Trang 03 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 03

PHẨM PHẠM HẠNH THỨ HAI MƯƠI

(Hán bộ trọn quyển 14, 15, 16, 17 và phần đầu quyển thứ 18)

Trang 03

Này Thiện nam tử! Có người đào đất, cắt cỏ, đốn cây, chặt tử thi, mắng chửi, đánh đập tử thi, do nghiệp duyên này có bị đọa địa ngục chăng?

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa của Phật nói kẻ đó phải đọa địa ngục. Vì cớ sao? Như ngày trước Phật nói pháp cho hàng Thanh Văn: Này các Tỳ Kheo ở nơi cây cháy rụi chớ sinh lòng ác. Vì tất cả chúng sinh do lòng ác mà phải đọa nơi địa ngục”.

Đức Phật khen Ca Diếp Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông nói, phải khéo thọ trì.

Này Thiện nam tử! Nếu chân ác tâm phải đọa địa ngục, lúc đó Bồ Tát thiệt không ác tâm. Vì Đại Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh nhẫn đến con trùn, con kiến đều sinh lòng thương xót, muốn cho họ được lợi ích vì Bồ tát khéo biết các phương tiện, các nhân duyên, do sức phương tiện muốn làm cho chúng sinh vun trồng cội lành. Do nghĩa đó, lúc ấy ta dùng phương tiện, dầu giết hại mạng họ mà chẳng phải là tâm ác.

Này Thiện nam tử! Cứ theo giáo pháp Bà La Môn, cho rằng nếu giết chết kiến đầy cả mười xe không có tội báo, muỗi, ruồi, rận, rệp, mèo, chồn, sư tử, cọp, sói, gấu, những độc trùng, ác thú, và những loài có thể làm hại người: Quỉ Thần, La Sát , Cưu Bàn Trà. Ca La, Phú Đơn Na, Điên cuồng, Càn khô, có ai giết hại mạng họ đầy cả mười xe cũng không có tội báo, nếu giết người ác thời có tội báo. Giết rồi chẳng ăn năn thời đọa ngạ quỉ. Nếu có thể sám hối tuyệt thực ba ngày, thời tội đó tiêu diệt không còn thừa. Nếu giết Hòa Thượng, giết cha, hại mẹ, giết phụ nữ, giết bò, trâu, thời phải đọa địa ngục trong vô số ngàn năm.

Này Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát biết giết hại có ba hạng: hạ, trung và thượng.

Hạng hạ là trùn kiến nhẫn đến tất cả các súc sinh chỉ trừ Bồ Tát thị hiện thọ sinh. Đại Bồ Tát do nguyện lực nên thị hiện làm thân súc sinh, trừ đây ra gọi là sát sinh hạng hạ. Nghiệp duyên này sẽ phải đọa nơi địa ngục, súc sinh, ngã quỉ chịu lấy sự khổ hạng hạ. Vì những súc sinh có căn lành rất kém ít nên kẻ giết phải thọ tội báo hạng hạ.

Sát hại hạng trung là từ người phàm phu đến vị chứng quả A Na Hàm, đây gọi là hạng trung. Nghiệp duyên giết hại hạng này phải đọa nơi địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ thọ sự khổ hạng trung.

Sát sinh hạng thượng là giết cha mẹ, nhẫn đến A La Hán, Bích Chi Phật, quyết định Bồ Tát, đây gọi là hạng thượng. Nghiệp duyên giết hại hạng này phải đọa vào trong địa ngục A Tỳ chịu lấy sự khổ hạng thượng.

Này Thiện nam tử! Nếu có người giết kẻ nhất xiển đề, thời chẳng đọa vào trong ba hạng sát hại này.

Này Thiện nam tử! Những người dòng Bà La Môn bị nhà vua giết trước kia tất cả đều là hạng nhất xiển đề. Thí như đào đất cắt cỏ đốn cây chặt tử thi mắng nhiếc đánh đập, đều không có tội báo. Giết hạng nhất xiển đề cũng không có tội báo như vậy. Vì những người Bà La Môn không có căn lành nhẫn đến không có năm pháp tín v.v… Vì thế nên dầu giết hại họ mà chẳng đọa địa ngục.

Này Thiện nam tử! Ông trước nói rằng: Đức Như Lai cớ chi mắng Đề Bà Đạt Đa là người ngu si ăn nước miếng. Ông không nên hỏi như vậy. Vì chư Phật Thế Tôn phàm nói ra lời gì đều chẳng thể nghĩ bàn.

Này Thiện nam tử! Hoặc có thiệt ngữ được người đời mến ưa nhưng phi thời, phi pháp chẳng lợi ích, những lời như vậy đức Phật trọn chẳng nói. Hoặc lại nói lời thô vụng hư vọng, phi thời, phi pháp, chẳng lợi ích người nghe chẳng ưa thích, đức Phật cũng chẳng nói.

Này Thiện nam tử! Nếu có những lời dầu là thô rắn nhưng chân thật chẳng hư vọng, phải thời đúng pháp có thể lợi ích cho tất cả chúng sinh, người nghe dầu chẳng vui đẹp nhưng ta cần phải nói. Vì chư Phật Thế Tôn chính đẳng chính giác khéo biết phương tiện.

Này Thiện nam tử! Trước kia có một hôm ta đi ngang thôn Khoáng Dã, ở dưới rừng có một quỉ thần tên là Khoáng Dã. Quỉ này thuần ăn máu thịt giết hại nhiều chúng sinh. Quỉ ấy lại mỗi ngày ăn một người trong thôn xóm gần đó. Lúc đó ta rộng nói pháp yếu cho quỉ Khoáng Dã, nhưng quỉ ấy hung bạo ngu si chẳng lãnh thọ giáo pháp. Ta liền hóa thân ra làm đại lực quỉ, làm rúng động cung điện của nó. Quỉ Khoáng Dã dắt quyến thuộc và bộ hạ kéo ra muốn chống cự với ta. Chúng nó vừa thấy ta liền run sợ té xuống đất ngất xỉu như người chết. Ta dùng lòng từ bi lấy tay xoa lên mình nó. Nó tỉnh dậy nói rằng: “Hôm nay may mắn được sống lại. Vị Đại Thần Vương này có oai đức lớn có tâm từ bi tha tội lỗi của tôi”. Qủi Khoáng Dã liền sinh tâm lành kính tin nơi ta.

Ta hiện hoàn lại thân Như Lai vì họ nói pháp yếu làm cho các quỉ thần kia thọ giới bất sát.

Chính ngày đó trong thôn Khoáng Dã có một ông Trưởng giả đến phiên phải chết, người trong thôn đã đưa ông ấy giao cho quỉ Khoáng Dã. Quỉ Khoáng Dã liền đem đến cúng thí cho ta. Ta lãnh ông Trưởng giả và đặt hiệu cho ông là Thủ Trưởng giả.

Quỉ Khoáng Dã bạch ta rằng: “Thế Tôn! Con và quyến thuộc của con chỉ nhờ máu thịt mà đặng sống, nay thọ giới bất sát biết lấy gì để sống được?”.

Ta bảo rằng: “Từ nay trở đi đức Phật sẽ bảo hàng Thanh Văn đệ tử tùy chỗ nào có Phật pháp lưu hành đều sẽ cúng thí đồ uống ăn cho nhà ngươi”.

Này Thiện nam tử! Do nhân duyên đó ta chế điều giới: Các Tỳ Kheo từ nay trở đi thường phải thí thực cho quỉ Khoáng Dã. Nếu người xuất gia nào chẳng cúng thí, nên biết người đó chẳng phải đệ tử Phật, chính là đồ đảng quyến thuộc của Thiên Ma.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai vì muốn điều phục chúng sinh nên thị hiện những phương tiện như vậy. Chẳng phải cố ý làm cho họ sinh lòng sợ hãi.

Cũng có một lúc ta dùng cây đánh quỉ hộ pháp.

Lại có một hôm ta đang đi trên một ngọn núi xô quỉ Dương Đầu làm nó té xuống dưới núi.

Lại một hôm nơi ngọn cây ta xô ngã quỉ Hộ Di Hầu.

Một ngày nọ làm cho voi Hộ Tài thấy năm sư tử.

Có lúc ta sai thần Kim Cương khủng bố ngoại đạo Tát Giá Ni Kiền Tử.

Ngày kia ta cũng lấy kim đâm thân của quỉ Tiển Mao.

Dầu ta làm những việc như vậy nhưng cũng chẳng làm cho các quỉ thần kia đến phải chết. Chỉ vì muốn khiến họ an trụ nơi chính pháp nên thị hiện những phương tiện như vậy.

Này Thiện nam tử! Trước kia thiệt ra đức Phật chẳng mắng nhục Đề Bà Đạt Đa. Còn Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng ngu si ăn nước miếng của người, cùng chẳng đọa A Tỳ địa ngục thọ tội một kiếp, cũng chẳng phá hoại chúng Tăng, chẳng làm thân Phật ra máu, Đề Bà Đạt Đa cũng chẳng trái phạm bốn tội nặng, chẳng hủy báng kinh điển Đại Thừa, ông ấy chẳng phải nhất xiển đề, chẳng phải Thanh Văn cũng chẳng phải Bích Chi Phật.

Này Thiện nam tử! Đề Bà Đạt Đa thiệt chẳng phải cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác. Duy chư Phật thấy biết được thôi.

Này Thiện nam tử! Vì thế nên nay ông chẳng nên gạn rằng: “Cớ gì đức Như Lai quở trách mắng nhiếc làm nhục Đề Bà Đạt Đa. Đối với cảnh giới của chư Phật, ông chẳng nên có lòng nghi như vậy”.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như mía nấu nhiều lần thời đặng nhiều thứ vị. Tôi cũng như vậy, nghe Phật nói pháp nhiều lần đặng nhiều pháp vị. Chính là những vị: Xuất gia vị, ly dục vị, tịch diệt vị, đạo vị. Thế-Tôn! Như vàng ròng đốt đập nhiều lần càng thêm sáng sạch, giá trị vô lượng, được trời người quí trọng. Đức Như-Lai cũng vậy, trân trọng thưa hỏi liền đặng nghe thấy nghĩa rất sâu vi diệu, khiến người tu hành phụng tu thọ trì vô lượng chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề. Do đó đức Phật được trời người tôn trọng cung kính cúng dường.

Đức Phật tán thán Ca Diếp Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Đại Bồ tát vì muốn lợi ích chúng sinh nên thưa hỏi đức Như Lai những nghĩa sâu như vậy. Do nghĩa này ta tùy theo ý của ông mà nói pháp Đại Thừa Phương Đẳng rất sâu, bí mật, tức là bậc rất yêu thương như con một”.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Bồ Tát tu tâm từ, bi, hỷ, đặng bậc con một, lúc tu tâm xả thời dặng bậc gì?

Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Ông khéo biết thời, biết ta muốn nói nên ông thưa hỏi.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lúc tu tâm xả thời đặng bậc bình đẳng không như ông Tu Bồ Đề. Đại Bồ Tát trụ bậc bình đẳng không, thời chẳng thấy có cha mẹ, anh em, chị em, họ hàng quyến thuộc, oán thù kẻ không thân không oán nhẫn đến chẳng thấy: Ấm, giới, nhập, chúng sinh thọ mạng. Ví như hư không, không có cha me, anh em, vợ con, nhẫn đến không có chúng sinh thọ mạng, tất cả các pháp cũng không có cha mẹ nhẫn đến thọ mạng.

Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp cũng như vậy, tâm của Bồ Tát bình đẳng như hư không, vì Bồ Tát khéo tu tập những pháp không”.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: Thế Tôn! Sao gọi là không?

Này Thiện nam tử! Nói là không có nội không, ngoại không, nội ngoại không, hữu vi không, vô vi không, vô thỉ không, tính không, vô sở hữu không, đệ nhất nghĩa không, không không, đại không.

Đại Bồ Tát quán n ội không như thế nào? Đại Bồ Tát này quán nội pháp là không, chính là không cha mẹ, kẻ oán, người thân, không oán, không thân, chúng sinh, thọ mạng, thường, lạc, ngã, tịnh, Như Lai, Pháp , Tăng, tài vật. Trong nội pháp này dầu có Phật tính, nhưng Phật tính này chẳng phải nội chẳng phải ngoại. Vì Phật tính thường trụ không biến đổi. Đây gọi là Đại Bồ Tát quán nơi nội không.

Ngoại không cũng như vậy không có ngoại pháp.

Nội ngoại không cũng như vậy.

Này Thiện nam tử! Chỉ có Như Lai, Pháp, Tăng, Phật tính, chẳng ở nơi phạm vi hai thứ không. Vì bốn pháp như vậy là thường, lạc, ngã, tịnh, nên chẳng gọi là không. Đây gọi là nội và ngoại đều không.

Này Thiện nam tử! Hữu vi không là các pháp hữu vi thảy đều không. Chính là nội không, ngoại không, nội ngoại không, thường, lạc, ngã, tịnh không, chúng sinh thọ mạng Như Lai pháp, Tăng, đệ nhất nghĩa không. Trong đây Phật tính chẳng phải pháp hữu vi, nên Phật tính chẳng phải là pháp hữu vi không. Trên đây gọi là hữu vi không.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát quán vô vi không như thế nào? Pháp vô vi thảy đều là không tức là vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, ấm, giới, nhập, chúng sinh, thọ mạng, hữu vi, hữu lậu, nội pháp, ngoại pháp. Trong pháp vô vi Phật, Pháp v.v… bốn pháp đều chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi: Vì là thiện nên chẳng phải vô vi, vì tính thường trụ nên chẳng phải hữu vi. Đây gọi là Bồ Tát quán vô vi không.

Thế nào là Bồ Tát quán vô thỉ không? Đại Bồ Tát thấy sinh tử vô thủy thảy đều không tịch gọi là không, đó tức là thường, lạc, ngã, tịnh, thảy đều không tịch chẳng có biến đổi. Chúng sinh thọ mạng Tam Bảo, Phật tính và vô vi pháp cũng như vậy. Đây gọi là quán vô thỉ không.

Đại Bồ Tát quán nơi tính không thế nào? Đại Bồ tát này quán tất cả pháp bổn tính đều không: Ấm, giới, nhập, thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã. Tất cả pháp đều chẳng thấy bổn tính, đây gọi là quán nơi tính không.

Đại Bồ Tát quán vô sở hữu không như thế nào? Như người không con nói nhà cửa trống không, rốt ráo quán không chẳng có thân yêu. Người ngu si thời gọi là các phương không. Người nghèo cùng thời gọi là tất cả không. Những kiến chấp như vậy, hoặc không hoặc chẳng phải không. Lúc Bồ Tát quán sát như người nghèo cùng tất cả đều không. Đây gọi là Bồ Tát quán vô sở hữu không.

Đại Bồ Tát quán đệ nhất nghĩa không như thế nào? Bồ Tát lúc quán đệ nhất nghĩa, nhãn căn này lúc sinh ra không từ đâu lại, lúc nó diệt mất cũng không đi đến đâu, trước không, nay có, có rồi trở lại không suy thật tính của nó không nhãn căn không chủ tể. Như nhãn căn vô tính, tất cả pháp cũng như vậy. Những gì gọi là đệ nhất nghĩa không? Có nghiệp có báo, chẳng thấy tác giả, pháp không như vậy gọi là đệ nhất nghĩa không. Đây gọi là quán đệ nhất nghĩa không.

Đại Bồ Tát quán không không như thế nào? Trong không không này là chỗ mê mờ của Thanh Văn và Bích chi Phật.

Này Thiện nam tử! Là có, là không, đây gọi là không không. Là phải là chẳng phải đây gọi là không không.

Này Thiện nam tử! Bậc Thập trụ Bồ Tát còn ở trong đây thông đạt phần ít như vi trần, huống là những người khác, không không như vậy cũng chẳng đồng không không Tam Muội của Thanh Văn chứng đặng. Đây gọi là Bồ Tát quán nơi không không.

Đại Bồ Tát quán Đại Không thế nào? Đại Không tức là Bát Nhã Ba La Mật.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát đặng pháp môn không như vậy thời đặng trụ nơi bậc hư không đặng.

Này Thiện nam tử! Nay đức Phật ở trong đại chúng này lúc nói những nghĩa không như vậy, có mười hằng hà sa Bồ Tát liền đặng trụ nơi bậc hư không đẳng.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ nơi bậc này ở trong tất cả pháp không bị trở ngại, không bị ràng buộc câu chấp, tâm không mê muội. Do nghĩa này nên gọi là bậc hư không đẳng.

Này Thiện nam tử! Ví như hư không đối sắc đáng ưa chẳng sinh tham đắm, đối với sắc chẳng ưa chẳng sinh giận hờn. Đại Bồ Tát trụ trong bậc này cũng như vậy, đối với sắc tốt xấu, tâm không tham không giận, ví như hư không rộng lớn tuyệt đối, có thể dung chứa tất cả vật. Đại Bồ tát trụ trong bậc này cũng như vậy, rộng lớn tuyệt đối đều có thể dung thọ tất cả pháp. Do nghĩa nên đặng gọi là bậc hư không đẳng.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ trong bậc này đối với tất cả pháp cũng thấy cũng biết, là hành, là duyên, là tính, là tướng, là nhân, là duyên, là chúng sinh tâm, là căn, là thiền định, là thừa, là thiện tri thức, là trì cấm giới, là vật bố thí, những pháp như vậy tất cả đều biết đều thấy.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ trong bậc này biết mà chẳng thấy. Thế nào là biết? Biết tự nhịn đói, gieo xuống vực, nhảy vào lửa tự té từ ngọn núi cao, thường co một chân, năm thứ nóng đốt thân, thường nằm trên tro, trên đất, trên gai góc, trên lá cây, cỏ cứng, trên phân bò, mặc y phục bằng gai thô của người vất bỏ trong gò mã, áo lông phấn tảo, áo khâm bà la, da nai, da huơu, áo quần bằng cỏ, ăn rau, ăn trái, ăn ngó, ăn cũ, xác dầu, phân bò. Nếu đi khất thực hạn định từ nhà, gia chủ nếu nói rằng không liền bỏ đi, dầu kêu trở lại cũng chẳng ngó ngoái lại. Chẳng ăn muối ăn thịt, cùng năm thứ sữa lạt, tô, v.v… Thường uống nước cám trấu, nước sôi. Thọ trì ngưu giới, kê giới, cẩu giới, trỉ giới. Lấy tro trét trên mình, để tóc dài làm tướng. Lúc dùng dê để cúng tế trước chú nguyện rồi sau giết thịt. Bốn tháng thờ lửa, ngày bảy hớp gió. Trăm ngàn ức thứ hoa cúng dường chư Thiên. Muốn nhân những việc trên đây để được thành tựu chỗ mong cầu. Những phương pháp trên đây không bao giờ có thể làm nhân giải thoát được. Đây gọi là biết.

Thế nào là chẳng thấy? Đại Bồ Tát chẳng thấy môt người nào thật hành phương pháp như vậy mà đặng chính giải thoát. Đây gọi là chẳng thấy.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát cũng thấy cũng biết. Những gì là thấy? Thấy các chúng sinh thật hành tà pháp ấy quyết đọa địa ngục đây gọi là thấy.

Thế nào là biết? Biết các chúng sinh từ địa ngục ra, sinh trong loài người nếu có thể tu hành Đàn Ba La Mật nhẫn đến đầy đủ các môn Ba La Mật người này quyết đặng tám môn chính giải thoát. Đây gọi là biết.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng thấy cũng biết. Thế nào là thấy? Thấy thường, vô thường, khổ, lạc, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, đây gọi là thấy. Thế nào là biết? Biết các đức Như Lai quyết định chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn, biết thân Như Lai là kim cang không hư hoại, chẳng phải là thân do phiền não mà thành, lại chẳng phải hôi nhơ hư rã. Cũng lại có thể biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Đây gọi là biết.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy. Thế nào là biết? Biết chúng sinh này tín tâm thành tựu, biết chúng sinh này cầu pháp Đại thừa, người này thuần lưu, người này nghịch lưu, người này chính trụ, biết chúng sinh này đã đến bờ kia.

Người thuận lưu là nói hạng phàm phu. Người nghịch lưu là từ bậc Tu Đà Hoàn nhẫn đến Duyên Giác. Người chính trụ là nói các bậc Bồ Tát. Người đến bờ kialà nói các đức Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri. Đây gọi là biết.

Thế nào là thấy? Đại Bồ Tát trụ nơi kinh điển Đại Thừa Đại Niết Bàn tu phạm hạnh dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy các chúng sinh ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo điều ác đọa nơi địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ. Thấy các chúng sinh tu nghiệp lành sau khi chết sẽ sinh trên trời hay trong loài người. Những chúng sinh này từ tối tăm vào tối tăm. Có những chúng sinh từ tối tăm vào sáng suốt. Có những chúng sinh từ sáng suốt vào tối tăm. Có những chúng sinh từ sáng suốt vào sáng suốt. Đây gọi là thấy.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát lại có cũng biết cũng thấy. Đại Bồ Tát biết các chúng sinh tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ. Người này đời nay thành tựu nghiệp ác, hoặc nhân tham dục, sân khuể, ngu si nghiệp này ắt phải thọ báo nơi địa ngục, người này do tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, nên hiện đời thọ quả báo nhẹ chẳng đọa địa ngục. Nghiệp này thế nào có thể đặng báo hiện tại? Phát lồ sám hối những tội ác đã làm đã ăn năn chừa cải về sau chẳng dám tái phạm. Vì hổ thẹn, vì cúng dường tam bảo, vì thường trụ quở trách, người này do nhân duyên nghiệp lành đây nên chẳng đọa địa ngục. Hiện đời thọ quả báo là nhức đầu, đau mắt, đau bụng, đau lưng, chết vì họan nạn, bị mắng nhiếc làm nhục, bị đánh đập trói nhốt, bị đói khát khốn khổ, những việc như vậy là hiện đời thọ quả báo nhẹ. Đây gọi là biết.

Thế nào là thấy? Đại Bồ Tát thấy người như vậy chẳng có thể tu tập thân, giới tâm, huệ, tạo chút ít nghiệp ác. Nhân duyên của nghiệp này đáng lẽ hiện đời thọ quả báo. Người này tạo chút ít nghiệp ác chẳng có thể sám hối, chẳng tự quở trách, chẳng sinh lòng hổ thẹn, chẳng sợ sệt, nghiệp ác này tăng trưởng nên thọ quả báo nơi địa ngục. Đây gọi là thấy.

Lại có biết mà chẳng thấy. Thế nào là biết? Biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính, vì phiền não che đậy nên chẳng thể thấy. Đây gọi là biết mà chẳng thấy.

Lại có biết mà thấy chút ít. Bậc thập trụ Bồ Tát biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính, thấy chẳng được rõ ràng dường như đêm tối thấy vật chẳng rõ.

Lại có cũng thấy cũng biết, chính là chư Phật Như Lai cũng thấy cũng biết.

Lại có cũng thấy cũng biết, chẳng thấy chẳng biết. Cũng thấy cũng biết là : Trong thế gian những văn tự, ngôn ngữ, nam, nữ, xe cộ, bình chậu, nhà cửa, thành ấp, áo xiêm, uống ăn, núi sông, vườn rừng, chúng sinh, thọ mạng. Đây gọi là cũng biết cũng thấy.

Thế nào là chẳng thấy chẳng biết? Thánh nhân chỗ có nói ra lời vi mật, không có nam nữ nhẫn đến vườn rừng. Đây gọi là chẳng thấy chẳng biết.

Lại có biết mà chẳng thấy: Biết vật bố thí, biết chỗ cúng dường, biết người lãnh thọ, biết nhân quả. Đây gọi là biết. Chẳng thấy đồ bố thí, chỗ cúng dường, người thọ nhẫn đến quả báo. Đây gọi là chẳng thấy.

Đại Bồ Tát biết có tám thứ, chính là ngũ nhãn của đức Như Lai chỗ biết.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng những lợi ích gì?

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng bốn vô ngại. Pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại. Pháp vô ngại là biết tất cả pháp và danh tự của pháp. Nghĩa vô ngại là: Biết những nghĩa của tất cả pháp, có thể tùy theo danh tự đã đặt cho các pháp mà giải nghĩa. Từ vô ngại là giảng luận tùy theo danh tự, giảng luận theo chính âm, giảng luận về pháp cú, giảng luận về thế biện. Nhạo thuyết vô ngại là: Đại Bồ Tát khi diễn thuyết không có chướng ngại, không ai động chuyển được, không có sợ sệt, khó có ai tồi phục được.

Này Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát có thể thấy và biết như vậy, bèn đặng bốn trí vô ngại như thế.

Lại này Thiện nam tử! Pháp vô ngại là: Đại Bồ Tát biết khắp những pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chư Phật. Nghĩa vô ngại là thừa, dầu có ba, nhưng biết quy về một, trọn chẳng cho rằng có tướng sai biệt hẳn. Từ vô ngại là: Đại Bồ Tát ở trong một pháp đặt thành nhiều thứ tên, trãi vô lượng kiếp nói chẳng hết, hàng Thanh Văn, Duyên Giác, không thể nói như vậy được. Nhạo thuyết vô ngại là: Đại Bồ Tát trong vô lượng kiếp vì các chúng sinh diễn thuyết các pháp: Hoặc danh hoặc nghĩa, nhiều loại giảng thuyết khác nhau chẳng thể cùng tận.

Lại này Thiện nam tử! Pháp vô ngại: Là Đại Bồ Tát dầu biết các pháp nhưng chẳng chấp lấy. Nghĩa vô ngại là: Đại Bồ Tát dầu biết những nghĩa nhưng cũng chẳng chấp. Từ vô ngại là Đại Bồ Tát dầu biết danh tự cũng chẳng chấp lấy. Nhạo thuyết vô ngại là Đại Bồ tát dầu biết nhạo thuyết tối thượng như vậy nhưng cũng chẳng chấp. Vì cớ sao chẳng chấp ? Vì nếu chấp lấy thời chẳng gọi là Bồ Tát.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu chẳng chấp lấy thời chẳng biết pháp, nếu biết pháp thời là chấp lấy, nếu biết mà chẳng chấp lấy thời là không chỗ biết, thế sao đức Như Lai nói rằng: Biết pháp mà chẳng chấp lấy? Phật nói: Này Thiện nam tử! Luận về người chấp lấy thời chẳng gọi là vô ngại. Người không chấp lấy mới gọi là vô ngại. Thế nên tất cả Bồ Tát nếu có chấp lấy thời không vô ngại, nếu không vô ngại thời chẳng gọi là Bồ Tát. Nên biết người ấy gọi là phàm phu. Tại sao chấp lấy gọi là phàm phu? Vì tất cả phàm phu chấp lấy nơi sắc, thanh, nhẫn đến chấp lấy thức. Vì chấp lấy sắc thời sinh tâm tham, vì sinh tâm tham nên bị sắc ràng buộc, nhẫn đến bị thức ràng buộc. Do bị ràng buộc nên chẳng đặng thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Thế nên chấp lấy gọi là phàm phu. Do nghĩa này nên tất cả phàm phu không có bốn vô ngại.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát đã ở nơi vô lượng a tăng kỳ kiếp biết và thấy pháp tướng. Do biết thấy nên biết nghĩa. Do thấy pháp tướng và biết nghĩa nên ở trong sắc v.v… chẳng sinh lòng chấp lấy, nhẫn đến trong thức cũng lại như vậy. Do chẳng chấp lấy, Bồ Tát đối với sắc chẳng sinh lòng tham, nhẫn đến nơi thức cũng chẳng sinh lòng tham. Do không tham nên chẳng bị sắc ràng buộc, nhẫn đến chẳng bị thác ràng buộc. Bởi chẳng ràng buộc thời đặng thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ não. Do nghĩa này nên tất cả Bồ Tát đặng bốn vô ngại.

Này Thiện nam tử! Do nhân duyên này trong mười hai bộ kinh, đức Phật vì hàng đệ tử nói chấp lấy gọi là bị ma trói buộc. Nếu chẳng chấp lấy thời thoát khỏi sự trói buộc của ma. Ví như trong đời, người có tội bị vua bắt trói, người không tội nhà vua không bắt. Đại Bồ Tát cũng như vậy: Người chấp lấy thời bị ma ràng buộc, người không chấp lấy thời ma không ràng buộc được. Do nghĩa này nên Đại Bồ Tát không có chấp lấy.

Này Thiện nam tử! Pháp vô ngại là: Đại Bồ Tát khéo biết danh tự giữ lấy chẳng quên, nói giữ lấy là như đất, núi, như con mắt, như đám mây, như người, như mẹ, tất cả các pháp cũng lại như vậy, nghĩa vô ngại là : Bồ Tát chẳng biết danh tự của các pháp cũng biết nơi nghĩa. Biết nghĩa thế nào? Như đất khắp giữ lấy tất cả chúng sinh, và phi chúng sinh, do nghĩa này nên gọi là đất giữ lấy. Bồ Tát lại suy nghĩ núi có thể giữ lấy đất làm cho vững vàng không nghiêng động nên gọi là núi giữ lấy. Con mắt có thể giữ lấy ánh sáng. Mây gọi là hơi của rồng, hơi của rồng giữ lấy nước cho nên gọi là mây giữ lấy. Người có thể giữ lấy pháp và phi pháp. Mẹ có thể giữ lấy con. Đại Bồ Tát biết danh tự cú nghĩa của tất cả pháp cũng như vậy.

Từ vô ngại là: Đại Bồ Tát dùng các thứ ngôn từ diễn nói một nghĩa, cũng không có nghĩa. Như những danh từ nam nữ, nhà cửa, xe cộ, chúng sinh v.v… Cớ sao là vô nghĩa? Luận về nghĩa là cảnh giới của Phật của Bồ Tát, ngôn từ là cảnh giới của phàm phu. Do biết nghĩa nên đặng từ vô ngại.

Nhạo thuyết vô ngại là Đại Bồ Tát biết từ, biết nghĩa, nên trong vô lượng a tăng kỳ kiếp thuyết từ, thuyết nghĩa, chẳng cùng tận. Đây gọi là nhạo thuyết vô ngại.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp tu hành thế đế, do sự tu hành này biết pháp vô ngại. Lại trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu đệ nhất nghĩa đế nên đặng nghĩa vô ngại. Lại vô lượng a tăng kỳ kiếp tập học luận Tỳ Dà La Na nên đặng từ vô ngại. Cũng ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập luận thuyết về thế đế, nên đặng nhạo thuyết vô ngại. Hàng Thinh Văn Duyên Giác không đặng bốn vô ngại như vậy.

Này Thiện nam tử! Trong chín bộ kinh, đức Phật nói Thanh Văn và Duyên Giác có bốn vô ngại, nhưng Thanh Văn Duyên Giác thật không có. Tại vì sao? Vì Đại Bồ Tát nhân độ chúng sinh nên tu tập bốn trí vô ngại như vậy. Hàng Duyên Giác tu pháp tịch diệt chỉ ưa ở một mình, nếu hoá độ chúng sinh chỉ hiện thần thông, trọn ngày nín lặng không thuyết pháp làm sao có được bốn trí vô ngại. Cớ sao nín lặng mà không thuyết pháp? Hàng Duyên Giác chẳng thể thuyết pháp độ người khiến đặng pháp noãn, pháp đỉnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chẳng thể khiến người phát tâm vô thượng Bồ Đề.

Này Thiện nam tử! Hàng Duyên Giác ra đời trong thế gian không có chín bộ kinh, vì thế nên Duyên Giác không có từ vô ngại và nhạo thuyết vô ngại. Hàng Duyên Giác dầu biết các pháp nhưng không được pháp vô ngại. Vì pháp vô ngại gọi là biết văn tự. Hàng Duyên Giác dầu biết văn tự nhưng không được văn tự vô ngại. Vì chẳng biết hai chữ: “Thường Trụ”. Thế nên hàng Duyên Giác chẳng đặng pháp vô ngại. Hàng Duyên Gác dầu biết nơi nghĩa nhưng không được nghĩa vô ngại.

Người thật biết nghĩa thời biết chúng sinh đều có Phật tính. Nghĩa Phật tính gọi là vô thượng chính đẳng chính giác. Do nghĩa này nên hàng Duyên Giác chẳng đặng nghĩa vô ngại, thế nên tất cả hàng Duyên Giác không có bốn trí vô ngại.

Thế nào là hàng Thanh Văn không có bốn trí vô ngại? Hàng Thanh Văn không có ba thứ thiện xảo phương tiện; một là quyết cần phải lời nói dịu dàng rồi sao mới lãnh thọ giáo pháp, hai là quyết phải lời nói thô rồi sao mới lãnh thọ sự giáo hóa, ba là lời nói chẳng dịu dàng chẳng thô rồi sau mới lãnh thọ sự giáo hóa. Vì hàng Thanh Văn không có ba phương tiện này nên không có bốn trí vô ngại. Lại hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng có thể biết lời, biết nghĩa rốt ráo, không có trí tự tại, hiểu rõ nơi cảnh giới, không có mười trí lực, bốn vô sở úy chẳng có thể rốt ráo ra khỏi sông lớn mười hai nhân duyên, chẳng có thể khéo biết những căn tính lợi độn sai khác của chúng sinh, chưa có thể dứt hẳn lòng nghi đối với hai đế lý, chẳng biết các thứ cảnh giới sở duyên nơi tâm của chúng sinh, chẳng có thể khéo nói đệ nhất nghĩa không, thế nên hàng nhị thừa không có bốn trí vô ngại.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác đều không có bốn trí vô ngại, tại sao đức Thế Tôn lại nói Xá Lợi Phất là trí huệ đệ nhất. Đại Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất, Ma Ha Câu Si La là tứ vô ngại đệ nhất. Nếu các ngài đó là không có bốn trí vô ngại, sao đức Như Lai tuyên bố những lời như vậy.

Đức Phật khen ngợi Ca Diếp Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Ví như sông Hằng có nước nhiều vô lượng, sông lớn Tân Đầu cũng có nước vô lượng, sông lớn Bác Xoa cũng có nước vô lượng, sông lớn Tất Đà cũng có nước vô lượng, ao A Nậu Đạt cũng có nước vô lượng, trong đại hải nước cũng vô lượng. Các con sông lớn ao A Nậu cùng đại hải dầu đồng có nước nhiều vô lượng, nhưng thật ra nhiều ít chẳng đồng nhau. Bốn trí vô ngại của hàng Thanh Văn, Duyên Giác cùng các bậc Đại Bồ Tát vốn cũng như vậy, nếu gọi là đồng nhau thời không đúng.

Này Thiện nam tử! Ta vì phàm phu mà nói Ma Ha Câu Si La bốn trí vô ngại đệ nhất. Ý nghĩa lời hỏi của ông là như vậy.

Này Thiện nam tử! Hàng Thanh Văn hoặc có vị đặng một trí vô ngại, hoặc có vị đặng hai, không có vị nào có đủ được bốn.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong phẩm Phạm Hạnh, đức Phật đã nói sự tri kiến của Bồ tát đặng bốn trí vô ngại. Tri kiến của Bồ Tát thời là vô sở đắc cũng không có tâm niệm cho rằng Vô Sở Đắc. Thế Tôn! Đại Bồ Tát này thật vô sở đắc. Nếu giả sử tâm niệm Bồ Tát có sở đắc thời chẳng phải là Bồ Tát, nên gọi là phàm phu. Đức Như Lai sao lại nói Bồ Tát mà có sở đắc?

Này Thiện nam tử! Lành thay! Lành thay! Ta sắp sửa nói mà ông lại hỏi. Đại Bồ Tát thật vô sở đắc, vô sở đắc gọi là bốn trí vô ngại.

Này Thiện nam tử! Do nghĩa gì vô sở đắc gọi là bốn trí vô ngại. Nếu có sở đắc thời gọi là ngại. Có chướng ngại gọi là bốn thứ điên đảo.

Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát vì không bốn thứ điên đảo nên đặng vô ngại. Thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô sở đắc thời gọi là huệ. Đại Bồ Tát đặng huệ này nên gọi là vô sở đắc. Có sở đắc gọi là vô minh. Bồ Tát dứt hẳn vô minh tối tăm nên vô sở đắc. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô Sở Đắc gọi là Đại Niết bàn. Bồ Tát an trụ trong Đại Niết Bàn như vậy, chẳng thấy tính tướng của tất cả pháp vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc. Có sở đắc gọi là hai mươi lăm cõi, Bồ Tát dứt hẳn hai mươi lăm cõi đặng Đại Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô sở đắc gọi là Đại Thừa, Đại Bồ Tát chẳng trụ nơi các pháp nên đặng Đại Thừa. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Có sở đắc gọi là đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật. Bồ Tát dứt hẳn đạo Nhị Thừa nên đặng Phật đạo. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô sở đắc gọi là kinh Phương Đẳng. Bồ Tát đọc tụng kinh như vậy nên đặng Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.

Có sở đắc gọi là mười một bộ kinh. Bồ Tát tu tập kinh điển thuần giảng thuyết Phương đẳng Đại Thừa. Vì thế nên gọi là Bồ Tát Vô Sở Đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô Sở Đắc gọi là hư không. Trong thế gian không có vật gọi là hư không. Bồ Tát đặng hư không tam muội này thời không chổ thấy. Vì thế nên Bồ Tát gọi là Vô Sở Đắc.

Có Sở Đắc gọi là luân hồi sinh tử. Tất cả phàm phu luân hồi sinh tử nên có chổ thấy. Bồ Tát dứt hẳn tất cả sinh tử nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc. Lại này Thiện nam tử!Vô Sở Đắc của Đại Bồ Tát gọi là thường, lạc, ngã, tịnh, vì Đại Bồ Tát thấy Phật tính nên đặng thường, lạc, ngã, tịnh. Do đó nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Có Sở Đắc gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Đại Bồ Tát dứt bốn thứ này nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô Sở Đắc gọi là Đệ Nhất Nghĩa Không. Đại Bồ Tát quán Đệ Nhất Nghĩa Không đều không chỗ thấy nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Có Sở Đắc gọi là năm sự thấy. Bồ Tát dứt hẳn năm sự thấy này nên chứng đặng đệ nhất nghĩa không, vì thế nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Lại này Thiện nam tử! Vô Sở Đắc gọi là vô thượng chính đẳng chính giác. Đại Bồ Tát lúc đặng vô thượng chính giác đều không chỗ thấy nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Có Sở Đắc gọi là Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, Bồ Tát dứt hẳn Bồ Đề của Nhị thừa nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.

Này Thiện nam tử! Lời hỏi của ông cũng Vô Sở Đắc. Lời nói của ta cũng Vô Sở Đắc. Nếu có Sở Đắc là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử của Phật.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Vì tôi lúc nói Bồ Tát Vô Sở Đắc này, có vô lượng chúng sinh dứt tâm chấp có tướng. Do việc này tôi dám thưa hỏi Vô Sở Đắc, làm cho vô lượng chúng sinh như vậy rời quyến thuộc ma làm đệ tử Phật”.

Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật: “Thế Tôn! Đức Như Lai vừa rồi ở rừng Ta La Song Thọ này vì Thuần Đà nói bài kệ:

Trước có nay không.

Trước không nay có.

Ba đời có pháp,

Không có lẽ ấy.

Này Thiện nam tử! Đức Phật vì hoá độ chúng sinh mà nói lời ấy, cũng vì hàng Thanh Văn Duyên Giác mà nói lời ấy, cũng vì Văn Thù Sư Lợi mà nói lời ấy, chẳng phải chỉ vì một mình Thuần Đà mà nói kệ ấy. Lúc đó Văn Thù Sư Lợi toan muốn hỏi Phật. Phật biết tâm niệm của Văn Thù mà nói kệ ấy. Phật nói bài kệ ấy rồi thời Văn Thù Sư Lợi liền hiểu rõ.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như Văn Thù Sư Lợi, có được mấy người hiểu nghĩa ấy. Xin đức Như Lai vì đại chúng lại phân biệt giảng rộng.

Này Thiện nam tử! Lóng nghe! Lóng nghe! Nay sẽ vì ông diễn giải lại.

Nói rằng trước có đó: Ngày trước ta vốn có vô lượng phiền não, do phiền não nên hiện tại không có Đại Niết Bàn.

Nói rằng trước không đó: Trước không bát nhã ba la mật, vì không bát nhã ba la mật nên hiện tại có đủ phiền não. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, không ai có thể nói đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hay hiện tại có phiền não.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó: Ta trước có thân hòa hiệp của cha mẹ sinh vì thế nên hiện tại không có pháp thân kim cang vi diệu.

Nói rằng trước không đó: Thân ta vốn không ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, bởi trước không có tướng tốt nên hiện tại có đủ bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh.

Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời hoặc ma, hoặc Phạm vương hoặc người, không thể nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hiện tại có bệnh khổ đó.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó ta trước vốn có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Bởi có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, nên hiện tại không có vô thường bồ đề. Nói rằng trước không đó: Trước không thấy Phật tính, vì chẳng thấy nên không có thường, lạc, ngã, tịnh, hoặc Sa Môn hay Bà La Môn hoặc trời hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, không thể nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai hiện tại không có thường, lạc, ngã, tịnh.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó, là trước có tâm niệm tu khổ hạnh của phàm phu cho rằng đặng vô thượng chính giác, vì vậy nên hiện tại không thể phá hoại bốn thứ ma. Nói rằng trước không đó, ta trước không có sáu môn Ba La Mật, do trước không sáu môn Ba La Mật nên có tâm niệm tu, tu hành khổ hạnh của phàm phu cho rằng đặng vô thượng bồ đề. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, không thể nói đức Như Lai thuở quá khứ vị lai, hiện tại có khổ hạnh.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó, ta xưa trước có thân tạp thực nên hiện tại không thân vô biên. Nói rằng trước không đó, trước không ba mươi bảy pháp trợ đạo, do không pháp trợ đạo nên hiện tại có thân tạp thực. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai hiện tại có thân tạp thực, thời không đúng.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó: Ta xưa trước có tâm niệm chấp lấy tất cả pháp, vì thế nên hiện tại không có chính định rốt ráo không. Nói rằng trước không đó: Ta trước không có thật nghĩa trung đạo, do không có thật nghĩa trung đạo nên có tâm niệm chấp lấy tất cả pháp. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, hoặc người nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hiện tại nói tất cả pháp là có tướng, thời không đúng.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó, lúc ta mới đặng vô thượng bồ đề, có các đệ tử Thanh Văn căn độn, do có đệ tử Thanh văn căn độn nên không thể diễn nói đạo nhất thừa chân thật. Nói rằng trước không đó: Trước không bậc lợi căn Tượng Vương trong loài người như Ca Diếp Bồ Tát v.v… Bởi không hạng lợi căn nên đức Phật tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa. Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, hoặc người, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai, hiện tại rốt ráo diễn thuyết pháp ba thừa, thời không đúng.

Lại này Thiện nam tử! Nói rằng trước có đó: Ta trước nói rằntg sau đây ba tháng nơi rừng Ta La Song Thọ, ta sẽ nhập Niết Bàn. Vì thế nên hiện tại đây chẳng diễn thuyết được kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn. Nói rằng trước không đó: Ngày trước không có Văn Thù Sư Lợi Đại Bồ Tát v.v… Vì không có nên hiện tại nói đức Như Lai vô thường. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc Phạm Vương, hoặc người, hoặc trời, hoặc ma, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, hiện tại là vô thường thời không đúng.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai khắp vì chúng sinh nên dầu biết rõ tất cả pháp mà nói là chẳng biết, dầu thấy mà nói chẳng thấy, Pháp có tướng nói rằng không tướng, pháp không tướng nói rằng có tướng. Thiệt có thường nói rằng vô thường, lạc, ngã, và tịnh cũng như vậy. Pháp tam thừa nói là nhất thừa, pháp nhất thừa tùy nghi nói thành ba: Tướng dón gọn nói thành tướng rộng, tướng rộng nói thành tướng dón gọn. Bốn tội trọng nói là tội thâu lan giá, tội thâu lan giá nói là bốn tội trọng. Phạm nói chẳng phải phạm, chẳng phải phạm nói là phạm. Tội khinh nói là trọng, tội trọng nói là khinh. Tại sao vậy? Vì đức Như Lai thấy rõ căn tính của chúng sinh. Đức Như Lai dầu nói như vậy mà trọn không hư vọng. Vì lời hư vọng chính là tội lỗi. Đức Như Lai đã dứt hết tất cả tội lỗi, thời đâu còn có nói lời hư vọng.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai dầu không lời hư vọng, nếu biết chúng sinh do nơi lời hư vọng mà đặng lợi ích đối với chính pháp, thời tùy nghi phương tiện vì họ mà nói.

Này Thiện nam tử! Tất cả thế đế đối với Như Lai tức là đệ nhất nghĩa đế. Chư Phật Thế Tôn vì đệ nhất nghĩa đế mà nói thế đế, làm cho chúng sinh chứng đặng đệ nhất nghĩa đế. Giả sử chúng sinh chẳng đặng đệ nhất nghĩa đế như vậy, thời chư Phật trọn chẳng tuyên nói thế đế.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai có lúc diễn nói thế đế, chúng sinh cho rằng Phật nói đệ nhất nghĩa đế. Đức Như Lai có lúc diễn nói đệ nhất nghĩa đế, chúng sinh cho rằng Phật nói thế đế. Nên cảnh giới rất sâu của chư Phật chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác có thể biết được.

Này Thiện nam tử! Vì thế nên ông chẳng nên gạn rằng : Đại Bồ Tát là vô sở đắc. Bồ Tát thường chứng đặng đệ nhất nghĩa đế, sao lại gạn rằng là vô sở đắc.

Này Thiện-nam-tử! Như nơi ngã tư đường có người đựng đầy đồ ăn thơm ngon trong chậu, trong bát, bày ra để bán. Có người khách từ xa đến quá đói, thấy đồ ăn ấy thơm ngon, liền hỏi đây là vật gì? Người bán nói: Đây là đồ ăn thơm ngon, nếu ai ăn thứ này, thời đặng sắc tốt, sức mạnh, có thể hết đói, hết khát và đặng thấy chư Thiên. Nhưng chỉ có một tai hại là sẽ chết. Người khách nghe xong nghĩ rằng: Nay tôi chẳng dùng sắc đẹp, sức mạnh, thấy chư Thiên, vì tôi chẳng muốn chết. Nghĩ xong hỏi rằng: Ăn vật thực này nếu phải chết sao ông lại đem bán.

Người bán đáp: Những người có trí không ai bằng lòng mua. Chỉ có kẻ ngu, chẳng biết việc này, họ tham ăn nên họ trả giá đắt cho tôi.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát cũng như vậy, chẳng nguyện sinh cõi trời, đặng sắc đẹp, đặng sức mạnh, thấy chư Thiên, vì sinh cõi trời chẳng khỏi những khổ não. Kẻ phàm phu ngu si sinh chỗ nào cũng đều tham luyến vì họ chẳng thấy gìa, bệnh, chết.

Này Thiện-nam-tử! Ví như cây độc, gốc rễ cũng có thể giết người, thân cây, vỏ, bông, trái, hột đều cũng có thể giết người. Tất cả thân ngũ ấmtrong hai mươi lăm cõi đều có thể hại chúng sinh cũng như vậy.

Này Thiện-nam-tử! Ví như phân nhơ, nhiều hay ít đều hôi cả. Cũng vậy, thọ sinh dầu sống lâu tám muôn tuổi hay mười tuổi cũng đều khổ não cả.

Này Thiện-nam-tử! Ví như hầm sâu nguy hiểm, lấy cỏ che trên miệng hầm, bờ bên kia của hầm có mạch cam-lồ, người nào được ăn chất cam lồ, sẽ sống lâu ngàn năm không bệnh tật, an ổn , khoan khoái. Kẻ ngu si tham chất cam lồ, chẳng biết dưới đó có hầm sâu, bèn chạy đến lấy, chẳng ngờ trật chân té xuống hầm mà chết. Người trí biết sự nguy hiểm, nên không đến lấy chất cam-lồ.

Đại-Bồ-Tát cũng như vậy còn chẳng muốn nhận lấy vật thực thượng diệu cõi trời huống là tong loài người. Kẻ phàm phu bèn ở nơi địa ngục nuốt hoàn sắt, huống là thức ăn thượng diệu cõi trời cõi người mà có thể chẳng ăn.

Này Thiện-nam-tử! Do những điều thí dụ như vậy, ngoài ra còn vô lượng thí dụ khác, nên biết thọ sinh thiệt là rất khổ.

Đây gọi là Đại-Bồ-Tát trụ nơi kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát sinh là khổ.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-tát trụ nơi kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát lão là khổ như thế nào?

Sự già yếu hay làm ho hen, ngăn nghẹn hơi, đưa lên, có thể làm mất sức mạnh, trí nhớ kém, sự tráng kiện không còn, mất sự an vui thơ thới, khoan khoái. Tuổi già hay làm lưng còm, mỏi nhọc, lười biếng, bị người khi dể.

Này Thiện-nam-tử! Ví như hoa sen nở tốt đầy trong ao nước rất đáng ưa thích, gặp trận mưa đá, tất cả đều hư nát. Cũng vậy, tuổi già có thể phá hoại tráng kiện, sắc đẹp.

Này Thiện-nam-tử! Ví như quốc vương có một trí thần dùng binh giỏi. Có vua nước địch chống cự chẳng thuận hảo. Quốc vương sai trí thần đem binh qua đánh, bắt vua nước nghịch mang về dưng cho quốc vương. Cũng vậy, tuổi già bắt được tráng kiện, sắc đẹp đem giao cho tử vương.

Này Thiện-nam-tử! Ví như trục xe đã gãy, xe đó không còn dùng được. Cũng vậy, già suy thời không còn dùng được vào việc gì.

Này Thiện-nam-tử! Như nhà giàu to có nhiều của báu: Vàng , bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não. Có bọn cướp nếu vào đặng nhà đó thời có thể cướp giật hết cả. Cũng vậy, tuổi tráng kiện và sắc đẹp thường bị giặc già suy cướp giật.

Này thiện-nam-tử! Ví như người nghèo tham thức ăn ngon, y phục mịn màng, dầu có hy vọng nhưng không thể được. Cũng vậy, tuổi già suy dầu có tâm than, muốn hưởng thọ ngũ dục sung sướng mà chẳng thể đặng.

Này Thiện-nam-tử! Như con rùa ở trên đất cao lòng nó thường nghĩ đến nước. Cũng vậy, người đời đã già suy khô héo mà lòng họ thường nhớ tưởng những khoái lạc ngũ dục thuở tráng kiện.

Này thiện-nam-tử! Như mùa thu ai cũng ưa ngắm hoa sen nở, đến khi hoa tàn héo, mọi người đều không thích. Cũng vậy, sự tráng kiện, sắc đẹp mọi người đều ưa thích, đến khi già suy ai cũng nhàm ghét.

Này thiện-nam-tử! Ví như cây mía, sau khi bị ép, bã xác không còn vị ngọt. Cũng vậy, tráng kiện sắc đẹp đã bị già ép, thời không có ba thứ vị: Một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa thiền.

Này Thiện-nam-tử! Ví như mặt trăng tròn ban đêm thời tỏ sáng, ban ngày thời không như vậy. Cũng vậy, tráng kiện thời hình mạo nở nang xinh đẹp, già thời suy yếu, thân thể và tinh thần kém suy.

Này Thiện-nam-tử! Ví như có nhà vua thường dùng chính pháp cai trị nhân dân, chân thật, không lừa dối, từ bi ưa bố thí. Thuở đó nhà vua bị nước địch xâm lăng đánh bại, bèn lưu vong đến nước khác. Nhân dân trong nước kia thấy nhà vua đều cảm thương nói rằng: Đại-vương ngày trước dùng chính pháp trị nước chẳng uổng lạm bá tính, thế sao nay lại lưu vong đến đây. Cũng vậy, loài người đã bị già suy làm bại hoại, thời thường tán thán sự nghiệp đã làm thuở tráng kiện.

Này Thiện-nam-tử! Ví như tim đèn dầu nhờ mỡ dầu nhưng mỡ dầu sẽ hết, thế chẳng lâu dài. Cũng vậy, thân người dầu nhờ cậy sự tráng kiện, nhưng tráng kiện phải trải qua già suy, đâu còn được dùng lâu.

Này Thiện-nam-tử! Ví như con sông cạn khô không có thể lợi ích cho ngưới, cho phi nhân, chim thú. Cũng vậy, thân người bị già suy khô héo, không còn làm được việc gì, chẳng thể có lợi ích.

Này Thiện-nam-tử! Ví như cây cheo leo bờ sông, nếu gặp gió to, ắt sẽ đổ ngã. Như vậy đến tuổi già ắt phải chết, thế chẳng thể còn được.

Này Thiện-nam-tử! Như trục xe đã gãy, không thể chở chuyên. Cũng vậy, già suy không thể học hỏi tất cả pháp lành.

Này Thiện-nam-tử! Như trẻ thơ bị người khinh khi. Cũng vậy, già suy thường bị người khinh hủy.

Này Thiện-nam-tử! Do những điều dụ như vậy cùng vô lượng thí dụ khác nên biết sự già thiệt là rất khổ.

Đây gọi là Đại-Bồ-Tát tu hành kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát già là khổ.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát trụ nơi kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát bệnh khổ như thế nào?

Ví như mưa đá làm hại mạ lúa. Cũng vậy, tật bệnh có thể phá hoại tất cả những sự an ổn vui vẻ.

Như người có oán thán, tâm thường lo rầu sợ sệt. Cũng vậy, tất cả chúng sinh thường bị bệnh khổ, lo rầu không yên.

Ví như có người hình dung xinh đẹp, Vương-phi tâm dục yêu thương, sai sứ đòi đến để cùng giao thông. Vua bắt đặng, liền truyền lệnh khoét một mắt, cắt một vành tai, chặt một tay, một chân, bấy giờ người đó hình dung đổi khác bị người nhờm gớm khinh rẻ. Cũng vậy, thân người trước thời dung mạo tươi tốt, tai mắt đầy đủ, đã bị bệnh khổ hành hạ, thời xấu xa bị người nhờm gớm.

Như cây chuối, cây tre, cây lau, cây la, hễ có con, có trái thì chết. Cũng vậy, người có bệnh thời chết.

Như vua Chuyển-Luân, đại thần, chủ binh thường làm tiền đạo đi trước, nhà vua theo sau cũng như chúa cá, chúa kiến, chúa ốc, chúa trâu, thương chủ, lúc ở trước chúng mà đi, thời toàn chúng thảy đều đi theo không rời. Cũng vậy, sự chết thường theo sát bệnh khổ không rời.

Này Thiện-nam-tử! Nhân duyên của bệnh làm cho khổ não, rầu lo, buồn than, thân tâm không an ổn. Hoặc bị kẻ giặc cướp bức hại, trái nổi bể hư, phá hoại cầu cống, đều cũng có thể cướp giật mạng sống. Bệnh lại có thể phá hoại sự tráng kiện, sắc đẹp, thế lực, an vui, mất lòng tàm quý, có thể làm cho thân tâm xót xa bức rức.

Do những điều dụ đó và vô lượng thí dụ khác, nên biết bệnh rất là khổ não.

Đây gọi là Đại-Bồ-Tát tu hành kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát bệnh khổ.

Này thiện-nam-tử! Thế nào là Đại-Bồ-Tát tu hành kinh Đại-thừa Đại- Niết-Bàn quán sát tử khổ? Sự chết có thể đốt cháy tiêu diệt. Như hỏa tai khởi lên có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ cõi trời nhị thiền trở lên, vì thế lực của hỏa tai chẳng đến được. Cũng vậy, sự chết có thể tiêu diệt tất cả, chỉ trừ Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-bàn vì thế lực của sự chết không đến được.

Như lúc thủy tai khởi lên, tất cả đều trôi, đều ngập, chỉ trừ cõi tam-thiền trở lên, vì thế lực của thủy tai chẳng đến được. Cũng vậy, sự chết làm chìm mất tất cả, chỉ trừ Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Như lúc phong tai khởi lên, có thể thổi tan tất cả, chỉ trừ cõi tứ thiền, vì thế lực của phong tai chẳng đến được. Cũng vậy, sự chết có thể tiêu diệt tất cả, chỉ trừ Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Ca-Diếp-Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Cõi Tứ-thiền kia do cớ gì mà gió không thổi đến, nước chẳng ngập đến, lửa chẳng cháy đến?”.

Này Thiện-nam-tử! Cõi Tứ-Thiền kia không có tất cả quá hoạn trong thân và ngoại cảnh.

Cõi Sơ-Thiền có quá hoạn: Trong có giác quán, ngoài có hỏa tai.

Cõi Nhị-Thiền có quá hoạ: Trong có vui mừng, ngoài có thủy tai.

Cõi Tam-Thiên có quá hoạn: Trong có hơi thở, ngoài có phong tai.

Cõi Tứ-Thiền trong ngoài đều không quá hoạn, nên ba thứ tai họa lớn chẳng thể đến được.

Đại-Bồ-Tát cũng như vậy, an trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn, trong ngoài đều không tất cả quá hoạn, nên sự chết chẳng đến được.

Lại này Thiện-nam-tử: Như Kim-Súy-Điểu có thể nuốt, có thể tiêu tất cả loài rồng, cá và châu báu, vàng, bạc vân vân, chỉ trừ chất kim cương không tiêu được. Cũng vậy, sự chết có thể nuốt, có thể tiêu tất cả chúng sinh, chỉ không tiêu được Đại-Bồ-tát trụ nơi Đại-Thừa Đại-Niết-Bàn.

Lại này Thiện-nam-tử! Ví như những cỏ cây ở bờ sông, nước lụt dưng lên đều trôi theo dòng vào biển lớn, chỉ trừ cây dương liễu, vì thứ cây này mềm dẽo. Cũng vậy, tất cả chúng sinh đều trôi lăn vào biển chết, chỉ trừ Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Lại này Thiện-nam-tử! Như thần Na-La-Diên có thể hàng phục tất cả lực sĩ, chỉ trừ gió to, vì gió to vô ngại. Cũng vậy, sự chết có thể hàng phục tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn, vì bậc này vô ngại.

Lại này Thiện-nam-tử! Ví như có người đối với kẻ thù giả làm thân thiện, theo sát bên như bóng theo hình, chờ khi thuận tiện mà giết đó, nếu phòng bị chặt chẽ, thời người kia không hại được. Cũng vậy, sự chết luôn theo rình chúng sinh chờ dịp làm hại, chỉ không thể hại được bậc Đại-Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại- niết-bàn, vì bậc Bồ-Tát này chẳng phóng dật.

Lại này Thiện-nam-tử! Ví như trời bỗng mưa kim cương xối xuống tất cả cỏ cây, núi rừng, đất cát, ngói, đá, vàng, bạc, lưu ly, cùng tất cả vật đều bị hư nát, chỉ kim cương chân bảo không bị hư. Cũng vậy, sự chết đều có thể phá hoại tất cả chúng sinh, chỉ trừ kim cương Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Lại này Thiện-nam-tử! Như Kim-súy-điểu có thể nuốt các loài rồng, chỉ không nuốt được rồng thọ Tam-quy-y. Cũng vậy, sự chết có thể nuốt tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ-Tát trụ ba môn chính định: Không, vô tướng vô nguyện.

Lại này Thiện-nam-tử! Như độc rắn ma-la, khi rắn này cắn nhằm người, những chú hay, thuốc tốt đều không cứu được, chỉ có chú A-Kiệt Đa-Tinh là có thể chữa lành. Cũng vậy, sự chết tất cả phương thuốc đều không cứu được, chỉ trừ Bồ- Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Lại này Thiện-nam-tử! Như có người bị nhà vua giận, có thể dùng lời dịu dàng khéo léo, dâng của cải châu báu mà đặng khỏi tội. Sự chết không như vậy, dầu dùng lời nói dịu dàng, tiền của châu báu để cống dưng cũng chẳng thoát khỏi.

Này Thiện-nam-tử! Luận về sự chết là chỗ hiểm nạn, không gì giúp đỡ, đi đường xa xôi mà không bạn bè, ngày đêm đi luôn chẳng biết bờ mé, sâu thẳm tối tăm, không có đèn đuốc, nó vào không có cửa nẻo mà có chỗ nơi, dầu không chỗ đau đớn nhưng chẳng thể chữa lành, nó qua không ai ngăn được, nó đến không thể thoát được, không phá phách gì mà người thấy sầu khổ, nó không phải màu sắc xấu xa mà làm cho người kinh sợ. Nó ở bên thân người mà chẳng hay biết được.

Này Ca-Diếp Bồ-Tát, do những điều dụ đó cùng vô lượng thí dụ khác, nên biết sự chết thật là rất khổ.

Đây gọi là Đại-Bồ-Tát tu hành kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát tử khổ.

NàyThiện-nam-tử! Thế nào là Đại-Bồ-Tát trụ nơi kinh Đại-thừa Đại-Niết- Bàn quán sát ái-biệt-ly khổ? Ái biệt-ly này có thể làm cội gốc cho tất cả sự khổ. Như nói bài kệ rằng:

Nhân ái sinh lo,

Nhân ái sinh sợ,

Nếu lìa sự ái,

Nào lo nào sợ.

Vì ái nên sinh sự lo khổ, vì lo khổ nên làm cho chúng sinh có già suy. Ái- biệt-ly khổ là nói sự chết. Vì biệt-ly hay sinh những sự khổ vi-tế, nay sẽ vì ông mà phân biệt rõ ràng.

Này Thiện-nam-tử! Thuở quá khứ người sống vô lượng tuổi, có quốc vương tên là Thiện-Trụ nhà vua trị nước tám muôn bốn ngàn năm. Trên đỉnh đầu của vua mọc lên một bứu thịt mềm nhuyễn như bông. Bứu ấy lần lần to lớn, không làm đau nhức. Mãn mười tháng, bứu ấy nứt ra, sinh một đồng tử hình dung đẹp lạ. Nhà vua vui mừng đặt tên là Đỉnh-Sinh.

Thời gian sau vua Thiện-Trụ đem việc nước giao cho Thái-tử Đỉnh-Sinh, tồi rời bỏ cung điện quyến thuộc vào núi tu hành. Ngày rằm Thái-Tử Đỉnh-Sinh lên ngôi, đương ở trên lầu cao tắm gội trai giới, phương Đông liền có báu kim- luân, bánh xe vàng đủ một ngàn cây căm tự nhiên bay đến. Vua Đỉnh-Sinh nghĩ rằng: Từng nghe Ngũ-Thông tiên nhân nói: Nếu dòng vua Sát-Đế-Lợi ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội trai giới, có báu kim luân đủ ngàn cây căm tự nhiên bay đến, thời nhà vua đó sẽ đặng làm Chuyển-Luân Thánh-Vương. Nay ta nên thí nghiệm. Nghĩ xong, vua Đỉnh-Sinh tay tả bưng báu kim-luân, tay hửu cầm lư hương, qùy gối bên mặt mà phát thệ rằng: Nếu đây thiệt là báu kim-luân, thời nên bay đi như vua Chuyển-Luân Thánh-Vương thuở quá khứ. Nhà vua phát thệ vừa xong, thời báu kim-luân bay lên hư không, bay khắp mười phương, rồi trở về dừng lại trên tay tả vua Đỉnh-Sinh. Nhà vua vui mừng biết chắc mình sẽ là Chuyển-Luân Thánh-Vương.

Sau đó không bao lâu, có tượng bảo xuất hiện, mình trắng như bạch liên-hoa, xinh đẹp, mạnh mẽ đôi ngà chấm đất. Vì muốn thí nghiệm vua Đỉnh-Sinh liền bưng lư hương quì gối bên hữu mà phát thệ rằng: Nếu thật là báu bạch tượng nên bay đi như thuở vua Chuyển-Luân Thánh-Vương quá khứ. Phát thệ xong, bạch tượng liền từ sáng đến chiều bay đi khắp tám phương, tột đến mé biển, rồi trở về cung vua. Kế đó lại có Mã-bửu xuất hiện, lông màu xanh biếc mướt đẹp, lông đuôi cùng gáy màu vàng ròng. Vì muốn thí nghiệm vua Đỉnh-Sinh tay bưng lư hương quì gối bên hữu phát thệ rằng: Nếu thiệt là Mã-bảo thời phải như của vua Chuyển-Luân Tính-Vương thuở quá khứ. Phát thệ xong, từ sáng đến chiều, Mã-bảo ấy đi khắp tám phương, đến mé biển rồi trở về cung vua.

Kế đó lại có Nữ-bảo xuất hiện xinh đẹp đệ nhất, chân lông thoảng mùi chiên đàn, hơi miệng thơm sạch như hoa sen xanh, mắt sáng nhìn xa một do tuần, tai nghe, mũi ngữi cũng xa như mắt, lưỡi rộng lớn le ra có thể trùm cả mặt, da mịn láng như lá đồng đỏ, rất thông minh có trí huệ, lời nói dịu dàng đối với tất cả mọi người. Tay người ấy lúc chạm đến áo của vua, liền biết thân vua khỏe mạnh hay bệnh hoạn, cũng biết những ý nghĩ của vua.

Kế đó trong cung vua tự nhiên có Ma-ni bảo châu lớn bằng bắp vế của người, màu thuần xanh, trong suốt, trong chỗ tối có thể chiếu sáng một do tuần. Nếu trời mưa giọt lớn như trục xe, thế lực của bảo châu này có thể che một do tuần, giọt mưa không rơi xuống được.

Sau đó, lại có Chủ-tạng thần hiện ra, cặp mắt có thể thấy thấu những kho châu báu ở trong lòng đất, tùy ý vua muốn đều có thể dưng đủ. Vua Đỉnh-Sinh muốn thí nghiệm bèn cùng Chủ-tạng thần ngồi thuyền ra biển, vua bảo chủ-tạng thầ : Nay ta muốn đặng châu báu. Chủ-tạng thần liền lấy hai tay quậy nước biển, đầu mười ngón tay liền hiện ra mười kho châu báu lấy dưng cho vua tâu rằn : “Tùy ý nhà vua chọn dùng, còn thừa lại nên ném trả xuống biển.”

Kế đó lại có chủ-binh thần xuất hiện, thao lược đệ nhất, điều khiển bốn binh chủng rất giỏi. Lúc vua cần binh thời hiện quân lính ra để dùng. Lúc chẳng dùng binh, thời quân lính ẩn mất. Xứ nào chưa hàng phục chủ binh thần này có thể làm cho hàng phục. Xứ nào đã hàng phục, thời đủ sức giữ gìn.

Lúc đó vua Đỉnh-Sinh tự biết là Chuyển-Luân-Vương, bèn bảo các quan:

“Cõi Diêm-Phù-Đề này an ổn giàu vui, nay bảy báu đã đủ, cả ngàn vương tử cũng đủ, giờ đây nên làm việc gì?”.

Các quan tâu: “Châu Phất-Bà-Đề phương Dông còn chưa qui thuận, đại vương nên đem binh qua chinh phục”.

Vua Đỉnh-Sinh bèn cùng thất-bảo bay qua châu Phất-Bà-Đề, nhân dân trong châu đó đều vui mừng qui thuận.

Các quan lại tâu nên chinh phục châu Cù-Đà-Ni ở phương Tây. Kế đó lại đến chinh phục châu Uất-Đơn-Việt. Sau khi chinh phục ba châu xong. Vua Đỉnh-Sinh bảo các quan: “Châu Nam-Diêm-Phù-Đề này cùng ba châu đều an onå giàu vui, tất cả đều qui thuận ta, nay đây lại nên làm việc gì?”.

Các quan tâu: “Cõi trời Đao-Lợi tuổi thọ dài lâu , an ổn, khoái lạc, thân chư Thiên xinh đẹp hơn nhân gian, cung điện nhẫn đến giường ghế toàn bằng bảy báu, cậy phước trời chưa chịu đến qui phục, nay nên đem binh đánh dẹp”.

Vua Đỉnh-Sinh lại cùng thất bảo bay lên cõi trời Đao-Lợi, trông thấy một cây màu xanh đậm bèn hỏi đại thần: Đó là cây gì?

Đại-thần tâu: Cây ấy tên là Ba-Lợi-Chất-Đa-La, chư Thiên cõi Đao-Lợi này đến ngày mùa hạ thường tựu hợp vui chơi dưới cây đó.

Lại trông thấy màu trắng như bạch vân, vua Đỉnh-Sinh hỏi đại thần chỗ đó là gì? Đại-thần tâu đó là thiện-pháp-đường, chư thiên cõi Đao-Lợi thường nhóm nơi đó để bàn luận những việc cõi trời cõi người.

Thiên-Chúa Thích-Đề-Hoàn-Nhân biết vua Đỉnh-Sinh đã đến, liền ra tiếp rước, cầm tay vào thiện-pháp-đường lên tòa mà ngồi. Hai vua hình dung tướng mạo giống nhau, chỉ có đôi mắt nhìn nháy là khác nhau.

Lúc đó vua Đỉnh-Sinh nghĩ rằng: Nay ta có thể đuổi thiên-chúa này để ta ở đây làm thiên-vương.

Thiên-Đế-Thích vốn thọ trì đọc tụng kinh điển Đại-thừa, thường vì chư Thiên giảng thuyết, chỉ chưa thông đạt hết thâm nghĩa của kinh. Do thọ trì giảng thuyết Đại-thừa nên Thiên-Đế có oai đức hơn.

Khi vua Đỉnh-Sinh khởi ác tâm đối với Thiên-Đế, tổn phước liền tự rớt xuống Diêm-Phù-Đề, nhớ tiếc cõi trời lòng rất khổ não. Không bao lâu vua Đỉnh-Sinh phải bệnh chết.

Này Thiện-nam-tử! Thiên-Đế thuở đó chính là Phật Ca-Diếp, vua Đỉnh-Sinh thời là tiền thân của ta.

Này Thiện-nam-tử! Phải biết ái-biệt-ly như vậy rất là khổ não.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát còn nhớ những trường hợp ái-biệt-ly khổ thuở quá khứ, huống là Bồ-Tát trụ nơi kinh Đại-Thừa Đại-Niết-Bàn mà nên chẳng quán sát sự ái-biệt-ly khổ trong đời hiện tại!

Này Thiện-nam-tử! Thế nào là Đại Bồ-Tát tu hành kinh Đại-thừa Đại- Niết-Bàn quán sát oán-tắng-hội khổ?

Đại-Bồ-Tát này quán sát địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, loài người, trên trời đều có sự oán-tắng-hội-khổ như vậy.

Ví như có người quán sát lao ngục giam nhốt, gông xiềng là rất khổ. Cũng vậy, Đại-Bồ-Tát quán sát năm loài chúng sinh đều là oán-tắng-hội-hiệp rất khổ sở.

Ví như có người thường sợ kẻ oán thù, gông cùm, xiềng xích, nên bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, cùng của báu sản nghiệp mà trốn lánh đi xa. Cũng vậy, Đại-Bồ-Tát sợ sinh tử, nên tu hành sáu môn Ba-La-Mật, chứng nhập Niết- Bàn. Đây gọi là Bồ-Tát tu hành Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát oán-tắng-hội khổ.

Này Thiện-nam-tử! Thế nào là Đại-Bồ-Tát tu hành Đại-thừa Đại-Niết- Bàn quán sát cầu-bất-đắc khổ?

Cầu là mong cầu tất cả, có hai thứ: Một là cầu pháp lành, hai là cầu pháp chẳng lành. Cầu pháp lành mà chưa đặng thời khổ, pháp ác muốn rời mà chưa rời được thời khổ.

Đây là lược nói ngũ- ấm-thịnh khổ. Đây gọi là khổ đế.

Ca-diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Như lời Phật nói, ngũ ấm thạnh khổ nghĩa đó chẳng phải. Vì như ngày trước Phật bảo Thích-Ma-Nam: Nếu sắc là khổ, tất cả chúng sinh lẻ ra chẳng nên cầu sắc, nếu có người cầu thời chẳng gọi là khổ. Lại như Phật bảo các Tỳ-kheo thọ có ba thứ : Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lại như lúc trước đức Phật nói với các Tỳ-kheo: Nếu người nào có thể tu hành pháp lành thời đặng thọ lạc. Lại như đức Phật nói: Ở trong đường lành sáu căn lãnh thọ sáu cảnh vui : Mắt thấy sắc đẹp là vui, tai, mũi, lưỡi, thân nhẫn đến ý suy nghĩ pháp lành cũng như vậy.

Như Phật từng nói kệ:

Trì giới thời là vui,

Thân chẳng thọ sự khổ.

Ngủ nghỉ đặng an ổn,

Thức dậy lòng vui vẻ.

Lúc nhận lấy y thực,

Đọc tụng và kinh hành,

Ở riêng nơi núi rừng,

Như vậy là rất vui.

Nếu đối với chúng sinh,

Ngày đêm tu lòng từ,

Nhân đây được thường vui,

Vì chẳng hại người khác.

Ít muốn biết đủ vui,

Học rộng biết nhiều vui,

A-La-Hán không chấp,

Cũng gọi là thọ vui,

Các vị Đại Bồ-Tát,

Rốt ráo đến bờ kia.

Những việc làm đã xong,

Đây gọi là rất vui.

Thế-Tôn! Trong các bộ kinh nói về tướng vui ý nghĩa như vậy. Thế nào tương ứng với nghĩa của Phật nói hôm nay?

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lành thay! Lành thay! Ông khéo có thề thưa hỏi đức Như-Lai những nghĩa như vậy.

Này Thiện-nam-tử! Tất cả chúng sinh đối với sự khổ hạng hạ tưởng lầm là vui. Vì thế nên nay ta nói tướng khổ không khác với ngày trước đã nói.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Như lời Phật hỏi: Đối với sự khổ hạng hạ tưởng cho là vui, thời sinh, lão, bệnh, tử hạng hạ cùng ái-biệt-ly, cầu-bất-đắc, oán-tắng-hội, ngũ-ấm-thịnh hạng hạ, những sự khổ như vậy lẽ ra cũng nên có vui.

Thế-Tôn! Sinh hạng hạ là ba ác thú, sinh hạng trung là loài người, sinh hạng thượng là trên trời.

Nếu lại có người hỏi rằng: Nếu ở nơi sự vui hạng hạ tưởng cho là khổ, trong sự vui hạng trung tưởng cho là không khổ không vui. Trong sự vui hạng thượng tưởng cho là vui, thời phải trả lời thế nào?

Thế-Tôn! Nếu trong sự khổ hạng hạ tưởng cho là vui, chưa thấy có người nào sẽ bị phạt đánh ngàn trượng, lúc mới đánh một trượng đầu mà đã tưởng là vui. Nếu lúc đánh trượng đầu chẳng tưởng là vui, thế sao nói rằng: Nơi trong sự khổ hạng hạ mà tưởng cho là vui?”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Phải lắm! Phải lắm! Đúng như lời ông nói. Do nghĩa này nên không có tưởng là vui, vì như người tội kia sẽ bị phạt đánh ngàn trượng, khi bị đánh một trượng rồi liền đặng tha. Người này bèn sinh lòng vui. Vì thế nên biết rằng trong sự không vui lầm tưởng là vui”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: Thế-Tôn! Người đó chẳng vì bị đánh một trượng mà sinh vui. Chính vì đặng tha mà sinh lòng vui.

Này Thiện-nam-tử! Vì thế nên ta ngày trước nói với Thích-Ma-Nam trong ngũ ấm có vui, lời đó là đúng, thiệt chẳng phải mâu thuẫn vậy.

Này Thiện-nam-tử! Có ba thọ và ba khổ. Ba thọ là: Lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Ba khổ là: Khổ-khổ, hành khổ, hoại khổ.

Này T.hiện-nam-tử! Khổ thọ chính là cả ba món khổ: Khổ-khổ, hành khổ và hoại khổ. Hai món thọ kia chính là hành khổ và hoại khổ. Do đây nên trong sinh tử thiệt có lạc thọ. Đại-Bồ-Tát thấy tính khổ cùng tính lạc chẳng rời lìa nhau nên nói rằng tất cả đều khổ.

Này Thiện-nam-tử! Trong sinh tử thiệt không có vui, vì chư Phật Bồ-Tát tùy thuận thế gian nên nói là có vui.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Chư Phật và Bồ-Tát nếu tùy theo thế tục mà nói, thời là có hư vọng chăng? Như Phật thường nói, người tu hành pháp lành thời thọ quả báo vui. Trì giới an vui thân chẳng thọ khổ, nhẫn đến việc làm đã xong đây là rất vui. Lời nói thọ vui trong các kinh như vậy, chừng có hư vọng chăng. Nếu là hư vọng, thời chư Phật Thế-tôn trong vô lượng trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ-kiếp tu hành đạo bồ-đề đã lìa vọng ngữ. Nay Phật nói như vậy ý nghĩa thế nào?

Này Thiện-nam-tử! Như bài kệ nói về những sự thọ lạc trước kia chính là cội gốc của đạo Bồ-Đề, cũng có thể trưởng-dưỡng vô thượng bồ-đề. Do nghĩa đó nên trong những kinh trước nói tướng vui như vậy.

Ví như trong thế gian những đồ cần dùng cho đời sống, có thể làm nhân cho sự vui, nên gọi là vui. Như nữ sắc, rượu uống, đồ ăn ngon, lúc khát được nước, lúc lạnh được lửa, y phục, chuỗi ngọc, voi ngựa, xe cộ, tôi tớ, vàng, bạc, lưu ly, san hô, chân châu, kho đựng lúa gạo, những vật như vậy người đời cần dùng có thể làm nhân cho sự vui nên gọi là vui.

Này Thiện-nam-tử! Những vật như vậy cũng có thể sinh sự khổ. Nhân nơi nữ sắc sinh sự khổ, lo, rầu, buồn, khóc nhẫn đến phải chết cho người nam. Nhân nơi rượu, đồ ăn ngon, nhẫn đến lúa gạo cũng có thể làm cho người phải lo khổ nhiều. Do nghĩa đó nên tất cả đều khổ không có tướng rốt ráo vui.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát nơi tám điều khổ này, hiểu rỏ là khổ nên không bị khổ.

Này Thiện-nam-tử! Tất cả hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác chẳng biết nhân của sự vui, nên Phật vì họ ở trong sự khổ hạng hạ nói có tướng vui. Chỉ có Bồ-Tát trụ nơi Đại-Thừa Đại-Niết-Bàn bèn có thể biết nhân của sự khổ sự vui này.

Này Thiện-nam-tử! Thế nào là Đại-Bồ-Tát trụ nơi Đại-Thừa Đại-Niết- Bàn quán sát tập đế? Đại-Bồ-Tát quán sát tập đế là nhân duyên ngũ ấm. Tập nghĩa là trở lại ái-luyến nơi hữu. Ái có hai thứ: Một là ái thân mình, hai là ái đồ cần dùng. Lại có hai thứ: Năm thứ dục lạc, lúc chưa đặng tâm luôn tìm cầu, đã tìm cầu đặng rồi luôn đắm trước. Lại có ba thứ: dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Lại có ba thứ: Nghiệp nhân duyên ái, phiền não nhân duyên ái, khổ nhân duyên ái. Người xuất gia có bốn thứ ái: Y phục, đồ ăn uống, đồ nằm, thuốc thang. Lại có năm thứ: Tham lam nơi ngũ ấm, tùy chỗ cần dùng tất cả đều tham ái toan tính phân biệt vô-lượng vô-biên.

Này Thiện-nam-tử! Ái có hai thứ: Một là thiện ái, hai là bất thiện ái. Chỉ người ngu tìm cầu bất thiện ái. Các vị Bồ-Tát cầu nơi thiện-ái. Thiện ái lại có hai thứ: Bất thiện và thiện. Cầu pháp Nhị-thừa gọi là bất thiện. Cầu pháp Đại- thừa gọi là thiện.

Này Thiện-nam-tử! Kẻ phàm phu tham ái gọi là “tập” chẳng gọi là “đế”. Sự ái của Bồ-Tát thời gọi là thật đế chẳng gọi là tập, vì Bồ-Tát muốn độ chúng sinh nên thị hiện thọ sinh, chẳng phải vì tham ái mà thọ sinh.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Như trong các kinh khác đức Phật vì chúng sinh mà nói nghiệp làm nhân duyên, hoặc nói kiêu mạn, hoặc nói lục xúc, hoặc nói vô minh làm nhân duyên mà có ngũ ấm xí-thịnh. Hôm nay do nghĩa gì đức Phật nói bốn Thánh-Đế riêng lấy ái làm nhân cho ngũ ấm”.

Phật khen Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông vừa nói, các nhân duyên chẳng phải làm cũng chẳng phải nhân, chỉ vì năm ấm cần phải nhân nơi ái.

Ví như quốc vương lúc đi tuần du các quan quyến thuộc thảy đều theo hầu. Cũng vậy, ái đi đến chỗ nào thời các kiết sử cũng đi theo.

Ví như y phục thấm mồ hôi, bụi bay đến liền bám dính. Cũng vậy, chỗ nào có ái những nghiệp kiết cũng ở nơi đó.

Ví như đất ướt thời có thể mọc mầm. Cũng vậy, ái có thể sinh tất cả mầm nghiệp phiền não.

Này Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại-Niết-Bàn quán sát kỹ ái này có chín thứ: Một là như thiếu nợ, hai là như vợ La-Sát, ba là như trong cọng hoa đẹp có rắn độc vấn, bốn là như vật thực độc mà cố ăn đó, năm là như dâm nữ, sáu là như hột ma-lâu-ca, bảy là như thịt thúi trong mụn nhọt, tám là như gió bão, chín là như sao chổi.

Như thiếu nợ là thế nào! Ví như người nghèo cùng thiếu tiền của người khác, dầu đã trả nợ mà vẫn còn thiếu, nên bị giam nhốt chưa ra khỏi ngục. Hàng Thanh-Văn Duyên-Giác vì còn tập khí thừa của ái nên chẳng chứng đặng vô thượng bồ-đề.

Như vợ La-Sát là thế nào? Ví như có người lấy gái La-Sát làm vợ, gái La-Sát này hễ sinh con liền ăn thịt, ăn thịt con đẻ hết lại ăn luôn thịt chồng. Ái cũng vậy, tùy người sinh thiện căn nó liền ăn, ăn hết thiện căn nó lại ăn luôn cả người làm cho phải đọa địa ngục, súc sinh ngã quỉ. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Như cọng hoa đẹp có rắn độc vấn là thế nào? Như có người thích hoa đẹp mà chẳng thấy cọng hoa có rắn độc, liền đến ngắt hoa bị rắn cắn chết. Tất cả phàm phu tham đắm ngũ dục mà chẳng thấy độc hại của ái, nên bị ái làm hại, sau khi chết đọa trong ba đường ác. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Vật thực độc mà cố ăn là thế nào? Như có người cố ăn vật thực độc, ăn xong đau bụng thổ tả mà chết. Chúng sinh trong ngũ đạo vì tham ái mà phải bị đọa trong ba đường ác. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Như dâm nữ là thế nào? Ngư người ngu tư thông với dâm nữ, dâm nữ này thường dối phỉnh gạt đoạt hết tiền của rồi xua đuổi người ấy. Người ngu không có trí tuệ bị tham ái đoạt tất cả pháp lành rồi xua đuổi vào trong ba đường ác. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Như hột ma-lâu-ca là thế nào? Nếu chim ăn hột ma-lâu-ca, phẩn chim do gió thổi rớt dưới cây liền mọc lên đeo vấn cây to làm cho khô chết, tham ái ràng buộc phàm phu làm cho pháp lành không tăng trưởng nhẫn đến khô diệt, sau khi chết đọa vào ba đường ác. Chỉ trừ các vị đại Bồ-Tát.

Thịt thúi trong mụn nhọt như thế nào? Như người bị ung nhọt, trong nhọt sinh thịt thúi, người bệnh này phải chuyên tâm chạy chữa, nếu chểnh mãng thời thịt thúi sinh trùng có thể phải chết, ngũ ấm của phàm phu cũng như vậy, ái sinh trong đó, phải nên siêng năng điều trị tham ái, nếu không điều trị sẽ phải đọa trong ba đường ác. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Như gió bão là thế nào? Gió bão có thể làm lở núi ngã cây. Cũng vậy, tham ái sinh tâm ác đối với cha mẹ, có thể làm ngã trốc cội cây vô thượng Bồ-Đề của các ông Đại-Trí Xa-Lợi-Phất vân vân. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Như sao chổi là thế nào? Như sao chổi mọc thời trong thiên hạ phải bệnh tật, đói kém, họa tai khổ sở. Cũng vậy, ái có thể dứt tất cả căn lành làm cho phàm phu cơ cùng thiếu thốn sinh bệnh phiền não lưu chuyển trong sinh tử mang nhiều sự khổ. Chỉ trừ các vị Bồ-Tát.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát Đại-Thừa trụ nơi Đại-Niết-Bàn quán sát tham ái có chín thứ như vậy.

Do nghĩa trên đây, hàng phàm phu có khổ, không đế. Hàng Thanh-Văn Duyên-Giác có khổ đế mà không chân thật. Các vị Bồ-Tát hiểu khổ không có khổ mà có chân đế. Hàng phàm phu có tập không có đế. Hàng Thanh-Văn Duyên-Giác có tập có tập đế. Các vị Bồ-Tát hiểu tập không có tập mà có chân đế. Hàng Thanh-Văn Duyên-Giác có diệt mà chẳng phải chân. Đại-Bồ-Tát có diệt có chân đế. Hàng Thanh-Văn Duyên-Giác có đạo mà chẳng phải chân. Đại Bồ-Tát có đạo có chân đế.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777624
Số người trực tuyến: