Đà La có thể dùng lời lành, tiền của, châu báu lo lót mà được thoát khỏi. Năm ấm chẳng như vậy, không thể dùng lời lành để khuyến dụ cũng không thể dùng tiền của châu báu lo lót mà được thoát khỏi.

Trong ngày đêm Chiên Đà La chẳng ắt luôn luôn giết hại, năm ấm thời niệm niệm thường giết hại chúng sinh.

Chiên Đà La chỉ ở một chỗ, có thể trốn lánh khỏi, năm ấm thời ở khắp tất cả chỗ nên không thể trốn lánh.

Chiên Đà La dầu hại người, lúc hại xong, thời chẳng theo nữa. Năm ấm khi đã giết hại chúng sinh lại theo dõi luôn chẳng rời.

Do đây nên Bồ Tát lập thệ thà trọn đời ở gần Chiên Đà La, quyết không gần gũi năm ấm dầu chỉ tạm thời.

Người có trí huệ dùng phương tiện lành khéo thoát khỏi đặng năm ấm. Chính là thật hành tám thánh đạo, sáu Ba La Mật, bốn vô lượng tâm mà được giải thoát, thân tâm chẳng bị năm ấm làm hại. Vì thân như kim cương, tâm như hư không.

Do nghĩa này nên Bồ Tát quán sát năm ấm có những điều chẳng lành, lòng rất sợ sệt lo tu tám thánh đạo. Cũng như người kia sợ bốn rắn độc cùng năm Chiên Đà La, kiếm đường chạy trốn không dám ngó ngoái lại.

Kẻ giả làm bạn thân chính là để lệ cho tham ái. Bồ Tát quán sát kỹ tham ái như kẻ địch giả làm người thân. Nếu đã biết đượclà giả thời không bị hại, còn nếu chẳng rõ biết tất sẽ bị hại. Cũng vậy, nếu biết được tính của tham ái thời nó chẳng thể làm cho chúng sinh luân chuyển sinh tử, như không rõbiết thời phải luân hồi trong sáu loài chịu đủ mọi sự khổ. Vì tham ái làm hại khó bỏ lìa, như kẻ địch giả làm người thân nên khó xa lìa. Kẻ oán địch giả làm người thân, luôn rình chờ có dịp để hại người, tham ái làm cho người xa lìa tất cả pháp lành gần gũi tất cả pháp ác cũng như vậy. Bồ Tát quán sát kỹ tham ái như kẻ địch giả người thân, vì thấy mà chẳng thấy, vì nghe mà chẳng nghe, như người phàm phu thấy lỗi sinh tử, dầu có trí huệ nhưng vì si mê che đậy nên rồi lại chẳng thấy lỗi. Hàng Thanh Văn Duyên Gúac cũng như vậy: Dầu thấy nhưng chẳng thấy, dầu nghe nhưng chẳng nghe. Do tâm tham ái nên dầu thấy lỗi sinh tử mà không thể mau đến vô thượng Bồ Đề. Do nghĩa này nên Bồ Tát xem tham ái như kẻ địch giả người thân.

Như kẻ oán địch chẳng thân mà giả là người thiệt thân, chẳng thể gần gũi mà giả gần gũi, là ác mà giả là lành, chẳng thân yêu mà giả là thân yêu, để luôn luôn chờ dịp hại người. Tham ái cũng như vậy.

Kẻ địch giả người thân, chỉ thấy được thân và miệng của họ mà chẳng biết được tâm của họ, nên họ có thể phỉnh gạt. Tham ái hư dối khó biết nên nó có thể làm mê lầm tất cả chúng sinh.

Kẻ địch gỉa người thân thời có trước có sau có thể dễ xa lìa, tham ái không trước không sau nên khó xa lìa được.

Kẻ địch giả người thân, ở xa thời khó biết, gần gũi thời dễ biết. Tham ái gần gũi còn khó rõ biết huống là ở xa.

Tất cả chúng sinh vì tham ái mà xa Đại Niết Bàn gần gũi sinh tử, xa thường, lạc, ngã, tịnh mà gần vô thường khổ vô ngã bất tịnh. Do đây nên trong các kinh Phật nói là nhơ nhớp trong ba cõi. Nơi việc hiện tại vì vô minh nên chẳng thấy lỗi họa chẳng xa lìa được. Kẻ địch giả người thân trọn chẳng hại được người có trí. Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ tham ái này, lòng rất sợ lo tu tám thánh đạo. Như người kia sợ bốn rắn độc, năm Chiên Đà La và một kẻ giả người thân nên kiếm đường chạy trốn chẳng trở lại.

Tụ lạc trống rỗng không cư dân chính là lệ cho lục nhập. Bồ Tát quán sát nội lục nhập trống rỗng không chỗ có như tụ lạc trống. Như người sợ chết kia đã vào tụ lạc nhẫn đến chẳng thấy có một người ở, tìm khắp nơi cũng chẳng gặp được một món đồ. Cũng vậy, Bồ Tát quán sát kỹ lục nhập trống rỗng không chỗ có, chẳng thấy chúng sinh, chẳng thấy một vật thật có.

Tụ lạc trống rỗng đó, đảng cướp ở xa trọn chẳng tưởng là trống rỗng. Phàm phu cũng như vậy, đối với lục nhập chẳng nghĩ là trống rỗng, do đó nên luân chuyển trong sinh tử thọ vô lượng sự khổ. Bồ Tát quán sát lục nhập này luôn nghĩ tưởng là trống rỗng, nên chẳng bị khổ luân hồi sinh tử. Bồ Tát đối với lục nhập thường không có quan niệm điên đảo, nên chẳng còn luân hồi sinh tử. Như đảng cướp, lúc vào tụ lạc trống rỗng này thời được an vui. Giặc phiền não cũng như vậy, lúc vào trong lục nhập thời được an vui. Như đảng cướp vào tụ lạc này thời không lòng sợ sệt.

Giặc phiền não ở nơi lục nhập này cũng không sợ sệt như vậy. Như tụ lạc trống rỗng là chỗ ở của các loài ác thú: Sư tử, cọp, sói. Lục nhập này cũng là chỗ ở của tất cả phiền não ác.

Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ lục nhập trống rỗng không chỗ có là chỗ ở của tất cả việc ác. Tụ lạc này trống rỗng không vui, mà đảng cướp tưởng là có người có vật là an vui. Đối với lục nhập trống rỗng không chỗ có mà người ngu tưởng là có, là vui, chỉ có người trí mới biết được sự thật.

Tụ lạc kia lúc thời có người, lúc thời không người. Lục nhập một mặt luôn không người, vì tính nó vốn là không, chỉ có người trí rõ biết, chẳng phải là mắt thấy được. Do đây nên Bồ Tát quán sát lục nhập nhiều sự oán thù tai hại, lo tu tám đạo thánh chẳng thôi chẳng nghĩ. Như người kia sợ bốn rắn độc, năm Chiên Đà La. Một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp vội vã lên đường chạy thẳng.

Sáu tên cướp dùng lệ cho sáu trần: Bồ Tát quán sát sáu trần này như sáu tên cướp hung dữ, vì chúng nó có thể cướp tất cả những pháp lành, như sáu tên cướp có thể cướp tài vật của tất cả nhân dân.

Như sáu tên cướp vào nhà người thời có thể cướp đoạt tất cả tài sản hiện có trong nhà chẳng chọn tốt xấu, làm cho người giàu to thoạt vậy nghèo cùng. Giặc sáu trần này lúc vào nơi sáu căn thời nó có thể cướp giật tất cả pháp lành của người, làm cho người hết lành hết phước thành kẻ bần cùng Nhất Xiển Đề. Vì thế nên Bồ Tát quán sát sáu trần như sáu tên cướp.

Như sáu tên cướp lúc muốn cướp nhà người phải nhờ người trong nhà làm nội ứng, nếu không người nội ứng thời bọn cướp bèn trở lại. Giặc sáu trần này cũng như vậy, lúc muốn cướp pháp lành cần phải do bề trong chúng sinh có những tướng tri kiến: Thường, lạc, ngã, tịnh, bất không v.v… nếu không có những tướng bề trong như vậy, thời giặc sáu trần chẳng thể cướp được pháp lành.

Người trí trong tâm không có những tướng như vậy, phàm phu thời có, nên sáu trần thường đến xâm đoạt pháp lành của phàm phu.

Người trí có thể khéo dùng trí huệ đề phòng giữ gìn nên chẳng bị cướp đoạt. Do đây nên Bồ Tát quán sát sáu trần này như sáu tên cướp.

Như sáu tên cướp có thể làm khổ não thân tâm của nhân dân, giặc sáu trần thường làm thân tâm chúng sinh khổ não cũng như vậy.

Sáu tên cướp chỉ có thể đoạt tài sản hiện có của người, giặc sáu trần thường cướp đoạt pháp lành của chúng sinh cả ba đời.

Sáu tên cướp đến đêm tối thời vui mừng, giặc sáu trần ở trong vô minh hắc ám thời nó vui thích. Sáu tên cướp chỉ có nhà vua mới có thể dẹp bắt, giặc sáu trần chỉ có Phật Bồ Tát mới ngăn dứt được nó.

Sáu tên cướp này, lúc muốn cướp giựt, chẳng lựa chọn người xinh đẹp, thông minh, học rộng, giàu sang hay nghèo hèn. Giặc sáu trần lúc muốn cướp pháp lành cũng chẳng lựa chọn người xinh đẹp nhẫn đến nghèo hèn.

Sáu tên cướp này, dầu nhà vua bắt được, chặt tay chưn, nhưng vẫn không thể làm cho tâm chúng nó hết hung ác. Giặc sáu trần cũng như vậy, dầu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, chặt đứt nó, cũng chẳng thể làm cho nó chẳng cướp pháp lành. Như người dũng kiện mới có thể dẹp hẳn sáu tên cướp này. Cũng vậy, chư Phật và Bồ Tát mới có thể dẹp hẳn giặc sáu trần.

Như có người quyến thuộc đông, giòng họ lớn, bà con nhiều, thời chẳng bị sáu tên cướp xâm đoạt tài sản. Cũng vậy, chúng sinh nếu có thiện tri thức thời chẳng bị giặc sáu trần cướp hại.

Sáu tên cướp này nếu thấy tài vật của người, thời có thể trộm cướp. Giặc sáu trần nếu thấy, nếu biết, nếu nghe, nếu ngửi, nếu chạm, nếu hay biết, thời đều có thể cướp đoạt.

Sáu tên cướp chỉ có thể cướp đoạt tài sản của người, cõi dục, giặc sáu trần có thể cướp đoạt tất cả của báu pháp lành ba cõi.

Do đây nên Bồ Tát quán sát kỹ sáu trần còn hơn sáu tên cướp kia, do đây nên lo tu tám thánh đạo thẳng tiến chẳng trở lại. Như người kia sợ bốn rắn độc năm Chiên Đà La, một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp rời bỏ tụ lạc trống rỗng theo đường thẳng chạy đi.

Dọc đường gặp một con sông, chính là lệ cho phiền não.

Bồ Tát quán sát phiền não này như sông lớn, nước sông chảy xiết có thể làm trôi hương tượng. Phiền não cũng có thể làm trôi bậc Duyên Giác.

Sâu khó đến đáy nên gọi là “sông”, bờ xa khó qua đến nên gọi là “lớn”. Giữa sông có nhiều loài cá hung dữ. Phiền não cũng như vậy, chỉ có Phật và Bồ Tát mới có thể cùng tột nên gọi là rất sâu, chỉ có Phật và Bồ Tát mới qua đến bờ nên gọi là rộng lớn, thường hại tất cả chúng sinh si mê nên gọi là hung dữ. Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não này dường như sông lớn.

Như nước sông lớn có thể sinh trưởng tất cả cỏ cây lùm rừng, phiền não cũng có thể sinh trưởng chúng sinh hai mươi lăm cõi. Như có người té xuống sông lớn mà không hổ thẹn, chúng sinh sa vào trong phiền não cũng không hổ thẹn như té xuống sông chìm chưa đến đáy mà đã chết, chúng sinh sa vào phiền não luân hồi trong hai mươi lăm cõi vẫn chưa đến đáy. Trên đây nói đáy sông là lệ cho tướng không, nếu chẳng tu tướng không này, thời chẳng đặng ra khỏi hai mươi lăm cõi. Tất cả chúng sinh vì chẳng thể khéo tu tướng không nên thường bị phiền não nhận chìm: Do đây nên Bồ Tát quán sát phiền não này dường như sông lớn.

Như sông lớn kia chỉ có thể làm hại thân mạng mà chẳng phá được pháp lành, phiền não thời có thể phá hoại tất cả pháp lành của thân tâm.

Sông lớn kia chỉ có thể làm trôi chìm người trong cõi dục, phiền não thời có thể hại tất cả nhân thiên trong ba cõi.

Sông lớn trong đời nếu tay ôm phao, vịn bè, chưn đạp, thời có thể đến bờ bên kia. Với phiền não thời chỉ có Bồ Tát tu sáu pháp Ba La Mật mới qua khỏi được.

Như sông lớn người khó lội qua chúng sinh cũng khó thoát qua khỏi phiền não. Thế nào gọi là khó? Đến bậc thập trụ Bồ Tát vẫn còn chưa rốt ráo thoát khỏi hẳn phiền não, chỉ có chư Phật mới rốt ráo. Do đây nên gọi là khó qua khỏi được.

Như có người bị nước sông đẩy trôi chẳng có thể làm được việc gì, chúng sinh bị phiền não lôi cuốn cũng không thể tu tập pháp lành. Như người té sông bị nước cuốn đi, người có đủ sức thời cứu vớt được. Chúng sinh sa vào phiền não làm nhất xiển đề, hàng Thanh Văn Duyên Giác, Bồ Tát, Chư Phật đều không cứu tế được. Sông lớn trong đời phải khô cạn lúc kiếp tận. Với phiền não hàng Thanh Văn Duyên Giác dầu tu thất giác chi vẫn còn chẳng làm khô được. Vì thế nên Bồ Tát quán sát các phiền não dường như sông lớn.

Như người kia sợ bốn rắn độc năm Chiên Đà La, một kẻ giả bạn thân cùng sáu tên cướp mà bỏ tụ lạc trống rỗng thẳng đường chạy đi đến bên sông lớn, rồi lấy cỏ kết làm bè. Cũng vậy, Bồ Tát sợ tứ đại, ngũ ấm, tham ái, lục nhập, lục trần , đến sông phiền não, rồi tu giới, định huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, sáu môn ba la mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, dùng đây làm thuyền bè để vượt qua sông phiền não đến bờ Niết Bàn: Thường, lạc, ngã, tịnh kia. Bồ Tát tu kinh Đại Niết Bàn suy nghĩ như vầy: Nếu tôi không suy nghĩ nhận lấy sự khổ nơi thân, sự khổ nơi tâm, thời không thể làm cho tất cả chúng sinh qua khỏi sông phiền não. Nhờ suy nghĩ như vậy nên dầu có khổ não, Bồ Tát vẫn yên lặng nhẫn thọ. Vì nhẫn thọ thời chẳng sinh ác lậu. Bồ Tát còn không có những ác lậu, huống là Như Lai. Do đây nên chư Phật là vô lậu. Vì Như Lai thường đi trong hữu lậu, chính là hiện thân trong hai mươi lăm cõi, nên hàng Thanh Văn cùng kẻ phàm phu cho rằng Phật là hữu lậu. Thật ra chư Phật Như Lai chân thật vô lậu. Do nhân duyên trên đây nên chư Phật Như Lai không có tướng quyết định. Và cũng do những cớ trên đây nên người phạm bốn tội nặng, hủy báng kinh Đại Thừa và nhất xiển đề đều không quyết định.

Cao Qúy Đức Vương Bồ Tát nói: “Phải lắm! Phải lắm! Đúng như lời đức Phật dạy, tất cả pháp đều không quyết định, do đây nên biết Như Lai cũng chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.

Như vừa rồi đức Phật nói trong đoạn Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn nghe chỗ chẳng nghe, có nói đến Niết Bàn cùng Đại Niết Bàn. Bạch Thế Tôn! Thế nào là Niết Bàn? Thế nào là Đại Niết Bàn?

Đức Phật khen: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đặng niệm tổng trì, mới có thể thưa hỏi như ông.

Này Thiện nam tử! Như người đời nói: Có biển, có biển lớn; có sông, có sông lớn; có núi, có núi lớn; có thành, có thành lớn; có chúng sinh, có chúng sinh lớn; có vua, có vua lớn; có người, có người lớn; có trời, có trời lớn; có đạo, có đạo lớn; Niết Bàn cũng như vậy: Có Niết Bàn và có Đại Niết Bàn.

Thế nào là Niết Bàn?

Như người đói đặng chút ít cơm ăn thời gọi là được an vui. Như người bệnh được lành thời gọi là an vui. Như người kinh sợ đặng chỗ nương dựa thời được an vui. Như người nghèo cùng đặng châu báu thời được an vui. Như người quán xương trắng chẳng sinh lòng tham dục thời được an vui. Tất cả sự an vui trên đây cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn trong phạm vi tương đối.

Này Thiện nam tử! Nếu người phàm phu nhẫn đến hàng Thanh Văn, hoặc nhân thế tục, hoặc nhân thánh đạo, mà dứt được kiết sử, cõi dục thời được an vui. Có thể dứt kiết sử cõi sơ thiền nhẫn đến có thể dứt kiết sử cõi Phi Phi Tưởng thời được an vui. Những sự an vui này cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn có tập khí phiền não.

Thế nào gọi là tập khí phiền não?

Hàng Thanh Văn Duyên Giác còn có tập khí phiền não, chính là những quan niệm: Thân tôi, áo tôi, tôi đi, tôi đến, tôi nói, tôi nghe, chư Phật Như Lai nhập Niết Bàn, bản tính Niết Bàn không ngã, không lạc, chỉ có thường và tịnh, Phật, Pháp và Tăng có tướng sai khác, Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chỗ chứng đặng Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Phật đồng nhau không sai khác, những quan niệm trên đây là tập khí phiền não. Vì thế nên chỗ chứng đặng của hàng nhị thừa chẳng phải là Đại Niết Bàn, vì không có thường, lạc, ngã, tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Ví như vùng nào có thể chứa đựng tất cả những dòng nước thời gọi là biển lớn. Chỗ nào Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật chứng nhập thời gọi là Đại Niết Bàn. Tứ Thiền, ba môn tam muội, tám pháp bội xả, tám pháp thắng xứ, mười pháp nhất thiết xứ, vị nào có thể nhiếp thủ vô lượng pháp lành như vậy thời gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Ví như có con sông, hương tượng lớn nhất lội không đến đáy thời gọi là sông lớn. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác nhẫn đến thập trụ Bồ Tát chẳng thấy Phật tính thời gọi là Niết Bàn, chẳng phải Đại Niết Bàn. Nếu có thể thấy rõ Phật tính thời được gọi là Đại Niết Bàn.

Chỉ có đại tượng vương mới có thể tột đến đáy sông lớn Đại Niết Bàn. Đại tượng vương đây là lệ cho chư Phật.

Này Thiện nam tử! Nếu các đại lực sĩ trải qua nhiều thời gian không thể leo lên được, mới gọi là núi lớn. Hàng Thanh Văn Duyên Giác và Bồ Tát không thể thấy được mới gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Nơi trấn giữ của các vị tiểu vương thời gọi là thành nhỏ, chỗ của vua Chuyển Luân Vương trấn đóng mới gọi là thành lớn. Chỗ chứng nhập của Thanh Văn Duyên Giác: Tám muôn, sáu muôn, bốn muôn, hai muôn, một muôn kiếp, thời gọi là Niết Bàn. Chỗ chứng nhập của Như Lai vô thượng pháp vương mới được gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Ví như có người thấy bốn đội binh lòng chẳng sợ sệt, nên biết người này gọi là đại chúng sinh. Nếu có chúng sinh đối với ác đạo phiền não ác nghiệp mà chẳng sợ sệt, có thể ở trong đó mà rộng độ chúng sinh, nên biết người này đặng Đại Niết Bàn.

Nếu có người cúng dường cha mẹ, cung kính Sa Môn và Bà La Môn thật hành pháp lành, lời nói thành thật không có khi dối, có thể nhẫn những sự ác hại, lại hay bố thí cho kẻ nghèo thiếu, thời gọi là bậc đại trượng phu. Cũng vậy, Bồ Tát có đại từ bi thương xót tất cả, xem chúng sinh như cha mẹ, đưa chúng sinh qua khỏi sông sinh tử, đem đạo nhất thừa chân thật chỉ dạy cho chúng sinh, đây gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Chữ đại là nói chẳng thể nghĩ bàn, nếu chẳng thể nghĩ bàn mà chúng sinh chẳng thể tin được, thời gọi là Đại Niết Bàn, chỉ có Phật và Bồ Tát thấy được. Lại do vô lượng nhân duyên rồi sau mới có thể được nên gọi là đại. Vì có đại ngã nên gọi là Đại Niết Bàn. Vì Niết Bàn không có đại ngã là tự tại nên gọi là đại ngã. Đại tự tại là vì có tám điều tự tại: Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy thời gọi là đại ngã.

Hai là thị hiện một thân vi trần đầy khắp cõi đại thiên, thiệt ra thân Như Lai chẳng đầy nơi cõi đại thiên, vì là vô biên, do sức tự tại nên thị hiện đầy khắp cõi đại thiên. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.

Ba là có thể đem thân khắp cõi đại thiên này bay trên hư không nhẹ nhàng đến nơi hai mươi hằng hà sa thế giới mà không chướng ngại. Thiệt ra thân Như Lai không có nặng nhẹ, do sức tự tại nên làm có nhẹ có nặng, đây gọi là đại ngã.

Bốn là Như Lai chỉ có nhất tâm an trụ chẳng động, do sức tự tại, vô lượng thân hình hóa hiện ra đều làm cho có tâm. Cũng do sức tự tại, có lúc Như Lai làm một việc mà khiến cho tất cả chúng sinh đều được thành tựu. Do sức tự tại thân Như Lai thường ở một cõi mà làm cho tất cả chúng sinh ở cõi khác đều thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.

Năm là căn tự tại, với một căn Như Lai có thể thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc, hay biết. Sáu căn của Như Lai thật ra chẳng thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm, biết, do sức tự tại nên làm cho sáu căn đều tự tại, do đây gọi là đại ngã.

Sáu là vì tự tại nên chứng đặng tất cả pháp, thật ra tâm Như Lai không có quan niệm chứng đặng, vì là vô sở đắc. Nếu pháp là có thời có thể gọi là chứng đắc, pháp vẫn không thật có, đâu được gọi là chứng đắc. Giả sử Như Lai có quan niệm chứng đắc thời chư Phật chẳng được Niết Bàn. Do vì không chứng đắc nên gọi là được Niết Bàn. Do tự tại mà chứng được tất cả pháp nên gọi là đại ngã.

Bảy là diễn thuyết tự tại. Như Lai diễn thuyết nghĩa một bài kệ trãi qua vô lượng kiếp cũng chẳng hết như nói về giới, định, thí , huệ v.v… Đức Như Lai chẳng có quan niệm rằng ta nói người nghe, cũng chẳng nghĩ là một bài kệ. Người đời dùng bốn câu làm một bài kệ, Như Lai thuận theo thế tục nên cũng nói là bài kệ. Tất cả pháp tính cũng không có ngôn thuyết, do sức tự tại nên Như Lai diễn thuyết, vì diễn thuyết nên gọi là đại ngã.

Tám là Như Lai khắp đầy tất cả chỗ như hư không. Tính hư không chẳng thể thấy được. Như Lai thiệt cũng chẳng thể thấy được, vì tự tại nên làm cho chúng sinh được thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.

Do nghĩa tự tại này nên gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Như kho báu chứa nhiều thứ châu báu lạ kỳ nên gọi là đại tạng. Cũng vậy, tạng pháp rất sâu, rất diệu của Như Lai chứa đầy những pháp kỳ lạ chẳng thể nghĩ bàn, nên gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Phật nhiều vô biên mới gọi là đại, Niết Bàn vô biên, vô lượng nên gọi là đại. Này Thiện nam tử! Lại vì có đại lạc nên gọi là đại Niết Bàn, Niết Bàn vốn không sự vui, do vì bốn điều vui nên gọi là đại Niết Bàn. Một là vì dứt những sự vui, chẳng dứt sự vui thời gọi là khổ, nếu có khổ thời chẳng gọi là thiệt vui. Vì dứt sự vui nên không có khổ, không khổ không vui mới gọi là đại lạc. Tính Niết Bàn không khổ không vui nên Niết Bàn gọi là đại lạc. Do nghĩa này mà gọi là đại Niết Bàn.

Vui có hai thứ: Vui của phàm phu và vui của chư Phật. Vui của phàm phu là vô thường bại hoại, nên không có thiệt vui. Vui của chư Phật là thường là không biến đổi nên gọi là đại lạc. Lại có ba thứ thọ: Một là khổ thọ, hai là lạc thọ, ba là bất khổ bất lạc thọ. Bất khổ bất lạc đây cũng là khổ. Niết Bàn dầu cũng chẳng khổ, chẳng vui nhưng là thật vui, do đây nên gọi là Đại Niết Bàn.

Hai là vì đại tịch tịnh gọi là đại lạc. Tính Niết Bàn là đại tịch tịnh, vì xa lìa tất cả sự ồn náo, do đại tịch tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.

Ba là vì biết tất cả nên gọi là đại lạc. Như Lai biết tất cả nên gọi là Đại Niết Bàn.

Bốn là vì thân chẳng hư hoại nên gọi là đại lạc. Thân Như Lai là thân kim cương không hư hoại, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân vô thường, nên gọi là đại lạc, là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Danh tự của thế gian hoặc có nhân duyên đặt ra hoặc không nhân duyên đặt ra. Có nhân duyên đặt ra như Xá Lợi Phất, vì bà mẹ tên là Xá Lợi, nhân tên mẹ mà đặt tên ông là Xá Lợi Phất. Như Ma Vu La đạo nhân, vì sinh quán tại nước Ma Vu La, nhân tên nước mà đặt tên cho đạo nhân. Như Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên chính là họ, nhân họ đặt tên gọi là Mục Kiền Liên. Như ta sinh trong dòng Cù Đàm, nhân dòng họ đặt tên gọi ta là Cù Đàm. Như nhà thông thái Tỳ Xá Khư, Tỳ Xá Khư chính là tên một ngôi sao, nhân ngôi sao này đặt tên là Tỳ Xá Khư. Như người có sáu ngón tay, nhân đây gọi là người sáu ngón. Như danh từ Phật nô, Thiên nô, nhân nơi Phật, nhân nơi Thiên, mà gọi là Phật nô, Thiên nô. Như nhân nơi ẩm ướt sinh ra nên gọi là loài thấp sinh. Như nhân nơi tiến mà gọi là Ca Ca La, gọi là Cứu Cứu La. Những danh từ như vậy là có nhân duyên mà đặt tên.

Không nhân duyên mà đặt ra, như hoa sen, như đất, nước, gió, lửa, hư không. Như một danh từ mạn đà bà chỉ cho hai vật: Điện đường và uống nước, điện đường chẳng phải uống nước nhưng cũng đều được gọi là mạn đà bà. Như tát bà sa đa gọi là xà cái, thiệt chẳng phải là xà cái. Như trên đây gọi là không nhân mà lập danh tự.

Này Thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây cũng không có nhân duyên mà lập danh tự. Như hư không chẳng nhân sự trống rỗng nhỏ mà gọi là đại không, Niết Bàn cũng chẳng nhân nơi tướng nhỏ mà gọi là Đại Niết Bàn. Ví như có một vật chẳng thể cân lườntg chẳng thể nghĩ bàn thời gọi là đại, Niết Bàn cũng chẳng thể cân lường chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Đại Niết Bàn.

Do vì thuần thanh tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn. Thanh tịnh có bốn thứ: Một là hai mươi lăm cõi gọi là bất tịnh, vì có thể dứt hẳn nên gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh đây tức là Niết Bàn. Niết Bàn này cũng đặng gọi là có. Nhưng thiệt ra Niết Bàn chẳng phải là có, Như Lai thuận theo thế tục nên nói Niết Bàn là có. Ví như người đời chẳng phải cha gọi là cha chẳng phải mẹ gọi là mẹ, chẳng phải thiệt cha mẹ mà nói là cha mẹ. Cũng vậy, tùy thuận theo thế tục nên nói chư Phật có Đại Niết Bàn.

Hai là vì nghiệp thanh tịnh. Tất cả phàm phu vì nghiệp chẳng thanh tịnh nên không có Niết Bàn. Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là đại tịnh, do đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.

Ba là vì thân thanh tịnh. Thân vô thường thời gọi là chẳng thanh tịnh. Thân Như Lai thường trụ không biến đổi nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.

Bốn là vì tâm thanh tịnh. Tâm nếu có ác lậu thời gọi là chẳng thanh tịnh. Tâm của Phật vô lậu nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Đây gọi là nam tử nữ nhân tu hành kinh Đại Niết Bàn này thành tựu đầy đủ phần công đức thứ nhất.

Này Thiện nam tử! Kế đây là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bànn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ hai.

Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng được mà nay được, xưa chỗ chẳng thấy mà nay được thấy, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.

Thế nào gọi là xưa chẳng được mà nay được? Chính là nói về thần thông. Thần thông có hai thứ: Một là ngoài, hai là trong. Thần thông ngoài thời cùng ngoại đạo giống nhau. Thần thông trong lại có hai thứ: Một là của nhị thừa hai là của Bồ Tát. Thần thông của Bồ Tát, hàng Thanh Văn Bích Chi Phật chẳng có được. Hàng nhị thừa biến hóa một tâm hiện làm một chẳng hiện được nhiều. Bồ Tát ở trong một tâm thời có thể hiện đủ tất cả thân trong lục đạo, do vì được thế lực của kinh Đại Niết Bàn. Đây gọi là xưa chỗ chẳng được mà nay được. Lại Bồ Tát được thân tự tại, tâm tự tại. Tất cả phàm phu thân cũng như tâm đều chẳng tự tại hoặc tâm theo nơi thân, hoặc thân theo nơi tâm. Ví như người say, rượu ở trong thân, lúc bấy giờ thân động tâm cũng động theo, cũng như thân mõi mệt thì tâm cũng mõi mệt theo, đây thời gọi là tâm theo nơi thân. Lại như trẻ thơ, thân nó nhỏ bé, tâm nó nhỏ theo, người lớn thân lớn thì tâm cũng lớn theo. Lại như có người thân thể thô rít, tâm họ thường nghĩ đến dầu mỡ muốn thoa cho được trơn nhuyễn, đây cũng gọi là tâm theo nơi thân.

Thế nào gọi là thân theo nơi tâm? Chính là đi, đến, ngồi, nằm, thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, người sầu não thời thân gầy héo, người vui mừng thời thân tươi nở, người kinh sợ thời thân run rẩy, chuyên tâm thính pháp thời thân vui vẻ, người buồn khóc thời nước mũi nước mắt chảy tuôn đây thời gọi là thân theo nơi tâm.

Bồ Tát thời chẳng như vậy thân tâm đều được tự tại, Đại Bồ Tát hiện thân tướng như vi trần, thân vi trần này có thể khắp đến vô lượng vô biên hằng hà sa thế giới không bị chướng ngại, mà tâm Bồ Tát thường định vẫn không di động, đây thời gọi là tâm chẳng theo nơi thân, và cũng gọi là xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, vì tất cả Thanh văn, Bích Chi Phật chẳng thể đến được mà Bồ Tát đến được. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu dùng thần thông chẳng có thể biến thân nhỏ như vi trần khắp đến vô lượng hằng hà sa thế giới. Thanh Văn, Bích Chi Phật lúc thân động thời tâm cũng động theo. Bồ Tát chẳng như vậy, tâm dầu chẳng động mà thân đến khắp tất cả chỗ, đây gọi là tâm chẳng theo nơi thân. Lại Bồ Tát hóa thân lớn bằng đại thiên thế giới, đem thân to lớn này chui vào thân nhỏ như vi trần, tâm của Bồ Tát cũng chẳng nhỏ theo. Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu có thể hóa thân to lớn như đại thiên thế giới nhưng chẳng thể đem thân to lớn này chui vào thân nhỏ như vi trần.

Trong việc này nhị thừa còn chẳng làm được huống là có thể khiến tâm chẳng động theo. Đây gọi là Bồ Tát tâm chẳng theo nơi thân.

Đại Bồ Tát dùng một âm thanh có thể làm cho tất cả chúng sinh trong đại thiên thế giới đều nghe trong tâm Bồ Tát trọn chẳng nghĩ rằng khiến âm thanh này khắp đến các thế giới làm cho chúng sinh được nghe, Bồ Tát nói rằng do tôi thuyết pháp làm cho chúng sinh được nghe nên biết người này trọn chẳng thể đặng vô thượng chính giác. Vì tâm tưởng như trên đây là tâm sinh tử, tất cả Đại Bồ Tát đã hết tâm sinh tử này vì thế nên thân tâm của Bồ Tát chẳng theo dõi nhau.

Này Thiện nam tử! Tất cả phàm phu thân tâm theo nhau. Bồ Tát chẳng như vậy, vì hóa độ chúng sinh nên dầu hiện thân nhỏ nhưng tâm chẳng bé nhỏ vì tâm tính của Bồ Tát luôn rộng lớn. Dầu lúc hiện thân lớn như đại thiên thế giới, nhưng tâm cũng chẳng lớn. Do nghĩa này nên tâm của Bồ Tát chẳng theo nơi thân Đại Bồ Tát đã từ vô lượng, vô số kiếp xa lìa rượu chẳng uống, nhưng tâm cũng động, tâm không buồn khổ mà thân cũng rơi lệ, thiệt không kinh sợ mà thân cũng run rẩy, do đây nên biết rằng Bồ Tát thân tâm tự tại, chẳng theo dõi nhau. Đại Bồ Tát dầu hiện một thân, mà các chúng sinh mỗi người tự thấy sai khác.

Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe? Đại Bồ Tát trước lấy tướng các thứ tiếng: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng ốc, tiếng trống, tiếng ống tiêu, tiếng ca, tiếng cười v.v…

Mà luyện tập đó, do luyện tập nên có thể nghe tất cả tiếng của những địa ngục trong vô lượng đại thiên thế giới, lại càng tu tập thêm nên được nhĩ căn khác lạ, khác hơn thiên nhĩ của Thanh Văn Bích Chi Phật. Vì nhĩ căn thanh tịnh của nhị thừa nếu nương tứ đại tịnh diệu, của Sơ Thiền thời chỉ nghe tiếng cõi Sơ Thiền chẳng nghe được cõi Nhị Thiền, nhẫn đến Tứ Thiền cũng như vậy, dầu có thể trong một lúc được nghe tất cả tiếng trong đại thiên thế giới nhưng chẳng thể nghe được tiếng trong vô lượng vô biên trong hằng sa thế giới. Do nghĩa này nên gọi là BồTát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, Bồ Tát dầu nghe tiếng tâm mà trong lòng vẫn không có tướng nghe tiếng chẳng có tướng thường, lạc, ngã, tịnh, tướng chủ, tướng y, tướng tác, tướng nhân, tướng định, tướng quả. Do nghĩa này nên các vị Bồ Tát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch rằng: “Thế Tôn! Như Phật nói Bồ Tát chẳng thấy có tướng định, không tướng quả thời không được đúng. Vì trước kia Như Lai nói: Nếu có người nghe một chữ một câu kinh Đại Niết Bàn này quyết định được thành vô thượng Bồ Đề. Giờ đây sao Như Lai lại nói là không định không quả? Nếu được vô thượng Bồ Đề thời chính là tướng quyết định, chính là tướng quả, sao lại nói rằng không định không qua? Vì nghe tiếng ác thời sinh tâm ác vì sinh tâm ác thời đọa tam đồ, nếu đọa tam đồ thời là định quả, sao lại nói rằng không định không quả?

Như Lai khen rằng: “Lành thay! Ông có thể thưa hỏi như vậy. Giả sử Chư Phật nói các âm thanh là có tướng định quả, đây thời chẳng phải là tướng của Chư Phật, mà là tướng Ma vương, là tướng sinh tử, là tướng xa lìa Niết Bàn. Vì tất cả Chư Phật chỗ nói ra không có tướng định quả. Ví như dùng lưỡi dao sáng soi mặt người; dựng đứng thời thấy mặt dài, để ngang thời thấy mặt rộng. Do nghĩa đây nên Chư Phật phàm nói ra không có tướng định quả. Đại Niết Bàn thiệt chẳng phải kết quả của tiếng. Giả sử Niết Bàn là quả của tiếng thời Niết Bàn chẳng phải là pháp thường trụ. Ví như những pháp trong đời theo nhân mà sinh, có nhân thời có quả, không nhân thời không quả, vì nhân vô thường nên quả cũng vô thường, nhân cũng làm quả, quả cũng làm nhân, do nghĩa này nên tất cả pháp không có tướng nhất định. Giả sử Niết Bàn từ nhân mà sinh, vì nhân vô thường nên quả cũng vô thường. Nhưng Niết Bàn chẳng từ nhân mà sinh, thể Niết Bàn chẳng phải là quả, vì thế nên Niết Bàn là thường trụ. Do nghĩa đây nên thể của Niết Bàn là không định không quả.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777750
Số người trực tuyến: