Đông Đô: Sa Môn Viên Trạch | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đông Đô: Sa Môn Viên Trạch

Đông Đô: Sa Môn Viên Trạch

Sa Môn Viên Trạch ở chùa Huệ Lâm tại Đông Đô, rất thân với Lý Nguyên. Chùa Hệ Lâm vốn là nhà cũ của Nguyên. Cha Nguyên là Trùng, trấn thủ Đông Đô bị Lộc Sơn giết hại. Vì biến cố đó mà Nguyên không ra làm quan, thường ở trong chùa, suốt ngày cùng Trạch chuyện trò vui đùa. Bỗng một hôm nảy ra ý định đưa nhau đến chơi núi Nga My. Nguyên định từ Kim Châu đi đò ngược lên theo lối Vu Giáp mà tới. Còn Trạch thì muốn đi theo đường Tràng An qua Tà Cốc mà tới. Nguyên cho rằng đã lâu hai người đoạn tuyệt với việc đời nên không muốn vào chốn kinh sư (tức Trường An). Trạch không thể ép bèn phải theo đường Kinh Châu. Thuyền ngược tới đỗ ở bền Nam Phố, thấy một người đàn bà mặc quần áo gấm, mang vò xuống múc nước. Trạch nhìn thấy bèn khóc và nói rằng: “Sở dĩ tôi không muốn đi lối này chính là vì người đó”. Nguyên kinh ngạc hỏi nguyên do thì Trạch đáp: “ Người đàn bà này chửa đã ba năm nay mà vẫn chưa đẻ, là vì tôi đến làm con muộn. Tôi đã không gặp bà ta thì thôi, nay đã gặp rồi thì không còn trốn tránh vào đâu được! Ông nên dùng phù chú giúp cho tôi mau chóng được sinh ra. Ba ngày mong ông đến thăm, hẹn dùng một nụ cười để làm tin. Mười ba năm sau xin sẽ gặp lại ông ở chùa Thiên Trúc, Hàng Châu”. Nguyên buồn rầu, tắm rửa cho Trạch. Đến tối thì mất. Người đàn bà kia sinh nở được ba ngày, Nguyên đến thăm thì thằng bé thấy Nguyên nhoẻn miệng cười. Nguyên bèn kể lại đầu đuôi cho nhà đó nghe. Chôn cất Trạch xong, Nguyên quay về chùa cũ. Sau đúng hẹn, Nguyên từ Lạc Dương đến Hàng Châu để đến chỗ đã hẹn. Tới ngày đã hẹn, Nguyên nghe tiếng ở bên giếng Cát Hồng- có tiếng trẻ chăn trâu gõ sừng trâu mà hát rằng:

Tấm đá tam sinh có nhớ không?

Cùng nhau đàm đạo đã bao đông

Thân tuy thay đổi  hình không đổi

Tiếp bạn xa thăm những ngại ngùng.

Ba sinh trên đá tinh hồn cũ

Ngâm gió ngắm trăng chớ có bàn

Thẹn với người quen xa đến gặp

Thân này dẫu khác tính vẫn còn.

Nguyên hỏi: “Ngài Viên Trạch có được khoẻ không?”. Đáp: “Lý nhân quả là bậc tín sỹ, song duyên đời chưa hết nên chớ gần nhau. Hãy cứ siêng năng tu tập đừng có biếng nhác thì mới gặp nhau được”. Nói đoạn lại ca rằng:

Thân sau trước, chuyện mơ màng

Muốn nói nhân duyên, sợ đoạn tràng

Sông núi Việt Ngô tìm đã khắp

Hãy quay chèo ngược nẻo Cù Đường.

Thế rồi ẩn mất không gặp được. Nguyên lại trở về chùa Huệ Lâm. Tới những năm đầu niên hiệu Trùng Khánh, Nguyên đã tám mươi tuổi, vua Mục Tông còn hạ chiếu phong cho Nguyên làm chức Giám nghị đại phu, nhưng Nguyên không nhận, ít lâu sau thì mất.

Trạch Công biết trước được các việc trong ba kiếp, có lẽ Ngài là bậc thánh nhân đã chứng quả Tu Đà Hoàn, đã trải qua hết mức bảy lần sinh tử, hết được mọi phiền não, mọi lậu (hoặc), chứng được A La Hán, được quả vô sinh, vượt qua ba cõi không còn bị sinh tử nữa.

Nay đã được ba sinh vẫn còn ba bốn kiếp nữa, cho nên mới nói “thân trước thân sau” vì vẫn chưa tìm được chỗ thụ sinh cho nên mới nói là ‘tìm đã khắp”.

Nguyên chú:

Truyện trên trích từ sách Tông Thái.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5757146
Số người trực tuyến: