Trang 03 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 03

PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI BỐN

Trang 03

Này Thiện Nam Tử! Vì chúng sinh nên đức Như Lai thuyết pháp có bảy thứ từ ngữ: Một là từ ngữ về nhân, hai là từ ngữ về quả, ba là từ ngữ về nhân quả, bốn là từ ngữ về ví dụ, năm là từ ngữ bất ưng thuyết, sáu là từ ngữ về thế đế lưu bố, bảy là từ ngữ như ý.

Thế nào gọi là từ ngữ về Nhân?

Trong Nhân hiện tại nói quả báo vị lai. Như ta từng bảo Tỳ Kheo: Ông xem chúng sinh ưa sát hại nhẫn đến ưa tà kiến, phải biết đó là người địa ngục vậy. Nếu có người chẳng ưa sát hại nhẫn đến chẳng ưa tà kiến, phải biết đó là người cõi trời. Đây gọi là từ ngữ về Nhân.

Thế nào là từ ngữ về Quả?

Trong quả báo hiện tại nói nhân quá khứ. Như trong khế kinh, ta bảo Tỳ Kheo: Như ông thấy mấy người nghèo khó, hình dung xấu xa, không được thong thả, phải biết rằng những người ấy quyết định đời trước có phá giới, tật đố, sân hận, không lòng hổ thẹn. Nếu thấy người giàu có, lành mạnh, có thế lực, phải biết rằng người này đời trước quyết định có trì giới, bố thí, tinh tấn, hổ thẹn, không lòng tật đố, sân hận. Đây gọi là từ ngữ về Quả.

Thế nào là từ ngữ về Nhân Quả?

Như trong khế kinh ta bảo các Tỳ Kheo chúng sinh hiện tại lục nhập, xúc làm nhân đây gọi là nghiệp quả quá khứ. Đức Như Lai cũng gọi đó là nghiệp, nghiệp này làm nhân duyên sẽ có quả vị lai. Đây gọi là từ ngữ về nhân quả.

Thế nào là từ ngữ về Ví Dụ?

Như nói rằng Sư Tử Vương dụ cho thân của Phật. Cũng nói những ví dụ: Đại Tượng Vương, Đại Long Vương, cây Ba Lợi Chất Đa La, đấng Thất Bảo, Đại Hải, núi Tu Di, quả đất, mưa to, Thuyền Sư, Đạo Sư, Điều Ngự Trượng Phu, Đại Lực Sĩ, Ngưu Vương, Bà La Môn, Sa Môn, Đại Thành, cây Đa La, đây gọi là từ ngữ về ví dụ.

Thế nào là từ ngữ Bất Ưng Thuyết?

Như trong kinh ta từng nói: Trời đất có thể hiệp, con sông chẳng chảy vào biển. Như ta nói với vua Ba Tư Nặc bốn phía núi đồng đến. Như ta vì Lộc Mẫu Ưu Bà Di nói nếu cây Ta La có thể thọ giới Bát Quan Trai thời nó được hưởng thọ sự vui sướng cõi trời cõi người. Thà nói Thập Trụ Bồ Tát có tâm thối chuyển chẳng nên nói đức Như Lai nói hai lời. Thà nói bậc Tu Đà Hoàn đọa ba ác đạo chẳng nên nói Thập Trụ Bồ Tát có tâm thối chuyển. Đây gọi là từ ngữ Bất Ưng Thuyết.

Thế nào là từ ngữ Thế Đế Lưu Bố?

Như Phật nói: Nam, nữ, lớn, nhỏ, đến, đi, nằm, ngồi, xe cộ, nhà cửa, bình, áo, chúng sinh, thường, lạc, ngã, tịnh, quân, rừng, thành , ấp, tăng, phường, hiệp, tan. Đây gọi là từ ngữ về Thế Đế Lưu Bố.

Thế nào là từ ngữ Như Ý?

Như ta quở trách người hủy phạm cấm giới khiến họ tự trách hộ trì cấm giới. Như ta khen ngợi bậc Tu Đà Hoàn, khiến hàng phàm phu sinh tâm lành. Ngợi khen Bồ Tát làm cho chúng sinh phát tâm Bồ Đề, nói những sự khổ não của ba ác đạo khiến chúng sinh tu tập các pháp lành. Chỉ vì tất cả pháp hữu vi mà nói tất cả đều đốt cháy, vô ngã cũng như vậy, nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính khiến mọi người chẳng phóng dật. Đây gọi là từ ngữ Như Ý.

Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai lại có từ ngữ tùy tự ý: Như nói Phật tính của Như Lai có hai thứ: Một là có, hai là không.

Có, là Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười trí lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ, đại từ, đại bi, Thủ Lăng Nghiêm v.v… Vô lượng Tam Muội, Kim Cang v.v…Vô lượng Tam Muội, phương tiện v.v… Vô lượng Tam Muội, năm trí ấn v.v… vô lượng Tam Muội.

Không, là Như lai không có các điều thiện, bất thiện, vô ký, nghiệp nhân quả báo, phiền não, ngũ ấm, mười hai nhân duyên.

Này Thiện Nam Tử! Như có và không, thiện , bất thiện, hữu lậu, vô lậu, thế gian, phi thế gian, thánh, phi thánh, hữu vi, vô vi, thật, bất thật, tịch tịnh, phi tịch tịnh, tránh, phi tránh, giới, phi giới, phiền não, phi phiền não, thủ, phi thủ, thọ ký, phi thọ ký, hưũ, phi hữu, tam thế, phi tam thế, thời, phi thời, thường, vô thường, ngã, vô ngã, lạc, vô lạc, tịnh, vô tịnh, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, phi sắc thọ tưởng hành thức, nội nhập, phi nội nhập, ngoại nhập, phi ngoại nhập, thập nhị nhân duyên, phi thập nhị nhân duyên. Đây là Phật tính của Như Lai hai thứ có và không, nhẫn đến Nhất Xiển Đề Phật tính hai thứ có và không cũng như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Dầu ta nói rằng: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng chúng sinh chẳng hiểu những từ ngữ tùy tự ý của Phật như vậy. Những lời như vậy bậc tối hậu thân Bồ Tát còn chẳng hiểu được huống là những Bồ Tát khác và hàng nhị thừa.

Này Thiện Nam Tử! Trước kia có một lúc tại núi Kỳ Xà Quật, ta cùng Di Lặc Bồ Tát luận về thế đế, mà Xá Lợi Phất v.v… năm trăm vị Thanh Văn đều chẳng hiểu biết những việc ấy, huống là việc xuất thế đệ nhất nghĩa đế.

Này Thiện Nam Tử! Hoặc có Phật tính Nhất Xiển Đề có mà người thiện căn thời không. Hoặc có Phật tính người thiện căn thời có còn Nhất Xiển Đề thời không. Hoặc có Phật tính cả hai đều có, hoặc cả hai đều không. Nếu hàng đệ tử của ta hiểu bốn nghĩa như vậy, chẳng nên gạn rằng: Nhất Xiển Đề quyết định có Phật tính hay quyết định không Phật tính.

Như nói chúng sinh đều có Phật tính, đây là từ ngữ tùy tự ý của Như Lai. Tù ngữ tùy tự ý của Như Lai như vậy, sao chúng sinh lại nhận hiểu quyết định một bề.

Này Thiện Nam Tử! Như trong sông Hằng có bảy hạng chúng sinh: Một là chìm luôn, hai là tạm nổi lên lại chìm, ba là nổi lên rồi thời dừng lại, bốn là nổi lên rồi xem khắp bốn phương, năm là xem khắp rồi thời đi, sáu là đi rồi lại đứng lại, bảy là dưới nước trên bờ đều đi.

Nói chìm luôn, là cá lớn mang nghiệp ác lớn thân nặng ở sâu nên chìm luôn.

Nói tạm thời nổi lên rồi lại chìm, là cá lớn vì nghiệp ác thân nặng ở chỗ cạn tạm thời thấy ánh sáng, do ánh sáng tạm thời nổi lên, rồi vì thân nặng mà lại chìm xuống.

Nói nổi lên rồi ở lại, là cá Kỳ Di ở chỗ nước cạn thích thấy ánh sáng nên nổi lên rồi ở lại.

Nói xem khắp bốn phương, là cá Tích vì kiếm ăn mà xem khắp bốn phương.

Xem khắp rồi đi, là nói cá Tích ấy thấy vật đằng xa cho là ăn được nên mau lội đến.

Đi rồi lại đứng lại, là cá này đi rồi đã đặng đồ ăn bèn dừng lại.

Nói dưới nước trên bờ đều đi tức là linh qui vậy.

Này Thiện Nam Tử! Con sông Đại Niết Bàn vi diệu này, trong đó cũng có bảy hạng chúng sinh: Từ hạng ban đầu thường chìm, nhẫn đến hạng thứ bảy hoặc xuống nước hoặc lên bờ.

Nói thường chìm, là như có người nghe kinh Đại Niết Bàn, nói rằng đức Như Lai thường trụ không có biến đổi, là thường, lạc, ngã, tịnh, trọn chẳng nhập Niết Bàn, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đến hạng Nhất Xiển Đề cũng ắt sẽ thành đạo Bồ Đề, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật v.v.. ắt sẽ được thành vô thượng Bồ Đề. Người này nghe lời trên đây không tin mà nghĩ và nói rằng kinh điển Đại Niết Bàn này là sách ngoại đạo chẳng phải kinh Phật. Lúc bây giờ người này xa lìa bạn lành, chẳng nghe chính pháp, dầu có lúc được nghe nhưng chẳng thể tư duy, dầu có tư duy nhưng chẳng tư duy pháp lành, vì chẳng tư duy pháp lành nên trụ nơi pháp ác. Người trụ nơi pháp ác có sáu hạng : Một là ác, hai là vô thiện, ba là ô pháp, bốn là tăng hữu, năm là não nhiệt, sáu là thọ quả ác, do đây nên gọi là chìm.

Cớ sao gọi là chìm? Vì không tâm lành mà thường làm việc ác, vì chẳng tu tập pháp đối trị nên gọi là chìm.

Nói rằng ác là vì thánh nhân quở trách, vì tâm sợ sệt, vì xa lìa người lành, vì không lợi ích chúngb sinh, nên gọi là ác.

Nói rằng vô thiện là vì có thể sinh vô lượng quả báo ác, vì thường bị vô minh ràng buộc, vì thích cùng người ác làm bạn, vì không tu tập những phương tiện lành, vì tâm họ điên đảo luôn sai lầm.

Nói rằng ô pháp là vì thân khẩu thường nhiễm ô,vì nhiễm ô chúng sinh thanh tịnh, vì thêm lớn nghiệp chẳng lành, vì xa lìa pháp lành, đây gọi là ô pháp.

Nói tăng hữu là ba người như trên thật hành những pháp ác, có thể thêm địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, chẳng thể tu tập pháp giải thoát, thân, khẩu, ý chẳng nhàm các cõi, đây gọi là tăng hữu.

Nói rằng não nhiệt là những người này, làm đủ bốn việc như trên có thể khiến thân tâm não nhiệt, xa lìa tịch tịnh thời gọi là nhiệt, bị quả báo địa ngục nên gọi là nhiệt, đốt cháy các chúng sinh nên gọi là nhiệt, đốt cháy các pháp lành nên gọi là nhiệt, người này chẳng có tín tâm mát mẻ nên gọi là nhiệt.

Nói rằng thọ lấy quả ác là người này làm đủ năm việc trên khi chết đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Có ba việc ác nên gọi là quả ác: Một là phiền não ác, hai là nghiệp ác, ba là báo ác, đây gọi làthọ lấy quả báo ác. Người này có đủ sáu việc như trên thời có thể làm dứt mất căn lành tạo tội ngũ nghịch, phạm bốn tội trọng, hủy báng Tam bảo, dùng của vật của chúng Tăng, có thể làm những việc phi pháp, do đây nên chìm đắm ở trong địa ngục A Tỳ, thân hình rộng lớn tám muôn bốn ngàn do diên, vì người này nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý quá nặng nên không thể ra khỏi được, vì tâm họ chẳng thể sinh pháp lành, dầu có vô lượng chư Phật ra đời cũng chẳng được nghe được thấy, đây gọi là thường chìm. Như cá lớn trong sông Hằng.

Này Thiện Nam Tử! Dầu ta nói Nhất Xiển Đề gọi là thường chìm, nhưng lại có hạng thường chìm, mà chẳng phải Nhất Xiển Đề: Như người vì cõi hữu lậu mà bố thí trì giới làm các việc lành, đây cũng gọi là thường chìm.

Này Thiện Nam Tử! Có bốn việc lành mang lấy quả ác: Một là vì hơn người mà đọc tụng kinh điển, hai là vì lợi dưỡng mà thọ trì cấm giới, ba là vì hệ thuộc người khác mà làm việc bố thí, bốn là vì cõi phi tưởng, phi phi tưởng mà nhiếp niệm tư duy, đây là bốn điều lành được quả báo ác. Nếu người thật hành bốn việc như vậy thời gọi là chìm rồi lại nổi lên, nổi lên rồi lại chìm xuống. Vì ưa thích ba cõi hữu lậu nên gọi là chìm. Vì thấy ánh sáng tức là được nghe pháp trì giới, bố thí, thiền định, đây gọi là nổi lên. Thêm lớn tà kiến, sinh kiêu mạn nên gọi là lại chìm xuống. Do đây nên trong khế kinh ta nói kệ rằng :

Nếu có chúng sinh thích các cõi,

Vì các cõi mà tạo nghiệp ác,

Người này mê mất đạo Niết Bàn,

Đây là tạm nổi lại chìm xuống.

Đi nơi biển sinh tử tối tăm,

Dầu được giải thoát xem phiền não,

Người này lại thọ quả báo ác,

Đây là tạm ra lại chìm xuống.

Này Thiện Nam Tử! Như cá lớn kia do thấy ánh sáng tạm thời nổi lên khỏi nước, vì thân nặng nên lại chìm xuống, hai hạng người trên đây cũng lại như vậy.

Này Thiện nam Tử! Hoặc có người tham đắm ba cõi hữu lậu đây gọi là chìm. Được nghe kinh Đại Niết Bàn này mà sinh lòng tin, đây gọi là nổi lên. Duyên cớ gì gọi đó là nổi lên? Ví nghe kinh này rồi xa lìa pháp ác tu tập pháp lành, nên gọi là nổi lên. Người này dầu tin nhưng cũng chẳng đầy đủ. Duyên cớ gì tín tâm chẳng đầy đủ? Người này dầu tin Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh, mà nói rằng thân Như Lai là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Đức Như Lai có hai thứ Niết Bàn: Một là hữu vi, hai là vô vi. Hữu vi Niết Bàn không có thường lạc ngã tịnh. Vô vi Niết Bàn có thường lạc ngã tịnh. Dầu tin Phật tính là chúng sinh có, nhưng bất tất là tất cả đều có. Do đây nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Này Thiện Nam Tử! Tín tâm có hai thứ: Một là tin, hai là cầu. Người như trên đây dầu có tín tâm, nhưng chẳng thể suy cầu, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Tín tâm lại có hai thứ: Một là từ nghe pháp mà sinh lòng tin, hai là từ tư duy mà sinh lòng tin. Tín tâm của người này do nghe pháp mà sinh chẳng phải do tư duy, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Tín tâm lại có hai thứ: Một là tin có thánh đạo, hai là tin người đắc đạo. Người này dầu tin có thánh đạo, nhưng trọn chẳng tin có người đắc đạo, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Tín tâm lại có hai thứ: Một là tin chính, hai là tin tà. Nói rằng có nhân quả, có Phật, Pháp, Tăng, đây gọi là tin chính. Nói rằng không nhân quả, tính Tam Bảo khác nhau, tin theo những lời tà của ngoại đạo, đây gọi là tin tà. Người này dầu tin Phật pháp Tăng Tam Bảo, nhưng chẳng tin Tam Bảo đồng một tính tướng, dầu tin nhân quả nhưng chẳng tin người đắc quả, nên gọi là tín tâm chẳng đầy đủ.

Người này trọn nên tín tâm chẳng đầy đủ, thọ trì cấm giới cũng chẳng đầy đủ. Vì nhân chẳng đầy đủ nên chỗ được cấm giới cũng chẳng đầy đủ. Lại giới có hai thứ: Một là oai nghi, hai là tùng giới. Người này dầu đầy đủ những giới về oai nghi nhưng chẳng đầy đủ những giới về tùng giới, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Giới lại có hai thứ: Một là tác giới, hai là vô tác giới. Người này dầu có tác giới nhưng chẳng đủ vô tác giới, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Giới lại có hai thứ: Một là từ thân khẩu mà được chính mạng, hai là từ thân khẩu chẳng được chính mạng. Người này dầu từ thân khẩu nhưng chẳng được chính mạng, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Giới lại có hai thứ: Một là cầu giới, hai là xả giới. Người này dầu đủ giới do cầu mà có nhưng chẳng được giới do xả mà có, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Giới lại có hai thứ: Một là tùy hữu, hai là tùy đạo. Người này dầu đủ giới tùy hữu nhưng chẳng đủ giới tùy đạo, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Giới lại có hai thứ: Một là thiện giới, hai là ác giới. Thân khẩu ý lành gọi là thiện giới. Ngưu giới, Cẩu giới v.v… gọi là ác giới. Người này rất tin cả hai thứ giới đây đều có quả lành, nên gọi là giới chẳng đầy đủ.

Người này chẳng đầy đủ hai điều: Tín tâm và giới, nên chỗ tu tập đa văn cũng chẳng đầy đủ. Thế nào gọi là đa văn chẳng đầy đủ ? Mười hai bộ kinh của đức Như Lai nói ra người này chỉ tin sáu bộ, mà chẳng tin sáu bộ, nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ. Người này dầu thọ trì sáu bộ kinh đây nhưng không thể đọc tụng cùng giảng giải cho người, không chỗ lợi ích, nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ. Hoặc người này thọ trì sáu bộ kinh đây rồi mà vì luận nghị, vì hơn người, vì lợi dưỡng, vì các cõi hữu lậu mà đọc tụng giảng thuyết nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ.

Này Thiện Nam Tử! Ở trong khế kinh ta từng nói đa văn đầy đủ. Thế nào là đầy đủ? Nếu có Tỳ Kheo thân khẩu ý đều lành, trước có thể cúng dường Hòa Thượng, chư Sư, những người có đức. Chư Sư này đối với người ấy sinh lòng thương mến, nên đem kinh pháp truyền dạy cho. Người này chí tâm thọ trì tụng tập, được trí huệ. Được trí huệ rồi có thể khéo tư duy thật hành đúng như pháp. Khéo tư duy rồi thời được chính nghĩa. Được chính nghĩa rồi thân tâm tịch tịnh. Thân tâm đã tịch tịnh thời sinh hỷ tâm. Do hỷ tâm mà được định. Do được định nên được chính tri kiến. Được chính tri kiến rồi sinh lòng ăn năn nhàm chán các cõi hữu lậu. Vì nhàm chán các cõi nên được giải thoát.

Người trên đây không có những việc như vậy nên gọi là đa văn chẳng đầy đủ.

Người này chẳng đầy đủ ba việc như vậy nên bố thí cũng chẳng đầy đủ.

Bố thí có hai thứ: Một là tài thí, hai là pháp thí, người này dầu thật hành về tài thí nhưng vì cầu cõi hữu lậu, dầu thật hành pháp thí nhưng cũng chẳng đầy đủ, vì bí lẫn chẳng nói hết sợ người hơn mình, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

Hai thứ tài thí, pháp thí đều riêng có hai: Một là thánh, hai là chẳng phải thánh. Thánh nhân bố thí rồi chẳng cầu quả báo. Người chẳng phải thánh bố thí rồi cầu quả báo. Thánh nhân bố thí pháp để làm cho pháp được tăng trưởng. Người chẳng phải thánh bố thí pháp để tăng trưởng các cõi hữu lậu.

Người này vì tăng trưởng của cải mà thật hành tài thí, vì tăng trưởng cõi hữu lậu mà thật hành pháp thí, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

Lại người này lãnh thọ sáu bộ kinh, thấy người thọ pháp thời cung cấp cho, gặp người chẳng thọ pháp thời chẳng cung cấp, nên gọi là bố thí chẳng đầy đủ.

Người này chẳng đủ bốn điều như trên nên chỗ tu trí huệ cũng chẳng đầy đủ. Tính của trí huệ là hay phân biệt. Người này chẳng thể phân biệt Như Lai là thường hay vô thường. Trong kinh Đại Niết Bàn này đức Phật nói Như Lai chính là giải thoát, giải thoát chính là Như lai. Như Lai là Niết bàn, Niết Bàn là giải thoát. Trong những nghĩa đây người này chẳng thể phân biệt được.

Đức Phật lại nói phạm hạnh là Như Lai, Như Lai là từ, bi, hỷ, xả. Từ, bi, hỷ, xả là giải thoát, giải thoát là Niết Bàn, Niết Bàn là từ, bi, hỷ, xả. Trong những nghĩa đây, người này không phân biệt được nên gọi là trí chẳng đầy đủ.

Người này lại chẳng phân biệt được Phật tính, Phật tính là Như Lai, Như Lai là tất cả pháp bất cộng, pháp bất cộng là giải thoát, giải thoát là Niết Bàn, Niết Bàn là pháp bất cộng. Người này lại chẳng phân biệt được bốn đế lý khổ tập diệt đạo, vì không phân biệt được bốn đế lý nên chẳng biết thánh hạnh, vì chẳng biết thánh hạnh nên chẳng biết Như Lai, vì chẳng biết Như Lai nên chẳng biết giải thoát, vì chẳng biết giải thoát nên chẳng biết Niết Bàn, do đây nên gọi là trí chẳng đầy đủ.

Người này chẳng có đủ năm điều như vậy, thời thêm lớn hai pháp: Một là thêm pháp lành, hai là thêm pháp ác.

Thế nào gọi là thêm lớn pháp ác? Người này chẳng biết rằng mình không đầy đủ, tự cho rằng đầy đu ûmà sinh tâm tham trước, đối với người đồng hàng cho mình là hơn, do đây bèn gần gũi những bạn ác đồng với mình đã gần gũi bạn ác rồi lại được nghe những pháp chẳng đầy đủ, sinh tâm vui mừng nhiễm trước, kiêu mạn phóng dật, do phóng dật mà gần gũi người tại gia, thích nghe nói những việc tại gia, xa lìa pháp xuất gia thanh tịnh, do đây nên thêm lớn pháp ác, vì đã thêm pháp ác nên thân khẩu ý gây nghiệp chẳng thanh tịnh, vì ba nghiệp chẳng thanh tịnh nên thêm lớn địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Đây gọi là tạm nổi lên lại chìm xuống.

Trong Phật pháp của ta ai là kẻ tạm nổi lên lại chìm xuống? Chính là Đề Bà Đạt Đa, Cù Hoà Ly Tỳ Kheo, Uyển Thủ Tỳ Kheo, Thiện Tinh Tỳ Kheo, Tỳ Xá Tỳ Kheo, Mãn Tú Tỳ Kheo, Từ Địa Tỳ Kheo Ni, Khoáng Dã Tỳ Kheo Ni, Phương Tỳ Kheo Ni, Mạn Tỳ Kheo Ni, Tịnh Khiết Trưởng Giả, Câu Hữu Ưu Bà Tắc, Kim Lặc Thích Chủng, Tượng Trưởng Giả, Danh Xưng Ưu Bà Di, Quang Minh Ưu Bà Di, Nan Đà Ưu Bà Di,

Quân Ưu Bà Di, Linh Ưu Bà Di.Như cá lớn thấy ánh sáng nên nổi lên, vì thân nặng lại chìm xuống.

Thế nào gọi là thân lớn pháp lành? Người này biết rõ mình công hạnh chẳng đầy đủ, vì tự biết chẳng đầy đủ nên cầu gần bạn lành, vì gần bạn lành nên thích nghe hỏi chỗ chưa được nghe, nghe rồi thích thọ trì, thọ rồi thích tư duy, khéo tư duy rồi có thể ở đúng như pháp, vì ở đúng như pháp nên thêm lớn pháp lành, vì thêm lớn pháp lành nên trọn chẳng còn chìm, đây gọi là nổi lên rồi ở lại.

Trong Phật pháp của ta ai là người nổi lên rồi ở lại? Chính là Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, A Nhã Kiều Trần Như v.v… năm vị Tỳ Kheo Da Xá v.v… năm mươi vị Tỳ Kheo, A Nâu Lâu Đà, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp v.v… ba vị Tỳ Kheo Thập Lực Ca Diếp, Sấu Cù Đàm Di Tỳ Kheo Ni, Ba Tra La Hoa Tỳ Kheo Ni, Thắng Tỳ Kheo Ni, Thiệt Nghĩa Tỳ Kheo Ni, Hải Ý Tỳ Kheo Ni, Bạt Đà Tỳ Kheo Ni, Tịnh Tỳ Kheo Ni, Bất Thối Chuyển Tỳ Kheo Ni, Tần Bà Ta La Vương, Úc Dà Trưởng Giả, Tu Đạt Đa Trưởng Giả, Thích Ma Ha Nam Trưởng Giả, Bần Tu Đạt ĐaThử Lang Trưởng Giả, Danh Xưng Trưởng Giả, Cụ Túc Trưởng Giả, Sư Tử Tướng Quân, Ưu Bà Ly Trưởng Giả, Đao Trưởng Giả, Vô Úy Ưu Bà Di, Thiện Trụ Ưu Bà Di, Ái Pháp Ưu Bà Di, Dũng Kiện Ưu Bà Di, Thiên Đắc Ưu Bà Di, Thiện Sinh Ưu Bà Di, Cụ Thân Ưu Bà Di, Ngưu Đắc Ưu Bà Di, Khoáng Dã Ưu Bà Di, Ma Ha Tư Na Ưu Bà Di v.v…

Thế nào gọi là ở lại? Vì thường thích xem thấy ánh sáng pháp lành. Do nhân duyên này, hoặc Phật xuất thế, hoặc chẳng xuất thế, những người trên đây trọn chẳng tạo nghiệp ác nên gọi là ở lại. Như cá Kỳ Di thích thấy ánh sáng nên chẳng lặn chẳng chìm. Hạng tứ chúng trên đây cũng như vậy. Trong kinh ta từng nói kệ rằng:

Nếu người khéo phân biệt pháp nghĩa,

Chí tâm cầu được quả Sa Môn,

Quở trách tất cả cõi hữu lậu,

Người này gọi là ở đúng pháp.

Nếu hay cúng dường vô lượng Phật,

Trong vô lượng đời tu thánh đạo,

Hưởng thọ vui sướng chẳng phóng dật,

Người này gọi là ở đúng pháp.

Gần gũi bạn lành nghe chính pháp,

Tâm khéo tư duy ở đúng pháp,

Thích thấy ánh sáng tu thánh đạo,

Chứng được giải thoát thường an ổn.

Này Thiện Nam Tử! Trí chẳng đầy đủ phàm có năm điều, người này biết rồi cầu gần bạn lành. Bạn lành này nên xem xét người trên đây nhiều tham dục hay nhiều sân khuể, ngu si, tư giác, chấp ngã?

Nếu biết là nhiều tham dục thời nên dạy cho pháp quán bất tịnh: Nhiều sân khuể dạy pháp quán từ bi; nhiều ngu si dạy pháp quán nhân duyên; nhiều tư giác dạy pháp quán sổ tức; nhiều chấp ngã nên dạy phân tích thập bát giới v.v…

Người này nghe rồi chí tâm thọ trì, thọ trì rồi tu hành đúng như pháp, thật hành đúng như pháp rồi lần lượt chứng được tứ niệm xứ quán thân thọ tâm pháp, đặng pháp quán này rồi lại quán mười hai nhân duyên, quán rồi chứng được noãn pháp.

Ca Diếp Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều có noãn pháp. Vì đức Phật nói ba pháp hòa hiệp gọi là chúng sinh: Một là thọ, hai là noãn, ba là thức. Nếu theo nghĩa này thời tất cả chúng sinh lẽ ra trước đã có noãn. Tại sao đức Như Lai nói rằng noãn pháp do bạn lành mà có?

Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Như noãn pháp của ông hỏi thời tất cả chúng sinh đến Nhất Xiển Đề đều có. Noãn pháp của ta nói hôm nay phải do phương tiện rồi sau mới được, chẳng phải tất cả chúng sinh đều có trước.

Nay ông chẳng nên gạn rằng tất cả chúng sinh đều có noãn pháp.

Này Thiện Nam Tử! Noãn pháp này thuộc về cõi sắc, chẳng phải cõi dục có được. Vì cõi dục không có, nên biết rằng tất cả chúng sinh bất tất đều có.

Này Thiện Nam Tử! Cõi sắc dầu có noãn pháp nhưng chẳng phải tất cả đều có, vì đệ tử của ta thời có, còn ngoại đạo thời không.

Này Thiện Nam Tử! Tất cả ngoại đạo chỉ quán được sáu hạnh. Đệ tử của ta thời quán đủ cả mười sáu hạnh. Mười sáu hạnh này tất cả chúng sinh bất tất đều có.

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là noãn? Là tính nó tự noãn hay vì pháp khác mà noãn?

Này Thiện Nam Tử! Noãn pháp này tính nó là noãn chẳng phải do pháp khác mà noãn.

- Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai trước kia nói rằng Mã Sư và Mãn Tú không có noãn pháp, vì hai người này không có tín tâm đối với Tam Bảo. Do đây nên biết rằng tín tâm chính là noãn pháp.

Này Thiện Nam Tử! Tín tâm chẳng phải là noãn pháp, vì do tín tâm mà chứng noãn pháp.

Này Thiện Nam Tử! Luận về noãn pháp chính là trí huệ, vì quán tứ đế nên gọi là mười sáu hạnh. Hạnh đây chính là trí.

Này Thiện Nam Tử! Như lời ông hỏi duyên cớ gì mà gọi là noãn?

Này Thiện Nam Tử! Luận về noãn pháp chính là tướng lửa của tám thánh đạo.

Như cọ lửa: Trước có hơi nóng, kế có lửa, rồi sau có khói, đạo vô lậu này cũng như vậy: Hơi nóng là mười sáu hạnh, lửa là quả Tu Đà Hoàn, khói là trong vị tu đạo dứt kiết sử.

- Bạch Thế Tôn! Noãn pháp này cũng là pháp có, cũng là hữu vi. Noãn pháp này được qủa báo thân ngũ ấm cõi sắc nên gọi là có. Vì là nhân duyên nên lại gọi là hữu vi. Nếu là hữu vi tại sao có thể làm tướng đạo vô lậu ?

Này Thiện Nam Tử! Đúng như vậy! Noãn pháp này dầu là pháp hữu vi hữu lậu, nhưng trở lại có thể phá hoại pháp hữu vi hữu lậu, nên có thể làm tướng đạo vô lậu. Như người cỡi ngựa cũng thương ngựa nhưng cũng đánh ngựa. Noãn pháp cũng vậy: Vì ái mà thọ sinh, vì nhàm mà tu quán hạnh, do đây nên dầu là hữu lậu hữu vi mà có thể làm tướng cho chính đạo kia.

Có bảy mươi ba hạng người được noãn pháp: Cõi dục mười hạng người. Mười hạng người này đầy đủ tất cả phiền não: Từ dứt một phần đến chín phần. Như cõi dục, Sơ thiền nhẫn đến Vô Sở Hữu Xứ cũng như vậy. Đây gọi là bảy mươi ba. Những người này được noãn pháp rồi thời chẳng còn lại có thể dứt căn lành tạo tội ngũ nghịch phạm bốn tội trọng. Những người này có hai hạng: Một là gặp bạn lành, hai là gặp bạn ác.

Người gặp bạn ác tạm thời nổi lên rồi chìm trở lại.

Người gặp bạn lành thời quan sát khắp bốn phương. Quan sát bốn phương chính là đỉnhpháp, đỉnhpháp này dầu cũng là tính ngũ ấm, nhưng vẫn duyên nơi bốn đế lý, nên được gọi là quan sát khắp bốn phương. Được đỉnhpháp rồi kế được nhẫn pháp. Nhẫn pháp này tính nó cũng là ngũ ấm, cũng duyên bốn đế lý. Người này kế được thế đệ nhất pháp, pháp này dầu tính là ngũ ấm nhưng cũng duyên bốn đế lý. Người này kế được khổ pháp nhẫn, tính của nhẫn là huệ duyên nơi một đế lý. Pháp nhẫn này duyên một đế lý rồi nhẫn đến kiến đạo dứt phiền não đặng quả Tu Đà Hoàn. Đây gọi là quan sát khắp bốn phương, bốn phương chính là bốn đế lý.

Bạch Thế Tôn! Trước kia đức Phật nói rằng những phiền não của bậc Tu Đà Hoàn dứt, dường như dòng nước rộng bốn mươi dặm, những phiền não còn lại như giọt nước đầu sợi lông.

Nơi đây sao lại nói dứt ba món kiết sử gọi là bậc Tu Đà Hoàn: Một là ngã kiến, hai là chẳng phải nhân thấy là nhân, ba là lưới nghi.

Bạch Thế Tôn! Nhân duyên gì gọi là Tu Đà Hoàn xem khắp bốn phương? Lại do duyên gì mà gọi là Tu Đà Hoàn? Duyên cớ gì đem cá Tích để dụ bậc Tu Đà Hoàn?

Này Thiện Nam Tử! Bậc Tu Đà Hoàn dầu có thể dứt vô lượng phiền não, nhưng ba món kiết này nặng nhất và cũng nhiếp tất cả những kiết sử của bậc Tu Đà Hoàn dứt, nên nói là dứt ba món kiết sử.

Như Quốc Vương lúc đi tuần du, dầu có các quan và bốn đạo binh, nhưng người đời chỉ nói rằng nhà vua đến, nhà vua đi. Trong đây nói dứt ba món phiền não này cũng như vậy. Duyên cớ gì ba món kiết này là nặng? Vì tất cả chúng sinh thường khởi phiền não này và vì vi tế khó biết, nên gọi là nặng. Vì ba món kiết này khó dứt được, vì nó có thể làm nhân cho tất cả phiền não, là oán địch bị đối trị của giới, định và huệ.

Này Thiện Nam Tử! Có những chúng sinh nghe bậc Tu Đà Hoàn có thể dứt vô lượng phiền não như vậy, thời chúng nó sinh lòng thối chuyển mà nói rằng: Chúng ta thế nào có thể dứt vô lượng phiền não như vậy. Do đây nên đức Như Lai phương tiện nói dứt ba kiết sử.

Này Thiện Nam Tử! Bậc Tu Đà Hòan quán tứ đế được bốn điều : Một là kiên cố trụ chính đạo, hai là có thể khắp quan sát, ba là có thể thấy đúng như thật, bốn là có thể phá hoại oán địch lớn. Bậc Tu Đà Hoàn, thành tựu tín v.v… Ngũ căn không ai có thể lay động, nên gọi là kiên cố trụ nơi chính đạo. Bậc này đều có thể quở trách những phiền não trong và ngoài, nên gọi là khắp quan sát. Thấy đúng như thật chính là nhẫn trí. Oán địch lớn là nói bốn thứ điên đảo.

Này Thiện Nam Tử! Chữ Tu là vô lậu, chữ Đà Hoàn là tu tập, vì tu tập vô lậu nên gọi là Tu Đà Hoàn. Lại có nghĩa chữ Tu là dòng, vì ngược dòng nên gọi là Tu Đà Hoàn.

- Bạch Thế Tôn! Nếu theo nghĩa này, duyên cớ gì những bậc Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán chẳng được gọi là Tu Đà Hoàn?

Này Thiện Nam Tử! Từ bậc Tu Đà Hoàn nhẫn đến chư Phật cũng đều được gọi là Tu Đà Hoàn cả. Nếu bậc Tư Đà Hàm đến chư Phật mà không có danh nghĩa Tu Đà Hoàn, thời đâu được gọi là Tư Đà Hàm nhẫn đến Phật.

Tất cả chúng sinh về danh tự có hai thứ: Một là tên cũ, hai là tên mới. Lúc còn phàm phu có danh tự thế tục, lúc đã đắc đạo lại đặt tên gọi là Tu Đà Hoàn. Trước gọi là Tu Đà Hoàn, vì lúc sau đắc quả nên gọi là Tư Đà Hàm. Người này cũng gọi là Tu Đà Hoàn, cũng gọi là Tư Đà Hàm, nhẫn đến chư Phật cũng như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Có hai thứ dòng: Một là giải thoát, hai là Niết Bàn. Tất cả Thánh nhân đều có hai dòng này, nên cũng được gọi là Tu Đà Hoàn cũng gọi là Tư Đà Hàm, nhẫn đến Phật cũng như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Bậc Tu Đà Hoàn cũng gọi là Bồ Tát. Vì Bồ Tát chính là tận trí và vô sinh trí. Bậc Tu Đà Hoàn cũng mong cầu hai trí này, nên được gọi là Bồ Tát.

Bậc Tu Đà Hoàn cũng được gọi là giác. Vì chính giác kiến đạo dứt phiền não, vì chính giác nhân quả, vì chính giác cộng đạo và bất cộng đạo. Bậc Tư Đà Hàm nhẫn đến bậc A La Hán cũng như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Có hai hạng Tu Đà Hoàn: Lợi căn và độn căn. Bậc độn căn bảy lần sinh cõi người cõi trời, hoặc sáu lần, năm lần, bốn lần, ba lần, hai lần sinh cõi người trời mới chứng quả A La Hán. Bậc lợi căn hiện đời chứng quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.

Này Thiện Nam Tử! Cá Tích có bốn điều: Một là xương nhỏ nên nhẹ, hai là có cánh nên nhẹ, ba là thích thấy ánh sáng, bốn là ngậm được vật thời giữ chặt.

Bậc Tu Đà Hoàn cũng có bốn điều: Một là phiền não nhỏ nhẹ như cá Tích nhỏ xương, hai là có chỉ có quán như cá Tích có cánh, ba là kiến đạo, như cá Tích thích thấy ánh sáng, bốn là nghe thấy đức Phật nói nghĩa vô thường khổ vô ngã bất tịnh thời kiên trì chẳng bỏ như cá Tích ngậm được vật thời giữ chặt.

Như trước kia Ma Vương hóa làm thân Phật. Thủ La Trưởng Giả xem thấy trong lòng kinh sợ, Ma thấy tâm Trưởng giả động bèn bảo Trưởng giả rằng: Trước kia ta nói bốn chân đế, thuyết đó không chân thật. Nay ta vì ông mà nói năm đế, sáu ấm, mười ba nhập, mười chín giới. Thủ La Trưởng Giả nghe lời này liền quan sát pháp tướng đều không có lý do, nên kiên trì nghĩa cũ, tâm ông chẳng lay động.

- Bạch Thế Tôn! Bậc Tu Đà Hoàn này vì đắc đạo trước mà gọi là Tu Đà Hoàn hay là vì chứng sơ quả mà gọi là Tu Đà Hoàn? Nếu vì đắc đạo trước, thời lúc được khổ pháp nhẫn cớ sao chẳng gọi là Tu Đà Hoàn mà gọi là Hướng? Nếu vì được sơ quả, thời người ngoại đạo trước dứt phiền não đến vô sở hữu xứ tu đạo vô lậu được quả A Na Hàm, cớ sao chẳng gọi là Tu Đà Hoàn?

Này Thiện Nam Tử! Vì được sơ quả mà gọi là Tu Đà Hoàn, lúc đó người này đầy đủ tám trí và mười sáu hạnh.

Bạch Thế Tôn! Người được A Na Hàm cũng đầy đủ tám trí và mười sáu hạnh. Cớ sao chẳng được gọi là Tu Đà Hoàn?

Này Thiện Nam Tử! Mười sáu hạnh hữu lậu có hai thứ: Cộng và bất cộng. Mười sáu hạnh vô lậu cũng có hai: Hướng quả và đắc quả. Tám trí cũng có hai, hướng quả và đắc quả. Bậc Tu Đà Hoàn rời bỏ mười sáu hạnh công, chứng được mười sáu hạnh bất công, rời bỏ tám trí hướng quả chứng được tám trí đắc quả. Bậc A Na Hàm thời chẳng như vậy. Do đây nên sơ quả gọi là Tu Đà Hoàn.

Này Thiện Nam Tử! Bậc Tu Đà Hoàn duyên nơi tứ đế, bậc A Na Hàm chỉ duyên nhất đế, nên sơ quả gọi là Tu Đà Hoàn.

Do nhân duyên trên đây nên dùng cá Tích để ví dụ, ngó khắp bốn phương rồi bèn đi. Nói đi là chỉ cho bậc Tư Đà Hàm nhiếp tâm tu hành để dứt trừ tham, sân, si, mạn.

Như cá Tích kia nhìn xem khắp bốn phương rồi vì kiếm ăn nên đi, đi rồi lại đứng lại, đây là dụ bậc A Na Hàm được món ăn rồi thời dừng lại. Có hai hạng A Na Hàm: Một là hiện tại được quả A Na Hàm rồi tiến tu được quả A La Hán, hai là hạng tham trước Tam Muội tịch tịnh trong cõi sắc và cõi vô sắc, bậc này chẳng thọ thân cõi dục nên gọi là A Na Hàm. Bậc A Na Hàm này lại có năm hạng: Một là trung bát Niết Bàn, hai là thọ thân bát Niết Bàn, ba là hành bát Niết Bàn, bốn là vô hành bát Niết Bàn, năm là thượng lưu bát Niết Bàn. Lại có sáu hạng là thân hiện tại bát Niết Bàn. Lại có bảy hạng là thân vô sắc giới bát Niết Bàn.

Hạng hành bát Niết Bàn có hai: Hoặc thọ hai thân, hoặc thọ bốn thân. Nếu thọ hai thân thời gọi là lợi căn, nếu thọ bốn thân thời gọi là độn căn. Lại có hai hạng, một là tinh tấn mà không chính định tự tại, hai là giải đãi mà có chính định tự tại. Lại có hai hạng: Một là có đủ tinh tấn và chính định tự tại, hai là chẳng có cả hai.

Này Thiện Nam Tử! Chúng sinh trong cõi dục, cõi sắc có hai thứ nghiệp: Tác nghiệp và thọ sinh nghiệp. Bậc A Na Hàm trung bát Niết Bàn chỉ có tác nghiệp mà không thọ sinh nghiệp, nên bỏ thân cõi dục lúc chưa đến cõi sắc, vì lợi căn mà bát Niết Bàn. Bậc A Na Hàm trung bát Niết Bàn này có bốn tâm: Một là phi học, phi vô học, hai là học, ba là vô học, bốn là phi học, phi vô học nhập Niết Bàn. Thế nào lại gọi là trung bát Niết Bàn?

Này Thiện Nam Tử! Trong bốn thứ tâm của bậc A Na Hàm này hai tâm là Niết Bàn, hai tâm là chẳng phải Niết Bàn, do đây nên gọi là trung bát Niết Bàn.

Bậc A Na Hàm thọ thân bát Niết Bàn có hai thứ: Một là tác nghiệp, hai là sinh nghiệp. Bậc này bỏ thân dục giới thọ thân sắc giới, tinh tấn tu hành mãn thọ mạng thời nhập Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Nếu là thọ mạng hết nhập Niết Bàn, tại sao gọi rằng thọ thân Niết Bàn?

Này Thiện Nam Tử! Bậc này thọ thân rồi sau mới dứt hết phiền não trong tam giới, nên gọi là thọ thân Niết Bàn.

Bậc A Na Hàm thường tu hành do sức Tam Muội hữu vi có thể dứt phiền não nhập Niết Bàn, do đây nên gọi là hành bát Niết Bàn.

Bậc A Na Hàm rõ biết quyết định sẽ chứng được Niết Bàn nên giải đãi, cũng do sức Tam Muội hữu vi mãn thọ mạng thời được nhập Niết Bàn, do đây gọi là vô hành bát Niết Bàn.

Nếu bậc A Na Hàm được đệ tứ thiền rồi lại sinh lòng mến sơ thiền do đây sinh xuống trời sơ thiền. Nơi đây có hai dòng: Dòng phiền não và dòng đạo mà mến nhị thiền, nên sinh lên trời nhị thiền, lần đến trời tứ thiền cũng như vậy.

Bậc này trong trời tứ thiền lại có hai hạng: Một là vào cõi vô sắc, hai là vào trời Ngũ Tịnh Cư. Hai bậc này, bậc thích Tam Muội thời vào cõi vô sắc. Bậc thích trí huệ thời vào trời Ngũ Tịnh Cư.

Hai bậc trên đây, một hạng tu đệ tứ thiền có năm từng cấp, một hạng chẳng tu.

Thế nào là năm từng cấp? Là hạ, trung, thượng, thượng trung, thượng thượng. Bậc tu thượng thượng thời ở trời Sắc Cứu cánh, bậc tu trung thượng thời ở trời Thiện Hiện, bậc tu thượng phẩm thời ở trời Thiện Kiến, bậc tu trung phẩm thời ở trời Vô Nhiệt, bậc tu hạ phẩm thời ở trời Vô Phiền.

Hai bậc này, một thời ưa luận nghị ở trời Ngũ Tịnh Cư, một thời ưa tịch tịnh vào cõi Vô Sắc.

Lại có hai hạng: Một thời tu huân thiền vào trời Ngũ Tịnh Cư, một thời chẳng tu huân thiền sinh cõi Vô Sắc mãn thọ mạng mà nhập Niết Bàn, do đây gọi là thượng lưu bát Niết Bàn. Nếu muốn vào cõi Vô Sắc thời không thể tu năm từng cấp tứ thiền. Nếu tu năm từng cấp này thời có thể quở trách định Vô sắc.

- Bạch Thế Tôn! Bậc trung bát Niết Bàn là lợi căn. Nếu là lợi căn cớ sao chẳng hiện tại nhập Niết Bàn? Cớ sao dục giới có hạng trung bát Niết Bàn mà sắc giới thời không.

Này Thiện Nam Tử! Người này thân tứ đại hiện tại yếu kém không thể hành đạo. Dầu có Tỳ Kheo thân thể tráng kiện nhưng những duyên nhà cửa y phục uống ăn thuốc men v.v… chẳng đủ, nên chẳng được hiện tại bát Niết Bàn.

Này Thiện Nam Tử! Ngày trước có một lúc ta ở nước Xá Vệ tại tịnh xá A Na Phân Chỉ, có một Tỳ Kheo đến bạch với ta rằng ông luôn tu hành mà chẳng thể được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán. Lúc đó ta liền bảo A Nan rằng: Nay ông nên lo đủ đồ cần dùng cho Tỳ Kheo này.

A Nan liền dắt Tỳ Kheo đó đến rừng Kỳ Đà cho ở phòng nhà tốt. Tỳ Kheo đó nói với A Nan rằng: Trông mong Đại Đức vì tôi mà trần thiết phòng nhà, dọn dẹp thật sạch sẽ, dùng thất bảo trang nghiêm, treo phan lọng bằng lụa.

A Nan nói: Người nghèo trong thế gian mới gọi là Sa Môn, tôi làm sao sắm được những đồ như vậy?

Tỳ Kheo nói: Nếu Đại Đức có thể sắm sửa được cho tôi thời tốt lắm, bằng không thời tôi sẽ trở về ra mắt Phật.

A Nam liền trở về đem việc ấy bạch với Phật. Đức Phật liền bảo A Nan sắm sửa tất cả đồ dùng theo ý của Tỳ Kheo đó.

Tỳ Kheo đó được những đồ cần dùng theo ý mình muốn, liền nhiếp niệm tu hành, không bao lâu chứng được quả Tu Đà Hoàn lần đến quả A La Hán.

Này Thiện Nam Tử! Vô lượng chúng sinh đáng được nhập Niết Bàn, nhưng vì thiếu thốn chướng ngại loạn động tâm niệm của họ, nên chẳng chứng được.

Này Thiện Nam Tử! Lại có chúng sinh thích giáo quá nhiều, tâm họ bậc bội nhiều việc chẳng thể được chính định nên hiện tại không được bát Niết Bàn.

Này Thiện Nam Tử! Như lời ông nói, duyên cớ gì bỏ thân dục giới có hạng trung bát Niết Bàn, còn sắc giới thời không?

Này Thiện Nam Tử! Người này quán phiền não cõi dục có hai nhân duyên: Nội và ngoại, mà trong cõi sắc thời không ngại nhân duyên. Cõi dục lại có hai thứ ái tâm: Dục ái và sắc ái, quán hai ái tâm này rồi hết lòng quở trách, do quở trách này mà được nhập Niết Bàn. Trong cõi dục có thể quở trách được những phiền não thô: Xan tham, sân hận, tật đố, vô tàm, vô quí, do đây nên được nhập Niết Bàn. Lại người trong cõi dục tính chất dũng kiện, vì được hưởng quả, nên trong cõi dục có trung bát Niết bàn, trong cõi sắc thời không.

Này Thiện Nam Tử! Trung bát Niết Bàn có ba hạng: Thượng, trung và hạ. Hạng thượng lúc bỏ thân chưa rời cõi dục bèn được Niết Bàn. Hạng trung mới rời cõi dục chưa đến cõi sắc bèn được Niết Bàn. Hạng hạ rời khỏi cõi dục đến ranh cõi sắc bèn được Niết Bàn.

Như cá Tích khi đi kiếm được đồ ăn thời dừng lại, hạng này cũng vậy, ở nơi cõi sắc và cõi vô sắc mà được thọ thân nên gọi là dừng lại. Và cũng do chẳng còn thọ thân nhân, thiên, địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ trong cõi dục nên gọi là dừng lại. Vì đã dứt vô lượng phiền não kiết sử còn thừa lại chút ít nên gọi là dừng lại. Lại vì vĩnh viễn chẳng gây tạo nghiệp phàm phu nên gọi là dừng lại. Lại vì tự mình chẳng còn sợ sệt , cũng chẳng làm cho người khác sợ sệt nên gọi là dừng lại. Vì xa lìa hai ác tâm: Xan tham, sân hận nên gọi là dừng lại.

Này Thiện Nam Tử! Bậc đến bờ kia là A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Chư Phật Thế Tôn, dụ như thần qui trên bờ dưới nước đều đi tự tại.

Duyên cớ gì dùng thần qui để ví dụ? Vì thần qui khéo giấu năm chi.

Bậc A La Hán nhẫn đến chư Phật cũng khéo giấu che năm căn. Dưới nước là dụ thế gian, trên bờ là dụ xuất thế. Các bậc thánh này có thể quán sát tất cả ái phiền não lên đến bờ kia, nên dụ như thần qui dưới nước trên bờ đều đi tự tại.

Này Thiện Nam Tử! Như bảy hạng chúng sinh trong sông Hằng, dầu có tên cá rùa nhưng chẳng rời khỏi nước, kinh Đại Niết Bàn này từ Nhất Xiển Đề lên đến chư Phật, dầu có tên khác nhau nhưng cũng chẳng rời khỏi Phật tính.

Này Thiện Nam Tử! Bảy hạng chúng sinh đây, hoặc pháp lành hoặc pháp ác, hoặc đạo phương tiện, hoặc đạo giải thoát, hoặc đạo thứ đệ, hoặc nhân, hoặc quả, tất cả đều là Phật tính. Đây gọi là từ ngữ tùy tự ý của Như Lai.

- Bạch Thế Tôn! Nếu có nhân thời có quả, không nhân thời không quả. Niết Bàn gọi là quả, là thường trụ nên không nhân. Nếu đã không nhân tại sao gọi là quả? Niết Bàn đây cũng gọi là Sa Môn, cũng gọi là Sa Môn quả. Thế nào là Sa Môn? Thế nào là Sa Môn quả?

Này Thiện Nam T ! Trong thế gian có bảy thứ quả: Một là phương tiện quả, hai là báo ân quả, ba là thân cận quả, bốn là dư tàn quả, năm là bình đẳng quả, sáu là quả báo quả, bảy là viễn ly quả.

Như người đời, mùa thu thâu gặt được nhiều lúa, bảo nhau rằng được phương tiện quả. Phương tiện quả gọi là nghiệp hành quả. Quả này có hai nhân: Cận nhân và viễn nhân. Cận nhân là hột giống, viễn nhân là nước phân nhân công. Đây gọi là phương tiện quả.

Như người đời phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ nói rằng nay chúng tôi đã được quả báo ơn phụng dưỡng. Người con có thể báo ơn gọi đó là quả. Quả này có hai nhân: Cận nhân và viễn nhân, cận nhân là nghiệp thuần thiện đời quá khứ của cha mẹ, viễn nhân là sinh ra người con có hiếu. Đây gọi là báo ân quả.

Như có người gần gũi bạn lành, hoặc được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán. Người này nói rằng nay tôi được quả báo thân cận. Quả này có hai nhân: Cận nhân và viễn nhân. Cận là tín tâm, viễn là bạn lành. Đây gọi là thân cận quả.

Như do chẳng sát sinh mà được thân thứ ba sống lâu, đây gọi là dư tàn quả. Quả này cũng có hai nhân: Cận nhân và viễn nhân. Cận là thân khẩu ý thanh tịnh, viễn là sống lâu. Đây gọi là dư tàn quả.

Bình đẳng quả là nói khí thế giới, quả này cũng có hai nhân: Một là cận nhân, hai là viễn nhân. Cận nhân là chúng sinh tu mười nghiệp lành. Viễn nhân là đại tam tai.

Quả báo quả là như người chứng đặng thân thanh tịnh rồi tu ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, người này bèn nói tôi được quả báo. Quả này có hai nhân: Cận nhân và viễn nhân Cận nhân là hiện tại thân, khẩu, ý thanh tịnh. Viễn nhân là quá khứ thân, khẩu, ý thanh tịnh.

Viễn ly quả tức là Niết Bàn lìa các phiền não, tất cả các nghiệp lành là nhân Niết Bàn. Nhân Niết Bàn này có hai: Cận nhân và viễn nhân. Cận nhân là ba môn giải thoát, viễn nhân tức là pháp lành đã tu từ vô lượng đời.

Này Thiện Nam Tử! Như pháp thế gian hoặc nói sinh nhân, hoặc nói liễu nhân. Pháp xuất thế cũng như vậy, cũng nói sinh nhân cũng nói liễu nhân. Ba môn giải thoát, ba mươi bảy phẩm trợ đạo có thể làm cho sinh nhân củatất cả phiền não chẳng sinh được, mà cũng làm liễu nhân cho Niết Bàn. Xa lìa phiền não thời đặng thấy rõ Niết Bàn, nên Niết Bàn chỉ có liễu nhân mà không có sinh nhân.

Này Thiện Nam Tử! Như lời ông hỏi: Thế nào là Sa Môn? Thế nào là Sa Môn quả?

Này Thiện Nam Tử! Sa Môn Na tức là bát chính đạo, Sa Môn Quả là từ nơi đạo rốt ráo xa lìa tất cả tham , sân v.v… đây gọi là Sa Môn Na và Sa Môn Quả.

- Bạch Thế Tôn! Duyên cớ gì bát chính đạo gọi là Sa Môn Na?

Này Thiện Nam Tử! Trong đời nói Sa Môn gọi đó là thiếu thốn, Na gọi là đạo. Đạo này dứt tất cả thiếu thốn, và dứt tất cả đạo, do nghĩa này gọi bát chính đạo là Sa Môn Na. Từ trong đạo này chứng được thánh quả nên gọi là Sa Môn Quả.

Lại Sa Môn Na, như người đời có ai thích tịch tịnh cũng gọi là Sa Môn, đạo này cũng như vậy, có thể làm cho người tu hành xa lìa những sự ác tà mạng v.v… của thân, khẩu, ý đặng vui tịch tịnh nên gọi đó là Sa Môn Na.

Như trong đời người dưới có thể làm người trên, đây gọi là Sa Môn. Đạo này cũng như vậy, có thể làm cho người dưới thành người trên nên được gọi là Sa Môn Na.

Bậc A La Hán tu đạo này được quả Sa Môn. Được gọi là đến nơi bờ kia. Quả A La Hán chính là năm phần pháp thân vô học: Giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Do năm phần này được đến bờ kia, nên gọi là đến bờ kia. Do đến bờ kia nên tự nói rằng tôi đã hết sinh tử, phạm hạnh đã trọn, chỗ làm đã xong, chẳng thọ thân đời sau.

Này Thiện Nam Tử! Bậc A La Hán dứt hẳn nhân duyên sinh tử ba đời, nên tự nói tôi đã hết sinh tử. Bậc này cũng dứt thân ngũ ấm trong ba cõi nên lại nói rằng tôi đã hết sinh tử. Chỗ tu phạm hạnh đã rốt ráo, nên xướng rằng phạm hạnh đã trọn, lại vì xả học đạo nên cũng gọi là đã trọn. Như chỗ mong cầu, lúc trước ngày nay đã được, nên lại xướng rằng chỗ làm đã xong. Hành đạo được quả cũng nói rằng đã xong. Vì được tận trí và vô sinh trí nên nói rằng tôi đã hết sinh tử, dứt hết kiết sử hữu lậu. Do nghĩa này nên gọi bậc A La Hán đặng đến bờ kia.

Như A La Hán, bậc Bích Chi Phật cũng lại như vậy.

Bồ Tát và Phật thành tựu đầy đủ sáu môn Ba La Mật gọi là đến bờ kia. Phật và Bồ Tát được vô thượng chính giác rồi gọi là đầy đủ sáu môn Ba La Mật, vì được quả của sáu môn Ba La Mật như vậy. Do được quả nên gọi là đầy đủ.

Này Thiện Nam Tử! Bảy chúng sinh đây vì chẳng thể tu tập bốn điều: Thân, giới tâm và huệ, nên hay gây tạo tội ngũ nghịch, dứt căn lành, phạm bốn tội trọng, hủy báng Phật, Pháp, Tăng, do đây nên gọi là thường chìm đắm.

Này Thiện Nam Tử! Trong bảy hạng chúng sinh này ai có thể gần gũi thiện tri thức chí tâm nghe và nhận lấy chính pháp của Như Lai, trong tâm khéo tư duy ở đúng pháp, siêng năng tu tập thân, giới, tâm và huệ, do đây nên được gọi là qua khỏi sông sinh tử đến nơi bờ kia.

Nếu có người nói rằng: Nhất Xiển Đề được vô thượng chính giác, lời này gọi là nhiễm trước. Nếu nói rằng chẳng được, thời gọi là lời hư vọng.

Này Thiện Nam Tử! Bảy hạng này, hoặc có một người đủ cả bảy, hoặc mỗi người mỗi hạng.

Nếu có người nào tâm tưởng khác, miệng nói khác, cho rằng Nhất Xiển Đề đặng vô thượng chính giác, phải biết người này hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Nếu nói không được thời cũng gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Nếu nói rằng bát thánh đạo là của phàm phu được, hoặc nói chẳng phải phàm phu được, đều gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Nếu nói rằng tất cả chúng sinh quyết định có Phật tính, hoặc nói quyết định không Phật tính, đều gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Này Thiện Nam Tử! Do đây nên trong khế kinh ta nói rằntg có hai hạng người hủy báng Phật, Pháp, Tăng: Một là người chẳng tin, vì họ giận hờn ; hai là người dầu tin nhưng vì chẳng hiểu nghĩa.

Nếu người tin mà không có trí huệ thời hay thêm lớn vô minh. Nếu người có trí huệ mà không có tín tâm thời hay tăng trưởng tà kiến.

Người chẳng tin vì tâm họ giận hờn nên nói rằng không có Phật, Pháp, Tăng. Người tin mà không trí huệ giải nghĩa điên đảo làm cho người nghe pháp hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Do đây nên ta nói người chẳng tin vì lòng hờn giận, người tin lại không trí huệ, những người này hay hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Này Thiện Nam Tử! Nếu nói rằng Nhất Xiển Đề chưa sinh pháp lành bèn được vô thượng chính giác, người này cũng gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng. Nếu nói Nhất Xiển Đề rời bỏ Nhất Xiển Đề ở trong thân khác được vô thượng chính giác, người này cũng gọi là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Nếu nói rằng Nhất Xiển Đề có thể sinh căn lành, sinh căn lành rồi nối luôn chẳng dứt chứng được vô thượng chính giác, nên gọi rằng Nhất Xiển Đề được vô thượng Bồ Đề, phải biết rằng người này chẳng hủy báng Tam Bảo.

Nếu có người nói rằng tất cả chúng sinh quyết định có Phật tính thường, lạc, ngã, tịnh, bất tác, bất sinh, do vì phiền não nên chẳng thấy được, người này là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Nếu nói rằng tất cả chúng sinh đều không có Phật tính cũng như sừng thỏ, do từ phương tiện mà sinh, trước kia không nay mới có, có rồi trở lại không, người này là hủy báng Phật, Pháp, Tăng.

Nếu nói rằng Phật tính của chúng sinh chẳng phải có như hư không, chẳng phải không như sừng thỏ. Vì hư không là thường, sừng thỏ là không, nên được nói là cũng có cũng không. Vì có nên phá sừng thỏ, vì không nên phá hư không. Thuyết trên đây chẳng hủy báng Tam Bảo.

Này Thiện Nam Tử! Luận về Phật tính chẳng gọi là một pháp, chẳng gọi là mười pháp, chẳng gọi là trăm pháp, chẳng gọi là ngàn pháp, chẳng gọi là muôn pháp.

Lúc chưa được vô thượng chính giác, tất cả thiện , bất thiện, vô ký đều gọi là Phật tính. Có lúc đức Như Lai trong nhân nói quả, trong quả nói nhân, đây gọi là từ ngữ tùy tự ý của Như Lai. Vì tùy tự ý mà nói nên gọi là Như Lai, ứng cúng, chính đẳng chính giác.

Bạch Thế Tôn! Như lời của Phật nói: Phật tính của chúng sinh dường như hư không. Thế nào gọi là như hư không?

Này Thiện Nam Tử! Tính hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại.

Phật tính cũng như vậy.

Hư không chẳng phải quá khứ, vì không phải hiện tại. Nếu pháp là hiện tại mới có thể nói là quá khứ, vì không hiện tại nên không quá khứ. Hiện tại cũng không, vì không vị lai. Nếu pháp là vị lai mới có thể nói là hiện tại. Vì không vị lai nên không hiện tại. Vị lai cũng không vì không hiện tại và quá khứ. Nếu pháp có hiện tại và quá khứ thời có vị lai, vì không quá khứ hiện tại nên không vị lai.

Do nghĩa trên đây nên tính của hư không chẳng phải nhiếp trong ba đời.

Này Thiện Nam Tử! Vì hư không là không nên không có ba đời, chẳng phải vì có mà không có ba đời. Như hoa đốm hư không vì chẳng phải là có nên không có ba đời. Hư không cũng như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Không có vật chính đó là hư không, Phật tính cũng như vậy. Vì hư không là không nên chẳng nhiếp trong ba đời. Vì Phật tính là thường nên chẳng nhiếp trong ba đời.

Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai đã được vô thượng Bồ Đề, đức Như Lai chỗ được Phật tính và tất cả Phật pháp là thường trụ không biến đổi. Do nghĩa này nên không có ba đời dường như hư không.

Này Thiện Nam Tử! Vì hư không là không nên chẳng phải trong chẳng phải ngoài. Vì Phật tính là thường trụ nên chẳng phải trong chẳng phải ngoài, do đây nên nói rằng Phật tính dường như hư không.

Này Thiện Nam Tử! Nhưng trong đời chỗ không chướng ngại thời gọi là hư không.

Đức Như Lai được vô thượng Bồ Đề rồi, nói tất cả Phật pháp đều không có chướng ngại, nên nói rằng Phật tính dường như hư không.

- Bạch Thế Tôn! Phật tính và Niết bàn của Như Lai chẳng nhiếp trong ba đời mà gọi là có, hư không cũng chẳng nhiếp trong ba đời, cớ sao chẳng được gọi là có ư?

Này Thiện Nam Tử! Vì chẳng phải Niết Bàn gọi là Niết Bàn, vì chẳng phải Như Lai gọi là Như Lai, vì chẳng phải Phật tính gọi là Phật tính.

Thế nào gọi là chẳng phải Niết Bàn? Nghĩa là tất cả phiền não những pháp hữu vi. Vì phá những phiền não hữu vi này mà gọi là Niết Bàn.

Thế nào là chẳng phải Như Lai? Chính là Nhất Xiển Đề nhẫn đến bậc Bích Chi Phật. Vì phá Nhất Xiển Đề nhẫn đến Bích Chi Phật này mà gọi là Như Lai.

Thế nào là chẳng phải Phật tính? Chính là tất cả vật vô tình như tường, vách, ngói, đá v.v…lìa những vật vô tình này gọi là Phật tính.

Này Thiện Nam Tử! Tất cả thế gian không gì chẳng phải hư không đối với hư không.

- Bạch Thế Tôn! Thế gian cũng không gì chẳng phải là đối với tứ đại, mà còn được gọi tứ đại là có, hư không chẳng có đối cớ sao chẳng được gọi đó là có.

Này Thiện nam Tử! Nếu cho rằng Niết Bàn chẳng nhiếp trong ba đời, hư không cũng như vậy. Lời nói này chẳng đúng nghĩa. Vì Niết Bàn là có thấy được chứng được, là dấu vết của sắc của sắc pháp, là có chương cú, là tướng, là duyên, là chỗ quy y, là bờ kia, tịch tịnh sáng suốt an ổn, do đây nên được gọi là nhiếp trong ba đời. Tính hư không chẳng có những pháp như vậy, nên gọi là không. Nếu có cái gì lìa những pháp như vậy mà lại là có thời nhiếp trong ba đời. Hư không nếu đồng là pháp có thời chẳng được chẳng nhiếp trong ba đời.

Này Thiện Nam Tử! Như người đời cho rằntg hư không là không sắc, không đối không thể thấy thời chính là tâm sở pháp. Hư không nếu đồng tâm sở pháp, thời chẳng được chẳng nhiếp trong đời. Nếu nhiếp trong ba đời tức là bốn ấm. Do đây nên rời bốn ấm thời không có hư không.

Này Thiện Nam Tử! Những nhà ngoại đạo nói rằng: Hư không chính là quang minh. Nếu là quang minh thời là sắc pháp hư không, nếu là sắc pháp như vậy bèn là vô thường. Vì là vô thường nên nhiếp trong ba đời. Sao ngoại đạo lại nói là chẳng phải ba đời. Nếu đã nhiếp trong ba đời thời chẳng phải là hư không. Sao lại nói rằng hư không là thường.

Này Thiện Nam Tử! Lại có người cho rằng: Hư không là chỗ an trụ. Nếu có chỗ an trụ thời là sắc pháp. Tất cả chỗ đều là vô thường nhiếp trong ba đời, hư không cũng là thường chẳng phải nhiếp trong ba đời. Nếu nói là chỗ thời biết rằng không phải hư không.

Lại có người nói rằng hư không là thứ đệ. Nếu là thứ đệ thời là pháp số. Nếu đã là có thể tính đếm được thời nhiếp trong ba đời, nếu nhiếp trong ba đời sao lại gọi rằng thường?

Này Thiện Nam Tử! Lại có người nói rằng luận về hư không thời lìa ba pháp, một là không, hai là thật, ba là không thật. Nếu nói là không thời nên biết rằng hư không là pháp vô thường, vì không có trong phạm vi thật. Nếu nói là thật thời nên biết hư không cũng là vô thường, vì không có trong phạm vi không. Nếu nói là không thật thời nên biết rằng hư không cũng là vô thường, vì không có trong phạm vi không. Do những nghĩa này nên trong phạm vi không là không có.

Này Thiện Nam Tử! Có người nói hư không là pháp bị làm ra, như nói bỏ cây, bỏ nhà mà làm hư không, san bằng cho trống không, che hư không, lên hư không, cùng tận hư không như nước biển cả, đo đây nên hư không là pháp bị làm ra. Tất cả pháp làm ra đều là vô thường, dường như ngói bình v.v… Hư không nếu như vậy thời phải là vô thường.

Này Thiện Nam Tử! Người đời nói trong tất cả pháp chỗkhông chướng ngại gọi đó là hư không. Chỗ không chướng ngại này nơi tất cả pháp là có tất cả hay có từng phần? Nếu là có tất cả thời những chỗ khác không có hư không. Nếu có từng phần thời là pháp kia và pháp đây có thể tính đếm. Nếu đã là tính đếm được thời là vô thường.

Có người cho rằng hư không gồm hiệp không chướng ngại cùng có chướng ngại. Và lại nói rằng hư không ở nơi sự vật như trái đựng trong bình chậu. Hai thuyết trên đều chẳng đúng. Nếu nói gồm cả hai thời có ba thứ: Một là nghiệp khác nhau mà cùng hiệp, như chim bay đậu trên cây. Hai là cộng nghiệp cùng hiệp, như hai con dê đụng nhau. Ba là đã hiệp rồi lại cùng hiệp như hai đôi ngón tay hiệp ở một chỗ.

Nếu nói nghiệp khác nhau cùng hiệp, khác nhau đây có hai: Một là nghiệp sự vật, hai là nghiệp hư không. Nếu nghiệp hư không hiệp với vật thời hư không là vô thường. Nếu nghiệp sự vật hiệp với hư không, sự vật thời chẳng cùng khắp, đã chẳng cùng khắp thời chẳng là vô thường. Nếu nói hư không là thường, tính của nó chẳng lay động mà cùng với động vật hiệp, thời không đúng nghĩa. Vì nếu hư không là thường thời vật lẽ ra cũng là thường. Nếu vật là vô thường thời hư không cũng là vô thường. Không thể nói rằng hư không cũng là thường cũng là vô thường.

Thuyết cộng nghiệp hiệp nhau cũng không đúng nghĩa. Vì hư không gọi là cùng khắp, nếu hiệp với nghiệp thời lẽ ra nghiệp cũng cùng khắp, nếu là cùng khắp thời phải khắp tất cả, nếu khắp tất cả thời lẽ ra hiệp với tất cả, chẳng nên nói rằng có hiệp cùng chẳng hiệp.

Thuyết đã hiệp rồi lại cùng hiệp như hai đôi ngón tay hiệp nhau cũng không đúng nghĩa. Vì trước không có hiệp về sau mới hiệp, trước không sau có là pháp vô thường. Nên chẳng được nói rằng hư không đã hiệp rồi lại cùng hiệp. Như các pháp trong đời trước không sau có là vô thường, nếu hư không như vậy thời cũng phải là vô thường.

Thuyết hư không ở nơi sự vật như trái đựng trong bình chậu cũng không đúng nghĩa. Vì lúc chưa có bình chậu hư không kia ở chỗ nào ?â Nếu có chỗ ở thời có nhiều hư không. Đã là nhiều sao lại nói là thường, là duy nhất, là cùng khắp. Giả sử hư không rời hư không có chỗ ở, thời sự vật lẽ ra cũng rời hư không có chỗ ở, do đây nên biết rằng không có hư không.

Này Thiện Nam Tử! Nếu cho rằng chỗ ngón tay ở gọi là hư không, theo thuyết này thời hư không là pháp vô thường, vì ngón tay có bốn phương hướng, hư không cũng phải có bốn phương, tất cả pháp thường trụ đều không có phương sở. Nếu có phương sở thời hư không là vô thường. Nếu là vô thường thời chẳng rời năm ấm. Nếu muốn rời năm ấm thời thành ra không chỗ có.

Này Thiện Nam Tử! Nếu có pháp nào do nhân duyên mà tồn tại thời pháp đó là vô thường. Như tất cả chúng sinh cùng cây cối do nơi đất mà tồn tại. Vì đất là vô thường, nên những vật trên đây cũng là vô thường. Như đất nhân nơi nước, vì nước vô thường nên đất cũng vô thường. Như nước nhân nơi gió vì gió vô thường nên nước cũng vô thường. Gió nương nơi hư không, vì hư không vô thường nên gió cũng vô thường. Sao lại nói rằng hư không là thường khắp tất cả chỗ?

Vì hư không là không chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, cũng như sừng thỏ là vật không có nên chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại. Do đây nên ta nói Phật tính thường trụ chẳng nhiếp trong ba đời. Vì hư không là không nên chẳng nhiếp trong ba đời.

Này Thiện Nam Tử! Ta trọn chẳng trái cãi với thế gian. Vì người trí nói có thời ta cũng nói có, vì người trí nói không thời ta cũng nói không.

- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát có đủ mấy pháp thời chẳng trái cãi với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm ô nhiễm?

Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát có đủ mười pháp thời được hai điều trên: Một là tín tâm, hai là có giới, ba là gần gũi bạn lành, bốn là trong tâm khéo tư duy, năm là có tinh tấn, sáu là có chính niệm, bảy là có trí huệ, tám là có chính ngữ, chín là thích chính pháp, mười là thương xót chúng sinh. Bồ Tát có đủ mười pháp này thời chẳng trái cãi với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm ô nhiễm, như hoa Ưu Bát La.

- Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói: Người trí trong đời nói có Phật cũng nói có, người trí trong đời nói không Phật cũng nói không. Những gì là có với không?

Này Thiện Nam Tử! Người trí trong đời nói sắc là vô thường khổ không vô ngã, nhẫn đến thức cũng như vậy. Đây là người trí trong đời nói có, ta cũng nói có. Người trí nói sắc chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy Đây là người trí trong đời nói không ta cũntg nói không.

- Bạch Thế Tôn! Người trí trong đời chính là Phật và Bồ Tát tất cả thánh nhân. Nếu sắc ấm của các thánh nhân là vô thường khổ không vô ngã, tại sao đức Như lai nói sắc thân của Phật là thường hằng không biến đổi. Người trí trong đời nói chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh, tại sao Đưc Như Lai nói là có. Đức Thế Tôn nói những lời như vậy sao lại nói rằntg chẳng tranh cải với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm nhiễm ô. Đức Như Lai đã lìa ba thứ điên đảo: Tưởng đảo, tâm đảo, và kiến đảo. Lẽ ra nên nói rằng sắc thân của Phật thiệt là vô thường. Nay lại nói là thường, thế nào đặng gọi là xa lìa điên đảo chẳng tranh cãi với thế gian?

Này Thiện Nam Tử! Sắc thân của phàm phu từ phiền não mà sinh, nên người trí nói săc thân là vô thường khổ không vô ngã. Sắc thân của Như Lai xa lìa phiền não, nên nói là thường hằng không biến đổi.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777504
Số người trực tuyến: