Trang 04 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 04

PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI HAI

Trang 04

Này Thiện nam tử! Do nhân duyên gì mà ngày trước ở bên sông Ni Liên, ta bảo ma Ba Tuần vì chưa có hàng đệ tử đa văn trí huệ nên Phật chẳng nhập Niết Bàn?

Lúc đó ta muốn chuyển pháp luân độ các ông Kiều Trần Như v.v…, cũng muốn độ các ông Da Xá, muốn độ bọn ông Úc Dà trưởng giả, muốn độ vua Tần Bà Ta La nước Ma Dà Đà cùng vô lượng nhân thiên, muốn độ thầy trò Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Dà Da Ca Diếp, cũng muốn độ các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v… Vì thế nên ta bảo ma Ba Tuần: Như Lai chẳng nhập Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Có Niết Bàn chẳng phải là Đại Niết Bàn. Chẳng thấy Phật tính mà dứt phiền não thời gọi là Niết Bàn chẳng phải Đại Niết Bàn. Bởi chẳng thấy Phật tính nên không có thường, ngã, chỉ có lạc và tịnh, do đây nên dầu dứt phiền não mà chẳng được gọi là Đại Niết Bàn. Nếu thấy Phật tính dứt phiền não thời gọi là Đại Niết Bàn, vì thấy Phật tính nên được gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này Thiện nam tử! “Niết” nghĩa là chẳng, “Bàn” nghĩa là dệt, nghĩa chẳng dệt gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là che, chẳng bị che bèn gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là đi đến, chẳng đi chẳng đến gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là bất định, không bất định gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là mới cũ, không mới cũ gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là chướng ngại, không chướng ngại gọi là Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Có hàng đệ tử của phái Ưu Lâu Khư, phái Ca Tỳ La nói “Bàn” là danh tướng, không danh tướng gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là có; không có thời gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là hòa hiệp; không hòa hiệp gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là khổ; không khổ gọi là Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Người dứt phiền não chẳng gọi là tu Niết Bàn, chẳng sinh phiền não thời gọi là Niết Bàn. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn chẳng khởi phiền não nên gọi là Niết Bàn. Có trí huệ ở nơi tất cả pháp không có chướng ngại thời gọi là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Đây gọi là Phật tính.

Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không.

Như Lai thường trụ không có biến đổi, đây gọi là thật tướng.

Do nghĩa này nên Như Lai thiệt chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.

Đây gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ bảy.

Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám?

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn: Trừ dứt năm việc, xa lìa năm việc, thành tựu sáu việc, tu tập năm việc, giữ gìn một việc, gần gũi bốn việc, tin thuận nhất thật, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát.

Trừ dứt năm việc, chính là trừ năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức: Năm thứ này hay làm chúng sinh sống chết nối mãi, chẳng rời gánh nặng chia lìa tụ họp, buộc ràng trong ba đời, không thể cầu tìm cho ra nghĩa lý ; do những lẽ này nên gọi là “ẤM”.

Đại Bồ Tát dầu thấy sắc ấm, nhưng chẳng thấy tướng của nó, vì trong mười món sắc suy tìm tính của nó trọn không thể được, vì thuận theo thế tục mà gọi là “ẤM”.

Có một trăm lẻ tám thứ thọ, Bồ Tát dầu thấy thọ ấm, nhưng vẫn không thấy tướng của thọ. Vì thọ dầu có một trăm lẻ tám, nhưng tất cả không có nghĩa lý quyết định thật.

Như sắc và thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Vì thấy rõ năm ấm là cội gốc sinh ra phiền não, nên Đại Bồ Tát dùng phương tiện làm cho dứt.

Đại Bồ Tát xa lìa năm việc, chính là xa lìa năm kiến chấp: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ. Do năm kiến chấp này sinh ra sáu mươi hai thứ kiến chấp. Vì những thứ kiến chấp này mà sinh tử nối mãi chẳng dứt, nên Bồ Tát ngăn ngừa không gần gũi.

Đại Bồ Tát thành tựu sáu việc, chính là thành tựu sáu chính niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niện Thiên, niệm Thí, niệm Giới.

Đại Bồ Tát tu tập năm việc, chính là tu tập năm định: Tri định, tịch định, thân tâm thọ khoái lạc định, vô lạc định, Thủ Lăng Nghiêm định. Tu tập năm thứ định tâm này thời gần với Đại Niết Bàn, vì thế nên Đại Bồ Tát chuyên cần tu tập.

Bồ Tát giữ gìn một việc, chính là giữ gìn tâm Bồ Đề. Đại Bồ Tát luôn siêng năng gìn giữ tâm Bồ Đề, như người đời săn sóc đứa con một, như người chột mắt giữ gìn một mắt còn lại, như đi giữa rừng hoang vắng giữ gìn người dẫn đường. Do gìn giữ tâm Bồ Đề mà được vô thượng Bổ Đề, do được vô thượng Bồ Đề nên có đủ thường, lạc, ngã và tịnh, chính là Đại Niết Bàn do đây nên Bồ Tát gìn giữ một tâm Bồ Đề này.

Bồ Tát gần gũi bốn việc, chính là gần bốn tâm vô lượng: Đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả: Do bốn tâm này có thể làm cho vô lượng chúng sinh phát tâm Bồ Đề, nên Bồ Tát luôn gần gũi.

Bồ Tát tin thuận nhất thật, chính là rõ biết tất cả chúng sinh đều về nơi đạo duy nhất, đạo duy nhất này là Đại Thừa. Nơi Đại Thừa này, chư Phật và Bồ Tát chia ra làm ba thừa để dụ dẫn chúng sinh.

Bồ Tát tâm thiện giải thoát chính là đã dứt hẳn tham, sân, si.

Bồ Tát huệ thiện giải thoát, chính là Đại Bồ Tát rõ biết tất cả pháp không chướng ngại. Do huệ giải thoát nên những pháp từ xưa chưa nghe mà nay được nghe, từ xưa chưa thấy mà nay được thấy, từ xưa chưa đến mà nay được đến.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật nói: “Tâm giải thoát”, xét ra không đúng nghĩa. Vì tâm vốn không hệ phược. Bản tính của tâm không bị tham, sân, si, hệ phược. Đã là vốn không hệ phược, sao lại nói là giải thoát?

Thế Tôn! Nếu bản tính của tâm chẳng bị tham kiết hệ phược, do nhân duyên gì mà có thể hệ phược được tâm? Ví như vắt sừng, vì vốn không sữa nên dầu tốn nhiều công lực vẫn không do đâu có sữa chảy ra. Nếu vắt vú bò, tốn công ít mà được nhiều sữa. Cũng vậy, tâm vốn không tham, sao nay lại có. Nếu trước vốn không mà sau mới có, thời chư Phật và Bồ Tát vốn không tham, nay đáng lẽ đều có.

Thế Tôn! Như thạch nữ vốn không con, dầu tốn nhiều công lực, nhiều nhân duyên vẫn không thể có con. Cũng vậy, tâm vốn không tham, dầu gây tạo nhiều duyên, cũng không do đâu sinh được tham.

Thế Tôn! Như dùi cây ướt không thể được lửa. Cũng vậy, dầu dùi tìm nơi tâm vẫn không thể có tham. Tại sao tham kiết hệ phược được tâm.

Thế Tôn! Ví như ép cát không thể có dầu. Cũng vậy, dầu ép nơi tâm vẫn không có tham. Phải biết rằng tham cùng tâm, lý nghĩa của hai thứ riêng khác nhau. Thiết sử có tham, đâu nhiễm ô được tâm.

Thế Tôn! Ví như đem nọc cắm giữa hư không trọn không thể đứng cứng được. Cũng vậy, đem tham cắm vào tâm, trọn không thể hệ phược được tâm, dầu dùng nhiều nhân duyên.

Thế Tôn! Nếu tâm vốn không tham mà lại gọi là giải thoát, thời chư Phật và Bồ Tát sao chẳng nhổ gai trong hư không?

Thế Tôn! Tâm quá khứ không gọi là giải thoát. Tâm vị lai cũng không giải thoát; tâm hiện tại chẳng cùng chung với đạo; thế thời tâm nào gọi là được giải thoát?

Thế Tôn! Như ngọn đèn quá khứ không thể diệt tối; ngọn đèn vị lai cũng không thể diệt tối; ngọn đèn hiện tại lại không thể diệt tối; vì sáng cùng tối, hai thứ ấy không đồng thời có. Tâm cũng như vậy, sao lại nói rằng tâm được giải thoát?

Thế Tôn! Tham cũng là có. Nếu tham là không, thời lúc thấy người nữ lẽ ra chẳng sinh tham. Nếu do người nữ mà sinh tham, thời tham là có thật. Vì có tham nên đọa ba đường ác.

Thế Tôn! Như có kẻ thấy tượng vẽ người nữ cũng sinh tham, vì sinh tham nên thành có nhiều tội lỗi. Nếu vốn không tham, tại sao thấy tướng vẽ lại sinh tham? Nếu tâm không tham, tại sao Như Lai nói Bồ Tát tâm được giải thoát? Nếu tâm có tham, sao lại phải chờ thấy người nữ rồi sau mới sinh. Người không thấy thời không sinh? Hiện tại tôi thấy có quả báo ác do tham gây ra, nên biết tham là có sân và si cũng như vậy.

Thế Tôn! Như chúng sinh có thân không ngã, mà phàm phu chấp có ngã; dầu chấp có ngã nhưng không vì thế mà đọa ba ác đạo. Tại sao người tham đối với không tướng nữ sinh tưởng là nữ mà phải đọa ba ác đạo?

Thế Tôn! Ví như dùi cây sinh lửa, nhưng tính lửa này trong các duyên đều không có, cớ gì mà được sinh ra lửa?

Thế Tôn! Cũng vậy, trong sắc không có tham, trong thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều không có tham, tại sao nơi sắc v.v… lại sinh ra tham? Nếu trong các duyên đều không có tham, tại sao riêng chúng sinh có tham, mà chư Phật và Bồ Tát không sinh tham?

Thế Tôn! Tâm cũng là bất định. Nếu tâm là nhất định thời không có tham sân si. Nếu tâm đã là bất định, sao lại nói rằng tâm được giải thoát? Tham cũng là bất định, nếu đã là bất định, tại sao lại nhân nơi tham mà sinh ra ba ác đạo? Kẻ tham cùng cảnh giới, cả hai đều bất định. Vì đồng chung duyên một cảnh sắc, hoặc sinh tham, hoặc sinh sân, hoặc sinh si. Nếu cả hai đều bất định, tại sao đức Như Lai nói rằng Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thời tâm được giải thoát?

Phật bảo Cao Quý Đức Vương Bồ Tát: Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Tâm cũng chẳng bị tham kiết hệ phược, cũng chẳng phải chẳng bị hệ phược; chẳng phải giải thoát, cũng chẳng phải giải thoát; chẳng phải có; chẳng phải không; chẳng phải hiện tại, chẳng phải quá khứ chẳng phải vị lai.

Vì tất cả pháp đều không tự tính.

Này Thiện nam tử! Có các nhà ngoại đạo cho rằng: Nhân duyên hòa hiệp thời có quả sinh ra.

Nếu trong các duyên vốn không tính sinh mà có thể sinh ra, thời hư không vốn chẳng sinh lẽ ra cũng sinh được quả. Nhưng hư không vẫn chẳng sinh vì chẳng phải là nhân.

Do vì trong các duyên vốn cá tính của quả, nên hòa hiệp thời sinh được quả.

Như người đời khi muốn xây vách thời dùng bùn đất khô dùng cọ màu, lúc muốn vẽ vời thời dùng cọ màu mà chẳng dùng cỏ cây, may áo thời dùng kim chỉ mà chẳng dùng cây bùn, cất nhà thời dùng bùn cây mà chẳng dùng kim chỉ. Người dùng đến vật đó là vì nó có thể sinh ra quả, vì sinh được quả nên biết trong các nhân tất đã có tính. Nếu là không tính, thời trong một vật lẽ ra phải xuất sinh tất cả vật.

Nếu là đáng lấy, đáng làm, đáng đem ra, nên biết rằng trong đó tất cả trước có tính của quả. Nếu là không có tính của quả thời người chẳng lấy, chẳng làm, chẳng đem ra. Chỉ có hư không là chẳng lấy, chẳng làm nên có thể xuất sinh tất cả muôn vật, do vì có nhân.

Như hột ni câu đà mọc lên cây ni câu đà; trong sửa có tính chất đề hồ; trong sợi chỉ có tính của vải; trong đất sét có tính của cái bình.

Này Thiện nam tử! Tất cả phàm phu bị vô minh làm mù lòa nên bày ra định thuyết: Sắc có nghĩa tham luyến, tâm có tính tham. Họ lại cho rằng: Tâm phàm phu có tính tham, cũng có tính giải thoát gặp duyên tham thời tâm sinh tham, nếu gặp được duyên giải thoát thời tâm giải thoát.

Những thuyết này đều không đúng nghĩa.

Có hạng phàm phu lại cho rằng: Trong tất cả nhân đều không có quả; nhân có hai thứ: Vi tế và thô đại; tế thời là thường, thô thời vô thường. Từ nhân vi tế chuyển thành nhân thô, từ nhân thô này lại chuyển thành quả. Vì nhân thô vô thường nên quả cũng vô thường.

Có hạng phàm phu lại cho rằng: Tâm không có nhân, tham cũngkhông có nhân, do thời tiết thời sinh tâm tham.

Vì không biết được tâm nhân duyên, nên những hạng này luân hồi trong sáu đường, chịu đủ mọi sự sinh tử.

Ví như con chó bị xiềng, trọn ngày đi quanh cột không thể thoát lìa. Cũng vậy, tất cả phàm phu bị xiềng vô minh cột vào cột sinh tử, cứ vòng quanh mãi ở hai mươi lăm cõi không thoát ly được.

Ví như có kẻ sa vào hầm xí, đã được ra khỏi rồi lại té vào hầm. Như người bệnh được lành trở lại làm nhân cho bệnh. Như người đi đường xa gặp chỗ hoang vắng, đã đi qua được rồi trở lại nữa. Như đã tắm rửa sạch sẽ trở lại lấy bùn đất trét vào. Cũng vậy, tất cả phàm phu đã được thoát khỏi cõi Vô Sở Hữu, chỉ chưa thoát khỏi cõi Phi Phi Tưởng, trở lại sa vào đến ba ác đạo. Vì tất cả phàm phu chỉ biết quán sát nơi quả, mà chẳng suy gẫm nhân duyên.

Như con chó đuổi theo cục đất chẳng chạy theo người. Cũng vậy, hạng phàm phu chỉ nhìn nơi quả mà chẳng nhìn nơi nhân duyên. Do chẳng thấy biết nhân duyên nên từ cõi Phi Phi Tưởng sa đến ba ác đạo.

Này Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không bảo nhất định rằng: Trong nhân có quả, trong nhân không quả, trong nhân cũng có cũng không quả, trong nhân chẳng phải có chẳng phải không quả.

Nếu kẻ nào cho rằng trong nhân quyết định có quả, không quả, cũng có cũng không quả, chẳng phải có chỗ phải không quả, nên biết rằng đây là bè lũ của ma, là thuộc về loài ma là người tham ái, chẳng thể dứt hẳn sự hệ phược của sinh tử, người này chẳng rõ biết tâm tướng và tham tướng.

Này Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát hiển bày lý trung đạo: Dầu nói các pháp là chẳng phải có, chẳng phải không, nhưng chẳng quyết định. Vì nhân nơi nhãn, sắc, minh, tâm và niệm mà có thức sinh ra. Thức này quyết định chẳng ở trong nhãn, chẳng ở trong sắc, chẳng ở trong minh, chẳng ở trong tâm, chẳng ở trong niệm, cũng chẳng ở chặn giữa, chẳng phải có chẳng phải không. Vì từ các duyên sinh ra nên gọi là có. Vì không tự tính nên gọi là không. Do đây nên Như Lai nói các pháp là chẳng phải có chẳng phải không.

Này Thiện nam tử! Chư Phật và Bồ Tát trọn không quyết định nói tâm có tính thanh tịnh và tính chẳng thanh tịnh, tính tịnh cùng bất tịnh, vì tâm vốn vô trụ.

Do từ nơi duyên sinh ra nên nói là chẳng phải không, lại vì vốn không có tính tham nên nói là chẳng phải có.

Này Thiện nam tử! Do từ nơi nhân duyên mà tâm sinh ra tham, do từ nơi nhân duyên mà tâm được giải thoát. Nhân duyên có hai thứ: Một là theo sinh tử, hai là theo Đại Niết Bàn.

Này Thiện nam tử! Vì có nhân duyên mà tâm cùng với tham sinh ra, chung với tham cùng diệt, có nhân duyên tâm cùng với tham sinh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Có nhân duyên tâm chẳng cùng với tham sinh mà chung với tham cùng diệt. Có nhân duyên tâm chẳng cùng với tham sinh cũng chẳng cùng với tham diệt.

Này Thiện nam tử! Có hạng phàm phu chưa dứt tâm tham, huân tập tâm tham, những kẻ này, tâm của họ chung với tham cùng sinh cùng diệt.

Như chúng sinh cõi dục, tất cả đều có khí vị sơ thiền, hoặc tu hay chẳng tu, gặp nhân duyên thời bèn được; nơi đây nói nhân duyên chính là cho hỏa tai. Cũng vậy, tất cả phàm phu hoặc huân tập hay không huân tập, tâm của họ chung với tham cùng sinh, chung với tham cùng diệt, vì họ chẳng dứt tham vậy.

Hàng Thanh Văn vì có nhân duyên nên sinh tâm tham, vì sợ tâm tham nên tu tập quán bạch cốt, đây gọi là tâm cùng tham sinh mà chẳng cùng tham diệt. Lại hàng Thanh Văn chưa chứng quả A La Hán vì có nhân duyên nên sinh tâm tham, lúc đã chứng A La Hán thời tham liền diệt, đây cũng gọi là tâm cùng tham sinh mà chẳng chung với tham cùng diệt. Đại Bồ Tát lúc chứng bậc Bất Động cũng như vậy.

Thế nào là tâm chẳng cùng tham sinh mà chung với tham cùng diệt?

Đại Bồ Tát đã dứt tâm tham, vì độ chúng sinh mà thị hiện có tham, vì thị hiện nên có thể làm cho vô lượng chúng sinh học tập thành tựu pháp lành. Đây gọi là tâm chẳng cùng tham sinh mà với tham cùng diệt.

A La Hán, Duyên Giác, Chư Phật, Chư Bồ Tát trừ Bất Động Địa, gọi là tâm chẳng chung với tham cùng sinh cùng diệt.

Do những nghĩa trên đây, nên chư Phật và Bồ Tát chẳng quyết định nói tâm tính vốn thanh tịnh, tâm tính vốn không thanh tịnh.

Này Thiện nam tử! Tâm này chẳng cùng với tham hòa hiệp, cũng chẳng cùng với sân, si hòa hiệp.

Như mặt trời, mặt trăng, dầu bị khói bụi mây mù và La Hầu A Tu La che chướng, làm cho chúng sinh không thấy, nhưng tính mặt trời mặt trăng trọn chẳng cùng hòa hiệp với năm thứ ấy.

Cũng vậy, dầu do nhân duyên mà tâm sinh tham, nhưng thật ra tâm tính chẳng cùng tham hòa hiệp.

Nếu là tâm tham thời chính là tính tham. Nếu là tâm chẳng tham thời chính là tính chẳng tham. Tâm chẳng tham không thể làm tham. Tâm tham không thể chẳng tham.

Do nghĩa trên đây nên kiết sử tham dục không thể làm nhiễm ô được tâm.

Chư Phật và Bồ Tát đã phá hẳn tham kiết, nên gọi là tâm được giải thoát.

Tất cả chúng sinh vì do nhân duyên mà sinh tham kiết, vì do nhân duyên mà được giải thoát.

Này Thiện nam tử! Như núi Tuyết, chỗ cao vót. Người cùng khỉ vượn đều không đi được, hoặc có chỗ vượn đi được mà người không đi được, hoặc có chỗ vượn cùng người đều đi được.

Chỗ mà người cùng vượn đều đi được đó, như thợ săn dùng keo nhựa bày trên bàn để bắt vượn. Vì ngu si, vượn đến lấy bàn tay rờ bóc, tay dính vào nhựa. Muốn gỡ tay, vượn dùng chân đạp, lại dính luôn chân. Muốn gỡ chân, vượn dùng miệng cạp, lại dính cả miệng. Hai tay, hai chân cùng miệng của vượn đều dính khắn vào nhựa không thể thoát được. Bấy giờ thợ lấy gậy xỏ vượn mang về nhà.

Chỗ cao vót của núi Tuyết dùng dụ cho chính đạo của Phật và Bồ Tát chứng. Khỉ vượn dụ cho phàm phu. Thợ săn dụ cho ma Ba Tuần. Keo nhựa dụ cho tham dục.

Người cùng khỉ vượn đều không thể đi là dụ cho phàm phu và Ma Vương Ba Tuần đều không thể đi đến.

Khỉ vượn đi được mà người thời không, dụ hàng ngoại đạo, có trí huệ, các ác ma dù có dùng ngũ dục cũng không hệ phược được họ.

Người cùng khỉ vượn đều đi được là dụ cho tất cả phàm phu cùng ma Ba Tuần luôn ở trong sinh tử không thể tu hành. Hàng phàm phu bị ngũ dục hệ phược nên ma Ba Tuần tha hồ mang đi. Như thợ săn kia bắt khỉ vượn mang về nhà.

Này Thiện nam tử! Như Quốc Vương ở trong nước mình thời thân tâm an lạc, nếu qua đến nươc khác thời tất phải gặp nhiều sự khổ não. Cũng vậy, tất cả chúng sinh nếu có thể tự trụ nơi cảnh giới của mình thời được an lạc, nếu đến cảnh giới khác tất gặp ác ma bị những khổ não.

Tự cảnh giới là chỉ tứ niệm xứ. Cảnh giới khác là nói ngũ dục.

Thế nào gọi là hệ thuộc nơi ma? Có những chúng sinh nơi vô thường thấy là thường, nơi thường lại thấy là vô thường; nơi khổ thấy là lạc, nơi lạc lại thấy là khổ; nơi bất tịnh thấy là tịnh, nơi tịnh lại thấy là bất tịnh; nơi vô ngã thấy là ngã, nơi ngã lại thấy là vô ngã. Nơi chẳng phải giải thoát thấy là giải thoát nơi thiệt giải thoát lại thấy là chẳng giải thoát. Nơi chẳng phải thừa thấy là thừa, nơi thừa lại thấy là chẳng phải thừa. Những hạng này gọi là kẻ hệ thuộc nơi ma. Phàm kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.

Này Thiện nam tử! Nếu thấy các pháp thiệt có tướng nhất định là tổng là biệt, nên biết rằng người này lúc thấy sắc liền chấp tướng sắc, nhẫn đến lúc thấy thức cũng chấp tướng thức. Lúc thấy nam nữ, nhật , nguyệt, ấm, nhập, giới v.v…liền chấp tướng nam, tướng nữ nhẫn đến tướng nhập, tướng giới. Kẻ có kiến chấp này gọi là hệ thuộc nơi ma. Kẻ hệ thuộc nơi ma thời tâm họ không thanh tịnh.

Này Thiện nam tử ! Nếu thấy ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, sắc thuộc nơi ngã ; nhẫn đến thấy ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức, thức thuộc nơi ngã. Kiến chấp này hệ thuộc nơi ma, người này không phải đệ tử Phật.

Này Thiện nam tử! Hàng Thanh Văn đệ tử của ta xa lìa mười hai bộ kinh của Như Lai, mà tu tập theo sách vở của những ngoại đạo, chẳng tu công hạnh tịch diệt xuất gia, thuần kinh doanh sự vụ tại gia thế tục. Những gì là sự vụ tại gia thế tục? Nhận chứa tất cả vật bất tịnh, tôi tớ, ruộng, nhà, voi, ngựa, xe cộ, đà, lừa, gà, chó, khỉ, vượn , heo, dê, các thứ lúa bắp; xa lìa sư trưởng, chúng Tăng, gần gũi cư sĩ bạch y, trái phản Thánh giáo. Bảo hàng bạch y rằng: Đức Phật cho phép Tỳ Kheo nhận chứa những vật bất tịnh. Đây gọi là sự vụ tại gia.

Có các đệ tử chẳng vì Niết Bàn, chỉ vì lợi dưỡng mà nghe thọ mười hai bộ kinh, ăn dùng của thường trụ như của riêng mình, tham tiếc nhà người cùng danh tiếng, gần gũi Quốc Vương và các Vương Tử, bói xủ lành dữ, suy tính đầy vơi, bài bạc, thân thiện Tỳ Kheo Ni cùng các xử nữ, chứa hai hạng sa di, thường đến nhà hàng thịt, thợ săn, quán rượu, và chổ ở của Chiên Đà La, buôn bán các loại, tự tay làm đồ ăn, nhận đi xứ lân quốc, lãnh lịnh đi thơ. Nên biết rằng người như trên đây là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử Phật. Do nhân duyên này mà tâm cùng tham chung sinh, chung diệt. Sân và si cũng như vậy.

Này Thiện nam tử! Do đây nên tâm tính chẳng phải tịnh, cũng chẳng phải bất tịnh. Vì thế nên ta nói rằng tâm được giải thoát.

Nếu có người không nhận, không chứa tất cả vật bất tịnh, vì Đại Niết Bàn mà thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, biên chép giải thuyết. Nên biết rằng người này thật là đệ tử Phật. Người này không đi nơi cảnh giới của ác ma Ba Tuần. Người này chính là tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì tu tập nên chẳng cùng tham mà sinh, cũng chẳng cùng với tham mà diệt.

Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tám.

Thế nào là thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín?

Này Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, đầu tiên phát năm điều thời được thành tựu phần công đức này: Một là tín tâm; hai là trực tâm; ba là giới; bốn là gần gũi bạn lành, năm là học rộng nghe nhiều.

Thế nào là tín tâm?

Bồ Tát tin nơi TAM BẢO, bố thí cúng dường thời có quả báo. Tin nơi hai đế lý, đạo nhất thừa không có nẻo nào khác, vì muốn chúng sinh mau được giải thoát mà chư Phật và Bồ Tát phân biệt làm ba thừa. Tin đế lý đệ nhất nghĩa. Tin thiện phương tiện: Đây gọi là tin.

Người có lòng tin như trên đây, không ai phá hoại được. Do đức tin này mà được tính thánh nhân. Người này tu hành bố thí không luận ít nhiều đều được gần nơi Đại Niết Bàn, chẳng đọa nơi sinh tử. Như bố thí, trì giới , đa văn và trí huệ cũng vậy. Dầu có tín tâm này nhưng cũng chẳng chấp. Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thành tựu điều ban đầu.

Thế nào là trực tâm?

Đại Bồ Tát đối với chúng sinh, có lòng chất trực.

Tất cả chúng sinh, nếu gặp nhân duyên thời móng lòng dua vạy. Bồ Tát thời không như vậy, vì hiểu rõ các pháp đều là nhân duyên. Bồ Tát dầu thấy chúng sinh có những lỗi lầm, mà trọn không nói đến, vì sợ sinh phiền não, nếu sinh phiền não thời phải đọa ác thú.

Bồ Tát này nếu thấy chúng sinh có chút ít điều lành liền tán thán đó. Gì là lành ? Chính là Phật tính. Do Bồ Tát tán thán Phật tính nên chúng sinh phát tâm Bồ Đề.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Như đức Phật vừa nói: Bồ Tát tán thán Phật tính làm cho chúng sinh phát tâm Bồ Đề. Lời đây không đúng nghĩa. Vì đức Như Lai lúc mới khai kinh Niết Bàn nói có ba hạng: Một là nếu có người bệnh gặp được thầy giỏi thuốc hay, người khán bệnh khéo thời được lành mạnh, nếu không đuợc như trên thời bệnh không lành; hai là được gặp hay không được gặp đều không được lành; ba là được gặp hay không được gặp bệnh đều lành.

Tất cả chúng sinh cũng có ba hạng như vậy: Một là hạng gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, nghe nói diệu pháp thời được phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp thời không phát, đây là chỉ cho các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.

Hai là hạng dầu được gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, được nghe diệu pháp cũng chẳng phát tâm Bồ Đề, đây là nói hạng Nhất Xiển Đề.

Ba là hạng hoặc gặp hay chẳng gặp, tất cả đều có thể phát tâm Bồ Đề, đây là nói Bồ Tát.

Nếu đã nói rằng gặp cùng chẳng gặp tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề, giờ đây tại sao đức Như Lai lại nói: Do tán thán Phật tính làm cho chúng sinh phát tâm vô thượng Bồ Đề?

Thế Tôn! Nếu nói rằng gặp cùng chẳng gặp đều không thể phát tâm Bồ Đề cả, lời này cũng không đúng nghĩa, vì hạng này sẽ được vô thượng Bồ Đề. Hạng Nhất Xiển Đề do vì có Phật tính, nên hoặc được gặp hay không được gặp, cũng đều sẽ được vô thượng Bổ Đề.

Thế Tôn! Như đức Phật định nghĩa Nhất Xiển Đề là dứt thiện căn, cũng không đúng. Vì hạng này không dứt Phật tính. Cứ lý thời Phật tính không thể dứt, sao đức Phật nói là dứt thiện căn?

Như trong mười hai bộ kinh của Phật nói ngày trước, có hai thứ thiện căn: Thường và vô thường. Thiện căn thường thời không dứt, còn vô thường thời dứt.

Thiện căn vô thường có thể dứt nên đọa địa ngục. Còn thường chẳng thể dứt, cớ sao đức Phật chẳng có lời ngăn?

Chẳng dứt Phật tính chẳng phải nhất xiển đề, cớ sao đức Phật lại nói là nhất xiển đề?

Thế Tôn! Nếu nhân Phật tính mà phát tâm vô thượng Bồ Đề, cớ sao Như Lai lại vì chúng sinh nói rộng mười hai bộ kinh?

Thế Tôn! Như bốn con sông lớn từ ao A Na Bà Đạp Đa chảy ra, nếu có trời, người, cùng chư Phật cũng không thể bảo rằng nước sông lớn này không chảy vào biển cả sẽ trở lại nguồn.

Cũng vậy, người có Phật tính, không luận nghe pháp hay không nghe, có giới hay không giới, có bố thí hay không bố thí, có tu hay không tu, có trí hay không trí, tất cả lẽ ra đều được vô thượng Bồ Đề.

Thế Tôn! Như từ núi A Đà Diên, mặt trời mọc lên đến hướng chính nam, không bao giờ mặt trời có thể nghĩ rằng ta không đến hướng Tây, ta trở lại phương Đông. Cũng vậy, đã có Phật tính không có lẽ chẳng được vô thượng Bồ Đề mặc dầu không nghe pháp, không trì giới, không bố thí, không tu, không trí huệ.

Thế Tôn! Như Lai nói tính nhân quả là chẳng phải có chẳng phải không. Nghĩa này cũng chẳng đúng.

Vì như trong sữa không có tính của chất lạc, thời tất không có lạc. Như hột ni câu đà không có tính cây năm trượng cao, thời tất không mọc lên cây cao năm trượng. Nếu trong Phật tính không có cội vô thượng Bồ Đế, sao lại có thể sinh cội Bồ Đề vô thượng. Cứ như nghĩa này, thời làm sao hiệp với nghĩa nhân quả chẳng phải có chẳng phải không của Phật đã nói?

Đức Thế Tôn tán thán rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm: Một là người không phạm tội ác; hai là người có tội biết hối cải.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là làm ơn; hai là nhớ ơn.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là học hỏi điều mới; hai là ôn nhuần điều học cũ không quên.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là tạo ra mới, hai là tu sửa chỗ cũ.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là thích nghe pháp; hai là thích thuyết pháp.

Lại có hai hạng người rất hi hữu: Một là khéo gạn hỏi; hai là khéo giải đáp.

Người khéo gạn hỏi chính là ông vậy. Người khéo giải đáp chính là Như Lai vậy.

Này Thiện nam tử! Do nơi khéo gạn hỏi bèn chuyển được pháp luân vô thượng, có thể làm khô cây do mười hai nhân duyên, có thể qua khỏi sông lớn sinh tử vô biên, có thể chiến đấu với ma vương Ba Tuần, có thể xô ngã thắng tràng của Ba Tuần dựng.

Này Thiện nam tử! Như trước kia Phật nói ba hạng bệnh nhân, hạng gặp thầy giỏi, thuốc hay, khán bệnh khéo, cùng không gặp đều được lành mạnh, đó là vì thọ mạng quyết định, do vì người này trong vô lượng đời đã tu ba thứ thiện căn: Thượng, Trung và Hạ, nên được thọ mạng quyết định. Như người Uất Đơn Việt tuổi thọ ngàn năm, nếu mắc phải bệnh, dầu gặp thầy gặp thuốc được săn sóc kỹ, cùng không gặp đều sẽ được lành mạnh cả, vì họ đã được tuổi thọ quyết định.

Hạng bệnh nhân nếu gặp thầy giỏi thuốc hay, khán bệnh khéo thời được lành, bằng không gặp thời chẳng lành, đây là những người thọ mạng không quyết định. Hạng người này dầu thọ mạng chưa hết, song có chín nhân duyên có thể làm họ chết yểu: Một là biết ăn sẽ không ăn mà cứ ăn, hai là ăn quá nhiều; ba là ăn chưa tiêu mà lại ăn nữa; bốn là đại tiểu không điều hòa; năm là lúc bệnh không nghe theo lời chỉ dẫn của y sĩ; sáu là chẳng nghe lời dặn bảo của người khán bệnh; bảy là cố nín nhẫn không chịu ói; tám là đi đêm, vì đi đêm sẽ bị ác quỷ, ác trùng làm hại; chín là phòng thất quá độ. Do đây nên Phật nói hạng bệnh nhân này gặp thầy gặp thuốc thời lành, nếu không gặp thời không lành.

Hạng bệnh nhân gặp thầy gặp thuốc hay không gặp đều không được lành mạnh, đây là những người tuổi thọ đã hết.

Chúng sinh cũng như vậy. Người phát tâm Bồ Đề, nếu gặp bạn lành, chư Phật, Bồ Tát, được học hỏi pháp cao sâu, hoặc không được gặp được học, tất cả đều sẽ được thành, vì người này đã có thể phát tâm vô thượng Bồ Đề. Như người Uất Đơn Việt có thọ mạng quyết định.

Hàng nhị thừa từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, nếu được nghe thiện hữu, Chư Phật, Bồ Tát giảng nói pháp Đại Thừa thời có thể phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp không nghe thời không thể phát tâm Bồ Đề vô thượng. Như người thọ mạng không quyết định, do chín duyên làm cho họ phải yểu thọ, nếu gặp Thầy gặp thuốc thời lành, không gặp thời bệnh không lành.

Hạng nhất xiển đề, dầu có gặp thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, có nghe pháp cao sâu, hay không nghe không gặp, đều không thể lìa tâm nhất xiển đề, vì họ đã dứt thiện căn. Hạng nhất xiển đề cũng được thành vô thượng Bồ Đề, vì nếu có thể phát tâm Bồ Đề vô thượng thời chẳng còn gọi là nhất xiển đề.

Này Thiện nam tử! Tại sao nói hạng nhất xiển đề được vô thượng Bồ Đề?

Hạng nhất xiển đề, thật ra không thể được vô thượng Bồ Đề, như người tuổi thọ đã hết, dầu gặp thầy gặp thuốc, cũng không lành bệnh được.

Này Thiện nam tử! “Nhất Xiển” gọi “Tín”, “Đề” là bất cụ, bất cụ tín gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là tín; chúng sinh chẳng phải là cụ; bởi bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất Xiển” gọi là thiện phương tiện; “Đề” là bất cụ, vì tu thiện phương tiện chẳng đầy đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là tu thiện phương tiện; chúng sinh chẳng phải là cụ ;l bởi bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất xiển” gọi là tiến: “Đề” là bất cụ; vì tinh tiến chẳng đầy đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là tiến; chúng sinh chẳng phải là cụ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất Xiển”gọi là niệm; “Đề” là bất cụ; vì niệm chẳng đầy đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là niệm, chúng sinh chẳng phải là cụ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất Xiển” gọi là định, “Đề” là bất cụ; vì định chẳng đầy đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là định; chúng sinh chẳng phải là cụ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất Xiển” gọi là huệ; “Đề” là bất cụ; vì huệ chẳng đầy đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính chẳng phải là huệ  chúng sinh chẳng phải là cụ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.

“Nhất Xiển” gọi là vô thường thiện; “‘Đề” là bất cụ; vì vô thường thiện chẳng đủ nên gọi là nhất xiển đề.

Phật tính là thường, chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện. Vì thiện pháp là từ phương tiện mà được, mà Phật tính chẳng phải từ phương tiện được, nên gọi là chẳng phải thiện.

Do Phật tính có thể được thiện quả vô thượng Bồ Đề, nên nói là chẳng phải bất thiện.

Lại vì thiện pháp sinh rồi mà được, còn Phật tính không phải sinh rồi mà được nên nói là chẳng phải thiện.

Bởi dứt cả thiện pháp sinh và được, nên gọi là nhất xiển đề.

Này Thiện nam tử! Như ông gạn hỏi nếu nhất xiển đề có Phật tính, tại sao không ngăn tội địa ngục?

Này Thiện nam tử! Trong nhất xiển đề không có Phật tính.

Ví như nhà vua nghe tiến đàn véo von thánh thót, quá thích thú say sưa, bèn bảo đại thần: Tiếng quá hay như thế từ đâu mà có?

Đại thần tâu là từ cây đàn phát ra tiếng ấy.

Nhà vua truyền đem đàn đến trước mặt, rồi bảo cây đàn kêu đi! Kêu đi! Cây đàn vẫn không kêu. Nhà vua bèn bứt dây, rọc da, chẻ cây, tìm mãi vẫn không có tiếng. Nhà vua nổi giận trách đại thần là tâu dối.

Đại thần phân trần: Nếu muốn cho đàn kêu ra tiếng thời phải khéo khảy đánh, chớ không phải làm cách như vậy.

Phật tính của chúng sinh cũng như vậy, vốn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thời thấy được. Vì được thấy nên được vô thượng Bồ Đề.

Hạng nhất xiển đề không thấy Phật tính, làm thế nào ngăn được tội ba ác đạo!

Này Thiện nam tử! Nếu nhất xiển đề tin có Phật tính, nên biết rằng người này không bị sa vào ba ác đạo, cũng chẳng còn gọi là nhất xiển đề.

Này Thiện nam tử ! Như lời ông gạn, nếu trong sữa không có tính của chất lạc thời lẽ ra chẳng có lạc; nếu trong hột Ni Câu Đà không có tính cao năm trượng thời lẽ ra không mọc lên cây cao năm trượng?

Kẻ ngu si mới nói như thế, người trí không bao giờ nói như thế, vì là không có tính vậy.

Này Thiện nam tử! Nếu trong sữa có tính của chất lạc lẽ ra chẳng cần nhờ công lực các duyên. Như nước và sữa trộn lộn, rồi nằm chờ đến mãn tháng trọn không thành lạc. Nếu dùng một giọt sữa rồi tìm nước cây nhễu vào bèn thành lạc. Nếu vốn đã có lạc sao lại phải nhờ duyên.

Phật tính của chúng sinh cũng như vậy, nhờ các duyên thời được thấy, nhờ các nhân duyên thành vô thượng Bồ Đề. Nếu phải chờ các nhân duyên rồi sau mới thành thời chính là vô tính vậy. Do vô tính nên có thể thành vô thượng Bồ Đề.

Này Thiện nam tử! Do cớ trên đây nên Đại Bồ Tát thường tán thán điều lành của người, chẳng rao nói lỗi xấu của kẻ khác, đây gọi là chất trực tâm.

Lại thế nào là Bồ Tát có tâm chất trực? Bồ Tát thường không phạm lỗi ác. Thiết sử có lầm lỗi thời liền sám hối với thầy, với bạn đồng học, trọn chẳng che giấu. Tự hổ thẹn, tự trách, chẳng dám tái phạm. Nơi tội khinh xem dường rất nặng. Nếu người gạn hỏi liền đáp rằng thiệt có phạm, là chẳng tốt, là chẳng lành, tội này là quả ác, là chính tôi gây tạo đây là do phiền não cấu tập. Do trực tâm nên tin có Phật tính, vì tin Phật tính nên không gọi là nhất xiển đề. Do trực tâm nên gọi là đệ tử Phật. Nếu lãnh thọ đồ cúng dường của người, dầu mỗi thứ cả ngàn muôn cũng chẳng đủ làm nhiều.

Đây gọi là Bồ Tát tâm chất trực.

Thế nào là Bồ Tát tu trì giới luật?

Bồ Tát tu trì cấm giới, chẳng cầu sinh thiên, chẳng vì khủng bố, nhẫn đến chẳng thọ cẩu giới, kê giới, ngưu giới, trĩ giới. Chẳng thật hành phá giới, giới khuyết điểm, giới tỳ vết, giới tạp, giới Thanh Văn, mà thọ trì giới Đại Bồ Tát, thọ trì giới Thi La Ba La Mật được giới đầy đủ chẳng sinh kiêu mạn.

Đây gọi là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên công hạnh thứ ba là giới.

Thế nào là Bồ Tát gần gũi thiện hữu?

Đại Bồ Tát thường vì chúng sinh nói thiện đạo chẳng nói ác đạo. Nói ác đạo chẳng phải quả báo lành tốt.

Này Thiện nam tử! Thân của Phật đây là chân thiện tri thức của tất cả chúng sinh, vì thế nên có thể dứt tà kiến của Bà La Môn Phú Dà La. Nếu có chúng sinh nào gần gũi Phật, dầu có tội địa ngục cũng liền được sinh thiên, như gã Tu Na Sát Đa La v.v… đáng lẽ đọa địa ngục, do gặp được Phật tội liền tiêu trù mà sinh lên trời cõi sắc.

Dầu có các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…, nhưng chẳng gọi là chân thiện tri thức của chúng sinh, vì các ông ấy là nhân duyên sinh tâm nhất xiển đề vậy.

Này Thiện nam tử! Ngày trước lúc Phật ở nước Ba La Nại, ông Xá Lợi Phất có dạy hai đệ tử: Một người tu bạch cốt quán, một người tu sổ tức quán. Trải qua nhiều năm tu tập, cả hai người đều không được chính định bèn sinh tà kiến cho rằng không Niết Bàn vô lậu, giả sử có thời chúng tôi đã được, vì chúng tôi khéo trì giới, tinh tấn tu.

Phật rõ việc này bèn gọi Xá Lợi Phất mà quở rằng: Ông không khéo dạy dỗ. Sao ông thuyết pháp điên đảo cho hai đệ tử như vậy. Hai đệ tử của ông đó, căn tính đều khác nhau: Một người vốn là thợ giặt, một người vốn là thợ kim hoàn. Thợ kim hoàn nên truyền pháp sổ tức quán, người thợ giặt phải dạy bạch cốt quán. Vì ông dạy lầm nên làm cho cả hai sinh tà kiến.

Quở xong, Phật chỉ dạy cho hai người đệ tử tu quán như đã bảo với ông Xá Lợi Phất. Sau đó hai người đều chứng quả A La Hán. Vì thế nên Phật là chân thiện tri thức của tất cả chúng sinh.

Giả sử có chúng sinh nào kiết sử cực trọng mà được gặp Phật, Phật liền dùng phương tiện dứt trừ được cả.

Như em Phật, ông Nan Đà, có dục vọng rất nặng, Phật dùng phương tiện khéo làm cho Nan Đà hết dục vọng.

Như gã Ươn Quật Ma La có lòng sân rất nặng, do gặp Phật mà hết sân.

Vua A Xà Thế có ngu si dày, đến ra mắt Phật liền hết ngu si.

Như trưởng giả Bà Hi Dà từ vô lượng kiếp quen tập phiền não rất nặng, quy y với Phật liền sạch phiền não.

Giả sử có kẻ tệ ác hèn hạ, được gần gũi Phật làm đệ tử, thời tất cả trời người đều cung kính mến tưởng.

Ông Thi Hội Cúc Đa tà kiến rất nặng, nhân gặp Phật mà hết tà kiến.

Do gặp Phật nên tiêu tội địa ngục thành duyên sinh thiện, như gã chiên đà la Khí Hứ.

Do gặp Phật, nên lúc sắp chết trở lại được sống lâu, như Thiên Đế Kiều Thi Ca.

Do gặp Phật, nên hết điên cuồng, như Sấu Cù Đàm Di.

Do gặp Phật, nên bỏ nghề giết thịt, như Tỳ Kheo Xiển Đề.

Do gặp Phật, nên thà chết chớ không phạm cấm giới, như các Tỳ Kheo bị trói bằng dây cỏ tươi.

Do nghĩa trên đây, nên A Nan nói nửa phần phạm hạnh là thiện tri thức, Phật bảo là không phải. Đầy đủ phạm hạnh mới gọi là thiện tri thức.

Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ tư là gần gũi thiện tri thức.

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đa văn?

Đại Bồ Tát vì Đại Niết Bàn, mười hai bộ kinh mà biên chép, đọc tụng, giải thuyết, thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.

Trừ mười một bộ kinh, chỉ thọ trì , đọc tụng, biên chép, giải thuyết bộ Tỳ Phật Lược, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.

Trừ cả mười hai bộ kinh, nếu có thể thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải thuyết kinh điển vi diệu Đại Niết Bàn này thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.

Không đợi thọ trì toàn bộ kinh này, chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, hoặc chỉ có thể thọ trì câu Như Lai thường trụ tính không biến đổi ; đây gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.

Không đợi như trên, hoặc chỉ biết rằng Như Lai thường không thuyết pháp, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn, vì pháp vốn vô tính. Như Lai dầu giảng nói tất cả pháp nhưng thường không chỗ n ói.

Đây gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ năm là đầy đủ đa văn.

Này Thiện nam tử! Nếu có nam tử cùng nữ nhân nào vì Đại Niết Bàn mà trọn nên năm điều như trên thời làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, thí được việc khó thí.

Thế nào Bồ Tát làm được việc khó làm?

Nếu nghe có người mỗi ngày ăn một hột mè mà được thành vô thượng Bồ Đề, vì tin theo đây, Bồ Tát có thể trong vô lượng vô số kiếp, mỗi ngày thường ăn một hột mè.

Nếu nghe rằng vào lửa mà được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát có thể trong vô lượng kiếp vào trong lửa dữ ở ngục A Tỳ.

Thế nào là Bồ Tát nhẫn được việc khó nhẫn?

Nếu nghe rằng chịu những đau khổ: Tay đánh gậy đập, đá ném, dao chém mà được Đại Niết Bàn, Bồ Tát có thể chịu đủ tất cả sự khổ ấy trong vô lượng kiếp mà không thấy là đau khổ.

Thế nào là Bồ Tát thí được việc khó thí?

Nếu nghe rằng đem vợ con, nhà nước, đầu mắt tủy não bố thí cho người thời được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát liền ở trong vô lượng vô số kiếp đem những thứ ấy bố thí cho người, không một niệm hối tiếc.

Bồ Tát dầu làm, dầu nhẫn, dầu bố thí như vậy, song trọn không có quan niệm rằng tôi làm, tôi nhẫn, tôi bố thí.

Ví như cha mẹ chỉ có một con trai, rất mến yêu con, cho con ăn ngon mặc đẹp. Nếu bị con khinh khi mắng hỗn, cha mẹ cũng không hờn giận, cũng chẳng nghĩ công nuôi dưỡng.

Cũng vậy, Bồ Tát xem chúng sinh như con một.

Nếu con phải bệnh, thời cha mẹ cũng bệnh, lo tìm thầy chạy thuốc; khi con đã được lành mạnh, cha mẹ cũng chẳng nghĩ rằng ta lo chạy chữa cho con.

Cũng vậy, Bồ Tát thấy chúng sinh bị mắc bệnh phiền não, thương xót đem chính pháp dạy cho. Nhờ nghe chính pháp mà chúng sinh dứt được phiền não. Bồ Tát trọn không nghĩ rằng ta làm cho chúng sinh hết phiền não. Nếu có quan niệm chúng sinh được độ thời không thể thành vô thượng Bồ Đề. Chỉ có quan niệm rằng không có một chúng sinh nào được nghe ta thuyết pháp mà dứt phiền não.

Bồ Tát đối với chúng sinh không có lòng sân hận, không có lòng hỷ lạc, vì Bồ Tát khéo tu tập không tam muội. Nếu là tu tập không tam muội, thời Bồ Tát còn sinh sân, sinh hỷ đối với ai?

Ví như cụm rừng kia bị người chặt đốn, bị lửa cháy, bị nước ngập, cụm rừng sẽ sinh sân hỷ với ai? Cũng vậy, đối với chúng sinh Bồ tát không có lòng sân hỷ, vì đã khéo tu tập không tam muội vậy .

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả các pháp là tính nó tự không, hay là vì không, không nên không?”.

Nếu tính nó tự không thời chẳng nên tu không rồi sau mới thấy được không. Tại sao đức Như Lai nói do tu không mà được thấy không?

Nếu tính nó tự chẳng không, thời dầu có tu không, cũng chẳng thể làm cho nó thành không?

Phật bảo: “Này Thiện nam tử! Tất cả các pháp tính của nó tự không, vì tính của tất cả pháp vốn là bất khả đắc vậy.

Như sắc tính bất khả đắc. Thế nào là sắc tính? Xét nơi sắc, chẳng phải là địa, thủy, hỏa, phong, cũng chẳng rời ngoài địa, thủy, hỏa, phong; chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, cũng chẳng rời ngoài xanh, vàng, đỏ, trắng; chẳng phải có, chẳng phải không, đâu có thể nói là sắc có tự tính. Vì tính bất khả đắc nên gọi là không.

Tất cả pháp khác cũng như vậy.

Bởi tương tự tương tục nên phàm phu theo kiến thức của mình mà cho là các pháp tính chẳng không tịch. Còn Đại Bồ Tát nhờ đầy đủ năm công hạnh nên thấy tất cả pháp, tính vốn không tịch.

Này Thiện nam tử! Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn nào thấy tất cả pháp, tính chẳng không, phải biết rằng người đó không phải là Sa Môn, Bà La Môn, người đó không tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được vào Đại Niết Bàn, chẳng được hiện tiền thấy Phật, Bồ Tát; người đó là quyến thuộc của ma.

Này Thiện nam tử! Tất cả các pháp tính nó vốn tự không, cũng do Bồ Tát tu tập không mà thấy các pháp là không.

Này Thiện nam tử! Như tất cả pháp vì tính nó vô thường nên diệt có thể diệt được. Nếu chẳng phải là vô thường thời diệt chẳng thể diệt được.

Pháp hữu vi, vì có sinh tướng nên sinh có thể sinh nó, vì có diệt tướng nên diệt có thể diệt nó. Các pháp vì có tướng khổ nên khổ có thể làm cho khổ?

Như tính muối là mặn nên có thể ướp mặn vật khác. Vì tính mật là ngọt nên có thể ướp ngọt vật khác. Vì tính giấm là chua nên có thể ướp chua vật khác. Vì tính gừng là cay nên có thể ướp cay vật khác. Vì A Lê Lặc đắng nên có thể ướp đắng vật khác. Vì trái Am La lạt nên có thể ướp lạt vật khác. Tính chất độc có thể làm hại, nên ướp vật khác thành độc có thể làm hại. Tính cam lộ làm cho người không chết, nếu đem hiệp với vật khác cũng có thể thành vị bất tử?

Bồ Tát tu không cũng như vậy. Vì tu không nên thấy tất cả pháp, tính của nó đều không tịch.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát lại bạch: “Thế Tôn! Nếu như muối có thể làm cho vật không phải mặn thành ra mặn. Tu không tam muội cũng như vậy, thời chính định này không lành, không diệu, tính cách điên đảo. Nếu không tam muội chỉ thấy không, không là không có pháp thời là thấy những gì?”

Phật bảo: “Này Thiện nam tử! Không tam muội này thấy nơi pháp chẳng phải không, mà có thể làm thành không tịch, nhưng vẫn chẳng phải là điên đảo. Như muối làm vật không mặn thành mặn. Cũng vậy, không tam muội làm pháp chẳng không thành không.

Này Thiện nam tử! Tham là tính có chẳng phải tính không. Nếu tham là tính không thời lẽ ra chúng sinh chẳng vì tham mà phải đọa địa ngục. Nếu bị đọa địa ngục, thời tham tính đâu phải là không!

Này Thiện nam tử! Sắc tính là có. Gì là sắc tính? Chính là điên đảo. Do điên đảo nên chúng sinh tham đắm. Nếu sắc tính chẳng phải điên đảo thời đâu có thể làm cho chúng sinh tham đắm! Vì sinh tham nên biết rằng sắc tính chẳng phải là không có. Do cớ trên đây nên tu không tam muội chẳng phải là điên đảo vậy.

Này Thiện nam tử! Tất cả phàm phu nếu thấy người nữ liền sinh tướng nữ.

Bồ Tát thời không như vậy, dầu thấy người nữ nhưng không sinh tướng nữ, vì không sinh tướng nữ nên không sinh tham; tham không sinh chẳng phải là điên đảo vậy.

Vì người đời thấy có người nữ, nên Bồ Tát tùy thuận nói có người nữ. Nếu lúc thấy người nam mà nói là nữ, thời là điên đảo.

Do đây nên Phật bảo Xa Đề rằng: Này Bà La Môn! Nếu cho ngày là đêm, thời là điên đảo. Cho đêm là ngày cũng là điên đảo.

Này Thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát trụ bậc cửu địa thấy pháp có tính, do đây nên không thấy Phật tính, nếu đã thấy Phật tính thời chẳng còn thấy tính tất cả pháp. Do tu tập không tam muội nên chẳng thấy pháp tính. Vì không thấy Pháp tính nên thấy Phật tính.

Chư Phật và Bồ Tát có hai thuyết: Một là có tính, hai là không tính.

Vì chúng sinh nên nói có Pháp tính, vì các bậc hiền thánh nên nói không Pháp tính.

Vì muốn người không thấy được pháp không, nên tu không tam muội khiến thấy được không. Người không thấy pháp tính cũng do tu không nên không. Do nghĩa này nên tu không thời thấy được không.

Này Thiện nam tử! Ông gạn rằng: Người thấy không đó, không là không có pháp thời thấy những gì?

Này Thiện nam tử! Đúng như vậy, Đại Bồ Tát thiệt không chỗ thấy, không chỗ thấy chính là không chỗ có, không chỗ có chính là tất cả pháp. Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn nơi tất cả pháp đều không chỗ thấy. Nếu có chỗ thấy thời không thấy Phật tính, không thể tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng được vào nơi Đại Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp, tính vô sở đắc.

Này Thiện nam tử! Bồ Tát chẳng những nhân tu tam muội mà thấy không, Bát Nhã Ba La Mật cũng không, thiền Ba La Mật cũng không, Tỳ Lê Gia Ba La Mật cũng không, Sằn Đề Ba La Mật cũng không, Thi La Ba La Mật cũng không, Đàn Ba La Mật cũng không, sắc cũng không, nhãn cũng không, thức cũng không, Như Lai cũng không, Đại Niết Bàn cũng không. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp đều là không.

Do đây nên lúc ở thành Ca Tỳ La, Phật bảo A Nan: Ông chớ sầu não khóc lóc! A Nan bạch: “Thế Tôn! Nay quyến thuộc của tôi đều bị giết chết cả, làm sao tôi không sầu não khóc lóc được! Như Lai cùng tôi đồng sinh trưởng tại thành này, đồng là thân thích của dòng Thích Ca, tại sao chỉ riêng có Như Lai là không sầu não, dung nhan lại tươi sáng như vậy?”.

Này A Nan! Ông thấy thành Ca Tỳ La là có thật, còn Phật thời thấy là không tịch trọn không chỗ có. Ông thấy dòng Thích Ca là thân thích, còn Phật vì tu không nên đều không chỗ thấy. Vì thế nên ông sinh lòng sầu khổ, còn dung nhan của Phật càng thêm tươi sáng.

Này Thiện nam tử! Vì chư Phật và Bồ Tát tu tập không tam muội như vậy nên chẳng sinh sầu não.

Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín.

Này Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười rốt sau cả?  

Bồ Tát tu tập ba mươi bảy phần trợ đạo vào Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh. Vì các chúng sinh phân biệt giải thuyết kinh Đại Niết Bàn hiển thị Phật tính.

Nếu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát tin lời trên đây thời được vào Đại Niết Bàn. Nếu người không tin thời luân hồi sinh tử.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Những chúng sinh nào ở trong kinh này chẳng sinh lòng cung kính?”.

Phật bảo: “Này Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết Bàn có hàng Thanh Văn đệ tử ngu si phá giới ưa sinh sự đấu tranh, bỏ mười hai bộ kinh, mà đi đọc tụng văn kệ sách vở của ngoại đạo, nhận chứa tất cả vật bất tịnh, nói rằng Phật cho phép. Những người ngu si này đem chiên đàn tốt đổi lấy gỗ tạp, đem vàng đổi lấy thau, đem bạc đổi lấy nhôm, hàng lụa đổi lấy bố gai, đem vị cam lộ đổi lấy chất độc.

Thế nào là chiên đàn đổi lấy gỗ tạp?

Như các đệ tử vì cúng dường mà thuyết kinh pháp cho hàng bạch y. Hàng bạch y phóng dật không thích nghe pháp. Bạch y ngồi cao, Tỳ Kheo ngồi thấp. Nhẫn đến đem những đồ ăn uống ngon để cung cấp mà họ vẫn chẳng bằng lòng nghe. Đây gọi là đem chiên đàn đổi lấy gỗ tạp.

Thế nào là đem vàng đổi lấy thau?

Thau là dụ cho sắc thanh, hương, vị, xúc năm dục trần, vàng là dụ cho giới. Đệ tử của ta vì sắc mà phá giới đã thọ. Đây là đem vàng đổi lấy thau.

Thế nào là đem bạc đổi lấy nhôm?

Bạc dụ cho thập thiện, nhôm dụ cho thập ác. Đệ tử của ta vất bỏ mười hạnh lành mà làm mười điều ác. Đây gọi là đem bạc đổi lấy nhôm vậy?

Thế nào là đem lụa đổi gai bố?

Gai bố dụ cho vô tàm vô quý. Lụa dụ cho tàm quý. Đệ tử của ta bỏ tàm quý quen tập vô tàm vô quý. Đây là đem lụa đổi gai vậy?

Thế nào là vị cam lồ đổi chất độc?

Chất độc dụ cho các thứ lợi dưỡng. Cam lồ dụ cho pháp vô lậu. Đệ tử của ta vì lợi dưỡng mà tự khen tự khoe với hàng bạch y rằng mình được vô lậu. Đây là cam lồ đổi chất độc.

Sau này kinh Đại Niết Bàn lưu hành ở Diêm Phù Đề, có các đệ tử Phật thọ trì, đọc tụng, biên chép, diễn thuyết sẽ bị các ác Tỳ Kheo đây giết hại.

Lúc đó các ác Tỳ Kheo nhóm họp nhau lập chế ước nghiệm rằng: Vị nào đọc tụng thọ trì, biên chép, diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn, đều chẳng được cùng ở, cùng ngồi, cùng đàm luận chuyện trò. Vì kinh Đại Niết Bàn chẳng phải của Phật nói, do người tà kiến tạo ra. Người tà kiến là lục sư, kinh điển của lục sư chẳng phải kinh điển của Phật. Vì tất cả chư Phật đều nói các pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nếu nói các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh thời đâu phải là kinh do Phật nói.

Chư Phật cho các đệ tử chứa các thứ vật, còn lục sư chẳng cho các đệ tử cất chứa tất cả vật. Nếu cấm chứa thời thế nào lại là lời của Phật?

Chư Phật chẳng cấm đệ tử dứt hẳn năm vị sữa bò và ăn thịt. Còn lục sư chẳng cho ăn năm thứ muối, năm thứ vị sữa bò và huyết mỡ. Nếu cấm những thứ này thời đâu phải là kinh điển chính của Phật!

Chư Phật nói ba thừa, mà kinh này thuần nói nhất thừa và Đại Niết Bàn, thời đâu gọi là kinh điển chính của Phật được!

Chư Phật rốt ráo nhập Niết Bàn, còn kinh này nói Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng nhập Niết Bàn.

Kinh này không ở trong số mười hai bộ, chính là ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết.

Này Thiện nam tử! Người như trên đây dầu là đệ tử Phật mà chẳng thể tin thuận kinh Đại Niết Bàn này.

Này Thiện nam tử! Trong thời kỳ như vậy, nếu có chúng sinh tin kinh điển này nhẫn đến nửa câu, phải biết rằng người này thiệt là đệ tử của Phật, do sự tin này mà thấy Phật tính nhập Đại Niết Bàn.

Cao Quý Đức Vương Bồ Tát nói: “Lành thay! Lành thay! Ngày nay đức Như Lai khéo khai thị kinh Đại Niết Bàn.

Thế Tôn! Tôi nhân việc này bèn được giải ngộ kinh Đại Niết Bàn một câu nửa câu. Do hiểu một câu đến nửa câu nên thấy chút phần Phật tính. Cứ như lời Phật nói, tôi cũng sẽ được vào Đại Niêt Nàn.

Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5777196
Số người trực tuyến: