Tràng An: Đạo Tuyên Luật Sư | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Tràng An: Đạo Tuyên Luật Sư

Tràng An: Đạo Tuyên Luật Sư
 
Ngài Đạo Tuyên luật sư ở chùa Tây Minh tại Tràng An, đạo đức đáng được làm gương cho dân chúng. Sự nghiệp cao hơn cả những bộ hiền triết trong thế gian. Ngài đã tu hạnh, để trọn cả đời, tất bật cầu đạo dốc trí tu trì, biên tập bộ Nghi phạm gồm hơn hai trăm quyển, tổng kết các khuôn mẫu cao xa, gửi gắm những thông chỉ thâm diệu. Thời Trinh Quán, Ngài đã từng trong núi Vấn Thất ở Tấm bộ. Người ta thấy thiên đồng hầu hạ bên ngài. Ngài ở chùa Tây Minh, đang đêm đi đường, chân vấp phải bậc thềm phía trước, nhưng có người đỡ lấy, nên tuy bước hụt mà vô hại. Ngài quay lại nhìn kỹ, thì ra đó là một thiếu niên. Luật sư bèn hỏi: “Người làm thế nào mà đang đêm lại ở đây?” Người thiếu niên đáp: “ Đệ tử đây không phải là người thường mà chính là Na Tra con của Bắc phương Đa Văn Thiên Vương vậy! Để bảo vệ Phật pháp, cho nên từ lâu tôi vẫn giúp đỡ hộ trì Hoà Thượng”.
 
Luật sư bèn nói: “Bần đạo tu hành không dám phiền đến Thái tử. Thái tử uy thần tự tại. Vậy nếu Tây Vực có thứ gì có thể làm Phật sự được xin thái tử hãy đem đến giúp!”. Thái tử đáp: “Đệ tử đây có răng Phật Thích Ca, nâng niu đã lâu nhưng dù cho đến đầu mắt còn phải thí xả, bởi vậy dám đâu không hiến dâng Hoà Thượng răng Phật”. Nói đoạn liền trao răng Phật cho Luật sư. Luật sư bèn cất giữ cúng dàng. Thế rồi tới tháng hai năm Kiến phong thứ hai, khi Ngài đang ở chùa Tịnh Nghiệp phía Nam kinh thành để tĩnh dưỡng tu đạo, nhưng vì tuổi tác đã già, khí lực sắp suy nên ngài chỉ nghĩ đến tử sinh, lại nhớ tam hội, bỗng nhớ tới duyên xưa, được tiếp xúc với thần linh, bởi vậy khi mệnh thuyên giảm, Ngài liền ra sức cầu khấn và cuối cùng thì được linh ứng. Lúc bấy giờ thường có Tứ Thiên Vương đến hỏi thăm Ngài về việc mà Ngài đã kể rộng về chuyện bốn Phật thời hiền kiếp ra đời, cùng di tích Niết Bàn…Lại còn có Chư Thiên, có tôi tớ của Tứ Thiên Vương đến cửa buồng Luật sư, dường như có dáng người và có tiếng bước chân. Luật sư hỏi: “Đàn Việt ở nơi nào?” Đáp: “Là con thứ mười lăm của Nam Phương Thiên Vương. Thiên Vương vốn có chín mươi mốt người con đều là những bậc anh minh thần võ, mỗi người đều trị vì một đất nước. Vùng biển vùng đất mà họ cai quản đường sá đều được ngăn chia, bờ cõi tách bạch. Họ lại đích thân nhận lệnh của đức Phật, hộ trì thiện Pháp giúp cho Phật pháp lưu truyền ngày càng hưng thịnh. Họ đã lập nhiều công đức, thường xuyên bảo vệ Phật pháp, chứ chẳng phải là chỉ được bày đặt suông!”. Luật sư nói: “Đàn Việt đã ban cho công đức, nên mới đến thăm tôi. Vậy cớ sao tới ngưỡng cửa rồi mà vẫn không vào?”. Đáp: “Đệ tử chưa được phép của Luật sư nên chưa dám vào”. Vào rồi bèn kính lễ, phủ phục dưới toà. Hỏi: “Đàn Việt đã dốc lòng tin tưởng Tam bảo, đại mệnh đức Phật hộ trì Phật pháp, có lòng tốt đến thăm tôi. Vậy cớ sao không hiện nguyên hình lên?”. Đáp: “Báo thân của đệ tử khác với người, dáng vẻ lại kỳ dị, sẽ làm cho lòng người kinh sợ. Cho nên được nói chuyện với Luật sư, thế cũng đủ rồi. Chẳng cần phải hiện hình”. Hỏi: “Bần đạo từ độ sang xuân tới nay, khí lực dần suy yếu, thuốc thang đều vô hiệu không biết kỳ báo bệnh còn xa hay đã gần?”. Đáp: “Báo bệnh của Ngài sắp hết, đừng dùng thuốc thang làm gì nữa”. Hỏi: “Ngày nào sẽ hết?” Đáp:” Cần chi phải hỏi ngày giờ, chỉ biết chẳng bao lâu nữa Luật sư sẽ tận số và sẽ được sinh lên cõi Trời thứ tư chỗ đức Phật Di Lặc”.  Hỏi: “Cùng đi là ai?”. Đáp: “Là người anh thứ ba của đệ tử tên là Trương Dữ. Người anh này của tôi thông minh siêu ngộ, rất sùng tín đạo Phật, đã soạn bộ Kỳ Hoàn Đồ kinh hơn trăm quyển, có công rất lớn trên thiên cung không hề phải nghe đến chuyện địa phủ”. Luật sư được mách bảo như vậy, bèn nảy ra ý định sẽ mời người đến để khai ngộ cho mọi người Tăng cũng như tục.
 
Lại có một người Trời đến chỗ ở của Luật sư lễ phép chào hỏi và kể lể nỗi hàn huyên. Luật sư hỏi: “Đàn Việt ở nơi nào? Họ tên là gì?”. Đáp: “Đệ tử họ Vương tên Phồn, vốn làm quan Lan đài lệnh sử (tức quan viết sử - ND) của nước Đại Ngô, nay là sứ giả của Vi tướng quân dưới quyền Nam phương Thiên Vương. Vi tướng quân bận rất nhiều việc, phải bảo vệ Phật pháp ở ba châu. Hễ có việc tranh chấp nguy cơ ở nơi đâu, tướng quân thảy đều phải đến để hoà giải. Nay theo Hoà Thượng, ít lâu nữa sẽ tới”. Lại có một người Trời đến nói là họ La, vốn người ở đất Thục, nói tiếng Thục, giảng rộng về luật – tướng. Lúc mới gặp nhau thì làm theo lễ nghi thế gian, kể lể duyên do, rất là rành mạch. Lại một người Trời họ Phí đến kính lễ như các người trước và nói: “Thời Phật Ca Diếp, đệ tử sinh ở cõi Trời Sơ thiền, ở dưới trướng của Vi tướng quân. Chư thiên bị say đắm vì tham dục. Riêng đệ tử nhờ nguyện lực cũ, không màng tới thiên dục, giữ được phạn hạnh thanh tịnh, tôn trọng hết thảy mọi giới luật Tỳ Ni.
 
Vi tướng Quân giữ phạm hạnh đồng chân, không màng thiên dục. Dưới trướng mọi Thiên Vương có tám tướng quân. Bốn Thiên Vương có ba mươi hai tướng quân đi khắp bốn cõi thiên hạ, giúp đỡ bảo vệ những người xuất gia. Trong bốn cõi thiên hạ này, riêng vùng Bắc thiên là còn ít Phật pháp, còn ba cõi thiên hạ khác thì Phật pháp rất phát triển. Song có nhiều người phạm giới, ít người theo đúng được Phật pháp. Hai thiên hạ ở phía Đông và phía Tây ít người thông tuệ, còn bị nhiều phiền não, rất khó giáo hoá. Riêng vùng phương Nam tuy có nhiều người phạm tội, nhưng nếu giáo hoá cho họ để họ theo điều thiện thì tâm họ cũng được điều phục. Lúc đức Phật sắp nhập Niết bàn, đích thân Ngài có dặn lại là phải gìn giữ bảo vệ họ, cứ để phá giới như vậy thì còn biết lấy gì mà thực hành giáo pháp của ta nữa! Cho nên lời Phật dặn lại đâu dám chẳng tuân theo. Dẫu thấy họ phạm giới cũng thương xót mà giúp đỡ họ. Thấy họ làm được một việc thiện nào đó thì muôn lỗi lầm của họ đều không bắt tội, coi như cái vết trên hạt ngọc có thể quên đi và các sai trái cũ sẽ không còn nữa. Hơn nữa, mùi hôi thối trong loài người xông lên tới tận không giới, chư Thiên cách bốn mươi dặm thảy đều kinh tởm. Nhưng chỉ vì đã nhận sự phó chúc của đức Phật bắt phải bảo vệ Phật pháp và phải cùng ở với người. Vì vậy nên chư Thiên (tức là các Trời, các người Trời –ND) không dám không đến. Trong ba mươi hai vị tướng quân thì Vi tướng quân là người sốt sắng bảo vệ Phật pháp nhất. Có nhiều ma con, ma cái kinh khi trêu ghẹo các Tỳ Kheo đạo lực yếu kém và gây mê hoặc hỗn loạn. Vi tướng quân phải vội vàng chạy tới, rồi tuỳ cơ mà trừ diệt. Cho nên hễ có công việc gì, Vi tướng quân đều phải đến chỗ bốn vị Thiên Vương. Các Thiên Vương thấy thì đều đứng dậy. Vì Vi tướng quân tu hạnh đồng chân, hộ trì chính pháp. Cho nên đệ tử tính thích giới luật Tỳ ni mà Đức Phật Như Lai suốt đời chế định ra, đệ tử đều được nghe được thụ giới pháp ở trong tòa. Hỏi: “Phật đá Đa Bảo ở Thành Đô Ích Châu là tượng thời nào mà từ đất vọt ra?”. Đáp: “Nền cũ của Thục Đô ở trên núi Thanh Thành, Thành Đô ngày nay là đất Đại Hà. Xưa kia thời Phật Ca Diếp, có người ở vùng Tây Nhĩ Hà đã tạo ra tượng đó phỏng theo toàn bộ thân tượng của Phật Đa bảo. Phía Tây Bắc vùng này, cách Tuần Châu hơn hai ngàn dặm, hỏi đường tới Thiên Trúc chẳng bao xa, cho nên thường có người tới đó”.
 
Đến đời Tấn có vị Tăng đến đất này, thấy đống đất đùn lên bao nhiêu, đào đi bấy nhiêu mà cuối cùng vẫn không thể san bằng, sau thấy đất nứt ra bèn đào sâu hơn một trượng thì thấy một pho tượng và xương người ở trong thuyền. Bộ xương người này, các xương sọ, khủy tay, mắt cá đều to gấp nhiều lần người ngày nay. Đó là người Diêm Phù thời Phật Ca Diếp, người này thọ tới hai vạn tuổi. Ngày nay, kiếp giảm, mệnh đoản, người nhỏ, đó cũng là do cái lẽ vô thường đã xui nên thế, bởi vậy cũng chẳng có gì đáng lấy làm lạ cả. Lúc mới xuất thố, lôi ra rất khó, đệ tử phải hóa ra làm ông già vẫy tay làm phép một lát mới lôi ra được. Tới lúc nhà Chu tiêu diệt Phật pháp, bèn tạm ẩn. Tới lúc nhà Tùy dấy lên mới lại đưa Phật đá đó ra. Người Thục chỉ biết Phật đá linh dị từ đất mà ra, song không biết được nguồn gốc của tượng Phật này. Họ thấy ở chân bệ hoa của tượng có chữ Đa Bảo, cho nên gọi là Phật đá Đa Bảo”.
Lại hỏi: “Chữ Đa Bảo viết theo kiểu chữ Lệ, thứ chữ đó xuất hiện từ thời nhà Trần cũ cớ sao mà thời Phật Ca Diếp đã có được thứ chữ đó của nước này?”. Đáp: “Chữ Lệ của Lý Tư thời nhà Trần cũ, đó chính là thời cận đại kế thừa kiểu chữ Lệ từ thời xa xưa tức là thời Cổ Phật. Hiện nay bốn mặt năm châu có hơn một ngàn châu tô điểm cho một phương Diêm Phù, có hơn một trăm nước ngôn ngữ tự giống nước Đường ngày nay. Song vì đường biển xa xôi hàng chục mấy vạn dặm, phải qua bao lần phiên dịch nên không thể truyền tới được. Vì thế mới khiến cho riêng một phương này giữ được thứ chữ đó. Điều đó chẳng có gì là lạ cả. Luật sư há chẳng nghe nói hay sao? Cố Dã Vương thời Lương là quan Thái Phó nhà Thái Học. Sách Tự Nguyên của Chu Phỏng nói nguồn gốc của văn tự xuất hiện và mai một không có sự nhất định. Cho nên trong lời tựa sách này, Cố Vương đã nói: “Có người khai quật mộ của Thần Xuân Thuân, biết được minh văn đều là chữ Lệ. Xét về Thần Xuân Quân, thấy đó là chữ Lệ của nước này hãy còn có chỗ mông muội làm sao mà biết sự tích thời Phật Ca Diếp, bởi lẽ đó chẳng phải là những điều tai nghe mắt thấy của các nhà viết sử  nước này”. Lại hỏi: “Đài đất Cao Tứ ở phía Tây thành Tây Kinh ngày nay, tục truyền đó là đài mà Thương Hiệt ở đề tạo ra chữ. Vậy cớ sao lại nói rằng chữ Lệ ngay từ thời cổ cũng đã có rồi?”. Đáp: “Thương Hiệp đắp đất lên cho đài này thêm cao để xem dấu chân chim. Chuyện đó không phải là không có. Song về truyện Thương Hiệt thì ngay người ở đất này cũng hiếm có người biết được nguồn gốc, kẻ thì nói là bề tôi của hoàng đế, người thì nói là bậc đế vương thời xưa. Chữ phong dấu chim trải qua thời gian, biến hóa dường nào, nay chẳng còn nữa. Những lời vô ích chẳng cần thuật lại”.
 
Lại có một vị người Trời họ Lục tên Huyền Xướng đến yết kiến Luật sư và nói: “Đệ tử là người thời Chu Mục Vương sinh tại cõi Trời Sơ Thiền. Nguyên thời Phật Ca Diếp, người Trời phải có nhiệm vụ đi giáo hóa khắp nơi, cho nên thời Chu mới tạm thời xuất hiện. Điều Ngài hỏi về dải đất Cao Tứu thì vốn đó là nơi Phật Ca Diếp thuyết pháp độ nhân trong hội thứ ba. Tới thời Chu Mục Vương, Ngài Văn Thù, Mục Liên chính là những hóa nhân mà Liệt Tử đã nói đến. Các hóa nhân chỉ cho Mục Vương biết đài Cao Tứ là nơi Phật Ca Diếp thuyết pháp, nhân đó mà xây đạo tràng Tam hội. Tới thời Tần Mục Công ở Phù Phong bắt được một Phật đá, Mục Công không biết, đem vứt vào trong chuồng ngựa, làm ô uế tượng đó. Thần hộ vệ tượng đó nổi giận làm cho Mục Công bị ốm, Mục Công còn nằm mơ thấy Thượng Đề quở trách thậm tệ. Tỉnh dậy hỏi viên thị thần là Do Dư. Dư đáp: “Hạ thần nghe nói thời Chu Mục Vương tin, xây đài Trung Thiên ở núi Chung Nam, đài cao hơn ngàn thước, nền móng đến nay vẫn còn. Lại xây miếu thần ở chỗ đài Thượng Hiệt gọi là đạo tràng Tam hội. Nay nhà vua bị bệnh, há chẳng phải do Phật hành ư?”. Mục công nghe nói cả sợ, bèn nói với Do Dư rằng: “Mới đây, ta có  bắt được một tượng đá, áo mặc không phải như kiểu may mặc đời nay, ta đem vứt vào trong chuồng ngựa. Thế thì tượng này có lẽ là Phật chăng?”. Do Dư đi xem về tâu: “Đây đúng là tượng Phật đấy!”. Mục Công bèn đem tượng ra tắm rửa, rồi đặt ở chỗ thanh tịnh. Tượng liền tỏa hào quang. Mục Công lại hoảng sợ nói là: “Thần giận” và về làm cỗ tam sinh để tế. Các Thiên thần liền bưng quẳng ra xa. Mục Công lại hoảng, bèn hỏi Do Dư. Dư đáp: “Hạ thần nghe nói thần Phật thanh khiết, không dùng rượu thịt, yêu quý sinh mệnh vạn vật như gìn giữ một đứa con.
 
Mọi thứ cúng dàng chỉ là thắp hương mà thôi, mọi thứ tế chỉ dùng bánh, quả”. Mục Công cả mừng, định đúc tượng song không tìm được thợ. Bèn lại hỏi Do Dư. Dư đáp: “Bên chùa mà Mục Vương xây ngàn xưa chắc hẳn có thợ”. Thế là tìm được một cụ già trong thôn phái Nam đài Cao Tứ. Cụ già này họ Vương tên An, đã một trăm tám mươi tuổi cụ nói là: “Đã từng ở đạo tràng Tam hội, được thấy người ta làm tượng này. Nhưng nay tôi già rồi, không còn sức mà làm được nữa. Ở phía Bắc thôn tôi có bốn anh em đã từng ở đạo tràng giúp đỡ thời thuyền chấp tác. Xin bảo họ nhớ lại cùng làm”. Thế là bốn anh em kia theo lời làm thành một pho tượng đồng đẹp đẽ. Mục Công rất hài lòng, bèn thưởng rất hậu. Những người kia được của, bèn cùng nhau làm công đức, xây gác trông lên trên đài đất. Tất cả cao tới ba trăm thước cho nên người ta gọi là đài Cao Tứ vì bốn anh em người đó họ Cao, người anh cả tên là Tứ. Có người còn nói: “Gọi là đài Cao Tứ vì đài này do bốn anh em cùng dựng lên. Lại hỏi: “Ngài Mục Liên Xá Lợi Phất ngay lúc Phật tại thế cũng đã mất rồi, vậy làm sao mà còn thấy lại được nữa?”. Đáp: “Tên giống nhau có sáu người. Ngài Mục Liên này không phải là ngài Đại Mục Liên”.
 
Đức Thích Ca Như Lai độ cho ngài Đại Ca Diếp. Mười hai năm sau thì ngài Ca Diếp đến đài này, hiện dưới đài này vẫn còn xá lỵ của Phật Ca Diếp, Chu Mục Vương sang thăm Thiên Trúc, Phật bảo Mục Vương: “Ở vùng đó hiện còn tháp cổ, nên quay về mà lễ bái thờ cúng:’ Mục Vương hỏi:”Ở phương nào?”. Phật bảo: “Ở phía ĐôngNam Cảo Kinh”. Lại hỏi (ngài Đạo Tuyên hỏi): “Nay ở Ngũ Đài Sơn, cách Trung Đại ba mươi dặm về phía Đông Nam thấy có chùa Đại Phu Linh Thứu. Hai tòa nhà ở cách khe vẫn còn. Phía Nam có vườn hoa rộng chừng hai khoảng (tức là 200 mẫu Trung Quốc xưa- ND), bốn mùa đều nở hoa. Người thì bảo là do Hán Minh Đế lập ra là đúng sự thực?”. Đáp: “Chẳng những là do hai vua đó tạo tác, mà thời Chu Mục Vương xưa đã có Phật pháp, núi này cũng đã linh dị và là nơi ở của ngài Văn Thù, Chu Mục Vương đã xây chùa ở trong đó cúng dàng. Đến thời vua A Dục cũng lại xây tháp ở đó. Đầu đời Hán Minh Đế, pháp sư Ma  Đằng là vị A La Hán, thiên nhãn của Ngài cũng thấy có tháp, bèn xin vua xây chùa. Núi này hình dáng giống như núi Linh Thứu, tên gọi là Đại Phu. Phu có nghĩa là tin tưởng vậy. Bởi vì nhà vua tin tưởng sâu sắc vào Phật pháp, xây chùa để khuyến hóa mọi người. Nguyên Ngụy Hiến Văn Đế cách chỗ Bắc đài không xa, thường đến lễ bái, thấy dấu chân người ngựa rành rành trên đá. Chuyện này có thể chứng nghiệm được. Đâu phải chỉ riêng ở Ngũ Đài linh nghiệm, mà các danh sơn như núi Chung Nam, Thái Bạch, Thái Hoa, Ngũ Nhạc cũng đều có các Thánh nhân ở để trụ trì Phật pháp để cho Phật trụ được lâu. Người nào cúng dàng, các Ngài đều linh ứng đến mà thụ hưởng. Chuyện này nói ở thiên khác cho nên không kể lể rườm rà”. Hỏi: Pháp sư La Thập, kinh do Ngài dịch cả một đời, cớ sao người ta phần nhiều lại cứ thích thụ trì lưu truyền?”. Đáp: “Ngài La Thập là bậc thông minh giỏi về Đại Thừa. Các người cùng dịch kinh một thời với Ngài cũng đều là bậc tài giỏi.
 
Hơn nữa đều là của báu một đời. Song ngài La Thập là bậc không tiền khoáng hậu, những bậc khác dù có cố theo cũng chẳng thể nào theo kịp, cho nên các bản dịch của Ngài lấy sự ngộ đạt La Thập vào bậc tam hiền, mọi sự thông hóa, chẳng cần bổ khuyết. Ngài đã tùy cơ mà làm. Cho nên một bộ Đại luận mười phần được chín, các kinh luận khác cũng đều dịch theo lệ đó. Còn sách Minh Tường Cảm ứng của Ngài lâu đời càng mới, thể hội sâu sắc ý chỉ của Thánh nhân, quả là thứ sách hiếm có khó gặp lại được sự chỉ giáo của Ngài Văn Thù bảo phải san định, nên sách này đặc biệt với các luật thông thường”. Lại hỏi: “Nói về sự cảm ứng ở cõi u minh, thế gian thường cho là thần hồn đã đi thì hình hài cũng nát, vậy cớ sao mà vẫn còn trở lại được. Có khi lâu tới bảy ngày mà vẫn như lúc sống không khác?”. Đáp: “Con người bẩm thụ bảy thức, mỗi thức đều có thần, tâm thức là chủ, chủ tuy đi trước, nhưng vẫn còn có các thần khác coi giữ, chẳng có gì là lạ cả”.
 
Trong năm giới, mỗi giới năm thần, năm giới thì có hai mươi vị thần. Một giới bị phá, năm thần sẽ đi. Các thần khác vẫn còn đấy. Nếu là bậc đại tăng thụ giới thì phải thụ hai trăm năm mươi giới, trong mọi giới cũng đều có thần, cảm được đủ hai trăm năm mươi giới để hộ vệ cho Tỳ kheo. Nếu phá một giới nào thì hai trăm năm mươi thần sẽ bỏ đi, còn các thần khác còn lại luôn luôn đi theo (giới khác cũng phá theo). Thế là nhờ những lời bảo ban linh thiêng đó, mặc dầu đang ốm, Luật sư vẫn cố gượng cầm bút, nghe đến đâu ghi lại đến đấy, gộp thành mười quyển. Luật sư lo nỗi báo thân sắp hết, lại sợ người Trời sắp sửa về trời, nên phải viết vội, phó mặc mọi công việc khác, cho nên văn tự cũng chỉ sơ lược, chỉ cốt sao diễn đạt được ý tứ của Thánh nhân, không cần văn vẻ, tai mắt dẫu mỏi, song tinh thần vẫn không thấy mệt mỏi, chỉ giận nỗi biết không được sớm, nay cứ theo người Trời nói lại, nếu không trái với giáo chỉ của ba tạng kinh điển thì Luật sư đều ghi chép lại. Tuy đó là những điều được người Trời truyền thụ song vẫn đúng với thuyết của Phật, bắt đầu từ tháng hai cho đến tháng sáu, ngày nào người Trời cũng đến truyền thụ, không lúc nào rảnh. Tới đầu mùa Đông, vào ngày mồng ba tháng mười, Luật sư khí lực yếu dần. Lúc đó hương phướn rợp trời, thiên nhân Thánh chúng từ cõi Trời Đâu Suất kéo xuống đồng thanh thỉnh Luật sư. Luật sư ngồi ngay ngắn, nhất tâm chắp tay, nghiêm trang mà mất. Lúc Ngài lâm chung, hàng hơn trăm người vừa Tăng, vừa tục đều trông thấy hương hoa đến rước Ngài bay lên không trung v.v…
 
Nguyên chú:
  1. Truyện có xuất xứ từ các sách Pháp Uyển và Cao Tăng truyện. Ngoài truyện này ra, các sách nói trên còn chép đủ các truyện về muông thú, Tăng tục được sinh lên cõi Trời.
     
  2. Chân Võ là thần phương Bắc. Hay đạo sỹ lại để Na Tra đã được nói đến trong kinh Luận và trong tập Đâu Suất. Quy kính làm thái tử mang xương đầu la đứng canh Chân Võ thì quả chẳng còn có tội gì lớn cho bằng.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 5770962
Số người trực tuyến: